Thấy gì từ sự trở lại bất ngờ của Microsoft Surface?
Gần như tất cả mọi người đều đã quên đi sự trỗi dậy thần kỳ của Surface. Ấy vậy mà trong một quý kinh doanh vừa vướng phải scandal, vừa không có sản phẩm chủ đạo ngoại trừ một chiếc laptop cấu hình cao giá đắt (và chạy Windows 10 S), Surface vẫn bứt phá để trở lại là mảng kinh doanh tỷ đô của Microsoft.
Cho đến tận đầu tuần này, nếu hỏi bất cứ một nhà phân tích tài chính nào về tình hình của Surface thì có lẽ bạn đều sẽ nhận được câu trả lời là "Mờ nhạt". Không phải là "thất vọng" hay "rực rỡ", mà là "mờ nhạt".
Bởi cho đến trước khi Microsoft công bố kết quả kinh doanh quý trước, mọi chuyện với Surface đều có thể coi là chuyện đã rồi. Surface không phải là một sản phẩm thất bại, trái lại, những chiếc tablet/laptop này đã từng gây sốc cho toàn bộ thế giới công nghiệp khi vượt qua thất bại của RT để vươn lên trở thành một mảng kinh doanh tỷ đô. Nhưng câu chuyện phép màu cũng đã kết thúc từ lâu: từ 2015 tới nay, Microsoft đã nhiều lần phải chứng kiến doanh thu Surface sụt giảm.
Đến quý 2 vừa qua, mọi chuyện thậm chí còn trở nên khó khăn gấp bội. Lần đầu tiên trong một thời gian dài, Microsoft ra mắt một danh mục Surface mới với tên gọi Surface Laptop. Điều đáng nói? Surface Laptop có giá rất cao trên cấu hình rất thấp và thậm chí còn bị cài đặt hệ điều hành "què cụt" Windows 10 S (Microsoft cho phép nâng cấp miễn phí lên Windows 10 trong một thời gian, sau đó sẽ tính phí 50 USD).
Tiếp đến, Surface liên tiếp gặp phải những lời phàn nàn về chất lượng. Tạp chí nổi tiếng Consumer Reports còn hạ bậc đánh giá Surface (bao gồm cả chiếc Surface Book 2 mới ra mắt). Có tờ báo đồn đại Microsoft sẽ từ bỏ Surface – một ý tưởng không hẳn là quá vô lý, bởi Microsoft đã làm tròn nhiệm vụ "phần cứng mẫu" với một loạt Surface cao cấp ra mắt trong những năm qua.
Thế rồi, quý tài chính kết thúc với kết quả bất ngờ: doanh thu Surface tăng tới 12% để đạt ngưỡng 1,04 tỷ USD. Bên trong bất ngờ lớn này là một bất ngờ "nhỏ" hơn: Surface Laptop đóng phần quan trọng giúp tổng doanh thu Surface tăng trưởng.
Tin đồn khai tử Surface đã bị dập tắt từ lâu. Một số nguồn tin còn khẳng định Microsoft đang chuẩn bị ra mắt một chiếc Surface gập siêu mỏng để nối tiếp dự án Courier ngày nào. Dĩ nhiên, đây có thể là một tin đồn sai sự thật giống như tin "khai tử", song các fan của Microsoft vẫn có đầy đủ lý do để mong chờ một chiếc Surface Foldable: từ 2016, gã khổng lồ phần mềm đã bắt tay với LG để sản xuất OLED gập.
Vậy, thành công bất ngờ của Surface có ý nghĩa gì? Thứ nhất, có thể nhận ra rằng lượng người dùng Windows không quan tâm đến cấu hình là không hề nhỏ. Chiếc Surface Laptop cũng chỉ khởi điểm từ chip 2 nhân và 4GB RAM nhưng lại được bán ở cùng một đẳng cấp giá với MacBook. Ở mức giá này, người dùng bỏ tiền ra để được sở hữu thiết kế và thương hiệu.
Thứ hai, rõ ràng Surface đã trở thành khuôn mặt đại diện cho Windows. Dù gặp phải nhiều sự cố về chất lượng nhưng khi nhắc đến khái niệm laptop Windows cao cấp, người dùng vẫn sẽ nghĩ đến thương hiệu Surface trước tiên.
Cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất, Microsoft đang thực sự nghiêm túc với Surface. Cách Microsoft đang theo đuổi Surface giống với cách Google thực hiện chương trình Pixel hơn là Nexus. Gã khổng lồ phần mềm không còn muốn tạo ra những thiết bị nhàm chán để các đối tác có thể học hỏi và hạ giá hoặc cải tiến, thay vào đó đang tạo ra những tuyên ngôn phần cứng hết sức mạnh mẽ.
Lớp vải Alcantara trên Surface Laptop khớp nối Zero-Gravity Hinge trên Surface Studio hay card màn hình GTX 1060 trong bàn phím của Surface Book 2 là những tuyên ngôn như vậy. Microsoft không chỉ muốn cạnh tranh trực diện với Apple mà còn cả Dell, Lenovo hay HP nữa. Microsoft đã nhận ra sự thật rất rõ ràng rằng Surface đại diện cho Windows, và những tín đồ trung thành, dư dả tiền bạc của Windows sẵn sàng bỏ hàng nghìn đô la ra để sở hữu thương hiệu Windows cao cấp nhất.
Chính bởi lẽ này mà Surface lên ngôi. Xin được chúc mừng Satya Nadella: dưới tài lãnh đạo của ông, Microsoft đã mở thêm được một lĩnh vực kinh doanh rất đáng gờm!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"