Thiên thạch rơi xuống và giết chết khủng long - điều gì đã thực sự xảy ra?

    PV,  

    Không chỉ hủy diệt khủng long, mảnh thiên thạch khổng lồ còn để lại nhiều hậu quả nặng nề cho Trái đất.

    Có một giả thuyết được đặt ra rằng, cách đây hơn 60 triệu năm, một mảnh thiên thạch khổng lồ đã va chạm mạnh với bề mặt Trái đất. Sự va chạm này đã tạo ra một vụ nổ lớn và là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới sự diệt vong của loài khủng long .

    Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng hậu quả của vụ va chạm này còn kinh khủng hơn thế. Thiên nhiên và hệ sinh thái trên Trái đất bị hủy hoại nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn.

    Vụ va chạm đục một lỗ lõm sâu trên "mặt" Trái đất

    Vào giai đoạn khoảng cuối thế kỷ 20, các nhà địa chất học tìm thấy một chiếc hố kỳ lạ ở Mexico. Một nửa chiếc hố nằm trên bán đảo Yucatan, nửa còn lại chìm trong nước biển.

    Chiếc hố này được đặt tên là Hố Chicxulub, dựa theo tên một thành phố nằm gần khu vực này.

    Chiếc hố này có đường kính khoảng 180km. Nhận thấy cấu tạo kỳ lạ của hố Chicxulub, vào năm 2016 các nhà khoa học quyết định nghiên cứu những mẫu đất nằm trong lòng chiếc hố này.

    Với kích thước của miệng hố, các nhà khoa học có thể tính toán được năng lượng, cùng khối lượng và kích thước của vật thể đã va chạm với Trái đất. Theo dự đoán, "tác giả" của chiếc hố này là một mảnh thiên thạch có đường kính ít nhất là 10.000m.

    Theo như tính toán, mảnh thiên thạch di chuyển với tốc độ gấp 40 lần vận tốc âm thanh, tạo ra một vụ nổ với sức công phá tương đương 100 nghìn tỉ tấn thuốc nổ TNT, và mạnh tương đương khoảng 7 tỷ lần một quả bom nguyên tử.

    Vụ nổ tạo ra một làn sóng xung kích lớn, kéo theo những cơn sóng thần có độ cao từ 100-300 mét đánh mạnh vào bờ biển Mexico.

    Tiếp theo đó, một cơn địa chấn độ 10 làm rung chuyển mặt đất và kèm theo đó là một trận mưa của những tảng đá trút xuống từ trên cao.

    Dù khủng khiếp là vậy nhưng vụ va chạm chỉ trực tiếp gây ra thiệt hại cho khu vực xung quanh nó. Còn hậu quả sau đó mới là thủ phạm tận diệt khủng long.

    Trái đất trở thành một lò nướng đúng nghĩa

    Vụ va chạm khủng khiếp đã làm một lượng lớn bụi, đất đá bị văng lên cao. Lượng đất đá này bay lên tới tận bầu khí quyển, ngưng tụ lại thành những đám mây bụi khổng lồ.

    Đám mây này lan rộng khắp bầu khí quyển, nhanh chóng bao phủ bề mặt của Trái Đất. Sau đó, kết hợp với lực hấp dẫn trên Trái đất, lượng bụi khổng lồ này rơi xuống mặt đất dưới dạng những cơn mưa lớn.

    Hàng nghìn tỉ hạt bụi nhanh chóng lao xuống mặt đất với tốc độ của một tàu con thoi vũ trụ, ma sát mạnh với khí quyển để tạo ra một bầu không khí nóng khủng khiếp. Sức nóng này đã khiến cho cây cối và mặt đất nhiều nơi bị bốc cháy.

    Trái đất lúc này giống như một chiếc lò nướng khổng lồ. Mọi thứ trên hành tinh đều bị nướng rụi.

    Những loài động vật to lớn chính là nạn nhân tội nghiệp nhất sau thảm hoạ này. Chúng phải chịu từng cơn gió nóng xuyên qua từng thớ thịt, những cơn sóng thần ập vào bờ cuốn phăng mọi thứ, hay những cơn địa chấn tạo ra những trận đá lở kinh hoàng,…

    Không những vậy, cơn bão nhiệt còn quét sạch mọi nguồn thức ăn, và gây ra những trận mưa axit làm ô nhiễm nguồn nước uống.

    Sau khi bão tan, lúc này Trái đất lại ngập chìm trong khói bụi. Những lớp bụi dày đặc đã che kín ánh sáng Mặt trời, và hậu quả là nhiều loài cây đã bị huỷ diệt vì không thể quang hợp.

    Các dữ liệu hóa thạch cho thấy rằng không có loài vật nào lớn hơn một con gấu trúc sống sót. Các loài kích thước nhỏ có nhiều khả năng để tồn tại hơn bởi chúng có nhu cầu ăn ít hơn, có thể tái tạo và khả năng thích ứng với môi trường sống nhanh hơn.

    Theo Kênh 14 / Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày