Tiến lên 4G, nhà mạng đối mặt với nhiều thách thức về bảo mật thông tin người dùng

    PV,  

    Theo ông Park Jong Hyun, Tổng Giám đốc DASAN Networks Solutions Việt Nam, 4G là cuộc cách mạng mở đường cho sự phát triển của các dịch vụ kết nối thiết bị cá nhân lên mạng công cộng, do đó, thách thức lớn được đặt ra với các nhà mạng là phải đảm bảo bảo mật thông tin người dùng ở mức cao nhất.

    DASAN Networks Solutions (DASAN) và Zhone Technologies, hai công ty chuyên cung cấp các thiết bị và giải pháp mạng viễn thông hàng đầu Hàn Quốc và Mỹ vừa đi đến quyết định hợp nhất để trở thành DASAN Zhone Solutions, có trụ sở tại Mỹ. ICTnews đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc DASAN Việt Nam, ông Park Jong Hyun xoay quanh sự kiện này.

    Thưa ông, được biết DASAN là tập đoàn đã có 20 năm kinh nghiệm cung cấp các thiết bị mạng viễn thông tại Hàn Quốc và trên thế giới. Vậy, tại sao DASAN lại có quyết định hợp nhất với Zhone Technologies?

    Tiền thân là một công ty cung cấp các thiết bị mạng viễn thông tại Hàn Quốc có trụ sở tại Silicon Valley California Mỹ với 7 chi nhánh trên thế giới, DASAN được đánh giá là nhà cung cấp số 1 các thiết bị cho các nhà mạng lớn tại Hàn Quốc là LG , KT hay SK.

    Ngoài ra, DASAN cũng nhận được sự tin tưởng của nhiều nhà mạng trên thế giới như Soft Bank Broadband của Nhật, Chunghwa Telecom của Đài Loan hay Viettel của Việt Nam.

    Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết bị mạng, DASAN muốn mở rộng phát triển kinh doanh không chỉ ở thị trường Châu Á mà đặc biệt là chinh phục các thị trường khó tính Châu Âu, nơi mà các quy định về bảo mật và an toàn thông tin luôn được đặt lên hàng đầu.

    Tổng Giám đốc DASAN Việt Nam, ông Park Jong Hyun.
    Tổng Giám đốc DASAN Việt Nam, ông Park Jong Hyun.

    DASAN tại Việt Nam mới chuyển đổi mô hình từ văn phòng đại diện thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Với bước chuyển mình này, công ty có những chiến lược gì trong thời gian tới để phát triển tại Việt Nam?

    Thực ra DASAN vào Việt Nam lần đầu tiên khi thiết lập trung tâm R&D năm 2011. Ở thời điểm đó, chúng tôi tập trung cho R&D. Trong 3 trung tâm R&D của DASAN trên thế giới, các kỹ sư Việt Nam là những người có năng lực nhất, luôn có tinh thần học hỏi những kiến thức mới. Tuy nhiên, nhân lực của Việt Nam lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn về điện tử viễn thông.

    Ngoài ra, thị trường tuyển dụng cũng không có nhiều lựa chọn cho lĩnh vực này. Do đó, chúng tôi cũng rất khó khăn khi tìm kiếm những kỹ sư đạt tiêu chuẩn của DASAN. Tuy nhiên chỉ sau 3 năm đào tạo, nhiều người đã trở thành những nhân lực dày dặn kinh nghiệm, thậm chí còn có năng lực cao hơn các kỹ sư ở Trung Quốc và Ấn Độ.

    Hiện tại, DASAN Việt Nam có 50 người. Dự kiến cuối năm 2016, nhân sự R&D của DASAN Việt Nam sẽ tăng gấp đôi.

    Sau một thời gian nghiên cứu tại thị trường Việt Nam, DASAN cũng nhận thấy ngay cả các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cũng thiếu kinh nghiệm và khá “vất vả” trong việc bắt nhịp với xu hướng phát triển công nghệ viễn thông trên thế giới.

    Hàn Quốc từ lâu đã được đánh giá là một trong rất ít quốc gia có công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Do đó, DASAN muốn được giúp Việt Nam, không chỉ về lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo các sinh viên và giảng viên công nghệ viễn thông mà cả phát triển kinh doanh, giúp các nhà viễn thông Việt Nam triển khai thành công 4G, 5G và công nghệ IoT.

    Cụ thể hơn, trong thời gian tới, DASAN sẽ chia sẻ những kinh nghiệm triển khai thực tiễn thành công tại các nhà mạng trên thế giới để các doanh nghiệp nghiên cứu, học tập và rút ngắn lộ trình sao cho phù hợp với cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

    Trong lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là trước sự phát triển mạnh mẽ của 4G, vấn đề bảo mật thông tin cũng như các mối lo ngại trước các nguy cơ an ninh đang được nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam đặt ra. Quan điểm của DASAN về vấn đề này như thế nào?

    Tại Hàn Quốc, chính phủ có những quy định rõ ràng về các thông số kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế mà các nhà cung cấp thiết bị mạng phải đạt được, ví dụ chứng chỉ ISO 27001, ISO 9001, chứng chỉ FCC (Federal Communications Commission); chứng chỉ MEF (Metro Ethernet Forum), chứng chỉ BBF.247 cho GPON...

    Trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia đã phát triển như Mỹ, các doanh nghiệp kinh doanh các thiết bị viễn thông đều bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cũng như phải vượt qua các cuộc kiểm tra sản phẩm nghiêm ngặt.

    Không chỉ dừng ở đó, họ luôn kịp thời đưa ra các cảnh báo và khuyến cáo cho các doanh nghiệp trước bất kỳ một mối đe dọa tiềm tàng nào. Gần đây nhất, Hạ viện Mỹ đã đưa ra 5 khuyến nghị cho doanh nghiệp Mỹ, trong đó cảnh báo họ cần cân nhắc khi sử dụng các thiết bị mạng từ một số nhà cung cấp nước ngoài.

    Tôi được biết Bộ TT&TT Việt Nam hiện đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

    Do đó, DASAN thiết nghĩ không chỉ Bộ TT&TT Việt Nam mà các nhà cung cấp dịch vụ nên tham khảo và học hỏi từ các quốc gia đã phát triển để có thể đề xuất chính phủ những quy định phù hợp.

    Riêng với câu chuyện tiến lên 4G tại Việt Nam, ông có lưu ý gì đối với các doanh nghiệp viễn thông?

    Tại Việt Nam, công nghệ viễn thông như 4G đang đi sau so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Trong khi một số nước đã triển khai thành công 5G thì Việt Nam vẫn còn đang rậm rịch 4G.

    Để có thể triển khai 4G thành công, các nhà mạng cần lưu ý hai yếu tố chính là chi phí đầu tư và bảo mật thông tin.

    Xét về mặt chi phí, khi đầu tư 4G, các nhà mạng cần biết tận dụng và tiết kiệm nguồn lực vì hiện nay hầu hết các nhà mạng tại Việt Nam chưa khấu hao hết các khoản đầu tư cho 3G.

    Bên cạnh đó, 4G có thể coi là một cuộc cách mạng mở đường cho sự phát triển của các dịch vụ kết nối thiết bị cá nhân lên mạng công cộng. Điều đó có nghĩa là các nhà mạng phải đảm bảo được mức độ bảo mật thông tin người dùng cao nhất cũng như phải sử dụng các thiết bị uy tín.

    Xin cảm ơn ông!

    Theo ICTNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày