Tim Cook lên tiếng về vụ scandal Facebook, ủng hộ các quy chế về bảo mật dữ liệu

    Tấn Minh,  

    Mark Zuckerberg và đứa con cưng Facebook tiếp tục là mục tiêu của búa rìu dư luận sau scandal thu thập dữ liệu người dùng Cambridge Analytica, với giá cổ phiếu của gã khổng lồ mạng xã hội sụt thê thảm hơn 13% trong tuần này.

    Vụ việc mới đây của Facebook có tính chất nghiêm trọng đến mức một số "đồng nghiệp" trong cùng lĩnh vực công nghệ đã nhân phút bối rối của Mark Zuckerberg để chỉ trích, đổ thêm dầu vào lửa. CEO Tesla và SpaceX - Elon Musk - đã công khai xóa bỏ các tài khoản Facebook của hai công ty do mình sáng lập, dù không rõ động thái này là vĩnh viễn hay chỉ tạm thời để trêu ngươi Zuckerberg, sau khi hai bên lời qua tiếng lại về vệ tinh của Facebook mà SpaceX làm nổ tung cách đây không lâu. Hôm nay, đến lượt CEO Apple - Tim Cook - người đứng đầu một thương hiệu vốn trước nay nổi tiếng về bảo mật, đã lên tiếng rằng Facebook cần phải bị điều chỉnh.

    Theo đó, khi đang dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm thứ Bảy vừa qua, Tim Cook phát biểu rằng ông tin tình hình đang rất "nghiêm trọng", và những hành động nghiêm khắc cần phải được thực hiện.

    "Tôi nghĩ tình hình này đang rất nghiêm trọng và lớn đến nỗi có lẽ chúng ta cần phải đưa ra những quy chế nghiêm khắc" - Tim Cook trả lời khi được hỏi liệu việc sử dụng dữ liệu có nên bị giới hạn hay không - "Việc ai đó biết được bạn đang xem gì trên mạng trong nhiều năm trời, bạn đang liên lạc với ai, những người đó đang liên lạc với ai, bạn thích và không thích gì, và mọi tiểu tiết nhạy cảm trong cuộc đời của bạn - theo quan điểm của tôi - là không được phép tồn tại".

     Mark Zuckerberg và Tim Cook

    Mark Zuckerberg và Tim Cook

    Ông nói thêm rằng:

    "Chúng tôi đã lo lắng trong nhiều năm trời rằng mọi người ở nhiều quốc gia khác nhau đã và đang 'biếu không' dữ liệu mà không hiểu rõ họ đang làm gì và rằng, những hồ sơ cực kỳ chi tiết về chính họ đã được lập nên, mà một ngày, khi có chuyện gì đó xảy ra, người ta sẽ cảm thấy cực kỳ tức giận về những thứ đã được làm mà không qua ý kiến của mình"

    "Không may là tiên đoán ấy đã thành sự thực, và không chỉ một lần".

    Rõ ràng, Tim Cook có nhiều ý đồ khi phát biểu như vậy. Lượng dữ liệu mà Facebook đã thu thập về người dùng của mình là cực lớn. Mạng xã hội này luôn tìm cách đưa ra những lý do rất hợp lý để khiến người dùng "tự nguyện" cung cấp ngày càng nhiều hơn các thông tin cá nhân của họ - để rồi những dữ liệu này lại đang nằm trong tay những công ty quảng cáo lớn trên Facebook. Vài tháng trước, mạng xã hội này còn thử nghiệm một tính năng mới lướt qua trông khá "vô tội" mang tên "Did You Know", nhưng khi nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy đây rõ ràng là một bài test của Facebook để xem họ có thể "ngụy trang" việc tra hỏi người dùng về những câu hỏi riêng tư dưới hình thức một trò chơi vui nhộn trong bao lâu. Và hiện tại, sau scandal này, người ta còn bỏ ngỏ một câu hỏi: Cambridge Analytica có thực sự là công ty duy nhất hưởng lợi từ lượng dữ liệu người dùng khổng lồ của Facebook, hay nó chỉ là phần nổi của cả một tảng băng chìm hay không?

    Trong bài phỏng vấn với CNN mới đây nhất, ngay cả Zuckerberg còn thú nhận rằng có lẽ Facebook nên bị điều chỉnh bởi một số quy chế. Nhưng Tim Cook có lẽ muốn một thứ gì đó nghiêm khắc hơn, như thắt chặt những yêu cầu về tính minh bạch và tăng cường thông qua ý kiến người dùng. Tất nhiên, cùng là thành viên của một nhóm các công ty "siêu giàu", Tim Cook không thể nào kêu gọi xóa bỏ Facebook như nhiều tổ chức và cá nhân khác. Thậm chí người ta còn cho rằng những lời nói của Facebook có phần không thành thật, khi mà Apple lại sẵn sàng chơi theo luật của chính quyền Trung Quốc nhằm tìm kiếm chỗ đứng tại thị trường nước này.

    Tham khảo: Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ