Bê bối gian lận khí thải của Volkswagen bao trùm lên nước Đức

    PV,  

    Các nhà phân tích kinh tế cảnh bảo, gian lận khí thải của Volkswagen có thể sẽ gây ảnh hưởng và đe dọa đến nền kinh tế Đức hơn cả khủng hoảng ở Hy Lạp.

     Thủ tưởng Đức Angela Merkel ngồi trên một chiếc xe VW trong một triển lãm xe

    Thủ tưởng Đức Angela Merkel ngồi trên một chiếc xe VW trong một triển lãm xe

    Volkswage vừa dính phải vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử xe hơi Đức. Vụ việc xảy ra khi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) phanh phui gian lận của Volkswage (VW) khi hãng này thiết kế ra một phần mềm để đánh lừa các biện pháp đo lường khí thải trên các dòng xe chạy dầu diesel của mình.

    Qua kiểm tra, EPA cho biết, những chiếc xe sử dụng nhiên liệu diesel của VW và Audi sử dụng một phần mềm đặc biệt giúp các xe này bật hết công suất hệ thống kiểm soát khí thải mỗi khi bị kiểm tra và tự động tắt đi khi xe chạy trong điều kiện bình thường. Do vậy, xe sẽ thải ra liều lượng khí thải cao hơn từ 10 đến 40 lần mức cho phép theo quy định khị chạy ở điều kiện bình thường.

    Khi vụ việc này vỡ lở, ngày 20/9, Martin Winterkorn, Gám đốc điều hành thương hiệu Volkswagen đã phải trực tiếp đứng ra xin lỗi khi hãng này vi phạm các quy định của cơ quan quản lý và làm mất lòng tin của nhiều khách hàng. Martin Winterkorn cũng đã phải trả giá cho scandal này khi ông buộc phải từ chức vào ngày hôm qua, 23/9.

    Nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng, tác động của vụ bê bối này sẽ khiến nền kinh tế Đức, vốn được xem là nền kinh tế mạnh trong cộng đồng châu Âu có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự việc của Volkswagen có thể là mối đe dọa và trở thành nhược điểm đối với nền kinh tế Đức. Thậm chí, có thể khiến nền kinh tế này khủng hoảng hơn cả cuộc khủng khoảng nợ công của Hy Lạp vừa trải qua. Carsten Brzeski, người đứng đầu khối kinh tế ING nói qua một cuộc phỏng vấn với Reuters.

    Nếu doanh số bán hàng của Volkswagen sụt giảm mạnh ở Bắc Mỹ trong tháng tới, điều này sẽ không chỉ tác động đến riêng thương hiệu này mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế Đức. Năm ngoài, Volkswagen bán ra 9,5 triệu xe trên toàn cầu. Riêng thị trường Mỹ tiêu thụ gần 600.000 chiếc, chiếm khoảng 6% doanh số toàn cầu của hãng.

    Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ cho biết, hãng này cũng đối mặt với án phạt 18 tỷ USD, nhiều hơn so với toàn bộ lợi nhuận mà hãng này đạt được trong toàn bộ năm vừa qua. Tuy nhiên, con số này không dừng ở đó. Bởi đe dọa lớn nhất mà bê bối này gây ảnh hưởng là sẽ gây ra tình trạng cắt giảm việc làm tại Đức.

    Năm 2014, gần 775.000 người làm trong ngành ô tô của Đức, chiếm 2% lực lượng lao động tại quốc gia này. Còn Volkswagen, thương hiệu được xem là lớn nhất trong số các nhà sản xuất xe hơi của Đức cũng đang có hơn 270.000 công nhân làm việc trong các nhà máy sản xuất tại Đức. Và lượng nhân công làm việc cho hãng này còn lớn hơn trong các công ty đối tác.

    Mối quan tâm lớn hơn của chính phủ Đức hiện nay là các nhà sản xuất xe hơi khác như Daimler và BMW cũng có thể bị ảnh hưởng từ thảm họa mà Volkswagen gây ra. Tuy vậy, Chính phủ Đức ngày hôm qua cho biết, ngành sản xuất ô tô vẫn là trụ cột quan trọng với kinh tế nước này bất chấp cuộc khủng hoảng của Volkswagen.

    Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo, việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghiệp ô tô có thể trở thành mối đe dọa lớn với kinh tế Đức vốn được dự báo tăng trưởng 1,8% trong năm nay. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Đức đang phải chịu sức ép khi kinh tế Trung Quốc giảm sút.

    Thêm vào đó, ô tô và linh kiện xe hơi vốn là lĩnh vực công nghiệp quan trọng và thành công nhất của Đức. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ô tô và linh kiện xe hơi đạt hơn 200 tỷ Euro (khoảng 225 tỷ USD) năm 2014, chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức. Đó là lý do tại sao, bê bối của Volkswagen không phải là vấn đề nhỏ. Michael Huether, Giám đốc viện kinh tế IW của Đức nhận định. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc Volkswagen chưa chắc đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Đức và không nên quá phóng đại vụ việc này.

    Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Joerg Kraemer, đại diện của Commerzbank đánh giá: tôi không cho rằng nền công nghiệp ô tô nói chung của Đức sẽ bị ảnh hưởng. Nền kinh tế của một quốc gia sẽ không suy thoái vì một doanh nghiệp duy nhất. Các hiệp hội thương mại BGA Đức cũng trấn an công chúng và cho biết không có dấu hiệu cho thấy khách hàng ở nước ngoài nghi ngờ chất lượng và độ tin cậy của hàng hóa sản xuất từ các công ty Đức. Andre Schwarz, Giám đốc quản lý BGA cho biết.

    Nhưng ông này cũng phải thừa nhận mức độ quan tâm của các công ty Đức khi vụ bê bối gian lận khí thải tại Mỹ có thể sẽ tạo ra một hiệu ứng domino và gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp của mình cũng như các nhãn hàng sản xuất ở quốc gia này.

    Theo ICTnews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ