"Cháu ông chú ở Viettel" tặng tiền lừa đảo cho bạn gái

    PV,  

    Lừa được tiền của người nhẹ dạ, hai kẻ mạo danh “cháu ông chú ở Viettel” hào phóng tặng sim điện thoại trong tài khoản 45 triệu cho bạn gái sử dụng.

    Như Zing.vn đưa tin, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội) vừa phá 5 chuyên án trinh sát, tạm giữ 5 thanh niên có hành vi mạo danh các nhà mạng, tung tin nhắn khuyến mãi nạp thẻ cào điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản.

    Danh tính những người này được xác định là Ngô Xuân Long, Phạm Quang Hiếu (cùng ở Kiến An, Hải Phòng), Nguyễn Văn Quyết (Từ Sơn, Bắc Ninh), Bùi Phát Hiến (Krông Năng, Đăk Lăk), Hà Mạnh Thành (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Năm thanh niên này đều còn rất trẻ, từ 18 đến 21 tuổi.

    Hiến và Thành tại cơ quan công an.

     

    Hiến và Thành tại cơ quan công an. Ảnh: Việt Đức.

    Theo cảnh sát, đây là những kẻ chuyên tung tin nhắn spam (tin nhắn rác) “Cháu ông chú ở Viettel” - vờ tiết lộ chương trình khuyến mãi nạp thẻ dành riêng cho nhân viên của nhà mạng này, nhằm lừa tiền nhiều người. Sau thời gian dài tung hoành, quảng bá trên mạng xã hội Facebook, chúng đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của nhiều bị hại.

    Lời khai ban đầu của Hiến cho thấy, đầu tháng 9/2014, cậu ta lên mạng xã hội tìm hiểu thủ đoạn gửi tin nhắn spam trên Facebook có nội dung mạo danh nhân viên tổng đài, "cháu của chú làm ở Viettel", thông báo chương trình khuyến mãi hưởng gấp 10 lần giá trị thẻ nạp điện thoại nếu người dùng thực hiện cú pháp “*103 dãy số* mã số thẻ nạp #”.

    Cảnh sát cho biết, thực chất cú pháp này là dịch vụ để khách hàng Viettel nạp giúp hoặc gửi tặng tiền vào tài khoản của người khác, trong đó dãy số chính là số điện thoại của người được nhận tiền.

    Bằng thủ đoạn này, trong hai tháng, Hiến đã chiếm đoạt được 34 triệu đồng.

    Thấy việc lừa đảo dễ dàng, Hiến mua thêm nhiều sim điện thoại, rủ Hà Mạnh Thành cùng tham gia. Hàng ngày, cả hai ra các quán Internet gần cổng đại học Công nghiệp Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm), gửi tin nhắn rác lừa đảo.

    Hiến và Thành được cho là chiếm quyền đăng nhập nhiều tài khoản Facebook của bạn bè, rồi gửi tin nhắn lừa đảo với nội dung: “Theo thông tin mới lộ ra do người chú  mình làm ở Viettel cho biết, Viettel đang có chương trình khuyến mại đặc biệt...”.

    Long và Hiếu.

    Long và Hiếu. Ảnh: Việt Đức. 

    Với thủ đoạn này, tháng 10-11/2014, Thành và Hiến tiếp tục chiếm đoạt được 70 triệu đồng. Lừa được nhiều tiền, 2 “cháu ông chú ở Viettel” hào phóng tặng 2 sim điện thoại có tài khoản 4-5 triệu cho bạn gái sử dụng.

    Để chuyển tiền trong tài khoản sim thành tiền mặt, Hiến và Thành đăng tin rao bán các số sim điện thoại trên Facebook với giá bán chỉ khoảng 1/3 số tiền trong tài khoản điện thoại. Ngoài ra, những thanh niên này còn tạo các tài khoản trên mạng Internet để chuyển đổi giá trị tài khoản chính trên sim sang tiền trong tài khoản trực tuyến, sau đó rút tiền mặt qua tài khoản ngân hàng.

    Đầu tháng 12/2014, khi trò lừa nạp thẻ cào khuyến mại gấp 10 lần bị lộ, Bùi Phát Hiến đã chuyển sang  hình thức lừa đảo mới. Lần này, cậu ta mạo danh các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông, tung tin chương trình khuyến mãi gấp 10 lần giá trị thẻ nạp khi người dùng nạp thẻ trên website do Hiến quản lý. Giá trị thẻ nạp sau đó được Hiến được quy đổi theo tỷ lệ chiết khấu.

    Đến ngày 15/12/2014, cảnh sát xác định thanh niên 21 tuổi đã chiếm đoạt được trên 56 triệu đồng, trong đó Hiến nhận được gần 44 triệu đồng qua hình thức rút tiền mặt tại tài khoản ngân hàng và mua mã thẻ điện thoại trên hệ thống.

    Đầu tháng 2, Công an Hà Nội đã bắt khẩn cấp Hiến và Thành về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b Bộ luật hình sự.

    10 website lừa đảo nạp thẻ khuyến mãi

    PC50 Công an Hà Nội cho biết, thông qua việc khám phá 5 chuyên án trinh sát, cảnh sát đã làm rõ nhóm này sử dụng 10 website để lừa đảo nạp thẻ khuyến mãi gồm napthefree.com, napthephone.com, x10thecao.tk, napthedienthoai.tk, x5thecao.tk, napthex20.com, napthex20.net, napthemobile.com, napthedtx20.net, thecaodtx20.net.

    Thông qua các website này, từ tháng 8 đến tháng 12/2014, họ đã chiếm đoạt trên 500 triệu đồng của hàng nghìn bị hại trên toàn quốc.

    Theo Zing

    >> "Ông chú làm Viettel" là chiêu lừa đảo phổ biến nhất mạng xã hội 2014

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ