Chiến thắng của AlphaGo còn chứng tỏ rằng: Chúng ta không thể dự đoán được AI sẽ làm gì

    Nam Nguyễn,  

    Có khả năng làm được những thứ vượt xa tưởng tượng của con người nhưng lại thiếu đi ý niệm về đạo đức, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là mối đe dọa tiềm tàng cho nhân loại.

    Chiến thắng 4-1 của phần mềm trí tuệ nhân tạo AlphaGo của Google trước nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Se-Dol chỉ là chiến tích mới nhất trong cuộc so tài giữa máy móc với con người. Nghiên cứu cho thấy xe tự lái ít gây tai nạn hơn tài xế con người và nhân loại thì đã đầu hàng trước máy tính ở môn cờ vua gần 20 năm trước.

    Thất bại của một trong những kỳ thủ giỏi nhất nhân loại trước AlphaGo đã làm dấy lên lo sợ về sự ứng dụng tràn lan của AI trong tương lai mà Elon Musk đã gọi là “mối đe dọa lớn nhất cho sự tồn tại của loài người”.

    Các chuyên gia cho rằng có hai lý do giải thích tại sao AI lại là một ẩn họa tiềm tàng. Thứ nhất là AI có khả năng làm được những điều vượt quá trí tưởng tượng của con người.

    Hiện nay, AI được huấn luyện bằng các phương pháp tư duy logic, suy luận và học tăng cường. Việc áp dụng tư duy logic và suy luận sẽ cho ra những kết quả dự đoán được. Các quy tắc của trò chơi được lập trình và đưa vào máy tính rồi sau đó chúng sử dụng khả năng tính toán vượt trội của mình để giành chiến thẳng trước con người. Đây là cách mà các chương trình chơi cờ vua đời đầu hoạt động. Mặc dù chúng chơi thứ cờ vua cứng nhắc và tẻ nhạt, thế là đủ để giành chiến thẳng.

    Học tăng cường

    Trái lại, học tăng cường thì phức tạp hơn nhiều. Ở phương pháp này, các kỹ sư cho máy tính thực hiện nhiệm vụ, ví dụ như chơi cờ vây, lặp đi lặp lại. Sau mỗi lần chơi nó sẽ điều chỉnh chiến lược và học được các nước đi tốt nhất từ kết quả của ván cờ.

    Để không phải tốn công chơi với con người, máy tính được cho chơi với chính nó. AlphaGo đã chơi hàng triệu ván cờ vây, con số mà chưa có kỳ thủ nào chạm đến. Vấn đề là trong quá trình này AI sẽ khám phá toàn bộ các chiến lược và nước đi có thể xảy ra trên bàn cờ mà con người không tài nào làm được.

    Trong ván cờ thứ hai giữa Lee Se-Dol và AlphaGo, AI đã có một nước đi bất ngờ đến nỗi Lee Se-Dol phải rời phòng đấu trong 15 phút để lấy lại tinh thần. Anh đã phải thốt lên: “Đó không phải là nước đi của con người”.

    Đây chính là đặc điểm nổi bật của AI. Khả năng của AI sẽ không bị giới hạn bởi kinh nghiệm hay dự đoán của con người. Cho đến khi chứng kiến AI làm những điều bất ngờ, chúng ta còn không nhận ra mình có tầm nhìn giới hạn về các khả năng xảy ra. AI có thể tư duy vượt qua giới hạn tưởng tượng của con người.

    Trong các ứng dụng thực tế, phạm vi gây bất ngờ của AI còn rộng lớn hơn. Ví dụ như một AI biết chơi chứng khoán sẽ định nghĩa lại toàn bộ phương pháp đầu tư mà chúng ta từng biết. Nó sẽ tìm ra những cách tối ưu hóa lợi nhuận mà chúng ta không nghĩ ra.

    Vì thế, sẽ là quá chủ quan nếu nghĩ rằng chúng ta có thể tiên đoán hoặc điểu khiển được hành vi của AI trong khi chúng ta còn không tưởng tượng được hết khả năng của chúng.

    Phạm trù đạo đức

    Điều này dẫn chúng ta đến vấn đề thứ hai. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu áp dụng AI để xử lý các vấn đề mang tính đạo đức. Không may là những phép toán logic thì đâu có hiểu được đạo đức là gì. Thí nghiệm sau đây của nhà triết học nổi tiếng Philippa Foot đã phần nào chỉ ra vấn đề mà AI đang gặp phải.

    Giả sử có một chiếc xe lửa bị mất lái đang di chuyển trên đường ray A có 5 người bị trói trên đó. Bạn là người điều khiển bộ phận chuyển ray và bên cạnh là đường ray B chỉ có 1 người bị trói trên đó. Câu hỏi đặt ra là bạn sẽ cho xe lửa chạy vào đâu? Và nếu trao cho AI quyền quyết định, nó sẽ làm thế nào?'

    Nghiên cứu cho thấy người nào cho xe chạy vào đường ray B thường có tính vị lợi cao và kém đồng cảm với người khác hơn. Điều này chỉ ra một quy tắc quan trọng khi làm việc với AI. Chúng ta cần nhận thức rằng dù Ai có giỏi hơn con người thế nào đi nữa, chúng sẽ không bao giờ hiểu được sự đồng cảm hoặc nguyên tắc đạo đức mà con người có. Trong trường hợp trên, AI sẽ chọn phương án B để tối ưu hóa kết quả vì trong mắt chúng con người chỉ là những con số không hơn không kém.

    Cho AI chơi cờ vua hoặc cờ vây thì có thể không đem lại hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu để AI chăm sóc người già hoặc sử dụng vũ khí trong chiến tranh thì sao? Con người không thể lơi là cảnh giác trước những hiểm họa tiềm tàng mà AI có thể gây ra.

    Tham khảo: BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày