Có phải công cụ thông minh đang khiến chúng ta trở nên ngờ nghệch?

    PV,  

    Bạn có muốn tất cả bạn bè trên Facebook của bạn có thể soi vào thùng rác nhà bạn? Một nhóm nhà thiết kế từ Anh và Đức nghĩ rằng bạn muốn. BinCam ra đời: một thùng rác “thông minh” hướng tới cách mạng trong quá trình tái chế.

     Liệu bạn có muốn sở hữu thùng rác thông minh BinCam?

    Liệu bạn có muốn sở hữu thùng rác thông minh BinCam?

    BinCam chỉ như thùng rác thường, nhưng có một chi tiết mới: Nắp của nó được trang bị một chiếc di động thực hiện chụp một bức ảnh mỗi khi nắp được đóng lại. Chiếc ảnh đó được đưa lên Mechanical Turk, một dịch vụ chạy bởi Amazon cho phép Freelancers phân tích bức ảnh và quyết định xem việc vứt rác của bạn có phù hợp với tái chế không. Cuối cùng, bức ảnh được xuất hiện trên Facebook của bạn.

    Bạn sẽ được thưởng điểm khi vượt qua thử thách tái chế. Chủ nhà có nhiều điểm nhất sẽ chiến thắng. Theo chủ ý tưởng, BinCam được thiết kế để nâng cao nhận thức cá nhân về rác thải và hành vi tái chế, với hi vọng họ sẽ thay đổi các thói quen.

    BinCam trở nên khả thi hơn nhờ hai xu hướng toàn cầu. Đầu tiên là sự phổ biến của các cảm biến giá rẻ, mạnh mẽ, khiến cho các đồ vật quen thuộc có thể hiểu những gì chúng ta làm với chúng – chiếc ô sẽ biết trời sắp mưa và đôi giày sẽ biết chúng sắp hỏng, sau đó sẽ báo với chúng ta về các vấn đề. Các đồ vật sẽ không còn vô tri vô giác. Với sự giúp đỡ từ crowdsourcing và trí tuệ nhân tạo, đồ vật có thể phân biệt được hành vi có trách nhiệm và vô trách nhiệm, và sau đó thưởng – phạt chúng ta.

    Xu hướng thứ hai là việc danh tính chúng ta được công khai trên mạng xã hội như Facebook và Google , nên các tương tác của chúng ta với các đồ vật có thể bị công khai dễ dàng. Điền này tạo ra áp lực lẫn nhau: Tái chế và tạo ấn tượng tốt với bạn bè, hoặc không tái chế và có thể bị đánh giá.

    Đã có một số thiết bị thông minh được sản xuất đại trà như đồng hồ đeo tay thông minh có thể rung mỗi khi bạn nhận được một cú “Poke” trên Facebook; chiếc cân thông minh có thể chia sẻ số đo cân nặng của bạn lên Twitter để giúp bạn quyết tâm giảm cân hơn, hoặc lọ thuốc thông minh có thể báo cho bạn và bác sĩ của bạn biết về lượng thuốc còn lại trong lọ.

    Nhưng rất nhiều công nghệ thông minh đang có hướng đi đột phá hơn. Nhiều nhà tư tưởng ở thung lũng Sillicon cho rằng các công nghệ mới này sẽ không chỉ tạo ra những sản phẩm mới mà khách hàng muốn, mà còn thúc đẩy khách hàng sống tốt hơn. Nói cách khác: điều hướng xã hội ngụy trang dưới dạng chế tạo sản phẩm.

     Vào năm 2010, Giám đốc tài chính của Google – Patrick Pichette đã nói: “Công ty ông thật ra là một công ty thiết kế, với tất cả những nhà khoa học nhìn thế giới như một nơi không hoàn hảo.” Vào tháng 2 tại Singapore, ông lại nhắc lại quan điểm của Google rằng thế giới là một nơi “không hoàn hảo”, mọi vấn đề từ tắc đường đến bất tiện trong mua sắm đến lãng phí năng lượng đều có thể được giải quyết bởi công nghệ. Nhà thiết kế game nổi tiếng Jane McGonigal cũng thường nói về việc có thể được khắc phục thực tại bằng cách làm thế giới thực trở nên giống trò chơi, với điểm thưởng cho việc làm tốt. Từ xe ô tô thông minh tới kính mắt thông minh, “thông minh” là thứ thung lũng Sillicon sử dụng nhằm thay đổi xã hội ngày nay và những con người đang gặp vấn đề với xã hội này.

    Nhưng có một lý do để lo ngại về cuộc cách mạng này. Khi công nghệ thông minh can thiệp sâu hơn, chúng có thể ảnh hưởng xấu tới quyền tự chủ của chúng ta bằng việc loại bỏ một số hành vi. Chiếc dĩa thông minh nói với chúng ta rằng chúng ta đang ăn quá nhanh, chiếc bàn chải đánh răng thông minh thúc giục chúng ta dành nhiều thời gian đánh răng hơn. Cảm ứng trong xe ô tô có thể biết được nếu chúng ta lái quá nhanh hoặc phanh quá gấp.

     Chiếc xe ô tô thông minh

    Chiếc xe ô tô thông minh

    Những thiết bị này có thể cung cấp những phản hồi hữu ích, nhưng chúng cũng chia sẻ những thứ chúng biết với những tổ chức có mối quan tâm khác chúng ta. Công ty bảo hiểm đã giảm giá đáng kể cho những lái xe đồng ý cài đặt các cảm biến thông minh nhằm theo dõi thói quen lái xe của họ. Trong tương lai, khách hàng có thể sẽ không nhận được bảo hiểm nếu không chấp nhận bị giám sát. Và rất có thể, các công cụ theo dõi sức khỏe (cân nặng, ăn kiêng, số bước đi trong ngày)  sẽ chuyển từ một trò chơi sang một yêu cầu bắt buộc.

    Làm thế nào chúng ta có thể tránh được việc đầu hàng công nghệ mới? Chìa khóa là phải phân biệt giữa “thông minh tốt” và “thông minh xấu”.

    Thiết bị “thông minh tốt” để chúng ta hoàn toàn kiểm soát tình hình và tìm cách cải thiện quá trình đưa quyết định bằng việc cung cấp thêm thông tin. Ví dụ: Một chiếc ấm điện thông minh báo cho chúng ta biết rằng mạng lưới điện quốc gia đang quá tải (một nguyên mẫu đang được phát triển bởi kĩ sư người Anh Chris Adams) tuy nhiên không ngăn cản chúng ta đun nước. Một xe đẩy siêu thị có thể quét các mã vạch sản phẩm trong xe, thông báo với chúng ta về ích lợi dinh dưỡng, nơi xuất xứ, cải thiện sự tự chủ chứ không làm giảm số lựa chọn (Một nguyên mẫu đang được phát triển tại Open University, Anh).

    Công nghệ “thông minh xấu” khiến cho một số lựa chọn và hành vi trở nên bất khả thi. Cảm biến thông minh trong xe phân tích hơi thở, khuôn mặt để xác định xem chúng ta có tỉnh táo, … giới hạn những việc chúng ta có thể làm. Với những việc quan trọng như lái xe thì đây có thể là quy tắc chấp nhận được, nhưng chúng ta phải chống lại bất cứ nỗ lực nào phổ biến logic này. Quan điểm này cũng được nhà thiết kế JooYounPaek và David Jimison nhấn mạnh trong dự án nghệ thuật “ghế thông minh” – sự nguy hiểm của thành phố quá thông minh. Chiếc ghế có đồng hồ đếm ngược và cảm biến sẽ đuổi người đang ngồi trên ghế khi hết thời gian. Đây có thể là ý kiến hay với một vài thị trưởng Mỹ, nhưng kiểu công nghệ thông minh đó đang phá hoại văn hóa đô thị và nhân phẩm con người.

    Các dự án như BinCam rơi vào khoảng giữa “thông minh tốt và xấu”, tùy theo cách chúng được thực hiện. Thùng rác không bắt chúng ta phải tái chế, nhưng bằng những thứ như điểm thưởng, cạnh tranh, xếp hạng, chiếc thùng rác lại khiến chúng ta mất tự chủ. Thay vào đó, Facebook hay Mechanical Turk (Amazon) sẽ nghĩ hộ chúng ta.

    Các dự án công nghệ thông minh đáng lo nhất tới từ giả định rằng những nhà thiết kế biết chính xác cách chúng ta nên hành xử, nên vấn đề duy nhất là tìm kiếm một động cơ hợp lý. Một thùng rác thật sự thông minh sẽ báo cáo về thói quen tái chế của chúng ta và cải thiện thói quen đó bằng cách giúp chúng ta so sánh với thói quen của những người cũng khu vực, thay vì làm chúng ta xấu hổ với bạn bè.

    Có rất nhiều hoàn cảnh trong đó công nghệ thông minh trở nên hữu ích và cần thiết. Ví dụ như chiếc thảm thông minh có thể phát hiện những cú ngã. Vấn đề là những người thiết kế ra các công nghệ thông minh, trong quá trình giải quyết sự thiếu hoàn hảo của con người, ít khi dừng lại và tự hỏi bao nhiêu thất vọng, thất bại và hối tiếc là cần thiết cho hạnh phúc và thành công.

    Thật tuyệt vời nếu mọi thứ đều chạy trơn tru, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng không bị ép buộc phải như vậy. Vì chúng ta cần không gian để đưa ra quyết định, và qua việc thử và sai, chúng ta mới trưởng thành được.

    Liệu không gian tự chủ có được bảo đảm trong một thế giới có quá nhiều công nghệ thông minh? Hay thế giới sẽ trở thành Autopia – khu nổi tiếng trong Disneyland nơi mà trẻ em được “lái” những chiếc xe đã thiết kế đặc biệt để chạy trong lộ trình nhất định? Những chiếc xe đó không thể đâm vào đâu được. Người lái xe không thể mắc lỗi nào. Đây có giống chiếc xe của Google mà chúng ta đang chờ đợi? Để tưởng tượng ra sự nghèo nàn của tương lai, chỉ cần nhìn vào thiết kế “bếp thông minh” của Đại học Washington và Kyoto Sangyo Nhật Bản.

    Khi chúng ta bước vào bếp, chúng ta bị bao vây bởi các camera tìm hiểu về nguyên liệu chúng ta đang có. Một robot nói với chúng ta rằng rau arugula không đi với ca rốt luộc, còn cỏ chanh sẽ có vị khủng khiếp nếu trộn với sữa socola. Chiếc bếp này có thể thông minh, nhưng nó lại không cho phép bất cứ sai lầm, sai lệch so với kế hoạch. Chiếc bếp giống công xưởng máy móc hơn là một nơi cho sáng tạo ẩm thực. Chắc chắn rằng Sushi hay lasagna không được phát minh bởi một cái tổ chức có sở hữu công thức hay “big data” về nhu cầu người tiêu dùng.

     Chiếc bếp thông minh có thể làm giảm sáng tạo của đầu bếp

    Chiếc bếp thông minh có thể làm giảm sáng tạo của đầu bếp

    Thử nghiệm sáng tạo thúc đẩy nền văn minh của chúng ta. Những câu chuyện về sáng tạo thường chỉ nhắc tới thành công và lược bỏ các thử nghiệm thất bại, nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thất bại. Mọi nghệ sĩ hay nhà khoa học đều biết rằng, nếu hạn chế các sai lầm, sẽ không có sự đổi mới.

    Với công nghệ thông minh đang phát triển, mọi thứ trong tương lai sẽ trở nên dễ dàng. Eric Schmidt, chủ tịch điều hành của Google không sai khi nói: “con người sẽ giành ít thời gian cố gắng khiến công nghệ làm việc… bởi vì chúng sẽ làm việc rất trơn tru”. Đây là tương lai mà chúng ta hướng tới. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều muốn tới đó. Một lăng kính nhân văn hơn sẽ cho thấy rằng công nghệ không giải phóng chúng ta khỏi việc giải quyết vấn đề. Thay vào đó, chúng ta cần sử dụng công nghệ thông minh để giúp chúng ta giải quyết vấn đề. Điều chúng ta muốn không phải là một cuộc sống không có khó khăn và thử thách, mà là cuộc sống nơi chúng ta có thể vượt qua khó khăn thử thách.

    Công nghệ “thông minh tốt” sẽ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải cỗ máy, sử dụng dữ liệu để hỏi và trả lời các câu hỏi. Trừ khi các nhà thiết kế công nghệ thông minh suy nghĩ kĩ về sự phức tạp và phong phú của con người – với tất cả những thử thách, mâu thuẫn và đứt quãng – phát minh của họ sẽ trở thành thùng rác thông minh của lịch sử.

    Mr. Morozov – tác giả của “To Save Everything, Click Here: The Folly of Technological Solutionism” – The Wall Street Journal.
    WeStart

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ