Công nghệ “máy học” đang tạo ra một cuộc cách mạng giống như Internet và máy tính cá nhân

    Nam Nguyễn,  

    Chúng ta đang chứng kiến một thời khắc lịch sử trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

    Đã từng có suy nghĩ rằng máy tính chỉ có thể làm các nhiệm vụ được giao phó nếu được lập trình sẵn. Giờ đây, mọi chuyện đã thay đổi khi máy tính có thể tự học thông qua kinh nghiệm mà không cần lập trình sẵn.

    Công nghệ đột phá này được gọi là “máy học”. Máy học có thể đem lại nhiều ứng dụng như cách gợi ý phim của Netflix, gợi ý sản phẩm của Amazon, khả năng nhận diện khuôn mặt người dùng của Facebook và khả năng lựa chọn đối tượng phù hợp của các phần mềm hẹn hò. Trong đó, xe tự lái của Google là ứng dụng điển hình nhất.

    “Một chiếc xe tự lái không lái theo cách chúng được lập trình”, Pedro Domingos, nhà khoa học máy tính của đại học Washington nói. Ông là tác giả cuốn sách: ”Thuật toán bậc thầy: Công nghệ máy học sẽ thay đổi thế giới của chúng ta như thế nào”.

    “Không ai biết cách lập trình cho ô tô để nó tự lái”, ông nói. “Chúng ta biết cách lái xe nhưng chúng ta lại không giải thích được tại sao mình biết lái. Xe của Google tự học bằng cách lái hàng triệu dặm đường và quan sát cách con người lái”.

    Đó chính là chìa khóa: công nghệ máy học cho phép các thuật toán học hỏi từ kinh nghiệm và làm những thứ mà chúng ta không biết cách dạy cho chúng như thế nào.

    Công nghệ máy học đã tạo được tiếng vang lớn trong tháng 3 vừa qua khi Google làm nên lịch sử cho AI bằng cách tạo ra một thuật toán chinh phục được môn cờ vây. Trò chơi này bắt nguồn từ Trung Quốc thời xưa và số nước đi có thể xảy ra trên bàn cờ vây còn nhiều hơn số nguyên tử trong vũ trụ. Chương trình AlphaGo của Google đã đánh bại Lee Sedol, người được cho là kỳ thủ cờ vây còn sống giỏi nhất của nhân loại.

    Nhưng Google không hề lập trình nên một thuật toán chơi cờ vây theo cách đánh định sẵn. Điều Google thực sự làm là tạo ra một thuật toán có thể tự học hỏi và đúc rút những nước đi tốt nhất sau mỗi ván đấu.

    Đối với Domingos, công nghệ máy học là một bước đột phá có tầm vóc như máy tính cá nhân, Internet hoặc điện.

    “Có hai giai đoạn trong kỷ nguyên thông tin”, Domingos nói. “Giai đoạn một là con người lập trình cho máy tính và giai đoạn hai, mà đang bắt đầu xảy ra, là máy tính có thể tự lập trình cho chính mình nhờ dữ liệu được cung cấp”.

    Có lẽ đó là lý do tại sao Eric Schmidt của Google nói rằng mọi start-up lớn trong 5 năm tới sẽ đều có một điểm chung: công nghệ máy học.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ