Cuộc chơi mua chung: khi khách hàng không được tôn trọng

    Bella, Bella 

    Có không ít "con sâu làm rầu nồi canh" khiến tình hình mua chung trong nước càng thêm ảm đạm, nhiều người tiêu dùng quay lưng với hình thức kinh doanh trên.

    Nâng lên để... hạ xuống

    Rất nhiều người tiêu dùng than thở rằng nhà cung cấp và công ty trung gian (kinh doanh website mua chung) đã liên kết với nhau để lừa người tiêu dùng. Chị Trang, nhân viên văn phòng, cho biết, chị từng là fan của việc mua sắm theo nhóm, vì có giá giảm rất tốt, lại được giao tận nơi và sản phẩm mà chị thường xuyên lựa chọn là quần áo. Chị khá thích thú với việc mua bán online này. "Tuy nhiên, có lần đi shopping offline cùng mấy người bạn, tôi phát hiện có chiếc đầm y chang mẫu mã và giá cả quảng cáo trên website. Trong khi đó, trang web ấy lại nói là giảm giá 42%. Tự dưng tôi thấy hụt hẫng kinh khủng!", chị khá bực bội.

    Trước đây, cũng từng có vụ việc trang nhanhnhanh.vn đăng tải thông tin máy tính bảng Pi C003 mua tại trang này có giá 4 triệu đồng, giảm 2 triệu so với giá gốc. Khi người dùng liên hệ trực tiếp với nhân viên bán máy của Pi Việt Nam thì được biết có thể mua trực tiếp tại công ty với giá 4 triệu mà không cần thông qua khâu trung gian là nhanhnhanh.vn. Như vậy, có thể thấy, 2 đơn vị trên đã bắt tay nhau để nâng giá và làm giá thương hiệu, người dùng không được hưởng lợi gì khi mua sắm trực tuyến.


    Một nhân viên kinh doanh của một công ty mua sắm cộng đồng cho biết: "Nếu cùng một giá bán ra, giữ đúng giá gốc, mức giảm chỉ 10 hoặc 20% thì ít người mua. Nhưng nếu tăng giá lên, rồi giảm xuống thì nhìn qua, giá được hạ đến 50, thậm chí 80%, nhiều khách hàng lựa chọn hơn". Anh cũng cho biết thêm, hình thức kinh doanh này là trái phép và không lành mạnh. Tuy nhiên, rất khó quản lý được những deal này nếu người tiêu dùng không thực sự là "người tiêu dùng thông thái". Hình thức "đánh lừa" này khá hiệu quả nên rất nhiều website đang áp dụng triệt để phương pháp này.

    Chị Phương, fan ruột của mua sắm trực tuyến, "mách nước" cho người tiêu dùng: "Bạn không nên để trang mua bán đánh lừa bằng con số % so với giá gốc. Hãy kiểm tra giá cuối cùng, so sánh với những website khác hoặc "lướt thị trường" bằng Google rồi hãy quyết định mua!".

    Bị coi thường bởi nhà cung cấp dịch vụ

    Không thể chối cãi lợi ích của groupon khi góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều khách hàng. Nếu không có deal giảm giá, thường họ sẽ chỉ đến với những quán ăn quen thuộc. Với deal, họ sẽ biết được những nhà hàng mới, và sẽ quay lại nếu được phục vụ tốt. 

    Ông Bùi Đức Minh - giám đốc ngành hàng online công ty Thế Giới Di Động từng nhận định: "Ở VN khi khách hàng dùng phiếu khuyến mãi, đặc biệt ở mảng dịch vụ thường không được nhân viên phục vụ chu đáo, thậm chí còn coi thường khách hàng. Ngay cả dịch vụ của các thương hiệu lớn cũng đã có nhiều trường hợp tương tự xảy ra. Ngoài ra, dịch vụ cung cấp có thể không được 100% như hứa hẹn, bị cắt xén nhiều". Và sự thật đã chứng minh khi có rất nhiều lời phàn nàn của người tiêu dùng về cách thức phục vụ ở các deal ăn uống. Thậm chí, người dùng còn lập những topic đánh giá những nhà hàng, quán ăn được bán trên các trang groupon, để chia sẻ kinh nghiệm của mình.

    Chị Tuyết, nhân viên ngân hàng khẳng định: "Tôi rất hay mua phiếu ăn uống cho gia đình nhỏ của mình. Không khẳng định tất cả các nơi đều phục vụ kém, nhưng gần phân nửa các quán tôi đi ăn có thái độ phục vụ "không như bình thường", đồ ăn cũng không giống như trên website. Trong khi đó, tôi để ý thấy nếu khách hàng khác không có phiếu giảm giá thì được phục vụ tốt hơn, đồ ăn cũng ổn hơn. Thỉnh thoảng ức chế cũng muốn tẩy chay, nhưng ham hố ăn uống nên vẫn mua phiếu. Có điều tìm hiểu kỹ càng hơn để không rước bực vào mình!".


    Lời bình của một khách hàng khi sử dụng phiếu giảm giá tại một nhà hàng.

    Thực chất, các đơn vị cung cấp sản phẩm cần ý thức rằng, đây chính là cơ hội thực sự tốt để quảng bá và khách hàng tiềm năng có thể trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ của họ. Việc coi thường khách hàng, phục vụ không tốt không những khiến uy tín của nhà hàng bị suy giảm vì "truyền miệng", mà khách hàng tiềm năng quay lại quán cũng không còn.

    Hoàn tiền... "khó như lên giời"

    Thói quen tiêu dùng là rào cản khá lớn với khách hàng: chưa quen thanh toán online, hạ tầng thanh toán, giao hàng, nhận hàng chưa tốt và khung pháp lý cho việc thanh toán online cũng chưa đủ mạnh để người dùng tin tưởng. Vì thế, kinh doanh groupon ở Việt Nam phần lớn là bằng tiền mặt. Thế nên, vì một lý do nào đó mà deal không thành công thì việc hoàn tiền (bằng tiền mặt) cũng khá phiền phức.

    Chị Thuỳ Dương, một khách hàng của một trang mua chung từng phàn nàn về việc chị năm lần bảy lượt liên hệ với web này để hoàn lại tiền cho phiếu dịch vụ Spa. Chị thẳng thắn: "Thực ra, tôi vốn rất thích hình thức kinh doanh này vì người tiêu dùng như tôi sẽ có cơ hội thưởng thức những dịch vụ với giá rẻ hơn so với thông thường nhưng sau khi vướng vào sự cố này, bỗng nhiên tôi mất hết niềm tin. Tại sao trước khi đưa các dịch vụ đến với khách hàng, nhà cung cấp không tìm hiểu kỹ chất lượng sản phẩm mà chỉ biết nói rằng sẽ cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Mua rẻ thành mua đắt mà rước bực vào mình thì có”.


    Hiện, muachung.vn đã xây dựng được hệ thống thanh toán trực tuyến đơn giản và thân thiện hơn với người dùng. Cungmua.com tạo ra những deal với những sản phẩm hot nhưng chỉ chấp nhận thanh toán qua thẻ ATM. Tất cả những cố gắng trên của doanh nghiệp là nhằm tạo ra một thói quen mua sắm mới cho người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển hơn nữa, để cuối cùng, người được lợi nhiều nhất chính là người dùng cuối và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. 
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ