Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: Người FPT hãy dừng ước mơ để bắt tay vào làm thật

    PV,  

    Mong muốn FPT có thêm nhiều sản phẩm công nghệ.

     Sau đây là toàn văn bức thư của ông Nguyễn Thành Nam. 


    Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: Người FPT hãy dừng ước mơ để bắt tay vào làm thật 1
    Ông Nguyễn Thành Nam.

     

    Gửi tất cả các đại biểu dự đại hội công nghệ FPT 

     “FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ”. 

     Câu này đã được ghi trong vision của FPT những ngày đầu tiên. 

     Vậy mà sao sau 25 năm, anh Bình vẫn phải đau đầu về trình độ công nghệ của tập đoàn? Phải trình diễn trước đại hội cổ đông một con robot không phải do FPT làm ra, với vẻ mặt thích thú mà có nhà báo miêu tả là giống đứa bé nhìn thấy một con búp bê? 

     Tại sao? 

     Tôi cho rằng FPT là một công ty công nghệ rất không tồi. Chúng ta đã kinh doanh thành công trong lĩnh vực đòi hỏi hiểu biết khá cao như CNTT. Bạn bè, khách hàng, nhà đầu tư đều thừa nhận điều đó. Một số học giả Mỹ còn đề nghị được viết sách về câu chuyện thành công của FPT. 

     Chúng ta không thể dốt nát về công nghệ vì công việc bắt buộc chúng ta phải hàng ngày phải đối diện với nó. Chúng ta phải học, phải làm chủ thì mới chém gió, mới bán, mới triển khai, hỗ trợ khách hàng được. Tôi tin chắc các bạn ngồi đây đều hiểu điều đó. 

     Vậy thì vấn đề ở đâu? 

     Câu trả lời đơn giản; chúng ta có thể có nhiều tri thức, nhưng có quá ít sản phẩm giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống. 

     Tại sao lại ít? 

     Lý lẽ đầu tiên mà tôi nghe được thường là; anh em giỏi, ý tưởng ngon nhưng lãnh đạo không chịu chi tiền. Trong giới lãnh đạo thì bảo; chúng ta có tiền nhưng không thể chi cho những ý tưởng viển vông! 

     Tôi có dịp chơi với 1 số nhà văn, thực thụ, hiểu theo nghĩa có thẻ nhà văn, chém gió văn chương hoành tráng, nhưng chẳng có tác phẩm gì cả. Hỏi thì cũng trả lời tương tự, nào thì cấp trên chèn ép về tư tưởng. Nào thì cơm áo gạo tiền. 

     Ngụy biện! 

     Đọc kỹ lại câu đã viết trong tầm nhìn ở trên, ngoài chữ công nghệ, còn có 2 chữ nữa; SÁNG TẠO và NỖ LỰC lao động. Chúng ta đang thiếu cả hai yếu tố trên! Cả ở hai mức; các chuyên gia và các cấp lãnh đạo. 

     Tôi nghi ngờ NỖ LỰC của lãnh đạo trong việc muốn FPT tự làm ra những sản phẩm công nghệ. Made by FPT, hầu như chẳng bao giờ được nhắc đến 1 cách khắc khoải, không trong những cuộc họp chính thức, mà cũng chẳng trong những buổi trà dư tửu hậu. Ít nhất là cũng trong những lần có tôi tham dự. 

     Tôi nghi ngờ khát khao SÁNG TẠO của các chuyên gia công nghệ. Nếu khát khao, chẳng ai có thể ngăn được họ. Cũng như nhà văn đã muốn viết thì chẳng có ban tư tưởng nào cản trở. Họ sẽ trình làng các sản phẩm, có thể là ấu trĩ, chưa ra được thị trường… nhưng chắc chắn là sờ mó được. 

     Bên đại học FPT tôi thấy khẩu hiệu “Dream of Innovation”. Tôi nói với anh Tùng, có lẽ chúng ta chắc chỉ thích “mơ” về sáng tạo, chứ không thích sáng tạo. Anh Tùng đã đổi ngay thành “Innovation in Action”. 

     Nếu muốn đổi mới công nghệ ở FPT. Hãy dừng “mơ”, mà hành động để tạo ra chính sách mới, tạo ra sản phẩm mới, đưa chúng vào cuộc sống! 

     Trước hết CTO Office phải là một bộ não, có hợp đồng liên kết nghiên cứu với 1 vài trung tâm R&D của các partner của FPT tại Mỹ, Nhật, Hàn. Để luôn tỉnh táo trong thế giới công nghệ rất khó phân biệt thật hư hiện nay. Mà tốt nhất là nên chuyển sang hẳn Singapore hoặc Mỹ. Chi phí không thêm bao nhiêu mà khả năng đi lạc đường thấp hơn hẳn. 

     Thứ hai, lãnh đạo tập đoàn và các đơn vị thành viên có quyết định tường minh về quỹ nghiên cứu. Họp giao ban tuần nào cũng hỏi đã có dự án nào chưa? Đã tiêu được đồng nào chưa? Đến giai đoạn nào trong quá trình hoàn thành sản phẩm rồi… Theo như tôi biết, thì bây giờ vẫn là cơ chế xin-cho, chẳng khác nhà nước lắm. Thậm chí còn khó hơn vì các cấp phê duyệt không có bất cứ một phương pháp luận nào về quản lý nghiên cứu. 

     Còn các bạn, đến dự hôm nay với danh xưng là chuyên gia công nghệ, hãy nuôi dưỡng trí tò mò như một đứa trẻ khám phá thế giới. Hãy cọ xát với bạn bè quốc tế. Hãy biết chấp nhận thất bại để làm lại từ đầu. Hãy làm việc như điên, trước tiên là để thỏa mãn khát khao của mình! 

     Don’t hold the dream, live them! 

     Chúc đại hội thành công tốt đẹp. 


     Trước khi được bổ nhiệm vị trí mới, ông Nguyễn Thành Nam đã trải qua nhiều vị trí quan trọng của Tập đoàn FPT như TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT FPT Software, TGĐ Tập đoàn FPT. Hiện, ông Nguyễn Thành Nam là Thành viên Hội đồng sáng lập FPT. 


     Ông Nguyễn Thành Nam là cựu học sinh Khối chuyên Toán, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội khóa 11 (1976-1979). 


     Năm 1988, ông tốt nghiệp Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov, Liên Bang Nga và bảo vệ luận án tiến sĩ toán tại trường đại học này. 

     Ngày 13/9/1988, ông Nguyễn Thành Nam về nước và cùng với 12 người khác, đứng đầu là ông Trương Gia Bình, sáng lập ra Tập đoàn FPT. 

     Từ năm 1988-1994, ông Nguyễn Thành Nam là Giám đốc dự án. Từ 1995 đến 1999, ông là Giám đốc Trung tâm Giải pháp Phần mềm của FPT. 

     Từ năm 2000-2004, ông Nam là Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Phần mềm của FPT. 

     Từ năm 2005, ông trở thành thành viên Hội đồng quản trị của FPT, TGĐ Công ty FPT Software. 

     Từ 13/4/2009-23/2/2011, ông Nguyễn Thành Nam giữ chức Tổng Giám đốc FPT. Người kế nhiệm ông là ông Trương Đình Anh.  


    Theo Pandora

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ