Doanh nghiệp nhạc số Việt vs. Apple Music: "Chúng tôi chỉ sợ họ cạnh tranh không lành mạnh"

    Yến Thanh,  

    Kể từ khi ra mắt, Apple Music đã nhanh chóng trở thành dịch vụ "hot" trong làng công nghệ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây lại trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa người dùng, nhà cung cấp dịch vụ trong nước và cả giới nghệ sĩ.

    Nhạc xịn - thương hiệu "khủng" - giá cực rẻ

    Cách đây ít ngày, Apple đã chính thức cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến của mình là Apple Music tới đông đảo người dùng trên thế giới. Ngay tại Việt Nam, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến của Apple đã được người dùng đón nhận khá nồng nhiệt. Trong đó, 2 yếu tố quan trọng khiến người yêu công nghệ tại Việt Nam quan tâm nhất hiện nay, chính là mức giá rẻnhạc bản quyền chất lượng cao.

    Về yếu tố giá thành, sau khoảng thời gian dùng thử miễn phí 3 tháng, với số tiền khoảng 60.000 đồng mỗi tháng sử dụng, người dùng cá nhân đã có thể nghe nhạc thả ga, mà lại là nhạc chất lượng cao và có bản quyền. Nhìn chung, đây được xem là mức giá hợp lý cho người yêu âm nhạc, khi mỗi tháng, chúng ta chỉ cần bỏ ra số tiền tương đương 2 bát phở.

    Apple Music được xem là cuộc cách mạng dưới thời CEO Tim Cook

    Apple Music được xem là cuộc cách mạng dưới thời CEO Tim Cook

    Mặt khác, điều này còn xóa bỏ đi những định kiến trước đây về việc "sản phẩm Apple chỉ có mức giá trên trời". Bởi chỉ cần sở hữu một chiếc iPhone đời thấp như iPhone 5c có giá thành khoảng 3 triệu đồng cho phiên bản khóa mạng, và bỏ ra 60.000 đồng/tháng, người dùng sẽ được "tiếng thơm" là dùng "hàng có bản quyền" do Apple - công ty công nghệ giá trị nhất thế giới cung cấp.

     

    Lợi ích rõ ràng cho nghệ sỹ Việt

    Trước đây, các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến thường khó lòng bảo vệ tác quyền cho các ca sĩ, nhạc sĩ. Nhưng giờ đây, Apple Music đã làm được điều này, không chỉ vậy, số tiền mà Apple chi trả cho các ca sĩ, nhạc sĩ tham gia hệ thống của mình không tệ, lên tới 0,002 USD/mỗi lượt nghe. Để dễ hình dung, chúng tôi đã liên hệ với một trong những ca sĩ Việt đi đầu trong việc đưa các ca khúc của mình lên Apple Music, ca sĩ Tiên Tiên, tác giả của bài hát Say You Do làm cộng đồng mạng mê đắm.

    "Ban đầu, ý chính của Tiên với bài Say You Do là chỉ là muốn có nhạc của mình trên iTunes để mọi fan có thể ủng hộ Tiên và download nhạc một cách hợp lý để thưởng thức. Nhưng qua việc Tiên làm qua đối tác thứ 3 nên bài đó cũng xuất hiện trên khắp thị trường streaming quốc tế và Việt Nam, trên tất cả kênh âm nhạc, không chỉ riêng Apple Music (có bao gồm Spotify, Deezer v.v.).

    Hiện giờ tổng lượt người nghe quốc tế trong 2 tháng vừa qua là 240.000 (một phần lớn ở Mỹ)".

    Đặc biệt, cô ca sĩ tài năng cũng đánh giá cao Apple Music vì đăng ký thủ tục rất dễ dàng. Hơn nữa, theo cô, việc tham gia Apple Music là cơ hội rất lớn cho các nghệ sỹ trong nước mang âm nhạc của mình đi khắp thế giới chứ không chỉ quanh quẩn sân nhà như trước đây.

    Tuy nhiên sự xuất hiện của Apple Music lại đang ảnh hưởng trực tiếp tới các công ty cung cấp nhạc số hiện tại như Mp3 Zing hay Nhaccuatui.

     

    Công ty trong nước đối chọi lại gã khổng lồ Apple như thế nào

    Anh Nguyễn Minh Kha, Phó giám đốc NCT Corporation tin rằng Apple có nhiều thế mạnh bao gồm kho nhạc lớn xuất phát từ iTunes, kinh nghiệm về thói quen người dùng, đặc biệt là việc phân phối dễ dàng đến mỗi thiết bị iOS, chưa kể là có cả trên các hệ điều hành khác như Android.

    Điều đáng nói đó là, nhiều người dùng nhận định phí nghe nhạc 2,99 USD tại Việt Nam là rẻ. Trong khi đó, mức phí của các dịch vụ như NCT hay Mp3 Zing còn rẻ hơn, nhưng lại tỏ ra kém sức hút hơn. Về vấn đề này anh Kha cho biết đó chỉ là tâm lý của một bộ phận người dùng, "fan cuồng của Apple":

    "Đương nhiên một số "fan cuồng" cho rằng mức giá Apple đưa ra là rẻ, và cuồng với Apple Music thì cũng bình thường. Với phần lớn người dùng Việt Nam, chúng tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và thấy rằng, hiện tại họ không thích, không muốn và không quen trả tiền cho dịch vụ nghe nhạc. Có nghĩa là 4 - 5 năm qua chúng tôi cho người dùng Việt Nam nghe miễn phí (đương nhiên là chúng tôi phải trả tiền bản quyền thay) thì chẳng ai nói gì, còn giờ Apple thu tiền thì vài người ca ngợi.

    Đó là tâm lý của một bộ phận người dùng, còn phần lớn những người còn lại sẽ khó tiếp cận đến dịch vụ này vì nhiều yếu tố đặc thù khác. Một yếu tố khác là Apple Music chưa quan tâm đến thị trường Việt Nam khi thực tế họ không có kho nhạc Việt đầy đủ, mà chỉ có một số bài từ iTunes chuyển qua, và số lớn trong đó không thuộc bản quyền người tải lên, cũng như chưa có các thể loại nhạc cho người Việt. Tôi cho rằng những người khác tự sướng khi nói rằng Apple ưu ái Việt Nam, khi thực chất, họ chưa làm gì cả, còn nhạc quốc tế thì Nhaccuatui và một vài bên khác có từ lâu rồi."

    Anh Nguyễn Minh Kha, Phó giám đốc NCT Corporation

    Anh Nguyễn Minh Kha, Phó giám đốc NCT Corporation

    Vậy NhacCuaTui sẽ cạnh tranh với Apple Music như thế nào? Anh Kha cho biết chắc chắn rằng NhacCuaTui sẽ cạnh tranh nhờ vào yếu tố bản địa, bỏ qua một số lượng người dùng cuồng nước ngoài.

    "Ngoài ra NhacCuaTui còn có các tính năng khác như lời bài hát, lời karaoke cùng giao diện màu sắc phù hợp với người châu á. Bên cạnh đó, Nhaccuatui hay các đối tác Việt Nam còn có lợi thế nội địa khi hợp tác với các đối tác khác tạo sự khác biệt mà Apple Music không làm tới khi sản phẩn họ toàn cầu. Ngoài ra tôi đánh giá họ chỉ mạnh ở iOS, còn Android và Windows Phone vẫn chiếm 70 - 80% hệ điều hành smartphone khác."

    Đặc biệt, nếu so về mức phí mà hãng chi trả cho mỗi ca sĩ, NCT cũng tự tin không hề thua kém gì Apple Music, tuy nhiên, anh Kha lại không quá đặt nặng vấn đề này:

    "Với mức 0,0002 USD/lượt nghe mà Apple chi trả cho mỗi ca sĩ, nó chỉ tương đương với 4 đồng tại Việt Nam. Hai năm qua, Nhaccuatui cũng đã áp dụng thử nghiệm một số nghệ sĩ và đối tác với mức 1 - 3 đồng/một lượt nghe bài hát/MV. Dự kiến hết năm nay chúng tôi sẽ áp dụng mở rộng hơn nhiều đối tác và mức phí dự kiến sẽ cao hơn mức thử nghiệm này."

     

    "Chúng tôi không sợ Apple, nhưng chúng tôi sợ sự cạnh tranh không lành mạnh của họ"

    Tiết lộ về vấn đề Apple Music đã làm gì để thâm nhập thị trường Việt Nam và vấn đề bản quyền đã được Apple giải quyết tốt như thế nào, anh Nguyễn Minh Kha, Phó giám đốc NCT Corporation nhận định:

    "Tôi cho rằng vấn đề bản quyền là chưa chính xác, Apple cũng chưa chắc sẽ bảo vệ bản quyền gì chặt chẽ cả, điều này chứng minh bằng cách bạn có thể up nhạc thoải mái lên iTunes với một tên nghệ sĩ khác bất kỳ và bài này lại xuất hiện ở Apple Music. Tôi cho rằng Apple đang làm tốt với các hãng đĩa lớn như Sony, Universal, Wanner Music.... hơn là các cá nhân nghệ sĩ.

    Ngoài ra bản thân các công ty nội địa vài năm nay đã làm rất tốt công tác bản quyền với các ca sĩ nghệ sĩ, nên trong thời gian gần đây vấn đề này không quá lo ngại, trừ yếu tố sính ngoại của một bộ phận. Ngoài ra, điều quan ngại nhất với chúng tôi là sự cạnh tranh không lành mạnh của Apple khi vào thời điểm chuẩn bị ra mắt Apple Music thì AppStore xóa đi 2 ứng dụng nhạc thông dụng nhất ở Việt Nam trong đó có NhacCuaTui và thay đổi chính sách về những ứng dụng nghe nhạc, gây khó khăn rất nhiều so với trước đây."

     

    Sự xuất hiện của Apple làm thị trường nhạc số Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều

    Theo anh Bùi Ngọc Phương, một chuyên gia từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực tác quyền âm nhạc, thì ít nhiều, Apple Music sẽ thay đổi hành vi cũng như thói quen nghe nhạc của người dùng Việt Nam. Bởi trước nay, người dùng Việt vẫn quen với thói "dùng chùa", thay vì trả tiền cho những gì mình đang sử dụng. Tất nhiên, việc thay đổi sẽ không diễn ra nhanh chóng.

    Lý do mà anh Phương đưa ra chính bởi Apple không giống với những đơn vị như NCT hay Mp3 Zing, họ không chỉ kinh doanh mảng dịch vụ, mà nên nhớ, họ là một đại gia trong lĩnh vực phần cứng. Hiểu nôm na, nhờ iPhone, iPad, sẽ có nhiều người sử dụng Apple Music, và nhờ Apple Music, họ sẽ thúc đẩy doanh số phần cứng.

    Về phía các nhà quản lý hiện nay, anh Phương cho rằng, các đơn vị quản lý sẽ nhẹ gánh hơn trước đây, bởi chính những công ty như Apple cũng góp phần thúc đẩy ý thức người dùng hơn. Ngoài việc có thể học hỏi kinh nghiệm từ Apple, tất nhiên, các nhà quản lý tại Việt Nam cũng khó thu lời được gì từ Apple Music, bởi Apple chỉ làm việc với các hãng đĩa lớn như chúng ta đã biết.

    Và tương tự như ý kiến của anh Nguyễn Minh Kha, Phó giám đốc NCT Corporation, anh Phương khẳng định, Apple có thể tung hoành rộng khắp trên thế giới, nhưng với sân chơi nội địa như Việt Nam, đây hoàn toàn là đất diễn của NCT hay Mp3 Zing. Bởi lẽ, họ đã quá hiểu người Việt Nam, trong khi đó, chiến lược giá rẻ của Apple sẽ chỉ có tác dụng trong thời gian đầu.

    Apple là một "siêu đại gia" nhưng không có nghĩa họ có thể đè bẹp các đơn vị nhạc số trong nước nhờ Apple Music.

    Do đó, ở đây, có thể khẳng định yếu tố nội địa là rất quan trọng trong cuộc chiến giữa Apple Music với các đại gia của làng nhạc Việt. Apple Music có thể là xu hướng, nhưng nó cần có thời gian để hiểu và lắng nghe người dùng. Chúng ta nên nhớ rằng, iOS sẽ là đất diễn của Apple Music, nhưng với Android, đây lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

    Cuối cùng và cũng là một vấn đề nữa đáng quan tâm, đó là hình thức thanh toán của Apple Music. Không chỉ đơn giản là việc sử dụng thanh toán ngân hàng trực tuyến, nếu muốn được nghe nhạc của Apple, người dùng cần đăng kí thêm các loại hình thanh toán quốc tế.

    Với 63% người Việt trên 35 tuổi thường xuyên sử dụng ngân hàng trực tuyến, đây có thể là việc tương đối dễ dàng, nhưng với 38% người Việt dưới 24 tuổi không có tài khoản ngân hàng trực tuyến, đây lại là cả một rào cản khá khó khăn. Bởi dù từ lâu, không ít người dùng đã quen với việc thanh toán trực tuyến, nhưng với nhiều người, chung quy vẫn chỉ nằm ở chữ "ngại". Đó là chưa kể những phát sinh từ các hình thức thanh toán này.

    Tất nhiên, nếu có thể giải quyết được cả 2 yếu tố trên, chắc chắn, Apple Music sẽ có được một vị thế vững chắc tại thị trường Việt Nam. Không nói là tương lai Apple Music sẽ tươi sáng hơn những NCT hay Mp3 Zing trong nước, tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng, Apple luôn là người đi sau, nhưng lại luôn là người biết cách tạo ra xu hướng. Sự nở rộ của iPhone tại Trung Quốc là một ví dụ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ