Dự án AI tỷ đô của Elon Musk - còn hơn cả cứu thế giới

    Nguyễn Hải,  

    Cuộc đua đến trí tuệ nhân tạo đang bước vào giai đoạn nóng bỏng khi các đối thủ cạnh tranh nhau không chỉ bằng công nghệ mà còn bằng cả những cử chỉ nghĩa hiệp. Mới đây nhất là Open AI, một startup phi lợi nhuận do Elon Musk và nhiều công ty khác lập ra "vì tương lai thế giới". Nhưng có lẽ đó chưa phải là tất cả.

    Elon Musk và Sam Altman lo về việc trí thông minh nhân tạo sẽ thống trị trên toàn thế giới. Vì vậy, hai doanh nhân đang cùng nhau tạo ra một công ty nghiên cứu trị giá một tỷ USD không vì lợi nhuận, mà để tối đa sức mạnh của trí thông minh nhân tạo AI – và chia sẻ công nghệ đó cho ai muốn nó.

    Hay ít nhất đó là thông điệp mà ông Musk, người sáng lập nên công ty Tesla Motors, và ông Altman, chủ tịch của Quỹ Y Combinator, một vườn ươm cho các startup tiềm năng, muốn thông báo tới mọi người về nỗ lực mới của họ, một dự án chưa từng có trước đây, được gọi là OpenAI. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Steven Levy của Backchannel, ông Altman cho biết họ kỳ vọng dự án kéo dài nhiều thập kỷ này sẽ vượt qua trí thông minh con người.

    Nhưng họ tin rằng, bất kỳ rủi ro nào cũng sẽ được giảm thiểu, bởi công nghệ này sẽ “được sử dụng bởi tất cả mọi người thay vì chỉ một Google nào đó.” Họ cảm thấy sức mạnh của nhiều người sẽ mạnh hơn sức mạnh của thiểu số, do vậy họ không lo lắng về việc công nghệ này có thể lọt vào tay những người có ý đồ xấu, khi chia sẻ tự do cho nhiều người.

    Nhưng với việc tạo ra OpenAI, có nhiều điều khác đáng bàn hơn chỉ là khả năng về một trí tuệ siêu việt nào đó có thể thống trị thế giới. Trong ngắn hạn, OpenAI có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho ông Musk và Altman, cũng như công ty của họ (Quỹ Y Combinator hiện đang rót tiền cho các startup như Airbnb, Dropbox và Stripe). Với việc thu hút các nhà nghiên cứu hàng đầu về trí tuệ nhân tạo cho OpenAI, hai doanh nhân này có thể tiếp cận với những ý tưởng mà họ không thể chạm đến trước đây. Với khối lượng khổng lồ dữ liệu trực tuyến từ các công ty tham gia đóng góp vào OpenAI, họ sẽ có phương tiện để thực hiện những ý tưởng đó. Ngày nay, chìa khóa cho công nghệ tiên tiến là các kỹ sư tài năng và sau đó là dữ liệu.

    Nếu OpenAI làm đúng sứ mệnh giúp mọi người đều có thể tiếp cận các ý tưởng mới, ít nhất dự án này sẽ là phép thử với các công ty hùng mạnh như Google hay Facebook. Với Musk, Altman và những người khác đang bơm hàng tỷ đô la vào công ty này, OpenAI cho thấy khái niệm về cạnh tranh đã thay đổi trong những năm gần đây, ngày càng nhiều những công ty doanh nghiệp và nhà đầu tư hy vọng cạnh tranh với các đối thủ khác bằng cách cho đi hay chia sẻ công nghệ của họ.

    Ưu điểm của công nghệ mở

    OpenAI đang ở trong những ngày tháng hào hùng của trí tuệ nhân tạo. Trong đầu tháng Mười Một, Google mở một phần mã nguồn của phần mềm tìm kiếm nhằm thúc đẩy tiến bộ cho một chức năng AI của mình – công nghệ học sâu – đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc xác định hình ảnh, nhận diện giọng nói, dịch ngôn ngữ và hiểu được đối thoại của con người. Ngay trước khi ra mắt OpenAI, Facebook cũng mã nguồn mở thiết kế của mình cho máy chủ để chạy chức năng học sâu cho AI của riêng mình, nhằm thực hiện các nhiệm vụ tương tự với công nghệ của Google. Giờ đến lượt OpenAI cũng tuyên bố sẽ chia sẻ mọi thứ họ đã xây dựng – đặt trọng tâm vào công nghệ học sâu.

    Khi một công ty như Google hay Facebook chia sẻ phần mềm hay thiết kế phần cứng của mình, họ có thể thúc đẩy sự tiến bộ của AI một cách toàn diện. Như vậy, cuối cùng những mối quan tâm riêng họ cũng sẽ được hưởng lợi. Những công nghệ mã nguồn mở khác đã chứng minh, khi chia sẻ cho một cộng đồng lớn hơn, Google và Facebook có thể thu lại sự tiến bộ cho doanh nghiệp riêng của mình.

    Ngoài ra, mã nguồn mở cũng là một cách để thu hút và tuyển dụng các tài năng. Trong lĩnh vực công nghệ học sâu, các nhà nghiên cứu – phần nhiều đến từ các trường đại học, họ thường rất thu hút với các ý tưởng về chia sẻ và mang lại lợi ích cho càng nhiều người càng tốt. “Đó thực sự là một lợi thế cạnh tranh khi tuyển dụng các nhà nghiên cứu.” Ông Altman nói với tạp chí WIRED.

    Dường như có một sự cạnh tranh giữa các công ty này với lợi ích thu được khi họ chia sẻ. Có lẽ Google mở mã nguồn của TensorFlow, cỗ máy AI của mình khi biết OpenAI sắp được công bố, còn thiết kế Big Sur của Facebook như một câu trả lời với dành cho cả Google và OpenAI. Dù ông Altman từ chối đưa ra suy đoán của mình, nhưng có lẽ việc OpenAI lôi kéo được Ilya Sutskever, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về AI, đã giúp Google biết được mục đích của OpenAI.

    Điều này không có nghĩa dự án mã nguồn mở của Google không có giá trị. Cho dù động cơ của công ty là gì đi nữa, việc đóng góp các mã nguồn cũng đều có giá trị với mọi người khi họ cần đến chúng. Hơn nữa, trong thế giới ngày nay, việc chia sẻ công nghệ còn ý nghĩa hơn chỉ là một hành động hào hiệp. Cộng đồng về công nghệ học sâu vẫn tương đối nhỏ, và việc chia sẻ của các công ty này có thể giúp họ đạt được những tiến bộ to lớn về công nghệ đầy sức mạnh này. Các công ty muốn chia sẻ, nhưng họ cũng muốn giành chiến thắng, do vậy họ chỉ cung cấp một phần bí mật của họ. Mã nguồn mở sẽ tăng tốc cho tiến bộ về AI, nhưng đồng thời cũng làm cho không một công ty hay công nghệ nào có thể trở nên quá mạnh. Đó là lý do tại sao OpenAI lại là một ý tưởng ý nghĩa đến như vậy.

    Chương trình Apollo của riêng mình

    Có lẽ nhiều người cũng đã biết đến những phát ngôn nổi tiếng của Elon Musk khi bày tỏ lo ngại về mối đe dọa đến từ AI. Nhưng có lẽ OpenAI không chỉ để ngăn chặn mối đe dọa đó. Vì ông Musk còn điều hành cả Tesla, một công ty sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển công nghệ của OpenAI. Tương tự như Google, dự án xe tự lái của Tesla, cũng sẽ hưởng lợi từ việc phát triển công nghệ học sâu.

    Công nghệ học sâu phụ thuộc vào cái gọi là mạng nơ ron, một mạng lưới rộng lớn các phần mềm và phần cứng giống như mạng lưới các nơ ron thần kinh trong não người. Khi bạn cung cấp đủ số ảnh cần thiết về một con mèo cho mạng nơ ron này, nó có thể học cách để nhận ra một con mèo. Khi được cung cấp đủ các cuộc đối thoại của con người, nó có thể học cách để thực hiện một đoạn hội thoại. Khi được cung cấp đủ dữ liệu về những gì ô tô gặp phải trên đường, và cách lái xe phản ứng, nó có thể học được cách lái xe.

    Dù đang có những nhà nghiên cứu AI làm việc trong Tesla, nhưng với OpenAI, Elon Musk có thể thuê được những nhà nghiên cứu giỏi hơn nữa (ngay cả các nhà nghiên cứu của các công ty đối thủ) – vì là một dự án mở nên dự án này sẽ không bị ràng buộc bởi mô hình kinh doanh của công ty nào hay mối quan tâm ngắn hạn nào. Thêm vào đó, OpenAI còn giúp tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ để phục vụ việc nghiên cứu. Ông Altman cho biết, nhưng công ty mà Y Combinator rót tiền sẽ chia sẻ dữ liệu của họ với OpenAI, và lượng dữ liệu đó là không nhỏ.

    Kết hợp dữ liệu với Tesla, bạn sẽ bắt đầu trở thành đối thủ của Google, ít nhất là theo một cách nào đó. “Điều này tốt cho một số công ty nhưng sẽ tệ hơn với những công ty khác” CEO của Skymind, một startup về công nghệ học sâu, được tài trợ bởi Y Combinator, ông Chris Nicholson cho biết. “Tôi chắc rằng Airbnb có những dữ liệu lớn về nhà cửa mà Google không thể chạm tới.

    Ông Musk còn là người đầu tư từ đầu cho công ty tên DeepMind – một công ty của Anh tự mô tả mình như “Chương trình Apollo cho AI” – công nghệ mạng thần kinh của họ cho phép truy cập vào các bộ nhớ ngoài dẫn đến việc máy tính có thể bắt chước bộ nhớ ngắn hạn của con người. Nhưng với việc Google sau đó mua lại DeepMind, cánh cửa để ông Musk tiếp cận với công nghệ đáng chú ý này đã đóng lại. Nhưng giờ với OpenAI, ông Musk đã có chương trình Apollo cho riêng mình. Điều tương tự cũng đến với các nhà đầu tư khác, bao gồm cả Amazon, người khổng lồ về Internet đang Google và Facebook bỏ xa trên đường đua tới AI.

    Bi quan giữa những lạc quan

    Dù ông Musk cũng được hưởng lợi từ dự án này, nhưng giá trị của nó với thế giới rộng lớn của AI còn hơn thế. OpenAI sẽ thúc đẩy Google, Facebook và những người khác làm tương tự, chia sẻ công nghệ với thế giới. Điều này không chỉ tốt cho Tesla và các công ty mà Y Combinator tài trợ, mà còn cho cả những người quan tâm đến việc sử dụng công nghệ này.

    Tất nhiên, khi chia sẻ công nghệ của mình, OpenAI cũng mang lại lợi ích cho Google, Facebook và ngay cả những người có ý đồ sử dụng công nghệ vào mục đích xấu. Nhưng mối bận tâm lớn nhất không phải việc những người đó sẽ sử dụng công nghệ này gây hại cho thế giới ra sao, mà là công nghệ này tự nó sẽ gây hại cho thế giới. Công nghệ học sâu sẽ không dừng lại chỉ ở xe tự lái và hiểu được ngôn ngữ con người. Các nhà nghiên cứu tin rằng, kết hợp giữa dữ liệu và thuật toán, sự hiểu biết của nó có thể vượt ra ngoài tầm hiểu biết thông thường của con người, hoặc đến mức độ của một trí thông minh siêu phàm.

    Đó là những gì mà Elon Musk và Altman cố gắng chống lại. “Phát triển, tạo điều kiện và làm giàu thêm công nghệ để bảo vệ con người.” Ông Atlman nói với chúng tôi. “Làm điều đó một cách tốt nhất sẽ bảo vệ tất cả chúng ta.” Nhưng cùng lúc với việc bảo vệ thế giới, họ cũng đang rút ngắn con đường đi đến siêu trí tuệ. Dù ông Altman và Musk tin rằng để mọi người đều có thể tiếp cận với siêu trí tuệ đó sẽ kiểm soát được bất kỳ AI xấu nào, nhưng điều ngược lại luôn có thể xảy ra. Nếu các công ty biết rằng mọi người đều đang chạy đua để hướng đến AI, họ có thể sẽ ít chú trọng đến các biện pháp phòng ngừa.

    Dù bằng cách nào đi nữa, các công ty tương tự như Google hay Facebook đang nhanh chóng đẩy AI tới những chân trời mới. Ít nhất, trong quãng đường nhỏ này, OpenAI có thể giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát. “Tôi nghĩ rằng Elon và nhóm của ông có thể thấy AI là không thể ngăn cản” Nicholson cho biết “Và vì vậy, tất cả bọn họ có thể hy vọng làm điều gì đó để ngăn cản đường đi của công nghệ đó.”

    Theo WIRED

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ