Hãng điện thoại được Tổng thống Putin đỡ đầu tính cạnh tranh với Apple tại Trung Quốc

    Neo,  

    "Rất nhiều người Trung Quốc đã quan tâm tới chúng tôi trên mạng xã hội sau khi Tổng thống Putin tặng YotaPhone cho Chủ tịch Tập Cận Bình".

    Yota, hãng sản xuất smartphone hai màn hình được chính phủ Nga "đỡ đầu" sẽ tập trung vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới với hy vọng thị trường này sẽ chiếm một nửa doanh số toàn cầu. Đây là một mối đe dọa với Apple bởi "Táo khuyết" cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường đông dân nhất thế giới.

    CEO của Yota, ông Vlad Martynov, xác định sẽ xuất xưởng khoảng 1 triệu chiếc YotaPhone trong năm tới. Tuy nhiên, ông Martynov từ chối tiết lộ danh sách khách hàng và thị trường mục tiêu. Theo ước tính của IDC, trong năm ngoái Yota đã xuất xưởng được khoảng 100.000 chiếc smartphone hai màn hình.

    YotaPhone có thiết kế khá độc đáo với màn hình độ nét cao ở phía trước và màn hình tiết kiệm điện tương tự màn hình của các máy đọc e-book Kindle ở phía sau. Smartphone này trở nên nổi tiếng khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng nó như một món quà tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau khi bán phần lớn cổ phần cho một công ty ở Hồng Kông, Yota muốn giảm giá YotaPhone bằng cách hợp tác với các nhà sản xuất Trung Quốc bao gồm cả ZTE. Dự kiến YotaPhone 3 ra mắt trong năm tới sẽ có giá chỉ 550 USD (tương đương 12,2 triệu đồng).

    "Rất nhiều người Trung Quốc đã quan tâm tới chúng tôi trên mạng xã hội sau khi Tổng thống Putin tặng YotaPhone cho Chủ tịch Tập Cận Bình", Martynov chia sẻ. "Chúng tôi đặt Trung Quốc và Mỹ lên bàn cân và chúng tôi nhận ra rằng ở thời điểm hiện tại khả năng thành công của YotaPhone 2 ở Trung Quốc cao hơn ở Mỹ".

     

    Trong khi đó, Trung Quốc hiện là thị trường smartphone lớn nhất thế giới, thị trường này tăng trưởng một cách nhanh chóng. Theo IDC, thị trường smartphone Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 19,7% trong năm 2014 tuy nhiên sẽ chậm lại vào năm 2015 với mức tăng trưởng chỉ 1,2% và 0,5% vào năm 2019.

    Thị trường smartphone Trung Quốc là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt và thiết kế độc đáo của YotaPhone chính là ưu điểm giúp Yota thành công, Mark Tanner, người sáng lập China Skinny, một hãng nghiên cứu và marketing tại Thượng Hải, cho biết.

    "Yota sẽ phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh nội địa đáng gờm, những hãng này có thể tung ra sản phẩm chất lượng với mức giá cạnh tranh", Tanner nói. "Nếu YotaPhone thành công, chỉ vài tháng sau các nhà sản xuất địa phương sẽ tạo ra những phiên bản nhái".

    Martynov cho biết các công nghệ của YotaPhone đều được mở cho mọi người.

    Tháng trước, những sáng lập người Nga của Yota đã đồng ý bán 65% cổ phần cho Rex Global Entertainment Holding Ltd. với mức giá 100 triệu USD. Như vậy tổng giá trị của Yota rơi vào khoảng 154 triệu USD. Rex Global là một công ty cổ phần đầu tư với danh mục đầu tư rất rộng từ tàu du lịch, phát triển bất động sản, thiết bị khử trùng y tế và chế biến khoáng sản.

    Yota quyết định chuyển hướng sang Trung Quốc sau thất bại cay đắng tại Mỹ. Tại xứ cờ hoa, Yota đã phải nhờ tới trang gây quỹ cộng đồng Indiegogo để kiếm vốn mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên kế hoạch ra mắt YotaPhone 2 tại Bắc Mỹ đã bị hủy dù kế hoạch gây vốn rất thành công khi gom được gần 300.000 USD.

    "Có vẻ như YotaPhone sẽ không thành công tại Mỹ", Natalia Vinogradova, một nhà phân tích của IDC cho biết. "Người tiêu dùng có vẻ quan tâm tới ý tưởng nhưng YotaPhone vẫn là một thiết bị bất thường".

    Khi YotaPhone ra mắt vào năm 2013, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố rằng Apple hãy cẩn thận. Tập đoàn nhà nước Rostec Corp., do Sergey Chemezov - cánh tay phải của Putin lãnh đạo, sở hữu 25% cổ phần của Yota.

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ