Tổng thống Obama muốn nước Mỹ chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư

    zknight,  

    Tuyên bố được so sánh với mục tiêu đưa con người lên Mặt Trăng của John F. Kennedy.

    Trong Thông điệp liên bang hồi tháng 1, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố một chiến dịch chống lại bệnh ung thư của nước Mỹ. “Vì những người thân yêu đã ra đi của chúng ta, vì những gia đình mà chúng ta có thể cứu được, hãy để Mỹ trở thành nước chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư”.

    Điều này ngay lập tức được ví như mục tiêu đưa con người lên mặt trăng mà tổng thống John F. Kennedy đã tuyên bố năm 1961. 8 năm sau, mục tiêu của Tổng thống Kennedy trở thành hiện thực. Vậy liệu chúng ta có thể tin tưởng điều tương tự sẽ xảy ra một lần nữa, với tuyên bố dũng cảm của một Tổng thống Mỹ khác?

     Tổng thống Obama phát biểu trong Thông điệp liên bang cuối cùng

    Tổng thống Obama phát biểu trong Thông điệp liên bang cuối cùng

    1 tỷ USD cho việc gì?

    Trong phát biểu liên bang cuối cùng của nhiệm kỳ, Tổng thống Obama đã giao cương vị lãnh đạo sứ mệnh mà ông tuyên bố cho Phó Tổng thống Joe Biden. Đối với riêng Biden, đó cũng là một vấn đề cá nhân, bệnh ung thư não cũng đã mất người con trai của ông năm ngoái.

    Biden tuyên bố không tranh cử tổng thống và sẽ giành cả nhiệm kỳ còn lại của mình để tìm ra giải pháp chấm dứt căn bệnh ung thư trên nước Mỹ. Sứ mệnh chữa trị ung thư được “bơm” vào 1 tỷ USD tiền mặt, chiếm đến 50% của số tiền được phê chuẩn thêm cho Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ năm 2015.

    Mục tiêu của số tiền này là rút ngắn thời gian đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực xuống còn một nửa. Nó sẽ tập trung vào các phương pháp điều trị ung thư mới. Trong đó, kết hợp liệu pháp miễn dịch đang được phát triển với các phương pháp điều trị truyền thống.

    Ngoài ra, những nguồn lực mới cũng được cung cấp trong công nghệ gen, được sử dụng để cải thiện việc phát hiện ung thư. Một khu vực xa hơn của loạt nghiên cứu là các vắc-xin phòng ngừa ung thư, ngay khi nó chưa xuất hiện.

    Phó Tổng thống Biden nói rằng nhiệm vụ của ông là phải phá vỡ các bức tường và đưa tất cả các lĩnh vực nghiên cứu tập trung lại, đoàn kết để chiến đấu với căn bệnh ung thư.

    Ngày nay, nhiều bệnh viện thậm chí không chia sẻ dữ liệu của họ. Các bác sĩ không thể cập nhật những phương pháp điều trị ung thư mới nhất.

     Phó tổng thống Biden, người sẽ lãnh đạo sứ mệnh chống ung thư của nước Mỹ

    Phó tổng thống Biden, người sẽ lãnh đạo sứ mệnh chống ung thư của nước Mỹ

    Chúng tôi đang thực hiện những điều để chắc chắc rằng thông tin phải được chia sẻ”, Biden khẳng định. Theo đó, ông ví dụ một bác sĩ nghiên cứu ung thư độc lập ở Texas có thể được cấp quyền truy cập vào bệnh viện Anderson, cơ sở điều trị ung thư lớn thuộc Đại học Texas.

    Đây cũng chính là nơi mà con trai Biden đã được điều trị nhưng không qua khỏi. “Khoảng cách địa lý là rất gần nhưng quyền truy cập thì không hề có”, ông nói về thực trạng hiện nay về sự liên kết nghiên cứu trong điều trị ung thư.

    Tương lai điều trị ung thư đang được mở ra

    Trong những thập kỷ gần đây, đã có rất nhiều tiến bộ đáng ghi nhận trong phương pháp điều trị một số loại ung thư. Chỉ 30 năm trước, khi một người nào đó mắc ung thư, anh ta chỉ có 25% cơ hội sống sót sau 10 năm. Bây giờ, con số đã lên đến gần 50%.

    Tuy nhiên, “phía dưới bức tranh chung này là những câu chuyện rất khác”, giáo sư Nic Jones người dẫn đầu chương trình nghiên cứu ung thư đến từ Đại học Manchestrer cho biết. “Đối với ung thư tinh hoàn và ung thư vú, những tiến bộ to lớn đã được thực hiện. Nhưng trong ung thư phổi, tuyến tụy và ung thư não, chúng ta có vẻ như chỉ đang dậm chân tại chỗ”.

    Chúng ta cần thực sự tập trung các nỗ lực nghiên cứu vào những vùng này”, Jones cho biết.

    Điều trị ung thư cần sự kết hợp của các phương pháp điều trị nhắm mục tiêu tốt hơn, thuốc phân phối hiệu quả hơn đến các khối u, các chẩn đoán sớm hơn giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao, phẫu thuật và xạ trị chính xác hơn giúp kéo dài sự sống người bệnh.

    Các chiến dịch khuyến khích thay đổi lối sống chẳng hạn như bỏ thuốc lá cũng dẫn đến sự khác biệt lớn. Liệu pháp miễn dịch bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng trên người, trong nửa thập kỷ gần đây, cũng cho thấy niềm hi vọng mới. Mặc dù chỉ một phần nhỏ bệnh nhân đáp ứng tốt với liệu pháp này, có những trường hợp ung thư được chữa khỏi.

     Adrian Webb (trái) người đã được cứu sống khỏi bệnh ung thư bằng liệu pháp miễn dịch

    Adrian Webb (trái) người đã được cứu sống khỏi bệnh ung thư bằng liệu pháp miễn dịch

    Adrian Webb là một trong những người may mắn đó. Năm 2012, ông phát hiện ra một nốt ruồi thay đổi màu sắc mà hóa ra là một khối u hắc tố của ung thư da. Những phương pháp điều trị thông thường đã không thể cứu Webb khỏi tình trạng di căn mà ông được chẩn đoán là chỉ còn tối đa 1 năm tiên lượng.

    Tuy nhiên, bác sĩ của Webb tại bệnh viện Queen Elizabeth, Birmingham đã giới thiệu ông đến với một chương trình thử nghiệm lâm sàng liệu pháp miễn dịch. Tại thời điểm đó, đối với 95% bệnh nhân, liệu pháp miễn dịch là không hiệu quả. “Sau 12 tháng, tôi phải nói rằng tôi đã may mắn nằm trong nhóm 5% còn lại”, Webb nói.

    Hiện nay, đã 4 năm trôi qua, những di căn của ung thư mà Webb phải chịu đựng chỉ còn là một khối u nhỏ ở phổi. Ông đã đủ khỏe để có thể chạy marathon trở lại.

    Câu chuyện của Webb xứng đáng là một nguồn cảm hứng lớn cho các bệnh nhân cũng như nhà khoa học nghiên cứu ung thư. Tuy nhiên, không vì thế mà những thách thức rất lớn biến mất trước khi chúng ta tìm ra một phương pháp điều trị ung thư thành công, an toàn và phổ biến. Hiện nay, chúng ta chưa có một “viên đạn ma thuật” nào như vậy.

    Đừng đổ tiền vào thuốc

    Giáo sư Jones nói: “Ung thư là căn bệnh phức tạp nhất mà nhân loại biết đến. Mỗi cá thể có một cách phát triển bệnh riêng biệt. Chúng ta cần hiểu ung thư ở mức độ phân tử đế phát triển các phương pháp điều trị chính xác hơn”.

    Ví dụ, các phương pháp điều trị miễn dịch là rất tốn kém. Đó chính là rào cản khiến chúng không thể được triển khai rộng rãi trên toàn thế giới hiện nay, mặc dù đã có những trường hợp bệnh nhân được điều trị rất tích cực như Andria Webb.

     Chiến thắng bệnh ung thư được so sánh là bước đột phá tương đương với đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng

    Chiến thắng bệnh ung thư được so sánh là bước đột phá tương đương với đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng

    Giáo sư Thomas Tucker, phó giám đốc dự án phòng chống và kiểm soát ung thư tại Đại học Kentucky cho biết chương trình của Tổng thống Obama nên khiến dòng tiền được sử dụng tốt hơn trong cuộc chiến với ung thư.

    Một số tiền có thể được đổ vào các công ty dược phẩm, nhưng rồi bao nhiêu cho đủ khi chúng ta phải trả cho những loại thuốc 12.000 USD mỗi tháng?”, Tucker nói. Ông muốn thấy thêm 1 tỷ USD nữa được tài trợ vào các dự án mang tính phòng chống và ngăn ngừa ung thư.

    Trong số 1,7 triệu trường hợp ung thư mới được chẩn đoán ở Mỹ mỗi năm, ít nhất cũng tới 1 phần 3 trong số chúng có thể được ngăn chặn. Nếu cứ 3 người có một người không mắc bệnh nữa, hãy tưởng tượng những gì chúng ta tiết kiệm được?”.

    Sự nghi ngờ

    Bên cạnh Mỹ, Anh cũng có mục tiêu quốc gia tương tự của họ để chống lại bệnh ung thư với Tổ chức Nghiên cứu Ung thư riêng. Họ chi một số tiền khiêm tốn hơn, khoảng 100 triệu Bảng để phát triển các chương trình nghiên cứu ung thư.

    Nhưng rồi câu hỏi đặt ra là liệu những chương trình như thế này có đạt hiệu quả?

    Hơn 4 thập kỷ trước, năm 1971, tổng thống Richard Nixon cũng đã từng phát động một “Cuộc chiến với ung thư”, nhưng rồi cuộc chiến đó không thắng lợi.

    Tiến sĩ Claire Pomeroy, chủ tịch Quỹ Lasker kể về động lực của bà Lasker, người đã sáng lập ra tổ chức vì sức khỏe cộng đồng này: “Khi đến thăm gia đình một người thợ giặt phải phẫu thuật ung thư vú, bà đã mang một ấn tượng mạnh về sự đau khổ mà họ phải chịu đựng”.

    Lasker sau đó đặt hàng một quảng cáo toàn trang trên cả hai tờ báo nổi tiếng Washington Post và New York Times, yêu cầu tổng thống Nixon bắt đầu một chiến dịch chống ung thư. Nó thực sự đã có tác dụng lớn. Thay vì cắt giảm ngân sách, tổng thống đã tăng nó.

     Tổng thống Nixon cũng đã từng tuyên bố một cuộc chiến của nước Mỹ với ung thư

    Tổng thống Nixon cũng đã từng tuyên bố một "cuộc chiến" của nước Mỹ với ung thư

    Các cố vấn của Nixon được triệu tập, bao gồm cả những nhà khoa học đã đưa con người lên Mặt Trăng. Họ đặt ra mục tiêu tìm ra cách điều trị ung thư trong vòng 7 năm. Nhưng hóa ra chữa trị ung thư còn khó hơn đưa Neil Amstrong lên Mặt Trăng. Chiến dịch của Tổng thống Nixon đã đạt được điều gì?

    Carsten Timmermann, một sử gia y tế đến từ Đại học Manchester cho biết: “Cũng có nhiều phát hiện mới được thực hiện trong thời kỳ này, ví dụ trong sinh học phân tử. Nhưng rồi lợi ích hữu hình với bệnh nhân là không nhiều. Tác động lớn nhất của một cuộc chiến công khai về ung thư như vậy là giáo dục người dân trong sự nhìn nhận của họ về căn bệnh”.

    Ngày nay, sau hơn 40 năm chiến dịch của Richard Nixon, một tổng thống Mỹ khác tiếp tục tuyên bố hành động quốc gia để chống lại bệnh ung thư. Rõ ràng những nỗ lực ngày nay không còn dừng lại ở mức giáo dục sự hiểu biết của công chúng nữa, nó phải tập trung vào kỹ thuật cũng như phương pháp điều trị.

    Bây giờ, nếu một lần nữa nhìn vào lời hứa đã thành hiện thực của Kennedy, vị tổng thống thứ 35 đầy nhiệt huyết của Hoa Kỳ, chương trình Apollo đã được dự kiến lên đến 40 tỷ USD. Cuối cùng, nó kết thúc với chi phí 24 tỷ USD, tương đương gần 200 tỷ USD nếu điều chỉnh theo mức lạm phát hiện nay.

    "Hãy để Mỹ trở thành nước chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư"

    Chiến thắng bệnh ung thư được so sánh là bước đột phá tương đương với đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng. Cũng vẫn là lời tuyên bố của hai vị tổng thống Mỹ, nhưng chúng ta có thể thấy ở đây sự khác biệt đáng để nghi ngờ.

    Kennedy hứa sẽ đưa con người lên Mặt Trăng trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, Obama thì phát động cuộc chiến với ung thư trong thông điệp liên bang cuối cùng. Kennedy sẵn sàng chi đến hàng trăm tỷ USD, số tiền cho sứ mệnh mà Obama tuyên bố chỉ là 1 tỷ. Sứ mệnh Apollo được thực hiện trong thời kỳ tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, cuộc chiến chống ung thư sẽ diễn ra trong giai đoạn ngược lại.

    Hãy để Mỹ trở thành nước chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư”, có thật nhiều điều để nghi ngờ về mục tiêu của tổng thống Obama. Nhưng dẫu sao, chúng ta hãy cùng chờ đợi báo cáo đầu tiên của sứ mệnh mà ông phát động vào ngày 31 tháng 12 năm 2016. Biết đâu nước Mỹ có thể chữa được ung thư với 1 tỷ USD hoặc sẽ có những khoản tiền khổng lồ hơn cho mục tiêu đó sau này.

    Tham khảo BBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ