Điều gì sẽ giúp Apple, Google, Microsoft vượt qua cơn thoái trào?

    Yến Thanh,  

    Chỉ bằng những hành động đơn giản, các ông lớn có thể sống sót qua năm 2016 này.

    Dưới đây là góc nhìn của nhà phân tích Walt Mossberg về những chiến lược sẽ giúp gã khổng lồ công nghệ như Apple, Google hay Microsoft vượt qua cơn thoái trào trong năm 2016. Mossberg cho rằng, mỗi ông lớn sẽ có thế mạnh và yếu điểm riêng, nhưng chỉ bằng những hành động đơn giản, họ vẫn có thể sống khỏe trong năm nay.


    Mở màn năm 2016 là sự kiện CES thường niên. Đây được coi là bữa tiệc công nghệ thịnh soạn khi hàng loạt các nhà sản xuất, từ điển tử tiêu dùng cho với các lĩnh vực công nghệ cao đã tụ họp tại thành phố Las Vegas. Tại đây, chúng tôi đã chiêm ngưỡng những sản phẩm công nghệ tuyệt vời nhất.

    Đó có thể là một chiếc máy báy không người lái tinh vi và nhỏ gọn, một chiếc máy tính mỏng nhẹ tới bất ngờ, hoặc thậm chí là cả một chiếc xe tự lái hoàn toàn mới. Thế nhưng, bạn có nhận ra rằng, tất cả những sản phẩm này đều không bao gồm những tên tuổi lớn trong làng công nghệ?

    Đây là câu chuyện mà tôi đã từng nói tới trong sự kiện CES 2015 vào năm ngoái. Ở đây chúng ta có 2 điểm đáng lưu tâm. Thứ nhất, phần lớn các sản phẩm đột phá đều không đến từ các thương hiệu như Apple, Google hay Microsoft. Thứ hai, phần lớn các sản phẩm này đều chết yểu.

    Nói một cách phũ phàng, sự vượt trội trong công nghệ chưa chắc đã giúp bạn trở nên tốt hơn trong tương lai, càng không thể đảm bảo cho bạn một chỗ đứng tốt trên thị trường. Và không chỉ riêng tại CES 2015, điều này luôn đúng trong khoảng 20 năm qua, kể từ khi CES ra đời.

    Do đó, tôi cho rằng, những thương hiệu đã có chỗ đứng như Apple, Google hay Microsoft chưa chắc cần tới những công nghệ thực sự đột phá trên các sản phẩm của mình. Điều mà họ cần chính là những hành động đơn giản, nhưng nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng thời khiến cuộc sống ngày càng tốt hơn.

    Google

    Vào thời điểm cuối năm ngoái, gã khổng lồ tìm kiếm của chúng ta đã cố gắng hợp nhất 2 nền tảng kĩ thuật số là Android và Chrome OS. Với nhiều người, đây có thể là thông tin khá sốc, khi một nền tảng mạnh mẽ và màu mỡ như Android lại phải ghép đôi với sự nghèo nàn của Chrome OS.

    Nhưng vào lúc đó, tôi đã nói với các quan chức hàng đầu của Google rằng, tôi hoàn toàn ủng hộ họ. Tôi mong muốn nhìn thấy sự kết hợp giữa 2 nền tảng này. Tại sao? Thứ nhất, Android mới sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm với hệ sinh thái Windows 10 của Microsoft. Mọi cuộc ganh đua đều hấp dẫn.

    Thứ hai, sự phân mảnh là điểm yếu cố hữu trên nền tảng Android. Tôi hy vọng, với hệ sinh thái mới, điểm yếu này sẽ phần nào được khắc phục. Bởi chúng ta đều biết, dù Chrome OS khá mỏng cơm, nhưng nền tảng này lại tương đối an toàn và bảo mật. Một sự kết hợp tuyệt vời.

    Thứ ba, việc gộp chung Chrome OS với Android sẽ giúp Google có thêm thị phần tại thị trường PC. Biết đâu, Android sẽ giúp PC phục hưng? Tóm lại, nếu kế hoạch hợp nhất Android và Chrome OS được thực hiện suôn sẻ, đây sẽ là thành công lớn nhất của Google trong năm 2016.

    Apple

    Sự thống trị của Apple trong lĩnh vực phần cứng là điểm sáng đáng ghi nhận trong năm 2015 vừa qua. Thế nhưng, để tiếp tục duy trì ngôi vị này trong năm 2016, Apple thực sự cần chăm chút tốt hơn cho những trải nghiệm phần mềm, cũng như ứng dụng của mình.

    Tôi không phủ nhận sự tiện lợi của các phần mềm này. Nhưng nếu bạn nhìn kĩ vào các ứng dụng mặc định trên iOS hay OS X như Mail, Calendar hay một vài ứng dụng khác, bạn sẽ thấy, đã lâu lắm rồi, Apple không chịu cập nhật, hay nâng cấp những tiện ích này. Nói cách khác, Apple đang lơ đãng.

    Hoặc như ứng dụng iTunes có trên máy Mac, hoặc Apple Music trên iOS, công ty có trụ sở tại Cupertino cần làm cho chúng đơn giản và dễ sử dụng hơn. Tôi đã nghe những phàn nàn gần đây của người dùng với những ứng dụng này, và đặt ra câu hỏi, phải chăng Apple đã tới mức tệ như vậy.

    Có lẽ, trong năm 2016, CEO Tim Cook sẽ cần nghiêm túc nghĩ lại về câu chuyện kinh doanh của Apple. Sở dĩ, Táo Khuyết được nhiều người dùng biết tới không phải vì giàu có hay kinh doanh giỏi. Mà cốt lõi nằm ở tính sáng tạo, sự chu toàn trong sản phẩm, yếu tố mà Apple đang dần mất đi.

    Microsoft

    Riêng với Microsoft, tôi phải ngả mũ thán phục. Họ đã có một quý cuối năm thành công, đúng nghĩa. Nói một cách văn hoa, các tín đồ yêu công nghệ đã được thưởng thức một bữa tiệc thịnh soạn từ smartphone, tablet, laptop cho tới hệ sinh thái Windows 10 cực kì sinh động.

    Phải ghi nhận rằng, Microsoft đã thay đổi rất nhiều kể từ khi CEO Satya Nadella lên nắm quyền. Họ thể hiện một bộ mặt khác, tươi mới và cứng rắn hơn. Tuy nhiên, vẫn phải nhấn mạnh rằng, sản phẩm cốt lõi của họ, Windows 10 vẫn còn những điểm yếu cố hữu. Ở đây?

    Ngay trong kho ứng dụng của Windows. Bản chất một nền tảng muốn đứng vững luôn cần một khu ứng dụng, phần mềm phong phú. Với các thiết bị như PC, laptop, Windows 10 đã có 1 kho tiện ích hùng mạnh, mà bất kì nền tảng nào cũng phải ghen tị.

    Nhưng với tablet hay smartphone, đây lại là một câu chuyện khác. Họ thiếu hụt những ứng dụng quan trọng, hoặc tạo nên trào lưu trong giới công nghệ. Tôi đã thấy họ chuẩn bị rất nhiều phương án cho kho ứng dụng Windows, nhưng chúng đều bế tắc. Có lẽ, họ sẽ cần thêm phương án B, hoặc C trong năm nay.

    Amazon

    Khá khen cho Amazon trong năm 2015. Tôi tin rằng họ đã có một năm thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử, và cả bán buôn, bán lẻ cho các khách hàng doanh nghiệp. Mọi thứ được họ bán ra đều tốt. Nhưng các sản phẩm do Amazon tự tay làm ra lại không được như vậy.

    Có chăng, Amazon sẽ cần nghiêm túc hơn khi tạo ra một thiết bị phần cứng cho riêng mình? Đúng, tôi cho là như vậy. Có lẽ, họ sẽ cần dừng ngay những ý tưởng tạo ra một sản phẩm không giống ai, mà cần gần gũi hơn với người dùng. Hãy nhìn vào sự thất bại của chiếc điện thoại Fire Phone. Đúng là 1 sản phẩm hạng B.

    Tôi không có ý chê trách chiếc smartphone mà Amazon đã rất tâm huyết. Nhưng tôi cho rằng, họ nên tiếp tục tập trung vào thế mạnh của mình, nhưng gì mà họ làm tốt nhất. Ở đây, tôi muốn đề cập tới trí thông minh nhân tạo Alexa của ông lớn Amazon. Bạn đã đi đúng đường rồi đấy.

    Hay thậm chí là bộ loa Amazon Echo, thật tuyệt, một thiết bị phần cứng được kết hợp chặt chẽ với Alexa. Điều tôi muốn nói ở đây là, Amazon, hãy tự tin và mạnh bạo hơn với các sản phẩm phần cứng. Đó có thể là một chiếc smartphone, hay tablet, nhưng hãy nghĩ tới việc tích hợp sâu cùng Alexa.

    Facebook

    Với hơn một tỷ người dùng hoạt động mỗi ngày, Facebook đã thành công. Tất nhiên, họ đã làm mọi cách để níu chân người dùng tại mạng xã hội của mình, từ việc giúp cho các chia sẻ, bài viết dễ lan tỏa hơn, kết nối người dùng, và cả cách để không bỏ lỡ bài viết từ bạn bè.

    Tuy nhiên, chính sự tràn lan và nới lỏng của Facebook đã khiến nhiều kẻ xấu chuộc lợi. Đáng nói nhất là vấn đề nguồn cấp tin. Ở đây tôi muốn đề cập với vấn đề tính minh bạch và bản quyền. Facebook cũng có thể coi là một nguồn cấp tin, nhưng có chăng, họ nên thắt chặt những thông tin tràn lan nhiều hơn?

    Tôi biết, đây là một vấn đề nan giải, do bản chất của Facebook là sự phong phú trong tin tức. Nhưng nếu họ có thể đảm bảo cho sự minh bạch của mạng xã hội này, tôi dám chắc Facebook sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai. Như sự thay thế cho xã hội thực là một ví dụ.

    Nhìn chung, tôi vui mừng về thành tựu hiện tại của Facebook. Với riêng CEO Mark Zuckerberg, tôi hầu như không có lời khuyên nào cho anh. Như bao người dùng khác, tôi chỉ hy vọng rằng, Facebook trong năm 2016 sẽ có thêm nhiều tiện ích, ứng dụng thiết thực cho cuộc sống con người.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày