Hãy tập nói "không" trong công việc khi rơi vào 5 trường hợp sau

    Ngọc Nhým,  

    Cần phải học nói "không" trong công việc.

    Phải thừa nhận rằng tôi là một người “tham công tiếc việc”. Tôi chấp nhận mọi khó khăn, thử thách, các dự án không tưởng và luôn quan tâm đến mọi vấn đề. Nhưng sự thật là mỗi cái gật đầu với cơ hội mới sẽ càng khiến chúng ta trở nên căng thẳng hơn.

    Con/anh/em cần phải học cách nói “không”! là lời khuyên bạn suốt ngày phải nghe từ gia đình và bạn bè. Họ đã quá chán nản khi phải nghe bạn than phiền về lịch làm việc kín đặc của mình.

    Tuy nhiên, nói thì dễ hơn là làm – nhất là khi bạn hay tiếc nuối những gì đã qua. Bạn phải ngừng suy nghĩ về những cơ hội mà bạn đã bỏ qua trong quá khứ và tập trung hơn nữa cho công việc ở hiện tại.

    Dưới đây là 5 thời điểm thích hợp để nói “không” trong công việc. Học cách từ chối, bạn sẽ nhận được nhiều hơn những gì bạn nghĩ.

    1. Khi bạn có một cơ hội khác tốt hơn

    Thứ duy nhất bạn có là thời gian và năng lượng, vì vậy hãy chọn lọc thật kỹ giữa các cơ hội, các buổi event hay đơn giản là các dự án mới. Nếu bạn dành quá nhiều sự chú ý cho những thứ mờ nhạt thì nó cũng chẳng có ý nghĩa gì.

    Là một freelancer, tôi luôn cố gắng hoàn thành một cách nhanh gọn các dự án của mình trong khoảng thời gian nhất định bởi đơn giản là tôi không muốn từ chối các cơ hội khác với mức lương hấp dẫn chỉ vì đang vướng một công việc hạng 2 nào đó.

    Nếu bạn nhận được một công việc tốt hơn công việc hiện tại thì đừng chần chừ, hãy đặt lá đơn xin thôi việc lên bàn của sếp. Nghe thì có vẻ vô tình nhưng điều đó là cần thiết.

    2. Khi công việc không đem lại lợi ích gì cho bạn

    Đây có lẽ là 1 trong những lý do mang đậm tính cá nhân và ít tích cực nhưng đó là cách để bạn tập trung hơn vào các thế mạnh của mình.

    Tất nhiên, đôi khi mọi người vẫn phải làm những công việc nhàm chán hay không hiệu quả (xin chào, cuộc sống của những kẻ trưởng thành), nhưng khi bạn có quyền tự do chọn lựa thì bạn nên “say no” với những công việc không đem lại lợi ích gì cho bạn.

    Có thể nó chỉ đơn giản là việc sếp hay đồng nghiệp gây sức ép lên bạn, bắt buộc bạn phải tham gia vào một cuộc họp mà nó chẳng hề liên quan gì đến bạn cũng như không đem lại lợi ích gì cho bạn ngoài việc khiến bạn khó chịu vì không thể tập trung làm cho xong những việc quan trọng khác. Lúc này bạn hãy sẵn sàng cho một lời nói “không” đầy quyết đoán.

    Không có gì sai nếu đưa tay giúp đỡ người khác. Nhưng hãy nhớ rằng nếu bạn cho đi quá nhiều thời gian của bản thân thì bạn sẽ không có đủ thời gian của riêng mình để quan tâm đến những điều thực sự cần thiết khác.

    3. Khi bạn không có nhiều thời gian

    Thời gian rất quý giá, ai cũng biết điều này. Và nếu bạn là người có xu hướng nhiệt tình với bất kỳ dự án mới hoặc cơ hội nào đó thì điều đó cũng có nghĩa bạn đang sử dụng sai lầm quỹ thời gian của mình.

    Ôm đồm quá nhiều trách nhiệm cũng là một dạng thảm hoạ. Nó không chỉ dẫn đến việc bạn bị stress gây ra những đêm mất ngủ triền miên hay tạo cho bạn thói quen cắn móng tay xấu xí mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công việc của bạn. Bạn chạy qua chạy lại một cách điên cuồng, cố gắng để có thể làm tốt được tất cả mọi thứ, nhưng đơn giản là bạn không có đủ thời gian, và những thứ bạn làm không đạt hiệu quả cao.

    Vì vậy nếu bạn cảm thấy công việc đã đủ, đơn giản hãy học cách từ chối những thứ bạn không có thời gian để làm. Hãy suy nghĩ theo hướng này: khi bạn nói “không” tức là đã tạo cơ hội cho người khác, người có nhiều thời gian hơn bạn, để họ làm việc đó tốt nhất chứ không phải một cách nửa vời như bạn.

    4. Khi bạn không đủ khả năng cho công việc hiện tại

    Tôi cá rằng hầu hết tất cả chúng ta đều ưa thích những công việc mang tính thách thức cao và có thể kéo bạn ra khỏi những suy nghĩ bình thường. Nhưng có những nhiệm vụ khó khăn hay những dự án mà khiến bạn phải há hốc miệng còn tâm trí thì hoàn toàn trống rỗng – bạn không có bất kỳ một ý tưởng nào và không biết phải bắt đầu từ đâu. Bạn biết rõ rằng mình không có những kỹ năng chuyên môn để làm tốt công việc này.

    Nghe này, bạn không thể giỏi trong tất cả các lĩnh vực. Tìm tòi, học hỏi, thúc đẩy bản thân tiến lên một tầm cao mới là tốt, tôi khuyến khích điều này nhưng có những lúc bạn nên nhìn nhận lại bản thân xem vị trí của mình phù hợp nhất là ở đâu.

    Nếu bạn vò đầu bứt tóc, ngồi hàng tiếng đồng hồ chỉ để giải quyết một vấn đề mà người khác có thể hoàn thành nó trong 2 phút thì tôi đành phải nói với bạn rằng bạn đang lãng phí thời gian, sức lực và tài nguyên của công ty.

    Thành thực mà nói thì biết cách nói “không” với công việc không phù hợp với mình cũng thật đáng ngưỡng mộ. Thêm vào đó, không có gì có thể ngăn cản được bạn học hỏi, trau dồi thêm từ những người đồng nghiệp. Bằng cách đó, bạn vẫn có thể học được những kỹ năng mới mà không gây bất cứ tổn thất nào đến công việc chung của công ty.

    5. Khi công việc khiến bạn không thoải mái

    Một khách hàng muốn bạn đáp ứng những yêu cầu mập mờ của anh ta. Một đồng nghiệp nhờ bạn giải quyết hộ chồng công văn khi cô ấy giả vờ bị ốm. Hoặc sếp ra lệnh cho bạn làm một việc gì đó mà bạn biết chắc nó sẽ khiến bạn khó chịu. Đây là một thách thức với bạn nhưng nếu bạn đủ bản lĩnh thì một lời nói “không” quả thực sẽ rất dễ dàng. Nếu một thứ gì đó làm bạn khó chịu, bạn không việc gì phải dính dáng đến nó, hãy quay đầu bỏ đi. Thực sự không gì tồi tệ hơn việc bạn phải làm khi đã biết trước kết quả chẳng ra gì.

    Tôi không hề làm quá – học cách nói “không” có thể khó khăn và thậm chí là có một chút khác thường nhưng đó là một trong những kỹ năng cần thiết để bạn sống sót nơi công sở. Hãy lưu ý và chuẩn bị thật tốt để nói “không” khi cần thiết.

    Tham khảo BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ