Năm 2016 Samsung, HTC, LG, Huawei... nên đi như thế nào?

    Nguyễn Hải,  

    Cùng chung một nền tảng Android, nhưng các hãng đang dần định hình một phong cách riêng của mình, hướng đến những khách hàng riêng của mình. Hãy cùng xem khách hàng của họ muốn thấy điều gì vào năm 2016.

    Năm 2015, chứng kiến sự lên ngôi gần như tuyệt đối của Android. Nếu nhìn vào năm 2014 trước đó, ta sẽ thấy một bức tranh khác hẳn. Một Samsung Galaxy S5 mờ nhạt, BlackBerry vẫn làm ra các thiết bị chạy OS của riêng mình, và Moto X 2014, với chiếc camera tệ hại, vẫn được xem là một trong những thiết bị Android tốt nhất thị trường.

    Quay trở lại năm 2015, bạn đã thấy Samsung tiến bước dài với phong cách thiết kế mới cho dòng Galaxy S và Note. BlackBerry đã cho ra mắt thiết bị chạy Android đầu tiên của mình, Moto X Pure Edition (hay còn gọi là Style) đã chứng tỏ mình là sự kết hợp hoàn hảo giữa sự cao cấp và giá thành chấp nhận được. Nhiều nhà OEM thiết bị Android khác sau những giai đoạn chật vật, đều đã tìm được hướng đi cho riêng mình trong năm 2015. Nhưng tiếp theo là gì ?

    Chúng ta hãy cùng điểm mặt những anh tài trong làng Android xem họ nên làm gì trong năm 2016, qua khảo sát của phóng viên Jimmy Westerberg từ Android Authority.

    Samsung : với những tiến bộ trong tay, đừng đi chậm lại

    - Phần cứng :

    Samsung xứng đáng nhận được giải thưởng “nhà OEM tiến bộ nhất năm 2015” (nếu có giải đó), cho những gì họ đã làm trên dòng Galaxy S và Note trong năm ngoái. Không còn những phần mềm nặng nề và một giao diện như thiết kế của trẻ con trên chiếc S5, Galaxy S6 mang trên mình những thông số kỹ thuật đáng gờm, và có thể nói đó là, một trong những thiết bị Android đẹp nhất từ trước đến nay. Cho đến nay, giá của thiết bị cũng khá dễ chịu so với hiệu năng và thiết kế đó.

    Tuy nhiên, Samsung nên suy nghĩ về việc mang trở lại khả năng tháo và thay pin cũng như khe cắm thẻ MicroSD cho bộ nhớ mở rộng. Dù điều đó có những ưu nhược điểm riêng, nhưng quả thật có rất đông người tiêu dùng thực sự muốn có những tính năng đó.

    Với những tin đồn về thiết kế của thì dường như khả năng một viên pin có thể thay được không có khả năng xẩy ra. Nhưng dù sao, người tiêu dùng hẳn sẽ không quá buồn nếu Galaxy S7 có thể dầy thêm một chút để tăng thời lượng pin. Chiếc S6 đang có thân hình mảnh mai với 6,8 mm, vì vậy việc dầy thêm chút nữa sẽ rất đáng giá để kéo dài thời gian hoạt động cho thiết bị.

    Còn đối với khe cắm thẻ MicroSD, có lẽ cũng có một chút tin tốt cho những người hâm mộ. Trong một báo cáo gần đây của tạp chí Wall Street Journal, nhiều khả năng phiên bản Galaxy S7 sẽ chứng kiến sự trở lại của tính năng này trong khi phiên bản S7 Edge thì không.

    Hình ảnh rò rỉ được cho là của Galaxy S7 và S7 Edge.
    Hình ảnh rò rỉ được cho là của Galaxy S7 và S7 Edge.

    Trong số hàng tá những cải tiến so với S5, Camera cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận của Samsung. Quả thật Galaxy S6 xứng đang là một trong số những smartphone có camera tốt nhất hiện tại. Và những cải tiến đó nên được tiếp tục thực hiện trong năm 2016 nhưng hy vọng không vì vậy mà họ sẽ bỏ quên làm điều đó với camera trước trên Galaxy S7.

    - Phần mềm :

    Đây có lẽ vẫn là một trong những điều đáng chê trách nhất của Samsung, khi họ vẫn tiếp tục nhồi nhét vô số những tính năng và ứng dụng mà có lẽ không nhiều người cần dùng đến những cái đó. Năm 2015, Samsung đã cố gọt giũa bớt các phần mềm trên thiết bị của mình, nhưng có lẽ sẽ S7 sẽ đáng khen hơn nếu họ tiếp tục làm điều đó một cách tích cực hơn. Samsung đang có hướng đi đúng với phần cứng trong năm 2015, giờ đã đến lúc để tập trung vào phần mềm.

    Lời khuyên cuối dành cho Samsung : hãy sửa ngay vấn đề với chiếc S Pen. Khách hàng là Thượng đế, nên dù họ có ngốc nghếch hay nhầm lẫn khi cắm nhầm chiều của chiếc bút về chỗ cũ đi nữa, không đáng để làm hỏng một chiếc smartphone giá 700 USD một cách dễ dàng như thế.

    HTC : hãy thứ sáng tạo điều gì đó của riêng mình

    Không quá cường điệu khi nói rằng HTC One M7 là một trong những chiếc Android đẹp nhất mọi thời đại. Thiết kế hoàn toàn kim loại, loa ngoài Boom Sound siêu lớn và trải nghiệm phần mềm thú vị giữa một biển thiết bị bằng nhựa rẻ tiền. Quả thật, M7 đã trở thành một triết lý về thiết kế khiến các công ty khác học tập theo. Vẻ đẹp này hấp dẫn đến nỗi, HTC vẫn tiếp tục duy trì thiết kế đó cho cả M8 và M9, chỉ với một chút khác biệt (giống đến nỗi công ty còn nhầm lẫn giữa M8 và M9 khi làm quảng cáo).

    Và khi sự nhàm chán trong thiết kế đi kèm với những thất vọng về camera dẫn đến hậu quả là doanh số sụt giảm thê thảm, HTC quyết định một “thiết kế sáng tạo hơn” với HTC One A9. Với cấu hình gần như tương tự One M9, và một thiết kế sao chép của iPhone 6/6S theo đúng nghĩa đen, One A9 là một minh chứng cho khẩu hiệu “Chán nản với iOS nhưng vẫn yêu thích thiết kế của iPhone ? Hãy tìm đến One A9”. Thật đáng thất vọng với một công ty đã từng tạo ra những smartphone sáng tạo và hấp dẫn.

    Sự giống nhau đến ngạc nhiên giữa HTC A9 và Iphone 6.
    Sự giống nhau đến ngạc nhiên giữa HTC A9 và Iphone 6.

    Điều này đáng phải thay đổi. Các nhà OEM khác đang cố làm ra chiếc smartphone với những tính năng mà bạn chưa từng thấy, trong khi HTC vẫn đang copy quá nhiều để có thể tiếp tục được coi là một thương hiệu smartphone cao cấp. Thiết kế M10 (hay bất cứ mã hiệu nào ám chỉ mình là người kế nhiệm của M9) cần phải khác biệt hơn, sáng tạo hơn. Vì tương lai của HTC, đó là con đường duy nhất. Hy vọng sẽ thấy sự thay đổi của họ trong năm 2016.

    Motorola : duy trì phong độ, nhưng đừng quá sức

    Cho dù không phải là công ty mang lại nhiều lợi nhuận nhất trên thế giới, Motorola đã làm được một số điều thực sự thú vị cho thế giới smartphone trong vài năm qua. Đầu tiên là dòng Moto X năm 2013, một minh chứng cho thấy một chiếc smartphone cao cấp không nhất thiết phải có cấu hình mạnh nhất thế giới. Triết lý giá tốt đi kèm trải nghiệm cao này tiếp tục làm nên ấn tượng cho chiếc Moto X của năm 2014 và Moto X Style năm 2015. Thậm chí Moto X Style của 2015 còn làm người tiêu dùng Mỹ ngạc nhiên hơn khi có thể mua mà không phải kèm hợp đồng ràng buộc với nhà mạng – một điều vốn xa lạ với các nhà sản xuất lớn tại thị trường này. Cái giá 399,99 USD cho một chiếc smartphone nguyên hộp, không khóa mạng và cấu hình tốt, đó quả là một giá “chết người” so với các hãng khác cho đến tận bây giờ.

     Mặt lưng của Moto X Pure Edition.

    Mặt lưng của Moto X Pure Edition.

    Bên cạnh dòng cao cấp như Moto X, triết lý của Motorola cũng thể hiện rõ trên các dòng trung cấp như Moto G và E. Phiên bản mới nhất của Moto G với 16 GB bộ nhớ trong, kết nối 4G LTE và RAM 2 GB, với giá thấp hơn hẳn những đối thủ có cùng thông số, trong khi Moto E còn rẻ hơn nữa với thời lượng pin đáng nể.

    Không chỉ có giá cả dễ chịu, trong suốt hai năm, Motorola còn duy trì rất tốt cam kết của mình về việc cập nhật phần mềm. Các thiết bị của Motorola thậm chí còn nhận được bản update Android 5.0 trước cả gà nhà của Google là Nexus, dù vẫn còn một số lỗi. Nhưng giờ điều đó không còn được duy trì với phiên bản 6.0 Marshmallow nữa, khi bản cập nhật dành cho Moto X 2014 và Moto E (thế hệ đầu và thế hệ thứ hai) xuất hiện khá muộn. Thậm chí phiên bản dành cho Moto E của các nhà mạng Mỹ vẫn chưa xuất hiện, dù ở các thị trường khác đã có.

    Dường như nguyên nhân của việc này là do giờ Motorola đã nằm trong tay của Lenovo, và thứ tự ưu tiên của họ cũng đã thay đổi. Với việc ra mắt hàng loạt phiên bản khác nhau của Moto X (X Play, X Style, X Pure Edition và X Force), cũng như các thiết bị khác như Droid Turbo 2 và Droid Maxx 2 trong năm 2015, dường như Motorola đang gặp khó khăn khi phải căng sức cập nhật phần mềm trên tất cả thiết bị của họ. Điều này phải được thay đổi trong năm 2016, công ty cần thu hẹp dòng sản phẩm của mình lại và tập trung vào những gì người dùng thật sự quan tâm. Dường như khi sự hâm mộ quay trở lại với Motorola, công ty lại bắt đầu đánh mất đi tầm nhìn của mình.

    LG : phần mềm gắn kết hơn sẽ làm khách hàng hài lòng hơn

    Danh sách những thiết bị Android tốt nhất của năm 2015 xứng đáng có thêm LG G4 và V10. Có thể G4 chưa có được vẻ đẹp thiết kế như của Galaxy S6 hay One M9, hay khả năng tùy biến như Moto X Pure Edition, nhưng LG đã có bước đi đúng hướng với cho sản phẩm của mình. Màn hình rộng 5,5 inch với độ phân giải cao Quad HD, một chíp Snapdragon 808 mạnh mẽ nhưng ổn định, và một trong những camera trên smartphone tốt nhất thị trường. Ngoài ra, G4 còn giữ bên mình hai tính năng mà Samsung đã từ bỏ - viên pin rời và khe cắm thẻ nhớ mở rộng.

    V10 cũng có những ưu điểm tương tự như của G4 nhưng còn được trang bị hai camera trước, khung bằng thép không gỉ, chip âm thanh DAC để nghe nhạc chất lượng cao và một cảm biến vân tay ở mặt lưng thiết bị.

    Giao diện người dùng của LG G4.
    Giao diện người dùng của LG G4.

    Những thiết bị cao cấp như vậy sẽ làm khách hàng hài lòng hơn nếu những vấn đề về phần mềm được LG chăm chút hơn trong năm 2016. Đặc biệt là giao diện người dùng của thiết bị. Các biểu tượng quá khổ và không phù hợp với nhau, giống như được chắp vá từ nhiều bộ icon khác nhau. Dù có thể đó chỉ là ý kiến riêng của phóng viên trang Androidauthority, nhưng có lẽ cũng nhiều người sẽ đồng ý với ý kiến đó.

    Trong khi, thông số và phần cứng của G4 và V10 tương đương và thậm chí còn mạnh hơn cả các đối thủ khác đến từ Samsung, Motorola hay HTC, nhưng dường như về phần mềm của thiết bị, LG vẫn đang phải cố để bắt kịp các công ty này. Có lẽ với một phần cứng đang đi đúng hướng, năm 2016 là thời điểm thích hợp để LG có thể chăm chút lại cho phần mềm của mình.

    Sony : cần một sự khác biệt

    Sony giờ không còn là cái tên đầu tiên bạn nghĩ đến khi nói về smartphone, dù các sản phẩm họ làm ra trong năm 2015 vẫn rất tuyệt vời. Đầu tiên là một chiếc Xperia Z5 Premium với chip Snapdragon 810 và camera cao cấp nhất trên thị trường. Ngoài ra, màn hình hiển thị của Z5 Premium đúng nghĩa của chữ “killer” với độ phân giải 4K (2160 x 3840 pixel) trên độ rộng 5,5 inch.

     Bộ ba Xperia Z5 Compact, Z5 và Z5 Premium.

    Bộ ba Xperia Z5 Compact, Z5 và Z5 Premium.

    Nhưng nếu cái giá 650 USD là quá cao cho một chiếc smartphone, Sony vẫn còn những lựa chọn khác cho bạn. Đó là chiếc Xperia Z5 và Xperia Z5 Compact với thông số gần như tương đương với chiếc Z5 Premium, nhưng màn hình nhỏ hơn, độ phân giải thấp hơn cũng như dung lượng pin giảm đi.

    Nhưng cũng như HTC, cái bóng thành công của Xperia Z1 dường như vẫn quá lớn với Sony. Thiết kế của Z1 dường như trở thành một chân lý không thay đổi của công ty, khi mà sau hai năm, các dòng flagship của Sony vẫn mang vẻ ngoài tương tự nhau. Từ cách bố trí các tấm kính ở mặt trước và sau, các viền kim loại, nút bấm và nhiều chi tiết khác nữa, tất cả đều tương tự nhau đến mức không có một ranh giới rõ ràng nào có thể phân biệt các phiên bản này.

     Sự giống nhau đến khó phân biệt giữa Xperia Z1, Z2 và Z3.

    Sự giống nhau đến khó phân biệt giữa Xperia Z1, Z2 và Z3.

    Người tiêu dùng trân trọng vẻ đẹp của Z1 nhưng họ muốn có sự thay đổi. Doanh số của One M9 là minh chứng rõ rệt cho sự phản ứng từ người tiêu dùng với triết lý “Nếu cái gì không hỏng thì đừng sửa” trong thiết kế. Sony đang lặp lại điều đó. Nhưng trong vô số điều cần thay đổi trong năm 2016, có một điều Sony cần giữ lại, màn hình với độ phân giải 4K. Đó không chỉ là sáng tạo lớn nhất của công ty trong năm ngoái mà còn là điều sẽ mang khách hàng quay trở lại với công ty.

    OnePlus : một khởi đầu không thể tốt hơn, nhưng hãy biết mình là ai

    Năm 2015 chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của OnePlus. Thay vì trông cậy một chiến lược marketing kinh khủng, công ty dựa nhiều hơn vào một chiến lược sản phẩm phù hợp với thị trường hơn. Đầu tiên là OnePlus 2, một chiếc điện thoại với màn hình 5,5 inch Full HD, bộ xử lý Snapdragon 810 đời mới, 3 đến 4 GB RAM, cảm biến vân tay kết hợp với một viên pin dung lượng lớn 3300 mAh. Điểm nhấn của sản phẩm nằm ở mức giá rất cạnh tranh, 329 USD với thiết bị có thông số như vậy.

    Đến tháng Mười, công ty tiếp tục chiến lược giá rẻ của mình, khi ra mắt OnePlus X. Một màn hình AMOLED Full HD 5 inch, chip Snapdragon 801, RAM 3 GB, khe cắm thẻ nhớ, camera 13 MP, tất cả được đặt trong một thiết kế khung kim loại kết hợp với kính. Với cấu hình và thiết kế như vậy, mức giá 249,99 USD của OnePlus X thật không tưởng. Đây đúng là thiết bị có giá tốt nhất hiện tại, ngay cả khi so với Moto G bản 2015 và Asus ZenFone 2.

    Tuy nhiên, điều thực sự làm người dùng khó chịu là chính sách bán hàng của OnePlus. Chính sách bán hàng qua thư mời của người mua trước, thực sự làm bạn gặp một số khó khăn để mua được một chiếc. Dường như OnePlus gặp khó khăn khi sản xuất đủ số lượng smartphone mà khách hàng yêu cầu, nên thay vì đề chữ “Hết hàng” trên website, họ dùng hệ thống thư mời để kiểm soát số lượng sản phẩm bán ra. Cho dù với lý do nào đi nữa, điều này thực sự là một trải nghiệm mua hàng tồi tệ cho người dùng.

    Vì vậy, sẽ là hơi quá khi cho rằng OnePlus 2 là một thiết bị hoàn hảo, hay như danh hiệu mà công ty tuyên bố “sát thủ của flagship năm 2016”. Để so với một flagship killer, OnePlus 2 còn thiếu nhiều tính năng mà người dùng mong muốn như : sạc không dây, sạc nhanh, pin rời, khe cắm thẻ nhớ và quan trọng nhất là NFC. Công ty cho rằng người dùng OnePlus One “không bao giờ đụng đến NFC”, nên họ đã cắt bỏ tính năng này trên OnePlus 2. Thiếu NFC, cũng đồng nghĩa với việc các dịch vụ thanh toán trên di động mới như Android Pay sẽ không thể có trên OnePlus 2. Cắt bỏ đi một khoản chi ít ỏi cho NFC, đồng thời làm mất đi một dịch vụ thanh toán qua di động của tương lai, đúng là hơi quá khi gọi OnePlus 2 là “sát thủ của flagship năm 2016”.

    Rõ ràng, OnePlus đang có những bước khởi đầu không thể tốt hơn với các thiết bị của mình. Nhưng họ nên tập trung hơn vào duy trì định hướng của mình và thừa nhận các khiếm khuyết mình mắc phải, hơn là các tít giật gân trên truyền thông. Như vậy, một ngày không xa họ sẽ trở thành một trong những công ty hàng đầu về sản xuất điện thoại, nếu không họ sẽ mãi chỉ là những thiếu niên hợm mình mà thôi.

    Huawei : đã đến lúc bước tiếp

    Một năm đáng nhớ với Huawei khi họ là nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đầu tiên được Google hợp tác để tạo ra chiếc Nexus 6P. Đồng thời, 6P cũng là chiếc Nexus đầu tiên được sản xuất bởi một công ty ít tên tuổi tại thị trường Mỹ. Điều đó đánh dấu một bước tiến về năng lực của công ty này.

    Nhưng Nexus 6P không phải là thiết bị duy nhất của họ trong năm nay. Bên cạnh đó, Huawei còn cho ra mắt một loạt các sản phẩm khác – Mate S, Honor 7, P8, P8 Lite và SnapTo, tất cả đều mang những tính năng hấp dẫn cũng như chất lượng gia công cao cấp.

    Cùng một nhà sản xuất, nhưng tại sao các thiết bị của họ không có được sự hấp dẫn như của Nexus 6P ? Dễ thấy đó là do phần mềm của thiết bị. Mặc dù EMUI của Huawei không quá tệ, nhưng thực sự họ vẫn cần phải cải thiện nhiều về mặt tính năng. Ngoài ra, Huawei chưa bao giờ làm tốt vấn đề cập nhật phần mềm kịp thời, dù hãng đã có một số cố gắng để bắt kịp các công ty khác trong lĩnh vực này.

     So sánh giữa Mate S và Nexus 6P.

    So sánh giữa Mate S và Nexus 6P.

    Dù sao đây cũng là quãng thời gian quan trọng cho Huawei. Với thành công trong việc tạo ra chiếc Nexus 6P, danh tiếng của họ trên thế giới và đặc biệt là Mỹ đã được biết đến nhiều hơn. Đang có tin đồn về việc công ty dự định giới thiệu chiếc Mate 8 và một số thiết bị khác tại Mỹ vào năm 2016. Nếu những tin đồn này trở thành sự thật, Huawei phải làm tốt hơn việc cập nhật phần mềm của mình chứ không chỉ giữ mức giá của mình thấp hết mức có thể.

    BlackBerry : hãy làm tiếp những chiếc Android

    Năm 2015, BlackBerry lần đầu tiên ra mắt một thiết bị chạy Android của riêng họ, Priv. Dù chạy Android, nhưng Quả Dâu Đen vẫn muốn lưu lại những dấu ấn đặc trưng của mình trên đó, thay vì chỉ là một thiết bị theo tiêu chuẩn thông thường. Tên Priv, viết tắt của Privacy (Sự riêng tư) và bàn phím vật lý, là hai đặc trưng nổi tiếng trên những chiếc điện thoại trước đây của hãng.

    Theo đánh giá của trang Androidauthority, BlackBerry Priv xứng đáng xếp vào một trong số sáu smartphone tốt nhất năm 2015. Quả thật, một thiết bị Android chắc chắn, cấu hình tốt với những tính năng đặc trưng mà chưa có ai làm được trước đây, xứng đáng với danh hiệu này.

    Tuy nhiên, vẫn còn những thiếu sót để Priv có thể trở thành chiếc điện thoại tốt nhất của năm. Ví dụ : hiệu năng của chip Snapdragon 808 tỏ ra mờ nhạt và các ứng dụng riêng của BlackBerry cần được cập nhật để phù hợp hơn với nhu cầu của người dùng. Thời lượng pin trên trung bình chút xíu, camera tốt nhưng xử lý hơi chậm khi chụp với chất lượng cao, cũng như thiếu tính năng sạc nhanh. Ngoài ra, điểm trừ lớn nhất làm người dùng ngần ngại rút ví với BlackBerry Priv là giá. 699,99 USD với bản không khóa mạng quả là cái giá khá cao cho một chiếc smartphone.

    Trên thực tế, dù được đánh giá cao nhưng Priv có nhiều điểm vẫn còn dang dở. Là sản phẩm Android đầu tiên của BlackBerry, một công ty vẫn còn những đứa con riêng là các thiết bị chạy BB10, sự dang dở này cũng là điều dễ hiểu. Nhưng họ không nên dừng lại, vì họ thực sự đang làm tốt với điện thoại Android. Tuy nhiên, để bán được nhiều hơn, họ nên cải thiện hơn nữa những trải nghiệm phần mềm, cũng như hạ thấp giá thiết bị, một chiếc flagship giá dưới 500 USD sẽ phù hợp với năm 2016.

    Theo Androidauthority.com

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ