Người Việt thích ủng hộ hàng Việt bằng... "comment" hơn là "vật chất"

    Yến Thanh,  

    Phải chăng, những thanh niên luôn miệng đòi "ủng hộ hàng Việt Nam" đều lặn mất tăm mỗi khi ai đó kêu gọi sự giúp đỡ từ chính những người anh em của mình?

    Tính cho tới thời điểm hiện tại, bài học về Flappy Bird đã trở thành một câu chuyện cố hữu mỗi khi ai đó bàn về những startup công nghệ tại Việt Nam nói riêng và các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam nói chung. Điều đáng bàn ở đây không phải là Flappy Bird đã thành công thế nào, đáng tự hào ra sao mà chính là cách mà người dùng trong nước đối xử với những sản phẩm do chính đồng bào của mình làm ra.

    Tại sao vậy? Phải chăng những khẩu hiệu như "bài trừ hàng kém chất lượng, hàng ngoại không rõ nguồn gốc" đã mất đi tính hiệu quả của mình. Và còn những thanh niên luôn miệng đòi "ủng hộ hàng Việt Nam", phải chăng họ đều lặn mất tăm mỗi khi một người Việt-máu-đỏ-da-vàng khác kêu gọi sự giúp đỡ từ chính người anh em của mình?

    Những đứa con Việt Nam "dám" làm hàng Việt

    Dạo một vòng các dự án công nghệ tiềm năng được gắn mác "Made in Việt Nam", thì ngoài Flappy Bird, dễ thấy smartphone BPhone của BKAV và tai ngheJelly Galaxy của Joinhandmade là những sản phẩm đáng chú ý hơn cả.

    Nói về tai nghe Jelly Galaxy, bắt đầu từ tháng 4 năm 2014, Joinhandmade với sản phẩm đầu tay là chiếc tai nghe Jelly Ear đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng người dùng chơi tai nghe tại Việt Nam do chính người Việt làm ra, tuy nhiên, vào thời điểm này, sản phẩm chưa thực sự thành công như kỳ vọng bởi chất lượng gia công và âm thanh chưa đạt tới độ tinh xảo.

    20150321051155-handmade.

    Tiếp nhận những phản hồi của độc giả, tháng 8 năm 2014, nhóm này đã tiếp tục cho ra mắt Jelly Galaxy với thiết kế hoàn toàn mới, tinh tế hơn, tỉ mỉ hơn nhưng giá thành vẫn khó có thể khiến người dùng trong nước gật đầu. Chính vì vậy, Jelly Galaxy phiên bản 2015 đã ra đời với mức giá giảm gần 1 nửa, độ tinh tế về thiết kế cũng cải thiện thêm 1 bậc, hứa hẹn sẽ khiến nhiều người dùng sẵn sàng móc hầu bao để sở hữu.

    Còn như chiếc smartphone siêu phẩm BPhone, BKAV đã bất ngờ đem tới sự kiện CES 2015 thiết bị cầm tay đầu tiên của mình và nhận được rất nhiều phản hồi từ người dùng trong nước. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là người dùng vẫn chưa có cơ hội "mắt thấy tai nghe" chiếc smartphone bí ẩn này, trong khi đó, ông Vũ Thanh Thắng, phó chủ tịch Bkav từng cho biết: "Đây là một trong những smartphone đẹp nhất thế giới, đã được Bkav đăng ký bản quyền...".

    Cũng theo những tuyên bố từ hãng này, BKAV cũng được cho là nhà sản xuất đầu tiên tại Đông Nam Á đã được hãng chip di động Qualcomm đồng ý hợp tác nhằm tích hợp vi xử lý di động mới và mạnh nhất của hãng vào sản phẩm của mình. Trải nghiệm ban đầu cho thấy máy chạy mượt mà, màn hình 5 inch Full HD chi tiết và sắc nét. Thiết bị sẽ chạy hệ điều hành mới nhất Android 5.0 với giao diện tuỳ biến của chính hãng này.

    Nhìn chung, cả 2 sản phẩm là Jelly Galaxy hay BPhone đều được nhà sản xuất kỳ vọng sẽ thay đổi cách người dùng trong nước nhìn nhận về những sản phẩm "Made in Việt Nam". Thậm chí, xa hơn, chính những thiết bị Việt này sẽ còn được đem ra đấu trường quốc tế với chất lượng gia công tốt cùng giá bán cạnh tranh để "so tài" với những sản phẩm đã có chỗ đứng trong làng công nghệ hiện nay.

    Cộng đồng mạng thi nhau "vùi dập" hàng Việt Nam

    Những tưởng, người dùng Việt sẽ thêm phần ủng hộ khi các nhà sản xuất trong nước tung ra các sản phẩm đầu tay. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh ngược lại, phần lớn các cư dân mạng đều tỏ ra dè bỉu hoặc e ngại các thiết bị "Made in Việt Nam" kể cả khi chưa ai từng được tiếp cận smartphone này. Minh chứng là chiếc BPhone của BKAV, kể từ thời điểm xuất hiện, đã phải nhận rất nhiều "gạch đá" từ chính người dùng trong nước.

    Đa phần những ý kiến đều cho rằng, những lời quảng cáo từ BKAV đều rất mơ hồ và không chính xác như thật. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những ông lớn trên thế giới, phần lớn họ đều "nổ" mỗi khi nói về các sản phẩm con cưng của mình, minh chứng là Apple hay Samsung đều khẳng định những chiếc smartphone thế hệ mới của hãng luôn giữ vị trí số một. Vậy tại sao, BKAV phải là ngoại lệ?

    Bkav Smartphone qua hình dung của dân mạng

    Chưa hết, "nếu không yêu xin đừng nói lời cay đắng", đằng này các tín đồ công nghệ Việt không chỉ thẳng thừng tẩy chay BPhone, mà còn đòi tẩy chay cả đơn vị sản xuất, phủ nhận hầu hết những nỗ lực mà công ty này đã đạt được trong khoảng thời gian qua. Thậm chí, một vài người dùng cũng không ngần ngại chỉ trích, thậm chí là châm chọc vị CEO vui tính của BKAV.

    Kế tới là chiếc tai nghe Jelly Galaxy của Joinhandmade, dù không phải nhận nhiều những búa rìu dư luận như chiếc BPhone kia, nhưng áp lực mà cộng đồng mạng dành cho nhà sản xuất này cũng thua kém gì sản phẩm từ BKAV. Bởi ít nhất, trước Jelly Galaxy 2015, hãng này cũng từng đưa ra một sản phẩm tương tự trong năm 2014 hoặc chiếc Jelly Ear vào đầu năm ngoái, từ đó, người dùng sẽ có thêm cơ sở để đánh giá sản phẩm này.

    20150322094751-jelly-galaxy-blue.

    Đáng nói là ngay cả khi Joinhandmade kêu gọi góp vốn trên Indiegogo từ cộng đồng người dùng quốc tế cho một sản phẩm mới mà nhóm này sắp tung ra thị trường, cộng đồng mạng Việt Nam cũng chẳng chịu "buông tha" cho chiếc tai nghe do chính người Việt làm ra. Đáng buồn hơn, không ít người dùng còn tuyên bố sẽ không đếm xỉa gì tới Jelly Galaxy, và sẽ chỉ trung thành với các sản phẩm có giá bán rẻ hơn từ các nước láng giềng.

    Đặc biệt, một thực tế đáng nhìn nhận đó là một bộ phận không nhỏ người dùng còn đem so sánh Jelly Galaxy - một thiết bị mới chập chững tham gia thị trường âm thanh với những tên tuổi gạo cội trên thế giới. Thậm chí, nhiều người cũng chẳng quan tâm rằng, đây còn một sản phẩm hand-made nhưng lại đòi có chất lượng tuyệt hảo bởi các dây chuyền sản xuất hàng ngàn thiết bị một ngày.

    Dễ thấy, một vấn đề mà ít "cư dân mạng" có thể hiểu được đó là khi công nghệ trong nước chưa thể bắt kịp với thế giới thì việc tung ra được một sản phẩm hoàn hảo ngay từ những giai đoạn đầu tiên là "không tưởng." Chính bởi công nghệ theo sau, do đó, giá thành để sản xuất ra những thiết bị này cũng có sự chênh lệch nhất định. Chưa hết, nếu không thể đóng góp được cho những ý tưởng đáng giá này, thì ít nhất, người dùng trong nước cũng không thể nói theo kiểu "bụt chùa nhà mất thiêng" như hiện nay.

    Bài học rút ra từ những "chú chim ngu"

    Hãy nhìn vào trường hợp của Flappy Bird - trò chơi gây được nhiếu tiếng vang nhất của Việt Nam thu hút được sự chú ý đặc biệt đối với cộng đồng quốc tế đã bị cha đẻ của mình khai tử. Sự việc này khiến cho giới công nghệ trên toàn thế giới và cộng đồng công nghệ tại Việt Nam không khỏi tiếc nuối. Từ các tạp chí danh tiếng của quốc tế đến những người đang phát triển game tại Việt Nam đều lên tiếng ủng hộ tác giả mang Flappy Bird trở lại.

    Câu hỏi đặt ra là trong khi doanh thu của tựa game này thông qua tiền quảng cáo đang tăng lên chóng mặt như vậy, với nhiều triển vọng như vậy mà tác giả lại quyết định gỡ bỏ. Không ai khác, phần nào hậu quả lại xuất phát từ chính những ý kiến cực đoan và mù quáng của những người dùng trong nước.

    Tuy nhiên, phải chăng sẽ chẳng có cơ hội nào cho những startup của Việt Nam nói chung và các nhà sản xuất công nghệ nói riêng? May thay, một minh chứng sống cho những ý tưởng của người Việt đã thành công nhờ có sự đóng góp của người dùng chính là dự án truyện tranh Long Thần Tướng. Còn như dự án Jelly Galaxy của Joinhandmade cũng đã phần nào hoàn thành mục tiêu trước thời hạn, chính nhờ đóng góp của những người Việt yêu công nghệ.

    Bạn không tin ư, hãy nhìn vào những bình luận và phản hồi từ chính "cộng đồng mạng" của chúng ta trong vụ việc Flappy Bird. Hãy ngẫm và cảm nhận, liệu chúng có giống với những phản ứng về BPhone hay Jelly Galaxy ở thời điểm hiện nay? Phải chăng chúng ta chỉ muốn "nói chơi" về công nghệ thay vì bắt tay vào những việc nhỏ nhất?

    >> Chờ đợi gì từ chiếc smartphone siêu phẩm BPhone của người Việt?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ