Sự lớn mạnh và tầm ảnh hưởng to lớn của WhatsApp

    GenQ,  

    WhatsApp với tính năng gọi điện mới bổ sung đã biến nó trở thành một công cụ giao tiếp phổ biến trên toàn cầu với lượng người dùng hơn 800 triệu.

    Ứng dụng nhắn tin đa nền tảng WhatsApp vừa qua đã tung ra tính năng cho phép người dùng có thể thực hiện cuộc gọi ngay bên trong app, thông qua kết nối mạng. Bản cập nhật này áp dụng đối với cả người dùng iPhone cũng như smartphone Android. Thực tế, tính năng gọi qua Internet đã xuất hiện từ lâu trên những ứng dụng OTT khác như Viber hay Skype, WhatsApp chỉ là người đến sau. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của WhatsApp lại lớn hơn rất nhiều so với các đối thủ khác, không chỉ vì nó sở hữu lượng người dùng lên đến 800 triệu, mà còn cái cách nó kết nối con người với nhau.

    WhatsApp đang ngày càng bành trướng
    WhatsApp đang ngày càng bành trướng

    Theo thống kê bởi công ty Allot Communications, lượng truy cập tương tác với các dịch vụ từ nhà mạng đã tăng khoảng 5% kể từ tuần WhatsApp cho ra chức năng gọi điện thoại dành cho điện thoại Android. Điều này cho thấy WhatsApp từ một ứng dụng nhắn tin OTT được ưa thích trở thành một công cụ giao tiếp phổ biến, với lượng người sử dụng khổng lồ, đặc biệt là tại Châu Âu và các quốc gia đang phát triển - nơi nhu cầu về một dịch vụ thay thế nhắn tin hay gọi điện thông thường là rất cao.

    Đây là một chuyện dễ hiểu, tại những nước đang phát triển, người dân luôn mong muốn một hình thức nào đó có thể kết nối mọi người lại với nhau, thay vì bỏ cước phí cho tiền tin nhắn hay gọi điện. Nắm bắt được vấn đề này, rất nhiều hãng smartphone trên thế giới đã hướng tới thị trường bình dân bằng những mẫu smartphone giá rẻ, điển hình như Xiaomi, Cyanogen, Nokia trước đây hay Microsoft bây giờ, BlackBerry và thậm chí là Samsung.

    Tính năng gọi điện đã biến WhatsApp trở thành công cụ giao tiếp phổ biến
    Tính năng gọi điện đã biến WhatsApp trở thành công cụ giao tiếp phổ biến

    Có smartphone thì sẽ có ứng dụng phục vụ cho việc nhắn tin/gọi điện: chúng ta có Viber, Skype hay WeChat. Tuy nhiên tất cả những dịch vụ OTT này lại vấp phải một rào cản lớn, đó chính là sự chống đối từ nhà mạng. Khi người dùng có xu hướng chọn Viber hay Skype cho việc gọi điện thoại/nhắn tin qua Internet thay vì qua mạng di động thông thường, nguồn thu của các nhà mạng sẽ bị ảnh hưởng rất đáng kể. Từ đó, những nhà mạng bắt tay với nhau và tìm cách loại bỏ hay hạn chế sự phát triển của các app OTT.

    WhatsApp cũng là dịch vụ OTT nhưng nó lại ít bị các nhà mạng “ghét” bởi vì sao? Chiến lược chính của WhatsApp là rất thiết thực và ý nghĩa: thay vì cạnh tranh trực tiếp với các nhà mạng, WhatsApp chọn cách hợp tác với họ. Theo một thống kê từ Allot, khoảng 37% nhà mạng trên thế giới hiện tại đã bắt tay với WhatsApp.

    Facebook và WhatsApp là bộ đôi mạng xã hội có tầm ảnh hưởng rất lớn hiện nay

    Facebook và WhatsApp là bộ đôi có tầm ảnh hưởng rất lớn hiện nay

    Hình thức WhatsApp bắt tay với nhà mạng có thể được hiểu như thế này: WhatsApp sẽ phối hợp với các nhà mạng cho ra các gói dung lượng không giới hạn chỉ dành riêng cho việc gọi điện/nhắn tin qua WhatsApp. Dựa vào sự phổ biến và chất lượng của mình, WhatsApp sẽ đem về ngày càng nhiều khách hàng đăng ký với nhà mạng, từ đó cả hai bên sẽ cùng có lợi. Đặc biệt hơn WhatsApp từ Facebook, khi cả hai dịch vụ mạng xã hội “số một thế giới” này kết hợp, thật khó để có một nhà mạng nào từ chối lời mời hợp tác.

    Theo lời đại diện của WhatsApp, gọi video sẽ là tính năng được WhatsApp cân nhắn trong tương lai. Người dùng hiện giờ có thể nhắn tin, gởi file ảnh, gọi điện và nhiều khả năng không lâu sau họ sẽ có thể thấy được khuôn mặt của người mà mình đang giao tiếp. Với số lượng người dùng dự kiến sẽ đạt một tỷ vào cuối năm nay, bất kỳ sự thay đổi hay cập nhật tính năng nào của WhatsApp sẽ đem lại những ảnh hưởng và tác động rất lớn.

    Tham khảo: Wired

    >> Ứng dụng WhatsApp có thêm tính năng gọi điện, đã có thể sử dụng tại Việt Nam

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày