Sự thật về cái chết - Kỳ 2: Điều gì đã xảy ra?

    Trần Nam Sơn,  

    Những tranh cãi vẫn tiếp diễn, giữa tôn giáo và khoa học, giữa những giả thuyết, trong từng đức tin.

    Cái chết diễn ra như thế nào?

    Không chỉ giúp con người sống lâu hơn, công nghệ còn giúp chúng ta có được những hình dung cụ thể về cái chết. Theo định nghĩa về chết não, bạn đã chết khi tính cách của bạn ra đi cùng bộ não. Và khi bộ não đã chết toàn bộ, bạn sẽ không còn khả năng tự thở. Mỗi hơi thở cung cấp lượng oxy cần thiết để phần còn lại của cơ thể có thể duy trì sự tồn tại. Rất đơn giản, cái chết bắt đầu diễn ra khi cơ thể bạn không còn duy trì được lượng oxy đó.

    Sự thật về cái chết - Kỳ 2: Điều gì đã xảy ra?
     

    Mỗi tế bào chết ở một tốc độ khác nhau, do đó độ dài của cái chết phụ thuộc vào việc tế bào nào bị thiếu oxy. Bộ não cần một lượng oxy rất lớn, nhưng sự dự trữ oxy của chúng gần như không có, do đó, việc cắt nguồn cung sẽ nhanh chóng dẫn đến quá trình chết tế bào (từ 3 đến 7 phút). Điều này giải thích vì sao một cơn đột quỵ có thể gây tử vong rất sớm. Điều này là hoàn toàn tương tự với quả tim.

    Bởi cơ thể chúng ta không được tạo ra để trở nên bất tử, đôi khi, các hệ cơ quan của con người chỉ đơn giản là dừng hoạt động. Khi chứng kiến một ai đó chết vì tuổi cao, rất có khả năng là bạn đang nhìn thấy từng cơ quan của người đó lần lượt sụp đổ.

    Sự thật về cái chết - Kỳ 2: Điều gì đã xảy ra?
     

    Có những dấu hiệu bên ngoài cho thấy các cơ quan trong cơ thể chúng ta đang dần “hết pin”. Một người sẽ ngủ nhiều hơn để duy trì nguồn năng lượng còn lại. Và khi nguồn năng lượng ấy tiếp tục suy giảm, người đó sẽ mất cảm giác thèm ăn, sau đó là uống. Nuốt trở nên khó khăn, miệng trở nên cực kỳ khô, và hệ quả là bạn sẽ rất dễ nghẹn nếu cố ăn uống. Cùng với đó là việc mất kiểm soát chức năng của bàng quang và đường ruột, nhưng đại tiểu tiện không tự chủ cũng hiếm khi xảy ra, khi các chức năng của đường tiêu hóa và tiết niệu cũng đồng thời giảm xuống, đưa đến hệ quả là cơ thể bạn sẽ kém hấp thu chất dinh dưỡng.

    Hấp hối là giai đoạn diễn ra ngay trước cái chết. Trong giai đoạn này, một người thường trải qua cảm giác mất phương hướng, mất kiểm soát thăng bằng. Cùng với đó là cảm giác khó khăn trong việc hớp lấy từng hơi thở. Chậm dần, chậm dần, thậm chí là những khoảng dừng đầy đau khổ giữa mỗi nhịp thở, được lý giải bởi lượng dịch đang dần phát triển trong 2 lá phổi của người đó. Các tế bào bắt đầu mất kết nối, họ bắt đầu xuất hiện tình trạng mê sảng và co cơ.

    Sự thật về cái chết - Kỳ 2: Điều gì đã xảy ra?
     

    Khoa học vẫn chưa chắc chắn về trải nghiệm của mỗi người trong giai đoạn này, nhưng với những người đã trải qua những trải nghiệm trước khi chết, họ đều khẳng định rằng nó không hề đau đớn chút nào. Những trải nghiệm này đều có những đặc tính riêng biệt, bao gồm cả sự yên bình, cảm giác tách rời ra khỏi thể xác và cảm giác đi qua một đường hầm tăm tối để tiến về phía ánh sáng.

    Một số nhà khoa học cho rằng, những trải nghiệm trước khi chết có thể do sự bài tiết endorphine trong thời điểm đó. Khi cả hệ hô hấp và tuần hoàn dừng hoạt động, cơ thể con người đã chính thức chết về mặt lâm sàng. Các tế bào không còn được duy trì năng lượng. Tuy nhiên, định nghĩa chết lâm sàng cũng đồng thời chỉ ra rằng, nó hoàn toàn có thể bị đảo ngược bởi các phương thức cấp cứu hồi sinh tim phổi, bởi thở máy hoặc tim phổi nhân tạo.

    Sự thật về cái chết - Kỳ 2: Điều gì đã xảy ra?
     

    Khi đã vượt quá ngưỡng có thể đảo ngược này, bạn đã chính thức chết về mặt sinh học. Quá trình này bắt đầu khoảng từ 4 đến 6 phút sau khi chết lâm sàng. Ngay sau khi tim ngừng đập, bộ não chỉ có thể chịu đựng được tình trạng thiếu oxy trong quãng thời gian đó. Khi đã vượt quá ngưỡng này, mọi nỗ lực hồi sức cấp cứu đều là vô ích.

    Điều gì thực sự diễn ra đằng sau những quá trình này, đó vẫn là một dấu hỏi lớn. Những tranh cãi vẫn tiếp diễn, giữa tôn giáo và khoa học, giữa những giả thuyết, trong từng đức tin. Một phần câu trả lời có thể sẽ được hé lộ, khi các nhà khoa học tiến hành giải phẫu tử thi và quyết tâm đi đến tận cùng cho câu trả lời.

    Chuyện gì xảy ra sau cái chết?

    Sau khi tim ngừng đập, cơ thể ngay lập tức “hạ nhiệt”. Giai đoạn này được biết đến với tên gọi “algor mortis”, hay “chết lạnh”. Thân nhiệt hạ xuống khoảng 1.5 độ F (hay 0.83 độ C) mỗi giờ, cho đến khi đạt đến nhiệt độ phòng. Cùng lúc đó, khi trái tim không còn đóng vai trò như một cái bơm thúc đẩy tuần hoàn trong cơ thể, máu sẽ đọng lại và bắt đầu đông đặc. “Rigor mortis”, hay sự co cứng tử thi, diễn ra khoảng 2 đến 6 tiếng sau khi chết.

    Sự thật về cái chết - Kỳ 2: Điều gì đã xảy ra?
     

    Toàn bộ hệ thống đã sụp đổ, nhưng vẫn còn vài thứ duy trì được sự sống của mình. Tế bào da vẫn có thể tồn tại độc lập cho đến tận 24 tiếng sau khi chết. Một vài thứ khác, dẫn đến sự phân hủy và rữa tử thi – chúng ta đang nói đến những vi sinh vật ký sinh tại đường ruột.

    Một vài ngày sau khi chết, những vi sinh vật này bắt đầu quá trình phân hủy vật chủ. Tuyến tụy – nơi chứa rất nhiều enzyme phân hủy, cũng đồng thời là nơi đầu tiên diễn ra quá trình này. Khi các vi sinh vật bắt đầu thực hiện nhiệm vụ “dọn dẹp”, cơ thể cũng bắt đầu chuyển màu – xanh, tím, và cuối cùng là đen. Nếu bạn không nhận thấy sự thay đổi này, sớm muộn bạn cũng sẽ ngửi thấy nó, bởi các vi khuẩn tạo ra những chất khí với mùi khá đặc trưng. Không chỉ khiến quan tài bốc mùi, những chất khí này còn làm cơ thể trương lên, 2 nhãn cầu bật ra khỏi hốc mắt, lưỡi sưng phồng và lồi ra ngoài. Trong một số hiếm các trường hợp, lượng khí này có thể tạo ra đủ áp lực để một tử thi mang bầu trút bỏ thai nhi ra ngoài – một hiện tượng được biết đến với tên gọi Coffin birth.

    Sự thật về cái chết - Kỳ 2: Điều gì đã xảy ra?
     

    Một tuần sau khi chết, da bắt đầu tách khỏi các mô liên kết, và chỉ với một cái chạm nhẹ, bạn có thể khiến chúng bật ra ngoài. Một tháng sau đó, đến lượt tóc, móng và răng “lên đường”. Tóc và móng, theo một số lời đồn đại, có thể mọc dài ra sau khi chết như-thể-bạn-còn-sống, nhưng thực chất, chúng chỉ trông phì đại ra khi da của bạn khô và co lại. Nội tạng và các mô dần hóa lỏng, làm cơ thể trở nên phù nề cho tới khi vỡ ra ngoài. Cho đến lúc này, cơ thể bạn không còn gì khác ngoài bộ xương.

    Phần lớn trong số chúng ta sẽ không bao giờ tận mắt chứng kiến quá trình này, bởi luật pháp buộc chúng ta phải làm gì đó với tử thi người đã khuất. Chúng ta có rất nhiều lựa chọn: sử dụng quan tài, hỏa tang, ướp xác, đông lạnh… Một vài nền văn hóa được biến đến với nghi lễ ăn thịt xác chết, trong khi một số khác để các loài vật lo liệu nốt phần hậu sự.

    Sự thật về cái chết - Kỳ 2: Điều gì đã xảy ra?
     

    Cách bố trí tử thi phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa và tín ngưỡng. Một số nền văn hóa cổ xưa chôn người chết ở tư thế thai nhi, với niềm tin vào một vòng tuần hoàn trọn vẹn trong cuộc sống. Đôi khi, các chiến binh được chôn ở tư thế đứng thẳng, vĩnh viễn trong trạng thái sẵn sàng cho chiến trận. Người Do Thái liệm tử thi và giữ nguyên tư thế như khi từ trần. Người Hindu chọn hình thức hỏa tang, bởi họ tin rằng đó là cách giúp phần hồn hoàn toàn thoát khỏi phần xác, trong khi người Thiên Chúa Giáo rất ít khi chọn cách này bởi sự tôn trọng thân xác con người như là một biểu tượng của cuộc sống.

    Đạo đức Y học đối với cái chết.

    Nhờ vào những tiến bộ y học, giờ đây chúng ta có thể giữ cho cơ thể “còn sống”, ngay cả khi não bộ đã chết. Điều này cũng làm dấy lên khá nhiều tranh cãi, khi bác sỹ và gia đình bất đồng quan điểm về thời điểm cắt bỏ những trợ giúp đến từ máy móc này. Một ngày nào đó, rất có thể người nằm đó sẽ là người thân của bạn – bố, mẹ, vợ, chồng, liệu bạn có đủ can đảm để đưa ra quyết định cuối cùng?

    Sự thật về cái chết - Kỳ 2: Điều gì đã xảy ra?
     

    Duy trì sự sống cho đến bao giờ, đó là một câu hỏi lớn. Nhưng chấm dứt sự sống vào khi nào – đó cũng là một vấn đề không kém phần rắc rối và tế nhị. Bạn đã trải qua nhiều năm tháng vật lộn với bệnh tật, bạn không còn đủ ý chí và nghị lực, trên hết, bạn đang là một gánh nặng đối với những người xung quanh. Chúng ta luôn tin tưởng bác sỹ để họ làm những điều tốt nhất, nhưng đôi khi, những điều đó lại là việc chấm dứt nỗi dài vô tận. Tất nhiên, họ có thể dễ dàng được toại nguyện với một bơm tiêm morphine liều cao, nhưng chuyện này kéo theo sau đó rất nhiều gút mắc về mặt đạo đức và pháp lý.

    Làm sao một người có thể phán xét về sự chịu đựng của người khác? Chúng ta sẽ định nghĩa và định lượng sự chịu đựng này bằng cách nào? Và những tôn giáo, những niềm tin luôn răn dạy con người không được phép từ bỏ sinh mạng của mình? Những câu hỏi này vô hình trở thành rào cản không cho phép việc kết thúc sớm nỗi đau của rất nhiều người.

    Sự thật về cái chết - Kỳ 2: Điều gì đã xảy ra?
     

    Thời gian trôi đi, khoa học chỉ càng làm vấn đề đạo đức thêm phần thách thức. Con người, với bản năng của mình, luôn tìm cách kiểm soát số phận – thậm chí là cả cái chết. Đó là một trận chiến đối với những ai tham gia vào nó: người bệnh, người bác sỹ, hoặc một đấng tối cao nào đó. Bạn có thể vạch ra rất nhiều kế hoạch trong cuộc sống của mình, nhưng rất có thể bạn sẽ không chọn được cái chết cho mình. Đó là quy luật của tự nhiên, đó là một phần của cuộc sống, đó là áp lực đặt lên vai bạn, và đó là cách mà những ý tưởng thiên tài ra đời.

    Cái chết biến tất cả mọi người, tất cả mọi thứ xung quanh trở nên đẹp đẽ và ý nghĩa hơn đối với bạn. Hãy cảm nhận nó trước khi bạn nằm sâu vài mét dưới lòng đất.

    Tham khảo: Howstuffworks

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ