Tập đoàn FPT trong cuộc chơi với hai quỹ ngoại

    PV, http://forum.genk.vn/threads/157/ 

    Sự kiện dứt áo ra đi, rời bỏ FPT của tỉ phú Richard Chandler mới đây có thể ví như việc một chàng trai giàu có đã nhanh chóng thất vọng với người tình đẹp đẽ chỉ sau 2 năm kết hôn

    Sự kiện dứt áo ra đi, rời bỏ FPT của tỉ phú Richard Chandler mới đây có thể ví như việc một chàng trai giàu có đã nhanh chóng thất vọng với người tình đẹp đẽ chỉ sau 2 năm kết hôn và đó là sự kiện để lại nhiều dư âm tiếc nuối cho thị trường cũng như có lẽ cho bản thân các nhà điều hành.

    Quỹ đầu tư Orchid Capital Investment của tỉ phú Richard Chandler đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 29 triệu cổ phiếu, tương ứng với 10,65% tổng số vốn của Tập đoàn FPT cho các nhà đầu tư khác. Giá trị khoản thoái vốn không được công bố nhưng nếu căn cứ vào giá cổ phiếu FPT trong các ngày giao dịch, số tiền mà Orchid thu về có thể rơi vào tầm 60 triệu USD.

    Ngoài động thái rút vốn của Orchid, FPT còn đón nhận một tin không vui khác khi thành viên hội đồng quản trị và là cựu CEO Trương Đình Anh cũng quyết định bán gần hết số cổ phiếu sở hữu còn lại ở tập đoàn này.

    Orchid ra đi...

    Có thể nói, Việt Nam trong các năm gần đây là một trong những điểm đầu tư đầy hấp dẫn trong mắt của vị tỉ phú người gốc New Zealand Richard Chandler, mà đích nhắm là các công ty hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe.

    Khi đó, FPT với nét quyến rũ tuổi đôi mơi, không khó để lọt vào tầm ngắm của chàng trai hào hoa này. Thông qua quỹ đầu tư Orchid, Chandler bắt đầu đầu tư vào FPT từ giữa năm 2011 và dần thâu tóm thêm cổ phiếu để cuối cùng trở thành cổ đông lớn nhất của tập đoàn này, vượt qua cả tỉ lệ sở hữu của Chủ tịch Trương Gia Bình. Orchid Capital có một đại diện trong Hội đồng Quản trị FPT là bà Lê Nữ Thùy Dương, con gái của doanh nhân Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh sân golf Long Thành.

    Nhưng không chỉ có FPT, một số ngôi sao khác cũng lọt vào đôi mắt của Chandler. Hiện Orchid Capital còn sở hữu 11,14% cổ phần của Tập đoàn Masan với giá trị hiện tại của khoản đầu tư này lên đến 300 triệu USD. Tháng 6 vừa qua, Orchid Capital cũng gây bất ngờ khi bỏ ra số tiền lên đến 99 triệu USD để thâu tóm 80% cổ phần của bệnh viện Hoàn Mỹ.

    Tỉ phú Richard Chandler, thành viên sáng lập Tập đoàn Chandler Corporation

    Tỉ phú Richard Chandler, thành viên sáng lập Tập đoàn Chandler Corporation

    Việc nắm giữ 3 công ty hàng đầu trong các lĩnh vực then chốt về công nghệ, tiêu dùng và chăm sóc y tế ở Việt Nam có thể xem là rất hợp lý khi nằm trong các lĩnh vực đầu tư dài hạn của Tập đoàn Chandler Corporation trên toàn cầu. Vì vậy, động thái thoái vốn khỏi FPT của tỉ phú này không khỏi làm cho thị trường ưu tư về tương lai của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam hiện nay.

    Khi được hỏi về lý do thoái vốn nhanh chóng như thế, đại diện Tập đoàn Chandler Corporation - công ty mẹ của Orchid Capital - từ chối cung cấp thông tin chi tiết vì đây là một quyết định đầu tư riêng tư của Tập đoàn nhưng nói rằng nguyên nhân thoái vốn không phải xuất phát từ lo ngại về viễn cảnh tương lai của FPT.

    Tuy vậy, một lý do có thể giải thích cho động thái thoái vốn này là kết quả đầu tư không như mong đợi. Theo tính toán sơ bộ của NCĐT về giá trị chênh lệch giữa khoản đầu tư vào FPT và kết quả thoái vốn mới đây, tỉ suất lợi nhuận mà Orchid thu được ước tính khá khiêm tốn khi nằm trong khoảng 10-20%, tương ứng với mức 5-10%/năm. Đồng tình với quan điểm này, một vị chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư (không muốn nêu tên) nhận định: “Orchid thoái vốn vì dường như không đạt được suất sinh lợi như mong muốn”.

    Ngoài lý do là suất sinh lợi đầu tư, việc thoái vốn này có lẽ sẽ giúp Orchid Capital toàn tâm toàn ý hơn vào hai lĩnh vực tiềm năng còn lại là tiêu dùng và dịch vụ y tế ở Việt Nam. “Tập đoàn Chandler tiếp tục cam kết đầu tư vào Việt Nam, cũng như đối với những dự án đầu tư vào lĩnh vực y tế và tiêu dùng mà Chandler hiện là cổ đông lớn trong bệnh viện Hoàn Mỹ và Masan. Tập đoàn vẫn cho rằng Việt Nam tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài”, đại diện của Tập đoàn Chandler Corporation bộc lộ cam kết đối với hai dự án còn lại.

    Được biết, giá trị tài sản của tỉ phú Richard Chandler hiện vào khoảng 2,85 tỉ USD, đứng ở vị trí 502 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes 2013. Nhưng giá trị tài sản này đã sụt giảm rất đáng kể nếu so với con số 4,6 tỉ USD mà ông sở hữu vào năm ngoái. Và đây có thể là một yếu tố tác động để vị tỉ phú này mạnh mẽ tinh chế lại danh mục đầu tư theo hướng hiệu quả hơn.

    Quay trở lại với FPT, cô gái 25 tuổi xinh đẹp này đang chứng kiến những thời khắc quan trọng khi chuyển tiếp vào giai đoạn thứ hai trong cuộc đời đầy sóng gió của mình.

    FPT vừa chọn cho mình một CEO mới, ông Bùi Quang Ngọc. Ông Ngọc thuộc thế hệ đầu tiên sáng lập nên FPT, một người được Chủ tịch Bình đánh giá là mạnh về chiến thuật, triển khai và được kỳ vọng sẽ kết hợp tốt với thế mạnh về chiến lược của ông Bình. Nhưng điều này cũng đặt ra câu hỏi vì sao FPT, một công ty công nghệ, lại tiếp tục lựa chọn thế hệ F1 cho vị trí lãnh đạo trong giai đoạn đầu tư mới?

    Ngoài thay đổi người điều hành cấp cao nhất, FPT cũng không giấu tham vọng vươn ra biển lớn, trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực và thế giới. Cụ thể, FPT muốn đạt 2 tỉ USD doanh thu trong 3 năm tới và đặc biệt sẽ lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu vào năm 2024. FPT sẽ tăng số lượng nhân viên từ 15.000 hiện nay lên 100.000 chỉ trong 3 năm tới, tiến hành M&A với các đối tác có tiềm năng để đẩy mạnh tăng trưởng. Ngoài ra, Tập đoàn sẽ đầu tư mạnh mẽ và hy vọng cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu trong các công nghệ thời thượng hiện nay là điện toán đám mây (cloud computing), công nghệ di động (mobility) và dữ liệu lớn (big data).

    Về địa bàn hoạt động, ngoài thị trường trong nước và thị trường nước ngoài truyền thống như Nhật, Chủ tịch Bình đang đẩy mạnh tấn công các thị trường béo bở khác. Ông muốn FPT phải giành thắng lợi tại mặt trận then chốt là Singapore, nơi hội tụ các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, với mục tiêu gia tăng doanh số gấp 10 lần lên 100 triệu USD vào năm 2016. Một thị trường sơ khai khác rất tiềm năng mà FPT mong muốn tấn công là Myanmar với mục tiêu sẽ bỏ túi 100 triệu USD doanh thu.

    Trong tư duy chiến lược của mình, có lẽ ông Bình rất mong muốn gỡ bỏ cái mác chỉ biết gia công hay phân phối sản phẩm công nghệ mà nhiều người đặt tên cho FPT, để biến nó thành một nhà triển khai tích hợp hệ thống hùng mạnh ở khu vực. “FPT muốn trở thành tập đoàn cung cấp dịch vụ thông minh hàng đầu toàn cầu, có vị trí trong tất cả các hệ sinh thái (ecosystem). Mỗi khi mọi người nhắc đến điện toán đám mây, công nghệ di động, dữ liệu lớn là nhắc đến FPT”, Trương Gia Bình từng nói.

    “Khát vọng lớn hơn và phải thay đổi mạnh mẽ” sau 25 năm tồn tại có lẽ là những cụm từ ngắn ngọn mô tả về tập đoàn công nghệ thông tin số 1 Việt Nam vào thời điểm này. Nhưng khát khao là một chuyện, việc thực hiện sẽ là chuyện khác, dù FPT đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm từ hàng chục năm qua.

    Năm 2012, kết quả mà Tập đoàn đạt được không như ý. Dù đã điều chỉnh giảm 15% kế hoạch lợi nhuận nhưng cuối cùng, FPT chỉ hoàn thành được 92% kế hoạch năm. Còn năm nay, kết quả cũng chưa sáng sủa mấy, khi 6 tháng đầu năm doanh thu hợp nhất tăng nhẹ 9% còn lợi nhuận trước thuế tăng 6% so với cùng kỳ. Có lẽ để lọt vào danh sách Forbes 500 như dự tính, con tàu với sức chứa hàng chục ngàn người này phải đi với tốc độ nhanh hơn nhiều. Nhưng xung quanh con tàu này là những thách thức không dễ vượt qua, đó là sức ép cạnh tranh từ các đối thủ, khả năng sáng tạo, tính thay đổi liên tục của công nghệ và thị hiếu thị trường.

    Nhưng có lẽ thách thức lớn nhất FPT phải giải quyết nằm ở nội bộ của nó khi FPT phải tìm cách hài hòa và phát huy được nguồn nhân lực to lớn mà mình đang nắm trong tay. Ở tập đoàn này, có thể có rất nhiều những người tài năng cũng lắm cá tính, với những quan điểm khác nhau khó mà dung hòa. Đó là lý do dẫn đến sự ra đi của các lãnh đạo cao cấp từ trước đến nay và điều này cũng là thách thức trong quá trình chuyển giao thế hệ điều hành ở tập đoàn này.

    Do đó, dù hiện vẫn là công ty thuộc dạng tốt nhất Việt Nam với tỉ lệ ROE luôn lớn hơn 20%, nhưng tương lai của tập đoàn này vẫn ngổn ngang với nhiều nghi vấn chưa rõ lời giải đáp. Và đối với một quỹ đầu tư tài chính như Orchid Capital, việc thoái lui nhanh chóng vào thời điểm hiện tại có thể xem là quyết định khôn ngoan. “Có thể nói Richard Chandler đã rất giỏi khi thoái vốn thành công khỏi FPT”, vị chuyên gia (không muốn nêu tên) đánh giá.

    ... GIC đến

    Tuy Chandler đã chia tay nhưng một điều có lẽ sẽ giúp Chủ tịch Trương Gia Bình bình tâm trở lại khi ông biết rằng các đối tác nhận chuyển nhượng từ Orchid Capital vẫn là các nhà đầu tư ngoại. “Điều này cho thấy FPT vẫn còn sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại”, Ông Marc Djandji, Giám đốc Bộ phận Ngân hàng đầu tư thuộc Công ty Cổ phần Chứng khoán PSI, nhận xét.

    Tính đến thời điểm này, ngoài các quỹ đầu tư có liên quan đến Dragon Capital và Norges Bank đã công bố thông tin mua thêm 3,55 triệu cổ phiếu FPT, thì theo nguồn tin riêng của NCĐT, một nhà đầu tư tài chính với tiềm lực hùng mạnh đã xuất hiện và tích cực thâu tóm cổ phiếu FPT trong các giao dịch vừa qua, đó là Tập đoàn Government of Singapore Investment Corporation (GIC). Vậy GIC là ai?

    GIC là một dạng quỹ đầu tư quốc gia của Chính phủ Singapore, cùng với tập đoàn đầu tư Temasek. GIC được thành lập vào 1981, thuộc sở hữu của Bộ Tài chính Singapore. Mục tiêu của GIC là đạt được mức sinh lợi tốt cho ngân sách quốc gia trong dài hạn. Cụ thể hơn, GIC phải đảm bảo mục tiêu tỉ lệ sinh lợi phải cao hơn tỉ lệ lạm phát toàn cầu ở mức phù hợp trong một khoảng thời gian đo lường thông thường là 20 năm.

    GIC và Temasek là hai thực thể độc lập với vai trò và nhiệm vụ khác biệt nhau. Temasek thiên về tìm kiếm cơ hội đầu tư có suất sinh lợi cao hơn nhưng rủi ro kèm theo cũng lớn hơn so với chiến lược đầu tư của GIC, vốn mang tính bị động và hướng về bảo toàn giá trị. Hiện GIC đã đầu tư hơn 100 tỉ USD vào các loại tài sản ở hơn 40 quốc gia.

    Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn FPT - Đơn vị: tỉ đồng. Nguồn: CafeF

    Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn FPT - Đơn vị: tỉ đồng. Nguồn: CafeF

    Nhưng các năm gần đây, kết quả kinh doanh của GIC không tốt lắm. Một báo cáo cuối tháng 3 vừa qua cho thấy GIC đạt được suất sinh lợi thực hằng năm trung bình cho khoảng thời gian 20 năm qua là 4%, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với 3,9 % đạt được vào năm ngoái. Mức sinh lợi này tuy cao hơn tỉ lệ lạm phát toàn cầu nhưng không đủ khiến các nhà quản lý GIC hài lòng. Giải thích cho điều này, GIC cho rằng kết quả kinh doanh đã bị ảnh hưởng bởi sự yếu kém của các tài sản bất động sản và cơ sở hạ tầng so với cổ phiếu và trái phiếu.

    Để cải thiện hiệu quả hoạt động, mới đây GIC đã công bố thay đổi chiến lược đầu tư tổng thể theo hướng mạo hiểm hơn và đây chỉ là lần thứ hai kể từ ngày thành lập GIC thay đổi chiến lược đầu tư.

    Cụ thể hơn, GIC sẽ có cấu trúc đầu tư mới gồm hai danh mục đầu tư, gồm danh mục chính sách (policy portfolio) giống như trước và có thêm danh mục đầu tư chủ động (active portfolio). Chi tiết về phân bổ vốn đầu tư giữa hai danh mục không được công bố, nhưng danh mục chính sách sẽ là phần đầu tư chính của GIC. Danh mục này sẽ đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu và một tỉ lệ nhỏ đầu tư vào trái phiếu, tiền mặt và bất động sản, còn danh mục chủ động sẽ gồm nhiều loại tài sản hơn.

    “Danh mục chính sách hướng đến mục tiêu dài hạn và đem lại phần lớn lợi nhuận; còn danh mục chủ động sẽ nỗ lực mang về tỉ suất lợi nhuận cao hơn thông qua việc chớp các cơ hội trên thị trường”, kinh tế trưởng của GIC, ông Leslie Teo nói.

    GIC thay đổi chiến lược và FPT lọt vào tầm ngắm của nó, đây có thể là tin vui đối với ông Trương Gia Bình vì GIC thông thường có thời gian đầu tư dài hạn hơn so với các quỹ đầu tư tư nhân như Orchid Capital. Ngoài ra, với sự giúp đỡ về tài chính, kinh nghiệm và nhân lực của một tập đoàn hàng đầu đến từ Singapore, có thể nói FPT đang có trong tay một nguồn lực hỗ trợ quan trọng để tiến đánh thị trường mà Chủ tịch Bình xác định sẽ là mặt trận then chốt - quốc đảo Singapore.

    Nguyễn Sơn
    Nhịp cầu đầu tư

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày