Trung Quốc đẩy mạnh lĩnh vực năng lượng mặt trời: Tham vọng lớn gấp 3 Tesla

    Yến Thanh,  

    Với nguy cơ "chung thân" với không khí ô nhiễm, Trung Quốc đã đẩy mạnh lĩnh vực năng lượng mặt trời, đồng thời hướng tới mục tiêu sở hữu nguồn năng lượng tái tạo vượt mặt nước Mỹ.

    Có thể nói, vấn đề ô nhiễm không khí luôn là nỗi lo đêm ngày với đại đa số các quốc gia trên toàn thế giới, trong bối cảnh người người, nhà nhà đều chìm trong công cuộc công nghiệp hóa bấy lâu. Được biết tới như một đại diện hùng mạnh, sở hữu nền công nghệp bậc nhất hiện nay, Trung Quốc đang tìm mọi cách nhằm ngăn chặn và làm giảm thiểu nguy cơ này.

    Một trong những phương pháp được đất nước đông dân nhất thế giới áp dụng chính là đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo: các nguồn năng lượng sạch như mặt trời. Trước đó, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu cũng như sản xuất các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo từ cách đây khoảng 4 đến 5 năm. Những kết quả gần đây đã cho thấy thành công bước đầu của quốc gia này.

    Hướng đi năng lượng mới của Trung Quốc

    Bên cạnh những chính sách tiền tệ, tài chính hiện nay, Trung Quốc cũng đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực năng lượng, khi mới đây, Cục quản lý năng lượng quốc gia của nước này đã công bố con số kì vọng trong năm 2015 này là 17,8 GWh từ năng lượng mặt trời. Không chỉ giảm tải lượng không khí ô nhiễm, giới chức nước này còn hy vọng sẽ thu hút thêm khoảng 3,4 tỷ USD vốn đầu tư cho các dự án năng lượng.

    Ngay sau khi những mục tiêu năng lượng mặt trời được công bố, liên tục cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực này. Minh chứng là các đơn vị đầu ngành như công ty Hareon Solar Technology đã tăng gần 4,5% giá trị cổ phiếu tại Thượng Hải, Jiangsu Akcome Science & Technology tăng hơn 10%, trong khi Comtec Solar Systems Group tại Hồng Kông cũng đạt mức khoảng 9,7%.

    Một chuyên gia tại Thẩm Quyến, Trung Quốc cho rằng: "Chưa kể tới giá trị thương mại hóa, hướng đi năng lượng mặt trời sẽ giúp Trung Quốc sẽ giúp thị trường trong nước phát triển hơn, đồng thời, phát huy tối đa thế mạnh của các nhà sản xuất thiết bị tập trung." Cũng theo chuyên gia này, việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời nhỏ lẻ cũng giúp ích rất nhiều cho các cơ sở có quy mô lớn hơn.

    Bởi phần nhiều các dự án năng lượng hiện nay chỉ được Trung Quốc đầu tư với quy mô lớn, phục vụ chủ yếu trong ngành công nghiệp. Trong khi đó, các dự án vừa và nhỏ, gắn liền với đời sống của người dân vẫn được nước này bỏ ngỏ. Theo đó, việc phát triển đồng đều công nghệ mặt trời sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt được nỗi lo sống chung với không khí ô nhiễm.

    Năng lượng mặt trời là số một

    Theo những báo cáo được công bố vào đầu năm nay, trong năm 2014, toàn Trung Quốc đã đưa vào sử dụng khoảng 12 GWh từ năng lượng mặt trời - con số tương đương khoảng 5 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La của Việt Nam. Trong khi đó, con số này ở nước Mỹ chỉ là 7,3 GWh. Điều này cho thấy, Trung Quốc đã đặt năng lượng mặt trời là trọng tâm của hướng đi năng lượng trong những năm vừa qua.

    Còn theo một chuyên gia từ Hiệp hội Năng lượng tái tạo ở Bắc Kinh: "Có thể sản lượng điện từ năng lượng mặt trời sẽ rất lớn, nhưng nó sẽ chẳng là gì so với lượng khí thải được cắt giảm hàng năm. Điều này giống như việc, bạn kiếm được rất nhiều tiền mỗi năm, nhưng nếu lỡ mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo nào đó, số tiền kiếm được sẽ chẳng thấm thoát là bao."

    Không chỉ nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia đầu ngành, chính Chủ tịch Tập Cận Bình, đã định hướng năng lượng mặt trời sẽ là con đường nhanh nhất đưa quốc gia này lên một tầm cao mới. Nhằm thể hiện những cam kết của mình, ông đã lập ra một bản hiệp ước với Tổng thống Mỹ, Barrack Obama có nội dung đẩy mạnh thị phần năng lượng tái tạo lên 20% tới năm 2030.

    Hơn thế nữa, quốc gia sở hữu gần 1,4 tỷ dân cũng đặt ra mục tiêu đạt sản lượng 100 GWh điện từ năng lượng mặt trời vào năm 2020. Tất nhiên, để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc không chỉ cần tới sự nỗ tự của bản thân mà còn là những công nghệ tân tiến nhất. Bởi sản lượng điện mà hãng mong muốn trong 15 năm nữa từ năng lượng mặt trời sẽ gần gấp 3 lần nhà máy Gigafactory của Tesla - 35 GWh.

    Hiệu quả có thể nhìn thấy

    Trong khi tương lai màu hồng được Trung Quốc vẽ ra là vậy, cũng xuất hiện rất nhiều hoài nghi xoay quanh hướng đi này. Bởi rõ ràng, việc tập trung phát triển một lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng cũng xoay quanh nền công nghiệp vốn sản sinh rất nhiều khi thải. Tuy nhiên, công bố trong năm ngoái của nước này cho thấy, lượng khí thải carbon dioxide tại Trung Quốc đã giảm đi trông thấy.

    Con số được giới chức nước này ghi nhận là khoảng 2%, và đây là lần đầu tiên kể từ năm 2001, lượng khí thải tại Trung Quốc có dấu hiệu di xuống. Do đó, tới đầu năm nay, chính quyền nước này đã yêu cầu gần như các tỉnh thành phải nộp lại kế hoạch cắt giảm khi thải trong năm 2015, đặc biệt là các vùng như Hà Bắc, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Thanh Hải và Ninh Hạ.

    Hiện tại, vẫn chưa rõ, sau những mục tiêu như sử dụng năng lượng sạch, cắt giảm khí thải, Trung Quốc sẽ còn toan tính những tham vọng gì với năng lượng mặt trời. Nhưng chắc chắn, nếu những kế hoạch của nước này thành công, đây sẽ là tiền lệ cho các quốc gia khác trong công cuộc giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường hiện nay.

    >> Powerwall của Tesla có thật sự thần thánh trong mắt các nhà khoa học?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày