Uber tại Trung Quốc: tài xế ảo, khách ảo nhưng những đồng đô la là thật!

    Hải Tố,  

    Uber cũng khẳng định rằng số lượng tài xế “ảo” chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên tổng số lượng tài xế mà Uber có tại Trung Quốc, nhưng từ chối cho biết nó chiếm bao nhiêu: 1%,2% hay 20%, chắc hẳn Uber vẫn chưa biết câu trả lời.

    Trung Quốc - đất nước đông dân nhất thế giới luôn là một thị trường béo bở đối với bất cứ một doanh nghiệp, nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ nào. Từ Apple, Samsung cho đến Facebook, Google, Amazon,... không một gã khổng lồ nào có thể bỏ qua đại lục này. Uber cũng không phải là ngoại lệ: sau khi thành công trên sân nhà Mỹ, Trung Quốc là điểm dừng chân tiếp theo của startup có giá trị gần 50 tỷ USD này.

    Uber là một trong những startup khủng nhất thế giới với giá trị lên tới 50 tỷ USD

    Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thị trường Trung Quốc là một thị trường có tính cạnh tranh cao, đặc biệt là khi người dân nước này luôn ủng hộ dịch vụ của các công ty trong nước. Chính thị hiếu “người Trung Quốc dùng hàng Trung Quốc”đã làm nên sự thành công của những Alibaba, Baidu, Taobao, Weibo hay Xiaomi dù những công ty công ty công nghệ này đi sau rất nhiều những đối thủ khác.

    Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền

    Travis Kalanick - CEO Uber chắc hẳn đã “thuộc lòng” những điều này khi tiến đánh thị trường đông dân nhất thế giới. Nhưng nhà tài phiệt John D.Rockefeller đã từng nói: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” - đó cũng chính là cách Uber đang làm để thực hiện tham vọng phát triển thị trường của mình.

    Travis Kalanick - CEO Uber sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho thị trường Trung Quốc

    Đầu tiên là việc chi đậm tiền, thậm chí là trả gấp 3 lần cước cho các tài xế để xây dựng đội ngũ xe hiện đại, sang trọng và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, mức giá rẻ hơn 35% giúp Uber cạnh tranh sòng phẳng với Didi Kuaidi, chiếm 90% thị trường xe taxi trên cả nước và được hậu thuẫn bởi hai công ty Internet lớn nhất là Alibaba và Tencent.

    Không chỉ mạnh dạn bỏ tiền để mở rộng thị trường, Uber còn rất khôn khéo trong cách tiếp cận thị trường Trung Quốc, một thị trường rất phức tạp. Trong tháng 12,Uber bán cổ phần của mình cho Baidu và bắt đầu cung cấp dịch vụ của mình trên ứng dụng bản đồ rất phổ biến của Baidu.

    Và bước đầu đã đạt được những thành công nhất định

    Chiến lược của Uber đã có hiệu quả ngay tức thì khi nhìn vào những con số thống kê: 4 trong số 10 thành phố sử dụng Uber nhiều nhất là ở Trung Quốc với 1 triệu lượt sử dụng mỗi ngày. Uber China cũng nhanh chóng hút được 5 tỷ USD đầu tư, 600 triệu USD trong số này đến từ Baidu. Tất cả cho thấy rằng Uber đang muốn biến Trung Quốc thành sân nhà của mình bằng rất nhiều đồng ngoại tệ Mỹ. Nhưng, những con số này phản ánh bao nhiêu % sự thật?

    Khi những con số biết "nói dối"

    Travis Kalanick không bao giờ biết rằng, những ưu đãi đặc biệt dành riêng cho thị trường Trung Quốc (Uber trả cho tài xế khoảng 50USD/30 chuyến xe) vô tình trở thành “mỏ vàng” bị khai thác. Các tài xế Uber đã tạo ra những chuyến đi "giả" và đăng ký nhiều tài khoản Uber để “cày tiền”. Thậm chí, họ còn"giả vờ" là đang có hành khách khi thực hiện những chuyến đi không có điểm đến.

    Các tài xế Uber đã tạo ra những chuyến đi "giả" và đăng ký nhiều tài khoản Uber để “cày tiền”. 

    Một tài xế Uber giấu tên chia sẻ với tờ New York Times rằng anh ta đã kiếm tới 1000 USD chỉ trong 20 ngày khi thực hiện hình thức gian lận trên. Việc này còn công khai trên các mạnh xã hội, khi có những tài xế Uber lên WeChat để tìm người giúp họ thực hiện các chuyến đi ảo.

    Rất đơn giản, những khách hàng “ảo" này chỉ việc ngồi tại nhà, tắt tính năng định vị GPS và yêu cầu đón tại một địa điểm ngay gần nơi tài xế Uber đang chờ. Tài xế này sẽ chấp nhận yêu cầu trên ứng dụng Uber và sau đó thực hiện chuyến đi một mình. Sau khi chạy đủ khoảng cách để nhận thưởng, tài xế sẽ chia hoa hồng cho khách hàng “ảo” và tiếp tục những chuyến xe không.

    Với chỉ 1 USD, tài xế đã có ngay một tài khoản với đầy đủ các thông tin giảo mạo để đăng ký Uber

    Tinh vi hơn, một vài tài xế Uber đã tìm được cách can thiệp vào hệ thống của Uber, đăng ký tài xế mới bằng giấy tờ giả và hưởng ưu đãi chuyến đi đầu tiênrất nhiều lần. Hiện nay, Uber vẫn đang tuyển dụng các tài xế thông qua việc kiểm tra chứng minh thư và bằng lái xe nhưng mấu chốt ở chỗ: việc này do bên thứ 3 thực hiện. Rất nhanh chóng một thị trường chợ đen đã xuất hiện trên Taobao - websites thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc để hỗ trợ tài xế trong việc đánh lừa Uber. Với chi phí vô cùng bèo bọt - chỉ 1 USD, người dùng đã có ngay một tài khoản với đầy đủ các thông tin giả mạo để đăng ký tài khoản và hưởng ưu đãi.

    Nghiêm trọng hơn cả vấn đề tiền bạc...

    Uber cần nhanh chóng giải quyết vấn đề này

    Vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến một trong những nguyên tắc làm việc của Uber: tính an toàn. Uber đảm bảo với khách hàng là mình luôn nắm rõ hồ sơ của các tài xế nhưng những gì đang diễn ra tại Trung Quốc chứng minh điều ngược lại.

    Đại diện của Uber tại Trung Quốc cho biết hãng đã phát hiện ra những hình thức sai phạm này và tìm cách sửa chữa nó: "Chúng tôi đã thiết lập đội điều tra những vấn đề trên và thông qua những công cụ mới được phát triển bởi các kỹ sư Trung Quốc, tình trạng gian lận sẽ nhanh chóng bị phát hiện và có biện pháp xử lý phù hợp”.

    Uber cũng khẳng định rằng số lượng tài xế “ảo” chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên tổng số lượng tài xế mà Uber có tại Trung Quốc, nhưng từ chối cho biết nó chiếm bao nhiêu: 1%,2% hay 20%, chắc hẳn Uber vẫn chưa biết câu trả lời. Chiếc bánh Trung Quốc thật sự khó nuốt với những công ty nước ngoài và những người khổng lồ đi trước Uber hiểu rõ điều này hơn ai hết.

    Theo New York Times/Quartz

    >> Nhập vai tài xế Uber với tựa game UberDRIVE

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ