Nếu sợ ung thư, bạn nên chạy bộ mỗi ngày ngay từ lúc này

    Đức Minh,  

    Theo các nhà khoa học, việc duy trì việc chạy bộ và tập thể dục mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư

    Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng việc tập thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tương tự, với những người đã trải qua bệnh ung thư, nguy cơ tái phát thường thấp hơn nếu việc tập luyện thể dục sau điều trị được tiến hành đều đặn. Những hoạt động tập luyện thường xuyên thúc đẩy một phản ứng trong cơ thể giúp ngăn chặn các tế bào ung thư. Tuy nhiên, những chi tiết về quá trình này vẫn chưa được sáng tỏ. Nhóm các chuyên gia tới từ bệnh viện đại học Copenhagen, Đan Mạch đã chỉ ra trên tạp chí Cell Metabolism rằng chìa khóa thành công cho quá trình này là chất adrenalin.

    Bác sỹ Hojman đã mở đầu nghiên cứu của mình bằng nhận định về tác dụng chống lại các khối u của việc tập thể dục. Cùng với đồng nghiệp, Hojman đã tiến hành thí nghiệm trên chuột. Một nhóm chuột được đặt trong những lồng bánh xe, nơi chúng có thể chạy bộ liên tục. Trong khi đó, một nhóm chuột khác được nuôi trong môi trường gần như không có vận động, ngoại trừ việc di chuyển quanh lồng. Các nhà nghiên cứu sau đó đã đưa cả 2 nhóm chuột vào thí nghiệm với một trong ba loại ung thư.

    Một vài con được tiêm một hợp chất diethylnitrosamine, nguyên nhân chính của ung thư gan. Những con khác được tiêm dưới da tế bào melanoma, tạo thành các u hắc sắc tố tại vùng da được tiêm. Một nhóm khác cũng được tiêm tế bào melanoma tại vùng đuôi. Những thí nghiệm trước đây đã chỉ ra rằng phương pháp này sẽ tạo nên các khối u ác tính trong phổi của loài chuột.

    Kết quả thu được mang tới nhiều thông tin bổ ích cho công tác nghiên cứu. Trong nhóm chuột được tiêm tế bào melanoma dưới vùng da và phát triển bệnh ung thư, các khối u ác tính ở những chú chuột sống trong các bánh xe vận động liên tục nhỏ hơn 61% so với nhóm chuột sống trong lồng bình thường sau sáu tuần. Kết quả tương tự với các khối u phổi khi kích cỡ giảm hơn 58%. Với nhóm chuột được tiêm diethylnitrosamine, chỉ có 31% các chú chuột vận động với bánh xe phát triển các khối u trong khi con số này là 75% với nhóm chuột không vận động.

    Để hiểu rõ hơn về tác dụng của việc tập thể dục, bác sỹ Hojman cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu một vài khối u dưới kính hiển vi. Họ nhận ra rằng những khối u của nhóm chuột vận động thường xuyên chứa nhiều tế bào miễn dịch hơn so với nhóm chuột ít vận động. Đặc biệt, việc vận động thường xuyên giúp nhân đôi số lượng tế bào cytotoxic T-loại tế bào giúp loại bỏ những tế bào bị nhiễm độc hoặc tấn công bởi virus. Nhóm chuột vận động có nhiều gấp 5 lần các tế bào ăn mồi tự nhiên giúp thu hút các tế bào miễn dịch khác.

    Để củng cố thêm nghiên cứu của mình, bác sỹ Hojman đã tiến hành thí nghiệm trên những chú chuột thiếu các tế bào cytotoxic T. Với kết quả tương tự, cô nhận ra rằng những chú chuột vận động trong bánh xe có các khối u nhỏ hơn. Điều đó đã chỉ ra rằng chính các tế bào ăn mồi tự nhiên chứ không phải các tế bào T là các tác nhân chính. Thí nghiệm thứ ba đã khẳng định điều này. Bác sỹ Hojman loại bỏ các tế bào ăn mồi tự nhiên ở chuột nhưng giữ nguyên hệ miễn dịch. Với việc mất đi các tế bào ăn mồi tự nhiên, các khối u của chuột phát triển với kích cỡ như nhau, không phân biệt nhóm chuột sống trong các vòng xoay hay lồng thông thường.

    Kết quả từ các thí nghiệm trước của bác sỹ Hojman đã chỉ ra rằng một loại hormone, thường được biết đến với cái tên adrenalin, có khả năng tập trung các tế bào ăn mồi tự nhiên. Nồng độ của loại hormone này sẽ tăng cao trong máu trong quá trình tập thể dục. Điều đó đã dẫn đến nghi vấn của bác sỹ Hojman về việc liệu rằng có phải chính epinephrine là nguyên nhân cơ bản cho hiệu quả chống ung thư của việc tập thể dục hay không.

    Với thí nghiệm thứ 4 cho giả thuyết trên, những chú chuột được tiêm epinephrine hoặc saline. Các kích thích tố giúp giảm sự phát triển của các khối u tới 61% với những chú chuột sống trong các lồng bình thường. Tuy nhiên, với các chú chuột vận động thường xuyên, thí nghiệm cho kết quả ấn tượng hơn với việc giảm thiểu tới 74% sự phát triển của các khối u. Các nhà nghiên cứu đã kết luận về sự tham gia của hợp chất khác có tên interleukin-6 trong quá trình này.

    Nồng độ của các phân tử cũng tăng lên trong quá trình luyện tập thể dục và giúp các tế bào miễn dịch bám vào các khối u. Khi bác sỹ Hojman và đồng nghiệp tiến hình tiêm cả epinephrine và interleukin-6 lên những chú chuột ít vận động , hệ thống miễn dịch tấn công các khối u trong cơ thể chuột hiệu quả như việc tập luyện thường xuyên với bánh xe của nhóm chuột còn lại.

    Những nghiên cứu của bác sỹ Hojman đã chỉ ra rằng epinephrine và interleukin-6 có thể sử dụng trong các thuốc chống ung thư. Những loại thuốc trên sẽ có tác dụng và hiệu quả với những bệnh nhân có sức khỏe kém hoặc quá cao tuổi để có thể tập luyện thể dục thường xuyên.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ