Trí tuệ nhân tạo chơi game, cờ vây, poker thắng con người, nhưng có thể trở thành vũ khí xóa sổ nhân loại hay không?
Viễn cảnh trí tuệ nhân tạo thống trị và suýt nữa tân diệt nhân loại có thể xảy ra hay sẽ được ngăn chặn đúng cách?
Tháng vừa rồi, những tay chơi cự phách nhất thế giới của trò Poker Texas Hold'em đã cùng tụ tập lại ở Rivers Casino (Pittsburgh) để đương đầu với một đối thủ rất đặc biệt. Đó là nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) có tên Libratus - đã đánh bại hoàn toàn nhóm người chơi này sau quá trình 20 ngày chơi cùng 120.000 ván bài diễn ra liên tiếp.
Đây không phải lần đầu tiên một AI có thể đánh bại con người trong một hình thức so tài trí thông minh, và chắc chắn cũng sẽ không phải là ví dụ cuối cùng kể từ nay về sau. Năm ngoái, nền tảng DeepMind của Google đã thắng được kỳ thủ cờ vây vô địch thế giới Lee Sedol sau một chuỗi tranh đấu, và trường hợp xảy ra với trò chơi StarCraft cũng tương tự.
Tuy nhiên, tiềm năng của AI sẽ không thể chỉ để dành riêng cho việc so đo với con người ở các trò chơi giải trí. Đây hoàn toàn là khả năng nằm trong tầm tay khi nói đến những tình huống và lĩnh vực khác. Ngay lúc này đây, AI đã chứng tỏ được mình có thể đi trước đối thủ đến vài nước cờ quyết định trong những ván chơi, và xác suất cao là chúng sẽ được tính đến cho cả những công việc định đoạt số phận giữa sự sống và cái chết.
Thông tin giả lập không hoàn toàn
Một thời gian ngắn sau khi Libratus đánh bại được những đối thủ con người sừng sỏ nhất tại Rivers Casino, chủ nhân sáng tạo ra nó - giáo sư Tuomas Sandholm tại Carnegie Mellon - đã được Time phỏng vấn về dự án và sản phẩm trí tuệ nhân tạo này của mình. Khi xét đến những khía cạnh ứng dụng trong tương lai, ông đã liệt kê ra một danh sách nhiều nguy cơ trái chiều trên nhiều yếu tố như bảo mật an ninh, chuyển nhượng kinh doanh, và cả chiến thuật quân sự nữa.
Libratus trở nên nổi tiếng vì khả năng chơi Poker siêu hạng vượt qua những tay chơi bậc nhất thế giới, và tiềm năng thực sự của nó vẫn còn chưa được khai thác hết là điều đương nhiên. Sandholm sẽ không dành ra tận 12 năm cuộc đời mình nghiên cứu ròng rã chỉ để đem nó đi làm bẽ mặt những người chơi khác.
Sức mạnh và ưu thế cốt lõi của Libratus là việc nó có thể tính toán đến những trường hợp, xác suất và viễn cảnh giả lập. Đây cũng là lý do tại sao Libratus mang trong mình những nhân tố khác biệt gần như hoàn toàn so với thành tích lập ra bởi DeepMind trong trò cờ vây, vì cờ vây là trò chơi mà mọi thông tin về những hoàn cảnh có thể xảy ra đều đã được dự trù trước theo những tình thế, cán cân nhất định. Còn Libratus phải thích nghi với Poker, nơi mà chỉ có những thông tin và hoàn cảnh không thể xác định trước một cách hòan toàn, mà chỉ có thể biến hóa theo thực tế lúc đó, tất nhiên là cũng không biết rằng các lá bài còn lại ở tay các người chơi là gì. Và Libratus đã xuất sắc vượt qua giới hạn đó để giành chiến thắng.
Sandholm cũng nhận định Poker Texas Hold'em là "ngưỡng cửa cuối cùng" trong giới trò chơi để có thể đem ra thử thách khả năng của một AI. Bằng chứng rằng Libratus đã chiến thắng thuyết phục trước những người chơi trình độ top đầu thế giới khác đã cho thấy tiềm năng giải quyết và thích nghi với vấn đề, kể cả khi thông tin không được cung cấp đầy đủ mà chỉ có tính toán xác suất giả lập của AI là rất tuyệt vời.
AI đang ngày càng trở nên thông minh hơn, không ai có thể phủ nhận điều đó, nhất là sau khi chứng kiến loạt sự kiện đã đề cập bên trên. Từ trước đến nay, AI cũng luôn là yếu tố được dành để tích hợp cho các sản phẩm công nghệ cao cấp, và giờ đây khái niệm này cũng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và ứng dụng vào cả các thiết bị phổ biến rộng rãi trên nhiều lĩnh vực liên quan cả đến tài chính, y tế...
Quân đội Mỹ cũng đã tập trung phát triển nền tảng AI của mình vào nhiều quá trình áp dụng cho các nhiệm vụ và hoạt động quan trọng. Do vậy, câu hỏi dành cho AI ở đây không còn là để tự vấn về khả năng thành công của nó nữa, mà đã tính đến việc nó có thể làm được những gì rồi.
"Libratus toàn năng"
Quân đội Mỹ hiện nay đang tiến hành những cuộc thảo luận căng thẳng xung quanh việc làm thế nào để ứng dụng AI vào lĩnh vực quân sự, chiến tranh một cách tối ưu và toàn diện nhất. Nhiều ý kiến cuối cùng được phân ra làm 2 phạm trù: hỗ trợ, cứu giúp con người, trong khi một số khác lại hướng đến quan điểm tạo tiền đề cho các sản phẩm chiến đấu điều khiển bởi AI tự động.
Không khó để hiểu được tại sao họ lại bị thu hút bởi tiềm năng ứng dụng tự động trong thực địa của AI đến vậy. Nhìn khái quát thì con người sẽ không cần phải tự mình dấn thân vào các chiến dịch nguy hiểm và ảnh hưởng bởi thương tích, thiệt hại nữa. Tuy vậy, nó vẫn cần phải nằm trong vòng hạn chế không để gây nên những viễn cảnh nguy hiểm và rủi ro cao, vì một khi con người không cưỡng lại được cám dỗ thì sẽ rất dễ lạm dụng quá đà và tràn lan.
Kể cả khi bạn có tin tưởng vào việc áp dụng AI vào hỗ trợ các tác vụ quản lý của cơ quan chính phủ trong việc tạo ra một lực lượng tuân thủ theo mọi quy tắc luân thường đạo lý, nhưng nói đến việc để chúng tự mình xử lý các tình huống ngoài mặt trận có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được. Dù sao thì có vẻ như không sớm thì muộn, AI cũng sẽ có một chỗ đứng trong quyết định này của các nhà cầm quyền.
Cuộc tranh luận này đã nổi lên như một chủ đề bàn tán về việc liệu nó có xảy ra như viễn cảnh trong phim Terminator hay không, được gợi lên bởi chính Phó chủ tịch Ban tham mưu quân sự Mỹ Paul J. Selva.
"Tôi không nghĩ rằng sẽ có một ngày chúng tôi cho phép xây dựng nên một hệ thống tự động hoàn toàn 100% cả," Tướng Selve phát biểu tại Diễn đàn Chiến lược Quân sự vào tháng 8 năm 2016. "Tôi cũng không nói đến những thứ đơn thuần như là một quả tên lửa vượt đại dương hay ngư lôi, bom mà là cả một nền tảng tự động hóa."
Selva cũng ủng hộ lập nên một bộ luật quy chuẩn giới hạn quyền hành liên quan đến chiến tranh thông qua sự ứng dụng của công nghệ này. Ông hiểu rõ rằng kể cả có xuất hiện bộ luật thì nó vẫn luôn cần được cải tiến và thông qua kịp thời và thường xuyên, cũng như việc đảm bảo tuyệt đối không có cá nhân hay tổ chức nào cố tình vi phạm những điều khoản trong đó để kích động tình hình xấu.
Nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình khi cho rằng công nghệ AI hiện nay chưa đủ tiên tiến để có thể đạt đến mức thỏa mãn được hết các quy ước luân thường đạo lý ngay cả trong quân sự và chiến đấu. Dù sao thì xác suất AI ứng dụng trong chiến tranh vẫn gần như chắc chắn xảy ra.
Chiến tranh hiện đại vẫn phải đi kèm với luật lệ và đạo lý nghiêm ngặt
Sau chiến thắng của Libratus, Sandholm phát biểu với Time rằng trước khi cuộc thử nghiệm trên diễn ra, ông chỉ cho rằng AI của mình có cơ hội vỏn vẹn 50-50 mà thôi. Đó là một tỷ lệ không hề lý tưởng cho cuộc chơi đỏ đen nhưng lại đòi hỏi trí tuệ và chiến thuật rất cao này.
Libratus thực sự là một minh chứng thành công rực rỡ trong lĩnh vực phát triển AI, đồng thời nó cũng đã cho thấy chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể tiếp tục đạt đến những bước tiến vượt trội về công nghệ trong tương lai. Xác suất tình huống mô phỏng mà Libratus phải tính toán, xét cho cùng cũng vẫn ở trên phạm vi 52 lá bài tây, còn khi trên chiến trường, các trường hợp xảy ra nhiều khi là vô số, không thể biết và lường trước được.
Nếu công cuộc ứng dụng AI vào quân sự trở nên phổ biến quá nhanh, đó sẽ là quá muộn để chúng ta lúc đó mới bắt tay vào giảng giải đạo lý và đưa ra các bộ luật. May mắn là còn cả một quãng đường đáng kể nữa trước khi con người đạt được điều đó, nên các động thái dứt khoát và nhất quán cần được thông qua ngay lập tức.
Theo dự đoán của một vài chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn trên, sự ra đời của hệ thống quân sự tự động hóa hoàn toàn sẽ ra đời trong khoảng 10 năm nữa, xét trên những thành tựu AI đã đạt được so với con người hiện nay. Các nghiên cứu phát triển và cải tiến AI vẫn đang được phát huy với tốc độ nhanh - đó là một tin tốt, nhưng sẽ là cả một khoảng cách lớn khi xét đến sự khác nhau giữa việc ứng dụng nó vào công việc hữu ích hay là định đoạt sự sống.
Tham khảo: DigitalTrends
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời