Trong lộ trình 10 năm tới của Facebook, Google chính là kẻ ngáng đường lớn nhất

    Nguyễn Hải,  

    Đó là điều không thể tránh khỏi khi cả hai đều có chung tầm nhìn và định hướng của mình cho tương lai lâu dài phía trước.

    Vào tháng Tư vừa qua, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã công bố lộ trình 10 năm tới của mình, đồng thời cũng cho thấy quỹ đạo của công ty từ nay cho đến năm 2026.

    Nó chỉ ra con đường cho tương lai lý tưởng của Facebook: một thế giới nơi mọi người đều kết nối với Internet, nơi chúng ta nói chuyện với các máy tính trí tuệ nhân tạo như thể chúng là con người, và – những cặp kính thực tế ảo sẽ phổ biến như các smartphone của chúng ta, cho phép chúng ta kết nối với mọi người trên khắp thế giới giống như họ đang ở trong cùng một phòng với chúng ta.

     Lộ trình 10 năm tới của Facebook.

    Lộ trình 10 năm tới của Facebook.

    Tuần này, Facebook đã tiến một chút về phía trước trong lộ trình đầy tham vọng của mình, khi họ cho biết các chi tiết về việc mạng xã hội sẽ hoạt động như thế nào trong tương lai thực tế ảo lý tưởng của mình. Trong buổi demo sản phẩm của mình, Zuckerberg đã trình diễn “Social VR” sử dụng kết hợp một chiếc Oculus Rift và một camera 360 độ để hòa trộn cả thực tế ảo và thế giới thực với nhau theo cách chưa từng thấy trước đây.

    Theo tầm nhìn của Facebook đến năm 2026, mạng xã hội sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn, nếu không phải lớn nhất, cho các tương tác mà bạn có với những người bạn con người của mình. Điều này nghe có vẻ khá đáng sợ, nếu xét đến việc Facebook hiện đang can thiệp sâu vào cuộc sống riêng tư của chúng ta như thế nào, nhưng nó cũng mang đến cái nhìn lướt qua đầy hấp dẫn về những thay đổi trong công nghệ mà chúng ta sử dụng hàng ngày.

     Bức selfie giữa avatar VR của Zuckerberg với vợ mình khi chat Messenger, xung quanh là căn phòng được ghi hình bởi máy quay 360 độ.

    Bức selfie giữa avatar VR của Zuckerberg với vợ mình khi chat Messenger, xung quanh là căn phòng được ghi hình bởi máy quay 360 độ.

    Tuy vậy điều này không có nghĩa là mọi thứ sẽ dễ dàng hơn với Facebook.

    Mới chỉ trong tuần trước thôi, Google đã tổ chức một sự kiện riêng cho mình. Và trong khi sự kiện này chỉ như một buổi giới thiệu phần cứng mới, nó cũng cho ta cái nhìn thoáng qua về cách Google nghĩ thế nào về tương lai của mình - cũng như về khả năng đụng độ với chiến lược trong 10 năm tới của Facebook.

    Mảng kinh doanh cốt lõi của họ có lẽ sẽ không khác hơn so với tương lai – Facebook đã nỗ lực để đột phá vào mảng tìm kiếm mà không thu được nhiều kết quả, cũng như Google đã không thể trở thành một mạng xã hội giống như nhiều startup đình đám khác của Thung lũng Silicon vào thời điểm này.

    Tuy nhiên bằng nhiều cách khác nhau, cả Facebook và Google đều đã sẵn sàng cho một trấn chiến tay đôi bền bỉ.

    Chiến đấu từ băng ghế dự bị

    Phần dễ thấy nhất của cuộc chiến: YouTube của Google vẫn đang là người thống trị không thể chối cãi cho mảng video trên web. Nhưng Facebook đang nỗ lực làm xói mòn quyền lực đó của YouTube bằng cách thu hút thêm các thương hiệu truyền thông và các nhà quảng cáo cho dịch vụ video của mình.

    Nhưng điều làm cho cuộc cạnh tranh thú vị hơn là những công nghệ của tương lai và các công nghệ có ảnh hưởng rộng rãi đang được phát triển bởi mỗi người khổng lồ công nghệ.

    Chỉ mới trong tuần trước nữa, Sundar Pichai, CEO của Google cho biết công ty đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để “tạo ra một Google cá nhân cho mỗi người dùng.” Trong khi đó Facebook cũng đang đầu tư mạnh vào AI để cá nhân hóa mục News Feed của mình.

    Ngoài ra, công ty con Oculus của Facebook có thể gây ra một cơn sốt với nền tảng thực tế ảo, nhưng Google cũng đang bám sát theo sau với thiết bị đeo Daydream View, mới được công bố trong tuần trước. Với việc các bộ phim VR có thể trở thành một mảng kinh doanh lớn, chắc chắn Google không muốn để Facebook đánh cắp vị trí dẫn đầu của YouTube trong quảng cáo video.

    Cả công ty mẹ của Google – Alphabet – và Facebook đều đang đầu tư lớn vào việc kết nối thế giới. Trong khi Facebook đang sử dụng các máy bay không người lái tự điều khiển, Google sử dụng các khinh khí cầu, nhưng họ đều chia sẻ một sứ mệnh, đó là nối Internet tới những vùng dân số chưa được kết nối.

     Khinh khí cầu để phát Internet của Google.

    Khinh khí cầu để phát Internet của Google.

    Trên tất cả, đây đều là những mảng kinh doanh cần đầu tư dài hạn trong tương lai. Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực rất non trẻ, và thực tế ảo vẫn còn một chặng đường dài phía trước để trở thành một sản phẩm tiêu dùng phổ biến. Thậm chí ngay cả những nỗ lực để kết nối toàn cầu cũng phải vượt qua những trở ngại đến từ luật lệ của các quốc gia.

    Giờ vẫn còn quá sớm để nói rằng công ty nào đang có ưu thế ở công nghệ tương lai nào. Nhưng với khoảng thời gian đủ dài – có thể đến 10 năm – mỗi lĩnh vực đều sẽ có những người chiến thắng và những người chiến bại. Để trở thành người chiến thắng, mỗi bên đều đang dự trữ càng nhiều tài năng càng tốt để đảm bảo công ty đó sẽ là người đi được xa nhất trên quãng đường này.

    Những người tin vào mộng tưởng hão huyền

    Cuối cùng, tất cả những điều này đều nhằm mục đích là sự tăng trưởng trong bối cảnh những thay đổi ngoạn mục của công nghệ.

    Google và Facebook, cả hai đều sinh ra trong một thời kỳ kỳ quặc, giữa một bên là sự tan vỡ lần đầu của bong bóng dot-com và sự bùng nổ hiện tại của các startup tại Thung lũng Silicon, những sự kiện đã lèo lái thành công quá trình chuyển đổi từ PC sang điện thoại thông minh.

     Mark Zuckerberg thuyết trình về tầm nhìn của mình với thực tế ảo đến năm 2026.

    Mark Zuckerberg thuyết trình về tầm nhìn của mình với thực tế ảo đến năm 2026.

    Quá trình Google vượt qua được thay đổi này phần lớn nhờ vào bản thân Android: một hệ điều hành cho smartphone được tích hợp thanh tìm kiếm và các dịch vụ của Google ở mọi cấp độ, đã xuất hiện trong hầu hết các loại điện thoại từ cao cấp đến thấp cấp. Giờ Android là hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới, và là cỗ máy sinh tiền của Google.

    Trong khi đó, dù Facebook chậm chạp chuyển đổi từ PC sang smartphone, nhưng họ nhanh chóng bắt được đà tăng trưởng và giờ họ đang có phần lớn người dùng và doanh thu quảng cáo đến từ di động.

    Nhưng với sự bùng nổ của smartphone đang chậm lại, các mảng kinh doanh mà hai công ty thiết lập trên nền tảng này từ một thập kỷ qua đang bước vào cuộc cải tổ và săn tìm nền tảng lớn tiếp theo. Cho dù nó là gì đi nữa – thực tế ảo, trợ lý trí tuệ nhân tạo, hay tương tự như vậy – cả Google và Facebook đều đang ganh đua để lặp lại kỳ tích mà Android đã làm được và trở thành một phần không thể thiếu trong giai đoạn tiếp theo của công nghệ.

    Đây không phải trận chiến mà một sản phẩm, một thiết kế web, hay một ứng dụng sẽ làm nên chiến thắng cuối cùng. Đây là một cuộc chiến trường kỳ mà chỉ người luôn thích nghi và tiến được về phía trước trong nhiều năm tới mới có thể đứng vững.

    Nhưng người chiến thắng cuộc chiến này có thể kiểm soát cả tương lai.

    Tham khảo BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ