Từ 10GB đến 100GB, tại sao dung lượng game ngày nay lại khổng lồ như vậy?

    Tuấn Nguyễn ,  

    Dung lượng một game ngày nay đã trở nên quá lớn!

    Nếu là một game thủ PC lâu năm, chắc chắn bạn đã nhận thấy rằng nhiều tựa game ngày nay yêu cầu dung lượng lưu trữ rất lớn. 5 năm trước, 50 GB là dung lượng trung bình của một game bom tấn, nhưng giờ đây con số đó dường như đã tăng gấp đôi. Nhưng đây có phải là tiêu chuẩn mới hay chỉ một số game ngoại lệ? Dung lượng trung bình của một trò chơi AAA ngày nay là bao nhiêu? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

    Các game bom tấn đã “phát phì” như thế nào?

    Để bắt đầu kiểm tra xem kích thước trò chơi đã tăng lên như thế nào theo thời gian, trang Techspot đã thực hiện một biểu đồ thống kê kéo dài 17 năm. Trung bình ít nhất 10 trò chơi có ngân sách phát triển lớn nhất mỗi năm sẽ được đưa vào dữ liệu.

    Dữ liệu chủ yếu bao gồm những game AAA, đặc biệt là ở thể loại bắn súng góc nhìn thứ nhất và phiêu lưu hành động góc nhìn thứ ba. Tất nhiên những game thuộc thể loại khác cũng có thể có dung lượng cực lớn (ví dụ: Baldur's Gate 3 yêu cầu 150 GB dung lượng lưu trữ), nhưng game FPS và phiêu lưu hành động thường là những game yêu cầu dung lượng nhiều nhất. Dữ liệu cũng không bao gồm game MMO hay những bản đặc biệt bao gồm DLC, hoặc những game đang trong giai đoạn thử nghiệm, vì dung lượng của chúng có thể dao động theo thời gian.

    Từ 10GB đến 100GB, tại sao dung lượng game ngày nay lại khổng lồ như vậy? - Ảnh 1.

    Dung lượng lưu trữ khuyến nghị trung bình 15 năm qua

    Biểu đồ trên cho thấy rõ rằng kích thước trò chơi trung bình (đường màu đỏ) tính bằng GB đã tăng đều đặn trong mười năm qua. Từ mức trung bình 11 GB năm 2012 lên 80 GB vào năm 2023, mức tăng trung bình là 6,3 GB mỗi năm.

    Tuy nhiên, kiểm tra kỹ hơn cho thấy rằng từ năm 2007 đến năm 2012, dung lượng game vẫn khá nhất quán và thường giới hạn ở mức loanh quanh 20 GB. Ngay sau đó là sự nhảy vọt về dung lượng, tăng gấp đôi con số đó trong hai năm tiếp theo trước khi ổn định phần nào. Từ thời điểm này trở đi, kích thước trung bình của một game bắt đầu tăng lên đều đặn. Đi kèm với đó, dung lượng cài đặt khuyến nghị từ nhà sản xuất cũng tăng dần.

    Từ 10GB đến 100GB, tại sao dung lượng game ngày nay lại khổng lồ như vậy? - Ảnh 2.

    Red Dead Redemption 2 là game có dung lượng lớn nhất năm 2019 nhưng nhanh chóng bị chiếm ngôi bởi những game sau này

    Tại sao dung lượng game lại lớn hơn nhiều như vậy?

    Thoạt nhìn, câu trả lời có vẻ hiển nhiên – việc tăng kích thước là do những cải tiến về đồ họa. Thật vậy, các trò chơi ngày nay chi tiết hơn rất nhiều so với những tựa game từ gần hai thập kỷ trước và chúng ta cũng thường chơi chúng ở độ phân giải cao hơn. Do đó, môi trường, mô hình nhân vật và hiệu ứng hình ảnh đều sử dụng nguồn tài nguyên lưu trữ lớn hơn.

    Mặc dù có các nghiên cứu nhằm mục đích giảm kích thước texture bằng công nghệ mới, nhưng vẫn có giới hạn về mức độ có thể thực hiện được. Sự phức tạp mà các game thủ mong đợi từ một trò chơi có ngân sách lớn, có nghĩa là kích thước cài đặt sẽ luôn lớn. Tuy nhiên, đồ họa chỉ chiếm một phần câu trả lời vì các yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng.

    Đầu tiên trong số này là hầu hết tất cả các trò chơi đều được phát triển cho nhiều nền tảng – nghĩa là chúng được thiết kế không chỉ cho PC mà còn cho cả hệ máy console. Sáu năm đầu tiên trong khoảng thời gian khảo sát của Techspot bao gồm kỷ nguyên Xbox 360 của Microsoft và PlayStation 3 của Sony.

    Từ 10GB đến 100GB, tại sao dung lượng game ngày nay lại khổng lồ như vậy? - Ảnh 3.

    PS3 và Xbox 360

    Khi những máy chơi game này ra mắt, chúng được trang bị ổ cứng rất nhỏ so với những gì hiện có ngày nay - ví dụ: PS3 ra mắt với ổ 60 GB. Trong những năm qua, cả hai công ty đều cập nhật mẫu mã của mình cho đến khi lên đến 500 GB. Khi Xbox One và PlayStation 4 được giới thiệu vào năm 2013, cả hai máy console đều bắt đầu với kích thước này và mở rộng lên 1 TB trong vòng vài năm.

    Ngoài ra, Xbox 360 và PS3 có dung lượng bộ nhớ ít ỏi, tổng cộng chỉ 512 MB. Console của Sony sử dụng hai bộ RAM (một cho hệ thống, một cho GPU), trong khi Microsoft áp dụng cách tiếp cận thống nhất hơn, mặc dù nó chỉ bao gồm 10 MB RAM nhúng khiêm tốn dành cho GPU.

    Với dung lượng bộ nhớ hạn chế này, các nhà phát triển không thể đưa vào những mô hình có độ chi tiết cao cần vì chúng không gian lưu trữ đáng kể, vì các máy console sẽ không có khả năng render chúng. Tuy nhiên, với sự ra đời của PS4 và Xbox One, mức RAM đã tăng lên 8 GB, mang lại cho các nhà phát triển phạm vi tốt hơn nhiều để cải thiện độ trung thực của đồ họa.

    PlayStation 5 và Xbox Series X/S ra mắt vào năm 2020 vẫn sử dụng bộ nhớ trong 1 TB hoặc nhỏ hơn, nhưng có RAM 16 GB.

    Từ 10GB đến 100GB, tại sao dung lượng game ngày nay lại khổng lồ như vậy? - Ảnh 4.

    Xbox Series X/S

    Đây là lý do tại sao chúng ta nhận thấy yêu cầu lưu trữ được đề xuất tăng đột ngột từ năm 2013 trở đi, những nền tảng game phổ biến nhất đã được trang bị để lưu trữ và hiển thị các trò chơi lớn hơn và tham vọng hơn. Tuy nhiên, việc tăng kích thước không hoàn toàn do đồ họa.

    Lấy ví dụ, The Last of Us Part 1. Trong thư mục cài đặt chính của nó, có một tệp tên "lời thoại". Vì trò chơi này thiên về cốt truyện nên có nhiều đoạn cắt cảnh và tương tác mở rộng giữa các nhân vật. Do đó, đối với mọi ngôn ngữ mà nhà phát triển đã tích hợp vào game, phải kèm theo bản sao âm thanh bằng ngôn ngữ đó.

    Chỉ riêng các tệp tiếng Anh đã chiếm 1,6 GB, trong khi các ngôn ngữ khác (ví dụ: tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hy Lạp, v.v.) chiếm 8,5 GB dung lượng lưu trữ. Phần còn lại của tệp bản địa hóa cho menu và các phần khác của trò chơi chỉ cần hơn 4 GB, và thư mục chứa video mở đầu, phần ghi credit, v.v. yêu cầu thêm 2,7 GB.

    Từ 10GB đến 100GB, tại sao dung lượng game ngày nay lại khổng lồ như vậy? - Ảnh 5.

    Lời thoại cũng chiếm khá nhiều dung lượng trong The Last of Us

    Tổng cộng cần gần 17 GB dung lượng lưu trữ cho những dữ liệu không liên quan đến đồ họa. Con số này lớn hơn bất kỳ trò chơi nào trong năm 2010! Mô hình này nhất quán trong hầu hết các trò chơi dung lượng lớn - những trò chơi có nhiều đoạn phim, lời thoại mở rộng và bản địa hóa đáng kể thường lớn hơn nhiều so với những game khác.

    Và còn một yếu tố khác…

    Chi phí công cụ lưu trữ liên tục giảm

    Năm 2007, nếu bạn muốn có ổ cứng 1 TB cho máy tính bàn của mình, bạn sẽ phải trả hơn 400 USD, trong khi giá trung bình cho 320 GB là khoảng 65 USD. SSD vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và thậm chí một chiếc SSD 256 GB vào năm 2009 cũng có giá đáng kinh ngạc là 530 USD.

    Với mức giá này, việc PS3 và Xbox 360 ra mắt với ổ cứng nhỏ như vậy là điều dễ hiểu. Phiên bản PS3 60 GB trước đây có giá 599,99 USD, trong khi Microsoft ra giá 399 USD cho mẫu 20 GB.

    Rất may, thị trường lưu trữ đã và đang tiếp tục có tính cạnh tranh cao.

    Từ 10GB đến 100GB, tại sao dung lượng game ngày nay lại khổng lồ như vậy? - Ảnh 6.

    Mức giá trên mỗi Gigabyte đã giảm rất nhiều

    Công ty lưu trữ đám mây Backblaze đã theo dõi tỉ mỉ từng ổ lưu trữ mà họ đã mua trong nhiều năm và mặc dù họ mua với số lượng lớn và theo hợp đồng, dữ liệu của họ minh họa rõ ràng sự sụt giảm nhanh chóng về giá ổ lưu trữ, hay nói đúng hơn là dung lượng đã tăng lên như thế nào trong cùng một chi phí.

    Ngày nay bạn có thể dễ dàng tìm thấy ổ cứng 1 TB với giá dưới 50 USD, mặc dù dung lượng lớn hơn với giá cũng khá phải chăng. Bạn có thể tìm thấy các mẫu 4 TB với giá dưới 80 USD – chỉ 20 USD cho mỗi terabyte dung lượng lưu trữ.

    Đó là mức giảm 95% so với năm 2007 và điều này cũng đúng đối với ổ cứng thể rắn SSD. Các nhà phân tích đã suy đoán rằng theo thời gian, SSD cuối cùng sẽ rẻ hơn ổ cứng xét về giá mỗi TB.

    Hiện tại, bạn có thể mua ổ SSD 1 TB với giá dưới 40 USD. Đối với người dùng máy tính gia đình, dung lượng lưu trữ cao đã có giá phải chăng hơn bao giờ hết.

    Từ 10GB đến 100GB, tại sao dung lượng game ngày nay lại khổng lồ như vậy? - Ảnh 7.

    Mức giá SSD sẽ rẻ hơn HDD kể từ năm 2026

    Các máy console mới nhất có thể vẫn chỉ có cùng dung lượng lưu trữ như các mẫu từ sáu năm trước, nhưng game của chúng có thể được lưu trên đĩa Blu-ray Ultra-HD, có thể lưu trữ tới 100 GB dữ liệu.

    Từ quan điểm của nhà phát triển game, với sự kết hợp giữa đĩa dung lượng cao và bộ nhớ trong có dung lượng hợp lý, không có lý do gì để phải cố hy sinh chất lượng để làm cho một game có kích thước cực kỳ nhỏ

    Tuy nhiên, đối với các game thủ PC, việc tìm thấy phiên bản đĩa của các tựa game mới nhất ngày càng khó hơn vì các dịch vụ phân phối kỹ thuật số (Steam, Epic Games Store, GOG, v.v.) hiện đang thống trị ngành. Dù sao, máy tính để bàn và laptop gaming được build sẵn hiếm khi có ổ đĩa quang.

    Tất nhiên, vấn đề này cũng ảnh hưởng đến chủ sở những máy console phiên bản kỹ thuật số không có ổ đĩa quang. Do đó, nhu cầu lưu trữ ngày càng tăng.

    100+

    Mặc dù các trò chơi vượt quá 100 GB vẫn chưa phải là tiêu chuẩn nhưng có thể sẽ không lâu nữa trước khi điều này thành sự thật. Lúc đó, nếu PC của bạn chỉ có một ổ 1 TB, bạn sẽ chỉ có thể lưu vài tựa game lớn cùng một lúc.

    Dữ liệu này không đề cập đến mọi trò chơi cũng như mọi thể loại và phiên bản. Có những tựa game thậm chí còn lớn hơn nhưng cũng có nhiều tựa game nhỏ hơn đáng kể.

    Về phiên bản, các bản cập nhật tiếp theo thường có thể khiến trò chơi tiêu tốn nhiều dung lượng lưu trữ hơn vì các nhà phát triển thường xuyên thêm nội dung theo thời gian, hay thậm chí là các bản nâng cấp đồ họa.

    Chẳng hạn, Far Cry 6 của Ubisoft yêu cầu 60 GB dung lượng lưu trữ theo mặc định, nhưng gói texture độ phân giải riêng biệt sẽ bổ sung thêm 35 GB vào đó. Cũng có những trò chơi khác có cách phát hành tương tự, ra mắt gói texture khổng lồ vài tháng sau.

    Từ 10GB đến 100GB, tại sao dung lượng game ngày nay lại khổng lồ như vậy? - Ảnh 8.

    Far Cry 6

    Đây thực sự là một cách tiếp cận chiến lược, vì gói texture này thường chỉ hữu dụng khi chơi ở độ phân giải cao, chẳng hạn như 1440p hoặc cao hơn. Nếu PC của bạn không có khả năng chạy trò chơi tốt ở các cấp độ đó thì không cần có gói bổ sung.

    Call of Duty: Black Ops Cold War có yêu cầu dung lượng lưu trữ đề xuất là 175 GB trên Steam, chủ yếu là do nhà phát triển đã đưa mọi thứ vào game, một chiến dịch chơi đơn phức tạp về mặt hình ảnh, nhiều chế độ multiplayer và vô số texture cho tất cả các bản đồ và tùy chỉnh khác nhau. Khi bạn tính đến tất cả các DLC và các tệp bổ sung, tổng dung lượng có thể dễ dàng vượt quá 250 GB, mặc dù phần multiplayer cơ bản chỉ yêu cầu 35 GB.

    Nếu các nhà phát triển cung cấp phương pháp download kiểu module, ví dụ như tách phần chơi đơn và multiplayer, gói texture độ phân giải cao và tệp ngôn ngữ riêng biệt, thì điều đó có thể giúp giảm kích thước ban đầu. Người dùng chỉ cần cài đặt những thành phần mà họ thực sự yêu cầu.

    Giá các ổ lưu trữ ngày càng rẻ có thể xem là một con dao hai lưỡi. Một mặt, game thủ có thể dễ dàng trang bị một ổ lưu trữ dung lượng lớn, mặt khác nhà phát triển cũng có thể thoải mái tăng dung lượng của game mà không cần tối ưu hóa để chúng chiếm dung lượng ít hơn.

    Từ 10GB đến 100GB, tại sao dung lượng game ngày nay lại khổng lồ như vậy? - Ảnh 9.

    Chiếc PS5 với ổ lưu trữ gắn ngoài

    Những chiếc console mới cũng không thể làm giảm xu hướng này, dù bộ nhớ mở rộng cho chúng còn khá đắt tiền, nhưng cũng như các sản phẩm tương tự cho PC, cuối cùng chúng sẽ giảm giá khi có nhiều mẫu mã khác tham gia vào thị trường.

    Hiện tại, chúng ta chỉ có thể chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong vài năm tới và hy vọng rằng sự tăng trưởng về kích thước trò chơi sẽ ổn định trong một thời gian, nhưng việc chúng trở nên lớn hơn là điều không thể tránh khỏi, chỉ hy vọng là chúng ta sẽ có những gói Internet tốc độ cao hơn và phần cứng thích hợp hơn trước khi những game bom tấn hàng trăm GB trở thành bình thường.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ