Twitter hỗn loạn – Cơ hội cho các tên tuổi mới?

    Việt Linh , VTV 

    Việc Meta ra mắt Threads chỉ là một ví dụ cho thấy, các đối thủ đều đang nỗ lực tận dụng cơ hội từ những rắc rối gần đây của mạng xã hội Twitter.

    Twitter tiếp tục "hỗn loạn" dưới triều đại Elon Musk

    Hôm 1/7, cộng đồng người dùng Twitter lại "rung chuyển" sau một bước đi mới của chủ sở hữu Elon Musk: Trên tài khoản cá nhân, ông tuyên bố sẽ áp đặt giới hạn số lượng bài đăng mà một người dùng được xem mỗi ngày, ở mức 6.000 tweet với tài khoản có tick xanh, 600 với tài khoản miễn phí đang có và 300 với tài khoản miễn phí mới lập. Các mức giới hạn này sau đó được điều chỉnh lên lần lượt là 10.000, 1.000 và 500 bài đăng.

    Twitter hỗn loạn – Cơ hội cho các tên tuổi mới? - Ảnh 1.

    Tỷ phú Elon Musk công bố giới hạn số lượng bài đăng được xem hằng ngày (Nguồn: Twitter)

    Những biện pháp này được ông Musk coi là cách để tạm thời ứng phó với tình trạng "thao túng hệ thống" và "thu thập dữ liệu ở mức cực cao" trên nền tảng mạng xã hội này. Vị tỷ phú từng nhiều lần chỉ trích việc "hàng trăm công ty" thu thập dữ liệu từ các bài đăng trên Twitter, trong đó bao gồm cả OpenAI - nhà phát triển ứng dụng ChatGPT, vốn sử dụng các dữ liệu từ mạng Internet để huấn luyện mô hình AI. Một ngày trước tuyên bố giới hạn lượt xem, lãnh đạo Twitter cũng đưa ra chính sách ngăn người không có tài khoản có thể xem bài đăng trên mạng xã hội này, cũng nhằm mục tiêu tương tự.

    Twitter hỗn loạn – Cơ hội cho các tên tuổi mới? - Ảnh 2.

    Các đơn vị như OpenAI bị ông Elon Musk chỉ trích đã thu thập dữ liệu quá lớn từ Twitter (Nguồn: CNBC)

    Tuy nhiên, dường như chính các biện pháp mới lại gây tổn hại đến trải nghiệm người dùng nhiều hơn là các công ty thu thập dữ liệu. Chỉ trong ít giờ, hàng nghìn người dùng đã báo cáo tình trạng trang Twitter của họ báo lỗi và không thể đọc được bài đăng, với lý do không rõ ràng. Ông Mike Proulx, Phó Chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường Forrester bình luận: "Bất kể lý do là gì, thì đây cũng chỉ là diễn biến mới nhất trong bức tranh chung ‘hỗn loạn’ của Twitter từ khi Elon Musk tiếp quản".

    Twitter hỗn loạn – Cơ hội cho các tên tuổi mới? - Ảnh 3.

    Bà Linda Yaccarino được bổ nhiệm làm CEO của Twitter thay cho ông Elon Musk (Nguồn: Reuters)

    Thực tế sau giai đoạn đầu tiên quá nhiều biến động như sa thải hàng loạt, tung ra xác thực "tích xanh 8 USD", hay thay đổi chính sách kiểm duyệt nội dung, Twitter dưới triều đại của ông Musk dường như đã bắt đầu đi vào quỹ đạo trong vài tháng gần đây. Đặc biệt, việc bổ nhiệm một chuyên gia quảng cáo - bà Linda Yaccarino - vào vị trí CEO được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục hơn nữa lòng tin từ phía các nhà quảng cáo - nguồn thu chính hiện nay của mạng xã hội này.

    Tuy nhiên theo ông Proulx, những biến động mới sẽ chỉ khiến giới quảng cáo thêm "xa lánh" với mạng xã hội có biểu tượng chú chim màu xanh, bởi ngay cả với những kinh nghiệm của CEO Yaccarino, thì bản thân Twitter vẫn cần thể hiện sự thân thiện và ít rủi ro với quảng cáo.

    Dù chỉ được coi là biện pháp tạm thời, nhưng cho tới lúc này vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính sách giới hạn Twitter sẽ sớm chấm dứt, gây thêm những lo ngại về khả năng người dùng từ bỏ mạng xã hội này.

    Sự trỗi dậy của các đối thủ mới

    Sau sự cố của Twitter, những tên tuổi mới đã không bỏ qua cơ hội tốt nhằm mở rộng nền tảng người dùng của mình. Chỉ trong vòng 2 ngày cuối tuần, Spill, mạng xã hội được lập ra bởi một cựu nhân viên Twitter đã có 100 nghìn người dùng đăng ký mới và leo lên top đầu bảng xếp hạng ứng dụng phổ biến của App Store. Mạng xã hội này cũng thu hút một số tên tuổi nổi tiếng như ca sĩ – diễn viên Keke Palmer, nhà biên kịch Ava DuVernay, hay Questlove – trưởng nhóm nhạc hiphop kỳ cựu The Roots.

    Twitter hỗn loạn – Cơ hội cho các tên tuổi mới? - Ảnh 5.

    Mạng xã hội Spill thu hút khoảng 100 nghìn người dùng mới trong chỉ trong 2 ngày (Nguồn: WSJ)

    Với một nền tảng mới nổi khác là Mastodon thì đây không phải là cú hích đầu tiên mà họ nhận được từ các lùm xùm xung quanh Twitter. Theo nhà sáng lập Eugen Rochko, Mastodon đã có thêm khoảng hơn 100 nghìn người dùng mới trong 1 ngày sau khi Twitter ra mắt các giới hạn. Tuy nhiên con số này vẫn còn khiêm tốn so với pha "nhảy vọt" trước đó của Mastodon, từ khoảng 300 nghìn lên hơn 2,5 triệu người dùng từ tháng 10-11/2022, sau khi Elon Musk tiếp quản Twitter.

    Cũng có giao diện dựa trên các bài đăng ngắn, tuy nhiên Mastodon đi theo hướng phi tập trung, sử dụng một mạng lưới gồm nhiều máy chủ độc lập kết nối theo một giao thức chung. Hiện Mastodon đã có khoảng 14 triệu người dùng. Sau sự trỗi dậy của Mastodon, Twitter từng chặn người dùng đăng tải liên kết đến mạng xã hội này.

    Cũng nằm trong top những cái tên được kỳ vọng là lựa chọn thay thế cho Twitter là Bluesky - một nền tảng vốn được bắt đầu ngay từ bên trong Twitter. Là một dự án được khởi động năm 2019 dưới thời CEO Jack Dorsey, Bluesky chỉ tách ra thành pháp nhân độc lập kể từ năm 2022 với vị trí CEO thuộc về nữ kỹ sư công nghệ Jay Graber. Dù vậy, ông Dorsey tiếp tục giữ vai trò bảo trợ cho dự án này và là một thành viên trong hội đồng quản trị.

    Twitter hỗn loạn – Cơ hội cho các tên tuổi mới? - Ảnh 7.

    Bluesky ra đời từ năm 2019 với tư cách là một dự án ngay trong chính Twitter (Nguồn: CNBC)

    Vẫn còn đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và chưa mở đăng ký tự do cho người dùng, nhưng hiệu ứng từ các động thái của Twitter vẫn góp phần giúp Bluesky ghi nhận "lượng truy cập cao kỷ lục", và trong vài giờ đã phải tạm đóng chế độ đăng ký để cải thiện tốc độ xử lý. Tương tự Mastodon, Bluesky cũng dựa vào một giao thức kết nối phi tập trung, tuy nhiên hiện người dùng mới chỉ được đăng ký tài khoản trên máy chủ riêng của hãng.

    Theo Forbes, tỷ phú Elon Musk, vô hình chung, đang góp phần tạo ra một cuộc "chạy đua kế vị" mới trên không gian số, khi những cái tên mới như Bluesky hay Mastodon đang kỳ vọng lôi kéo những người dùng thất vọng với cuộc "đại tu" Twitter dưới triều đại Musk để chuyển sang một nền tảng mới.

    Meta nhập cuộc "giao đấu" với Twitter

    Còn đang ứng phó với những nền tảng mới nổi, Twitter cũng đã ngay lập tức phải nhận lời thách thức từ một cái tên nặng ký – Meta Platforms của tỷ phú Mark Zuckerberg. Hôm 6/7, tập đoàn này chính thức ra mắt Threads - ứng dụng dành cho việc "trò chuyện cộng đồng" dựa trên nền tảng của Instagram.

    Twitter hỗn loạn – Cơ hội cho các tên tuổi mới? - Ảnh 8.

    Threads có giao diện nhiều điểm tương đồng với Twitter (nguồn: Meta)

    Với giao diện tập trung vào các bài đăng dạng văn bản ngắn (dưới 500 ký tự), Threads được đánh giá là bản "sao chép" tỉ mỉ của Twitter do Meta tạo ra nhằm cạnh tranh với chính bản gốc. Thậm chí, CEO Mark Zuckerberg còn lần đầu tiên đăng bài lên tài khoản Twitter cá nhân sau 11 năm không hoạt động, với hình một bức ảnh chế hài hước (meme) để đùa về sự giống nhau này.

    Twitter hỗn loạn – Cơ hội cho các tên tuổi mới? - Ảnh 9.

    CEO Meta Mark Zuckerberg lần đầu tiên đăng bài lên Twitter sau 11 năm nhân sự kiện ra mắt Threads (Nguồn: Twitter)

    Miêu tả về Threads, Adam Mosseri - Giám đốc bộ phận Instagram của Meta cũng không giấu tham vọng tận dụng cơ hội cạnh tranh, khi đưng trước sự "bất ổn" và "khó đoán định" của Twitter dưới quyền điều hành của Elon Musk. Meta kỳ vọng Threads sẽ là một nền tảng với sự "vận hành lành mạnh" để các nhà sáng tạo nội dung có thể tin cậy, dù như ông Mosseri thừa nhận, đây vẫn là một "canh bạc" rủi ro.

    Lợi thế lớn nhất của Threads đến từ việc ứng dụng này liên kết thông tin tài khoản cũng như danh sách bạn bè với Instagram - nền tảng vốn đã có 2 tỷ người dùng. Như lời Drew Benvie, chuyên gia truyền thông xã hội từ hãng tư vấn Battenhall, chỉ cần hơn 1/10 cộng đồng sử dụng Instagram muốn thử trải nghiệm, thì Threads đã có thể vượt Twitter về số người dùng "trong một cái nháy mắt". Sức mạnh này đã được thể hiện khi chỉ trong khoảng 16 giờ sau khi chính thức được tung ra, Threads đã có tới 30 triệu người dùng đăng ký.

    Twitter hỗn loạn – Cơ hội cho các tên tuổi mới? - Ảnh 11.

    Threads có tới 30 triệu đăng ký mới chỉ trong chưa đầy một ngày (Nguồn: Threads)

    Dĩ nhiên, Twitter và tỷ phú Elon Musk cũng không ngồi yên trước mối đe dọa mới. Theo trang Semafor, ông Alex Spiro luật sư đại diện của tỷ phú Musk cũng như Twitter, đã gửi một bức thư cáo buộc Meta "đánh cắp bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ", thông qua việc thuê các cựu nhân viên Twitter "vẫn có quyền tiếp cận các bí mật thương mại và thông tin mật khác" từ nền tảng này. Ông Musk thì chỉ trích Threads với một bình luận ngắn gọn.

    Phản ứng trước cáo buộc này, các nhà điều hành Meta đồng loạt khẳng định, đội ngũ phát triển và vận hành Threads hoàn toàn không có ai là cựu nhân viên Twitter.

    Trong khi vụ việc này còn chưa ngã ngũ, thì Meta cũng thừa hiểu rằng, chặng đường "lật đổ" Twitter không hề dễ dàng, và trước tiên, họ muốn hướng đến thu hút cộng đồng người dùng của chính mình, khi mà tăng trưởng của các nền tảng hiện có như Facebook đang dần chậm lại.

    Tổng hợp CNBC, Reuters, Business Insider, WSJ, The Verge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ