Doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt với quá nhiều thách thức ở Trung Quốc trong khi mọi chuyện ở Ấn Độ thì lại dễ dàng hơn nhiều.
Nhiều ông lớn công nghệ của Mỹ như Google, Facebook, Amazon và Uber đã đến Trung Quốc với tham vọng lớn nhưng rồi phải cay đắng rời khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều này đặt ra một câu hỏi là: Vì sao doanh nghiệp công nghệ Mỹ thường gục ngã ở Trung Quốc trong khi đạt được thành công tương đối ở Ấn Độ.
Không thấu hiểu người tiêu dùng
Yi Shi, CEO của start-up Trung Quốc Avazu từng nói: “Với một thị trường lớn như Trung Quốc, doanh nghiệp nước ngoài cần bản địa hóa 100% để cạnh tranh với công ty nội địa”. Người tiêu dùng Trung Quốc khác người tiêu dùng Mỹ đến nỗi bản địa hóa ở Trung Quốc là một công việc quá khó khăn hoặc đắt đỏ với công ty Mỹ.
Chẳng hạn, khi eBay và Amazon gia nhập thị trường Trung Quốc, người dùng của nước này chỉ có thể xem các đánh giá về người bán giống như ở Mỹ. Vấn đề là người dùng Trung Quốc muốn nói chuyện với người bán, phát triển quan hệ và mặc cả – tương tự như trải nghiệm mua sắm trực tiếp.
Amazon và eBay đã không đáp ứng được nhu cầu này. Có lẽ là vì họ muốn sản phẩm của mình phải nhất quán với sản phẩm ở Mỹ. Trong khi đó, Alibaba hiểu được suy nghĩ của người tiêu dùng Trung Quốc và cung cấp tính năng nói chuyện trên website thương mại điện tử Taobao của họ. Thất bại của Amazon và thành công của Alibaba cho thấy doanh nghiệp Mỹ vẫn gặp khó khăn trong việc nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng Trung Quốc được thể hiện rõ ở WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc với 570 triệu người dùng tích cực mỗi ngày. Ứng dụng này có đủ các tính năng từ gọi xe, mã QR cá nhân, gọi video, nhắn tin thoại, thanh toán, định vị, tìm người dùng gần đó và vô vàn những tiện ích khác.
Nếu như WeChat có nhiều tính năng đa dạng bao nhiêu thì WhatsApp lại đơn điệu bấy nhiêu. WhatsApp là điển hình của phong cách thiết kế giao diện ứng dụng ở Mỹ. Đó là cung cấp ít tính năng nhưng trau chuốt, đáp ứng được nhu cầu của đa số người dùng thay vì nhiều tính năng nhỏ lẻ làm rối loạn trải nghiệm. Tuy nhiên, thị hiếu về giao diện đơn giản của người Mỹ lại không được người Trung Quốc đón nhận.
Trái lại, bản địa hóa sản phẩm thì dễ dàng và rẻ hơn ở Ấn Độ. Việc tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến ở các vùng đô thị của Ấn Độ giúp doanh nghiệp Mỹ dễ dàng triển khai các phiên bản nội địa cho sản phẩm trực tuyến của mình. Trong khi đó, họ khó làm như vậy nếu ở Trung Quốc.
Không giống người tiêu dùng Trung Quốc, người Ấn Độ chưa được doanh nghiệp trong nước chiều chuộng thái quá. Họ không cần đặt một cuốn sách và đòi giao hàng đến tận cửa trong vòng hai tiếng. Nói cách khác, người tiêu dùng Ấn Độ không khó tính như người Trung Quốc. Do đó, Amazon, Uber hay WhatsApp không cần nỗ lực và chi nhiều tiền để thu hút người tiêu dùng Ấn Độ như ở Trung Quốc.
Thiếu nguồn lực để cạnh tranh với đối thủ bản địa
Sau hai năm cạnh tranh khốc liệt, Uber Trung Quốc đã phải bán mình cho đối thủ bản địa Didi Chuxing. Nhiều người xem thương vụ bán mình này là sự thừa nhận thất bại của Uber trên đất Trung Quốc.
Chạy đua tài chính cho đến khi đối thủ hết tiền là chiến lược Amazon và Uber đã làm ở Ấn Độ. Nhưng chiến lược này tỏ ra không hiệu quả ở Trung Quốc. Uber đã mất 1 tỷ USD mỗi năm để trợ giá cho các chuyến xe. Nhiều lúc, hãng này còn đưa ra các chương trình chiết khấu tới 90% hoặc thậm chí miễn phí dịch vụ cho khách hàng. Didi cũng phải bỏ ra số tiền không nhỏ để giành giật thị phần.
Tuy nhiên, ngân sách trợ giá còn lại của Uber Trung Quốc chỉ là 1,2 tỷ USD trong khi Didi có tới 10 tỷ USD. Điều này khiến Uber không thể tránh khỏi định mệnh thất bại trong cuộc chiến trợ giá. Tương tự như vậy, nguồn lực của Amazon Trung Quốc cũng kém xa so với Alibaba.
Nhưng giới start-up Ấn Độ, ngay cả những công ty có trị giá tỷ USD vẫn quá nhỏ bé để có thể chiến đấu trường kỳ như start-up Trung Quốc. Tháng 6 năm nay, Jeff Bezos tuyên bố, Amazon sẽ đầu tư thêm 3 tỷ USD vào Ấn Độ, nâng tổng vốn đầu tư của Amazon trong 2 năm qua lên 5 tỷ USD.
Hai ông lớn thương mại điện tử của Ấn Độ là Snapdeal và Flipkart chỉ gây được số vốn tương ứng là 1,54 tỷ USD trong 5 năm và 3,15 tỷ USD trong 7 năm. Chỉ xét về con số thuần túy, Amazon đã có nguồn lực tài chính ăn đứt hai công ty trên. Đấy là chưa kể hạ tầng công nghệ vượt trội mà hãng này đang nắm giữ.
Uber và Amazon cũng thâm nhập thị trường Ấn Độ vào đúng thời điểm thuận lợi. Các công ty nội địa đã làm sẵn công việc khó khăn là khai phá thị trường, xây xựng hạ tầng kho vận và giúp người tiêu dùng làm quen với sản phẩm.
Nhưng không giống như các đồng nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp nội địa của Ấn Độ đã không thể hoàn thiện sản phẩm và thương hiệu để tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Quan hệ tốt với chính phủ là điều tối quan trọng
Dù là doanh nghiệp nội địa hay nước ngoài, nếu muốn làm ăn phát đạt ở Trung Quốc thì họ phải biết làm vừa lòng chính phủ. Xây dựng quan hệ tốt với nhà chức trách là điều phổ biến với doanh nghiệp Trung Quốc nhưng lại lạ lẫm với công ty Mỹ.
Việc Google khăng khăng duy trì chuẩn mực đạo đức và chống lại yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ đã khiến ông lớn này “bật bãi” khỏi Trung Quốc. Hệ thống tường lửa đồ sộ của Trung Quốc cũng giúp bảo hộ các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc trước các đối thủ cạnh tranh như Google, Facebook, và Twitter.
Ấn Độ không có các dịch vụ Internet tầm cỡ như Baidu, Weibo hoặc Renren vì doanh nghiệp Mỹ đã chiếm lĩnh thị trường trước khi start-up nội địa có thể đủ lớn để cạnh tranh. Lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc giống như ngành bán lẻ bị kiểm soát chặt ở Ấn Độ.
IKEA, Walmart, Starbucks và nhiều thương hiệu nước ngoài khác phải chật vật trong hơn một thập kỷ mới thâm nhập vào được thị trường Ấn Độ. Trong khi đó, họ lại có thể phát triển dễ dàng ở Trung Quốc. Mặc dù chính phủ Ấn Độ đôi khi cũng gây khó dễ các công ty công nghệ nước ngoài, họ vẫn thân thiện và vô tư hơn nhiều so với Trung Quốc.
Tổng công ty đầu tư Trung Quốc, quỹ đầu tư quốc gia của nước này là cổ đông của Didi và Alibaba. Bản thân Alibaba cũng là nhà đầu tư của Didi. Do vậy, chính phủ Trung Quốc có lợi ích lớn nếu Didi thành công. Để hỗ trợ công ty này, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố hợp pháp hóa dịch vụ gọi xe, đồng thời ngăn cấm việc định giá thấp một cách nhân tạo.
Động thái này được cho là nhằm vô hiệu hóa chiến lược trợ giá của Uber và góp phần đánh bật công ty này ra khỏi Trung Quốc. Vì thế, nếu muốn thành công ở Trung Quốc, các công ty công nghệ của Mỹ không còn cách nào khác là phải xây dựng quan hệ tốt với chính phủ nước này.
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"