Vì sao nói Microsoft là câu chuyện cổ tích công nghệ đáng chú ý nhất hiện nay?

    Lê Hoàng,  

    Yêu ghét ra sao, Microsoft vẫn là cái tên đáng nhớ nhất, đã gắn với cả một bầu trời kỷ niệm của những tín đồ công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Trong những năm vừa qua, cái tên ấy đã làm được một điều gần như bất khả thi trong thế giới hi-tech: hồi sinh mạnh mẽ từ cảnh "vật vờ".

    Các tín đồ hi-tech đầu tiên chắc hẳn vẫn còn nhớ, thời đại máy tính thực sự lên ngôi tại Việt Nam là vào khoảng nửa cuối thập niên 1990 đến những năm đầu của thập niên 2000. Lúc đó, máy tính phần nhiều vẫn là một thứ xa xỉ, Internet là một thứ xa xỉ và... chậm chạp.

    Còn Bill Gates là người độc chiếm vị trí “giàu nhất thế giới”. Microsoft là tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới cả về doanh thu, giá trị thị trường lẫn mức độ “nổi” trên báo chí. Từ những sự kiện ra mắt Windows cho đến vụ kiện độc quyền do chính phủ Mỹ thực hiện, Microsoft ngày đó còn “nổi” hơn cả Apple bây giờ.

    Khi đó, những người “mê” công nghệ chúng tôi quan tâm đến Bill Gates còn hơn cả Bill Clinton, Warren Buffet hay bất cứ một người nổi tiếng nào khác. “Công nghệ” đang trở thành một xu thế nổi trội của cả thế giới, và nhắc đến công nghệ là nhắc đến Microsoft trước tiên.

     Hiếm có cái tên nào gợi nhắc nhiều kỷ niệm công nghệ như Microsoft.

    Hiếm có cái tên nào gợi nhắc nhiều "kỷ niệm công nghệ" như Microsoft.

    Thế rồi, mọi thứ đột ngột thay đổi vào ngày 13/1/2000, khi Bill Gates từ chức và vị phó tổng phụ trách “Bán hàng, Hỗ trợ khách hàng” lên thay thế. Dưới thời Steve Ballmer, gã khổng lồ lần lượt bỏ lỡ một loạt các cuộc cách mạng quan trọng của thế giới hi-tech: tìm kiếm, đám mây, nhạc số và trầm trọng nhất là di động. Cùng lúc, đối thủ lớn nhất của Microsoft là Apple hồi sinh từ chỗ chết (bằng chính khoản tiền do... Bill Gates cứu giúp) và vươn lên trở thành tên tuổi đại diện cho hi-tech.

    Năm 2010, Apple vén màn một sản phẩm được hoàn thiện từ chính ý tưởng “tablet” do Microsoft tiên phong từ gần 1 thập kỷ trước đó. Chỉ vài ngày sau, giá trị vốn hóa của Apple chính thức qua mặt Microsoft. Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới và từ đó đến nay. Từ những hàng dài người đứng đợi iPhone cho đến những dịp Apple cho binh đoàn Android “hít khói” bằng chip 64-bit hoặc camera TrueDepth, Apple đã thay thế Microsoft để trở thành cái tên đầu tiên được nghĩ đến khi nhắc đến “công nghệ”.

     Những ngày đáng quên.

    Những ngày đáng quên.

    Với những người “cũ” như chúng tôi, sự xuống dốc của Microsoft là một câu chuyện vừa vui, vừa buồn. Vui, bởi Microsoft đã chứng minh rằng trong thế giới công nghệ không có chỗ cho sự độc quyền và tinh thần bảo thủ lạc hậu. Buồn, bởi dù có thế nào đi chăng nữa, “Microsoft”, “Windows” hay “Bill Gates” vẫn gắn với một kỷ nguyên công nghệ rất riêng, rất khác với bây giờ.

    Câu chuyện buồn của Microsoft cũng ẩn chứa một bài học cho các nhà hoạch định doanh nghiệp: vì sao Microsoft lại xuống dốc? Báo chí thế giới đã dành hàng năm trời phân tích, nhưng để nói ngắn gọn thì lý do nằm ở “Steve Ballmer”. Là một “gã bán hàng”, một kẻ “không làm sản phẩm” như cách gọi của Steve Jobs, chính Steve Ballmer đã biến Microsoft thành một gã khổng lồ trì trệ muốn dấn thân vào tất cả mọi thứ nhưng lại không thực sự làm tốt bất cứ thứ gì.

     Chưa chết, nhưng gã khổng lồ thống trị đã nối tiếp sai lầm này bằng sai lầm khác.

    Chưa "chết", nhưng gã khổng lồ thống trị đã nối tiếp sai lầm này bằng sai lầm khác.

    Dĩ nhiên, những người làm công nghệ hiểu rằng Microsoft không thể chết. Bởi “làm công nghệ” có một phần rất quan trọng là hoạch định doanh nghiệp: gần như không một doanh nghiệp nào có thể sống thiếu Windows, Exchange, Active Directory hay Office. Thế nhưng, là hoàng đế thống trị cả một thời đại cũ, sự sống vật vờ của Microsoft trong những năm Apple (và Google) vươn lên rực rỡ chắc chắn đã khiến các tín đồ PC một thời phải chạnh lòng.

    May mắn thay, ngày 4/2/14, Ballmer đã bị thay thế. Satya Nadella, một vị giám đốc gốc Ấn đến từ một bộ phận không thể... nhàm chán hơn – đám mây, được bổ nhiệm vào vai trò cầm trịch. Dưới thời Nadella, Microsoft thực hiện một loạt những bước đi không ai có thể tưởng tượng ra:

    - Sự kiện lớn đầu tiên được Nadella dùng để “ra mắt” là lễ phát hành... Office cho iPad. Một loạt các ứng dụng chất lượng được Microsoft ra mắt tới người dùng iOS và Android.

    - “Cục nợ” Nokia do Ballmer bỏ đến 7 tỷ USD mang về dần dần bị Nadella... thiêu hủy. Windows Phone cũng dần dần bị khai tử hoàn toàn và chính thức “chết” vào năm nay khi Windows 10 Mobile bị khai tử.

    - Windows 10 được phát hành miễn phí cho rất nhiều người dùng Windows 7 và Windows 8.

     Satya Nadella (thứ hai từ trái sang), người đã đem lại bộ mặt mới cho Microsoft.

    Satya Nadella (thứ hai từ trái sang), người đã đem lại bộ mặt mới cho Microsoft.

    Đó là những bước đi không ai có thể hình dung nổi nếu như Ballmer vẫn tại vị. Thế nhưng, tháng 10/2015, cổ phiếu Microsoft vượt mặt cả mức đỉnh thời kỳ dotcom. Từ đó đến nay, giá trị của gã khổng lồ phần mềm liên tục tăng chóng mặt ngay trong lúc cả thế giới vẫn mải mê với iPhone. Mới gần đây, ngày 14/3/18, cổ phiếu Microsoft đã đạt tới kỷ lục 95.23 USD. Giá trị thị trường của Microsoft đạt 726 tỷ USD, tiến gần tới Google và Apple hơn bao giờ hết.

    Không khó để nhận ra kết quả kinh doanh gần đây đã có tác dụng rất tích cực. Và nhắc đến các báo cáo tài chính của Microsoft vẫn là nhắc đến những câu chuyện quen thuộc: trong lúc mảng điện toán cá nhân (từng là đại diện cho tên gọi Microsoft) giảm sút, các mảng kinh doanh cho doanh nghiệp và đám mây đều gia tăng chóng mặt để đưa Microsoft vững bước tiến về phía trước.

     Bạn có thể không biết điều này, nhưng Microsoft đang góp phần rất lớn vào cuộc cách mạng công nghệ mới.

    Bạn có thể không biết điều này, nhưng Microsoft đang góp phần rất lớn vào cuộc cách mạng công nghệ mới.

    Những người hâm mộ “bình thường” có thể vẫn mải mê theo dõi cuộc chiến của iPhone và binh đoàn Android, nơi Microsoft gần như vắng mặt hoàn toàn. Nhưng những kẻ thực sự làm công nghệ đều sẽ nhận ra một sự thật quan trọng: Microsoft đang nằm ở trái tim của những cuộc cách mạng công nghệ mang tính định hình tương lai. Đám mây Azure là đối trọng duy nhất của Amazon Web Services. Qua Cortana Intelligence Suite, công nghệ AI của Microsoft đang được “mở” rộng rãi nhất cho các doanh nghiệp có thể tận hưởng thành quả nghiên cứu từ hàng trăm công trình nghiên cứu bậc tiến sĩ do hãng này tài trợ.

    Tại sự kiện BUILD 2017, Microsoft làm được một điều chưa có gã khổng lồ công nghệ nào khác làm được: định hình ra tầm nhìn cho cả thế giới công nghệ. “Intelligent cloud, intelligent edge” là nơi hội tụ của cả phần cứng người tiêu dùng, đám mây, AI lẫn các trào lưu như serverless, AR/MR và IoT. Trong khi những người thực sự hiểu ý nghĩa của các trào lưu này đều hiểu giá trị và lợi ích do chúng mang lại, mới chỉ có Microsoft là thực sự “ghép” được tất cả vào một bức tranh tổng thể và xác định được các giá trị cốt lõi để kết nối từng thành phần trong bức tranh (Multi-device, AI và serverless).

     Năm ngoái, Microsoft đã công bố tầm nhìn điện toán cho cả thế giới tại BUILD 2017. Năm nay, Microsoft sẽ có phát kiến vĩ đại nào?

    Năm ngoái, Microsoft đã công bố tầm nhìn điện toán cho cả thế giới tại BUILD 2017. Năm nay, Microsoft sẽ có phát kiến vĩ đại nào?

    Microsoft sẽ không chiếm toàn bộ bức tranh. Nhưng Microsoft của năm 2017 có lẽ đang đứng cùng một hàng ngũ với Bell Labs và XEROX những năm 70, Apple của những năm 2000 hay... chính Microsoft của những năm đầu thập kỷ 90. Từ một gã khổng lồ bệ rạc kéo lùi sự phát triển của công nghệ, Microsoft đã vươn mình trở thành trung tâm của những trào lưu công nghệ quan trọng nhất, hướng-tương lai nhất.

    Chúng tôi đã hơn một lần khẳng định rằng “nhà vua Microsoft đã trở lại”. Sự trở lại đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi bạn hãy nhìn xem: ngoài Apple ra, làm gì có ông lớn công nghệ nào có thể quên quá khứ huy hoàng, sống qua suy thoái bệ rạc để rồi trở lại làm vua như Microsoft?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày