Video thú vị này cho bạn thấy mắc màn là cách chống muỗi đốt hiệu quả nhất, nhưng khi không có màn thì sao?

    zknight,  

    Hóa ra tinh dầu xả, sóng siêu âm và nến thơm đều không có tác dụng.

    Dưới đây là đoạn video lan truyền mạnh trên Facebook những ngày qua, quay lại cảnh ai đó trêu đùa với một con muỗi. Con muỗi cố gắng xuyên vòi qua lỗ màn để đốt vào ngón tay người quay video, nhưng dĩ nhiên, anh hoặc cô ấy không bao giờ để nó làm được điều này:

    Video thú vị này cho bạn thấy mắc màn là cách chống muỗi đốt hiệu quả nhất, nhưng khi không có màn thì sao? - Ảnh 1.

    Thông thường, chỉ có chúng ta mới bị những con muỗi trêu đùa đến phát tức. Chúng lén lút đốt trộm bạn rồi bay mất, để lại một nốt đỏ tấy ngứa ngáy trên da. Bởi vậy mà ai trong số chúng ta cũng sẽ cảm thấy hả hê mỗi khi có dịp trả đũa những con muỗi như thế này.

    Và không chỉ có bạn, các nhà khoa học tại Đại học Melbourne cũng đã từng muốn chọc tức lại những con muỗi. Trong đoạn video này, họ thậm chí đã nhốt hơn 20 con muỗi sau tấm màn và quay lại cảnh chúng cố gắng đâm vòi để đốt một nhà khoa học trong vô vọng:

    Một thử nghiệm với muỗi của các nhà sinh vật học tại Đại học Melbourne

    Sự thật, muỗi không chỉ là loài côn trùng gây khó chịu và tức giận cho con người. Nó đứng đầu bảng xếp hạng 10 loài động vật nguy hiểm nhất hành tinh, gây ra khoảng 725.000 cái chết mỗi năm trên toàn thế giới. Trong so sánh, loài nguy hiểm đứng thứ 10 là cá mập chỉ gây ra 10 cái chết một năm, và rắn đứng thứ 3 với 50.000 nạn nhân tử vong vì chúng.

    Sốt xuất huyết, Zika, virus West Nile, viêm não Nhật Bản, sốt Chikungunya, sốt vàng da và đặt biệt là sốt rét là những căn bệnh nguy hiểm có thể lây truyền qua muỗi. Để phòng tránh những căn bệnh này, không có cách nào hiệu quả và dễ dàng bằng việc tránh bị muỗi đốt.

    Trong khi mắc màn là một cách phòng tránh muỗi hiệu quả như bạn đã thấy, chúng ta không thể đem theo màn mọi lúc mọi nơi. Chẳng hạn như khi bạn có một chuyến dã ngoại ngoài trời hay đơn giản là ngồi xem tivi ở phòng khách, làm thế nào để tránh bị muỗi đốt hiệu quả?

    1. Dùng đúng loại thuốc chống muỗi có tác dụng và an toàn

    Kem bôi hoặc xịt trên da để chống muỗi là cách hiệu quả nhất để đuổi loài côn trùng này tránh xa bạn. Mặc dù vậy, bạn phải biết chọn đúng loại thuốc chống muỗi có tác dụng và an toàn.

    Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) chỉ có 4 thành phần sau trong các loại thuốc có tác dụng chống muỗi: DEET (diethyltoluamid), Picaridin (còn gọi là KBR 3023, Bayrepel, và Picaridin), IR3535 và dầu bạch đàn chanh (OLE) hoặc p-menthane diol (PMD).

    Ngoài những thành phần này thì tất cả các chất khác, kể cả tinh dầu xả, đều không có tác dụng chống muỗi.

    Video thú vị này cho bạn thấy mắc màn là cách chống muỗi đốt hiệu quả nhất, nhưng khi không có màn thì sao? - Ảnh 3.

    Thuốc chống muỗi chứa DEET là loại có tác dụng nhất

    Tiến sĩ Immo Hansen, giáo sư sinh học tại Đại học bang New Mexico, đã tiến hành một số nghiên cứu đánh giá độ an toàn và hiệu quả của các loại thuốc chống muỗi có mặt trên thị trường. Nghiên cứu năm 2015 của ông cho thấy các sản phẩm chứa DEET tỏ ra hiệu quả nhất.

    "Bạn phải nhìn vào nhãn [của sản phẩm] và xem tỷ lệ phần trăm [của DEET]. Đối với [các loại thuốc chống muỗi chứa] trên 25% DEET, nó có thể kéo dài hiệu quả từ 6-8 tiếng đồng hồ, dài hơn khoảng thời gian hầu hết mọi người dành ra để ở bên ngoài", tiến sĩ Hansen nói.

    “Đối với các loại thuốc có nồng độ nhỏ hơn, bạn sẽ cần sử dụng lại sau mỗi 2-4 giờ”.

    DEET, viết tắt của diethyltoluamid, là thành phần hoạt chất phổ biến nhất trong thuốc chống côn trùng. Người ta tin rằng hóa chất có tác dụng ngăn chặn các thụ thể của côn trùng, dùng để phát hiện các hợp chất thu hút chúng có trong hơi thở và mồ hôi của con người.

    Tuy nhiên, bằng chứng gần đây đã chỉ ra muỗi thực sự bị đẩy lùi vì mùi của DEET.

    Thành phần hiệu quả đứng thứ 2 mà tiến sĩ Hansen tìm thấy là dầu bạch đàn chanh, được chiết xuất từ cây bạch đàn. Dầu bạch đàn được tinh chế để làm tăng nồng độ của một chất tự nhiên được gọi là PMD có trong đó, và PMD giúp đẩy lùi muỗi.

    Trong khi DEET là một hợp chất tổng hợp, tiến sĩ Hansen cho biết những ai ưa thích giải pháp từ thiên nhiên có thể lựa chọn dầu bạch đàn. Nó được in trên nhãn với tên gọi: Oil of lemon eucalyptus (OLE) hoặc p-menthane diol (PMD).

    Mặc dù vậy, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cảnh báo không nên sử dụng thuốc chống muỗi chứa dầu bạch đàn cho trẻ em dưới 3 tuổi. Các trường hợp kích ứng khi dùng kem chống muỗi khác cũng thường được ghi nhận ở trẻ em dưới 8 tuổi. Nhưng nhìn chung, tất cả đều an toàn với đại đa số mọi người.

    Tiến sĩ Neha Vyas, một bác sĩ gia đình tại Cleveland Clinic cho biết còn hai thành phần khác được tìm thấy trong một số thuốc đuổi muỗi cũng cho tác dụng là picaridin và IR3535.

    Hai hóa chất này đã được tìm ra từ những năm 1980, và vẫn được EPA chấp thuận. Ngoài ra, tiến sĩ Vyas cho biết mọi người thường có quan niệm chỉ cần bôi kem chống muỗi vào buổi tối, nhưng sự thật là có cả những loài muỗi đốt chúng ta vào ban ngày. “Bạn sẽ muốn được bảo vệ 24/7”, cô nói.

    Video thú vị này cho bạn thấy mắc màn là cách chống muỗi đốt hiệu quả nhất, nhưng khi không có màn thì sao? - Ảnh 4.

    2. Những sản phẩm nào không hiệu quả?

    Trong khi có những loại thuốc hiệu quả để chống muỗi đốt, trên thị trường cũng có những sản phẩm được quảng cáo thổi phồng.

    Đầu tiên là các thiết bị hoặc app điện thoại phát sóng siêu âm. Trong khi các nhà sản xuất của chúng nói rằng những cỗ máy phát ra những âm thanh con người không nghe được nhưng lại gây khó chịu cho muỗi, nghiên cứu của tiến sĩ Hansen chỉ ra chúng vô dụng.

    "Muỗi không bị đẩy lùi [bởi máy phát sóng âm] và thực tế chúng dường như còn bị hút đến nhiều hơn", ông nói.

    Các loại vòng đeo tay và tinh dầu xả cũng không có tác dụng, thậm chí nó còn tạo ra một “mùi thơm ngon” khiến muỗi chú ý tới bạn hơn, tiến sĩ Hansen cho biết thêm. Vitamin B1 và các loại nến sáp thơm, nến sả được quảng cáo là “đuổi muỗi” nhưng thử nghiệm cho thấy chúng vô dụng.

    3. Mẹo nhỏ trong ăn mặc

    Khi nói đến chuyện chọn quần áo, tiến sĩ Vyas khuyên bạn nên mặc đồ được làm bằng vải dệt chặt, ví dụ như cotton và nylon. Nếu bạn ở trong môi trường tiềm năng cho muỗi, hãy đặc biệt tránh vải spandex hay bất cứ loại vải nào co giãn mạnh hoặc có lỗ hổng.

    Video thú vị này cho bạn thấy mắc màn là cách chống muỗi đốt hiệu quả nhất, nhưng khi không có màn thì sao? - Ảnh 5.

    Muỗi có thể đốt xuyên qua các loại vải co giãn hoặc có lỗ hổng

    Ngoài ra, bởi muỗi bị thu hút bởi màu tối, tiến sĩ Vyas khuyên mọi người nên mặc quần áo sáng màu, có tông trắng, be hoặc kaki.

    Ngoài ra, mặc áo sơ mi dài tay và quần dài sẽ giúp bảo vệ bạn. Nếu bạn muốn chắc chắn thêm nữa, hãy phun thuốc Permethrin lên quần áo trước khi ra ngoài. Permethrin là một loại thuốc dùng để trị các loại côn trùng bao gồm bọ ve, ruồi và muỗi.

    Một nghiên cứu được tiến hành bởi Đại học Rhode Island cho thấy những người phun Permethrin trên vớ và giày thể thao bị muỗi đốt ít hơn 73,6% so với những người không phun.

    Tham khảo Dailymail, Mosquitofixes

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ