Với sự kiện Mi 8, Xiaomi vẫn đang núp trong cái bóng quá lớn của Apple
Sự kiện hoành tráng? Có. Nhiều sản phẩm nhất từ trước tới nay? Có. Nhận diện khuôn mặt? Có. Và cái bóng quá lớn của Apple? Cũng có nốt.
Ngay cả trước thềm IPO – một sự kiện được nhận định sẽ làm rung chuyển ngành công nghiệp hi-tech, Xiaomi vẫn có thể thu hút sự chú ý vào chính các sản phẩm của mình. Sau 2 năm tương đối lép vế trước dòng Mix, năm nay dòng Mi chủ đạo đã trở lại quá mạnh mẽ với không chỉ 1 mà là 3 phiên bản.
Trong số này, Mi 8 EE chắc chắn sẽ là bản gây sốt nhất với thân hình trong suốt độc đáo, cấu hình mạnh mẽ (Snapdragon 845 và tận 6GB RAM), camera kép có hỗ trợ công nghệ AI và thậm chí là cả nhận diện khuôn mặt 3D. Bỗng chốc, "Tiểu Mễ" đã trở thành tên tuổi đi đầu của làng Android trong cuộc cách mạng camera 3D.
Vẫn phải đem iPhone vào so sánh bằng được.
Đáng tiếc rằng dù đã trưởng thành về mặt công nghệ, Xiaomi vẫn muốn núp bóng đối thủ lớn nhất của mình về mặt hình ảnh. Trong sự kiện Mi 8 – vốn chỉ cách Mi Mix 2s 2 tháng, Xiaomi lại một lần nữa đem iPhone X ra so sánh. Đó cũng không hẳn là một hành động bất ngờ, bởi gần như hãng điện thoại nào cũng đều phải tìm cách so sánh hoặc đá đểu Apple.
Nhưng so sánh với Apple cũng chẳng khác gì coi iPhone là tiêu chuẩn dành cho smartphone Mi. Và quả thật là Xiaomi vẫn coi iPhone là tiêu chuẩn để Mi hướng đến: vẫn là cái rãnh tạo hình kiểu tai thỏ (chứ không phải kiểu Essential), vẫn là camera dọc và vẫn là thân hình bo tròn gợi nhắc ngay đến mặt lưng của iPhone X.
Lời mỉa mai của các tín đồ Android Authority dành cho Xiaomi: "thiết kế nguyên bản thật đấy".
Sự ám ảnh cũng không dừng lại ở đây. Trong 3 phiên bản Mi 8, có một phiên bản là “Mi 8 SE”. Không cần phải nói thì bất cứ ai quan tâm đến smartphone đều sẽ nhận ra “SE” sẽ gợi nhắc ngay đến chiếc điện thoại nào. Và, cũng không hề trùng hợp một chút nào, Mi 8 SE được dành cho chiếc Mi 8 giá rẻ nhất trong bộ 3.
Đáng chú ý nhất, dù bản “EE” có tên gọi đầy đủ là Explorer Edition, “SE” chẳng hề được lý giải là gì cả. Xiaomi chỉ cần gợi nhắc người dùng đến một chiếc Mi 8 giá rẻ: dùng luôn tên của iPhone giá rẻ xem ra là cách hữu hiệu nhất.
Cả màu nền cũng phải gợi nhắc.
Phần mềm cũng không phải là ngoại lệ so với phần cứng. Cũng giống như iPhone X, Mi 8 sở hữu tính năng chỉnh sửa ảnh chân dung bằng AI. Một bộ Animoji cũng được vén màn cùng công nghệ 3D chưa hoàn thiện của Xiaomi.
Và cuối cùng là... hình nền. Lại thêm một chiếc smartphone Android nữa sử dụng hình nền phong cách “màu loang” giống như iPhone X. Nếu đã muốn gợi nhắc thì phải cố copy hết mức có thể, phải không?
Không còn copy đến từng câu nói cử chỉ (và quần áo) nhưng Xiaomi vẫn cứ phải "học hỏi" Apple.
5 năm đã trôi qua kể từ khi Xiaomi được thế giới công nghệ để mắt tới. Xiaomi đã không còn là một cái tên xa lạ. Với Mi 8, “Tiểu Mễ” thậm chí còn trở thành hãng Android đầu tiên có nhận diện khuôn mặt 3D.
Nhưng Xiaomi vẫn cứ phải quyết tâm núp dưới cái bóng của Apple. Trước thềm một sự kiện IPO có thể viết lại lịch sử hi-tech, Xiaomi vẫn phải copy. Liệu đến bao giờ sự thiếu dũng cảm này mới chấm dứt?
Chắc là Mi 18 chăng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4