Xe hơi Tesla bật chế độ tự lái, đâm thẳng vào xe cứu hoả với tốc độ hơn 100km/h

    Tấn Minh,  

    Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) vừa thông báo sẽ gửi hai chuyên viên điều tra để xem xét vụ va chạm giữa xe hơi Tesla đang chạy ở chế độ bán tự động và một xe cứu hoả ở California.

    Theo đó, hai chuyên viên này sẽ xem xét cả tài xế lẫn phương tiện đã tham gia trong vụ tai nạn hôm thứ hai vừa qua. Đây cũng là lần thứ hai Uỷ ban An toàn Giao thông phải xem xét một vụ tai nạn gây ra do xe hơi Tesla có khả năng đang sử dụng Autopilot - hệ thống hỗ trợ tài xế bán tự động mà Tesla quảng cáo sẽ giúp xử lý một số tác vụ và cho phép tài xế rời tay khỏi vô lăng trong một số điều kiện nhất định.

    Chiếc xe cứu hoả bị đâm này thuộc về sở phòng cháy thành phố Culver (California). Họ đã công bố rằng xe cứu hoả đã bị đâm bởi một chiếc Tesla "đang chạy với vận tốc hơn 100km/h, tài xế cho biết xe đang ở chế độ Autopilot, và may mắn là không ai bị thương cả".

    Xe hơi Tesla bật chế độ tự lái, đâm thẳng vào xe cứu hoả với tốc độ hơn 100km/h - Ảnh 1.
    Xe hơi Tesla bật chế độ tự lái, đâm thẳng vào xe cứu hoả với tốc độ hơn 100km/h - Ảnh 2.

    Trước đó, vào tháng 5/2016, NTSB từng xử phạt một chiếc Tesla cũng đang sử dụng chế độ Autopilot và gây ra một vụ tai nạn thảm khốc. Chủ tịch NTSB tuyên bố "những giới hạn trong khả năng hoạt động" của chiếc Tesla Model S là nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn và cướp đi mạng sống của tài xế đang ngồi trên chiếc xe sử dụng hệ thống bán tự động này.

    "Những giới hạn" mà NTSB đang nói ở đây bao gồm việc Tesla không thể đảm bảo sự tập trung của người tài xế ngay cả khi xe đang chạy ở tốc độ cao, không thể đảm bảo chế bộ Autopilot chỉ được sử dụng trên một số con đường nhất định, cũng như không có khả năng giám sát sự can thiệp của tài xế.

    NTSB khuyến cáo các nhà kiểm định an toàn xe hơi và các hãng sản xuất cần tập trung thực hiện đầy đủ các bước để đảm bảo hệ thống tự lái bán tự động không bị lạm dụng.

    "Hệ thống bảo vệ an toàn cho xe không hoạt động tốt" - Chủ tịch NTSB Robert Sumwalt nói.

    Tesla từ chối bình luận về vụ việc này. Hồi tháng 9, công ty đã tuyên bố "tính an toàn của Autopilot đã tăng đáng kể", nhấn mạnh một nghiên cứu trước đó của chính phủ cho rằng hệ thống này đã giúp giảm khả năng gây ra các vụ va chạm.

    Công ty còn nói thêm rằng "Autopilot không phải là công nghệ hoàn toàn tự lái, và tài xế cần luôn giữ tập trung".

    Joshua Brown - một người đàn ông 40 tuổi ở Ohio - đã chết gần Williston (Florida) khi chiếc chiếc Tesla Model S của ông đụng phải một chiếc xe tải trong khi đang ở chế độ Autopilot. Vụ tai nạn nghiêm trọng này đã làm dấy lên câu hỏi về tính an toàn của hệ thống vốn được cho là có khả năng thực hiện các tác vụ lái trong một thời gian dài mà không cần hoặc cần rất ít sự can thiệp của con người, nhưng không thể hoàn toàn thay thế con người.

    NTSB nói rằng Tesla lẽ ra phải tiến hành nhiều bước để ngăn chặn việc lạm dụng hệ thống, và kết luận nguyên nhân là do tài xế không tập trung chú ý. Họ khẳng định hệ thống Autopilot hoạt động đúng như nó đã được thiết kế, nhưng vẫn chưa đảm bảo tài xế tập trung chú ý đủ để không gây tai nạn.

    Tham khảo: AutoBlog

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ