Xe tăng bay Liên Xô Mi-24 dù đã 50 tuổi nhưng vẫn khiến kẻ thù phải khiếp vía

    PnM,  

    Trải qua gần 50 năm với nhiều lần nâng cấp và cải tiến, Mi-24 tới giờ vẫn hoạt động tại hơn 30 quốc gia trên thế giới.

    Cỗ máy chiến tranh Mil Mi-24, hay còn được biết đến với tên NATO là Hind, không chỉ đơn thuần là một chiếc trực thăng. Nó là một trong những phương tiện chiến đấu có sức mạnh khủng khiếp nhất của Liên Xô cũ và nước Nga ngày nay mà kẻ thù mỗi khi nghe thấy đều phải kinh hãi.

    Ngày 19 tháng 9 năm 1969, chiếc máy bay trực thăng vũ trang hạng nặng kiêm chở quân Mil Mi-24 thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình. Trải qua gần 50 năm với nhiều lần nâng cấp và cải tiến, Mi-24 tới giờ vẫn hoạt động tại hơn 30 quốc gia trên thế giới.

    Vậy chiếc trực thăng này có gì đặc biệt khiến kẻ thù phải hoảng sợ đến vậy?

    Cực kỳ vững chãi, miễn nhiễm với vũ khí sinh-hóa học

    Không phải ngẫu nhiên mà Mi-24 được mệnh danh là “Letayushiy tank” (Xe tăng bay). Toàn bộ phần buồng lái, hộp truyền động, thùng dầu động cơ, hộp số hay thậm chí là hộp thủy lực đều được bọc thép dày. Phi công được trang bị mũ chống đạn, cả ghế ngồi cũng được bọc thép. Vị trí ngồi của phi công ở phía sau xạ thủ và cao hơn 0,3 m để nâng cao khả năng quan sát.

    Toàn bộ buồng lái của Mi-24 được làm kín, có trang bị hệ thống sưởi và thông gió độc lập để chống vũ khí hóa học, sinh học, đồng thời áp suất bên trong được giữ ở mức cao hơn áp suất bên ngoài để ngăn bụi phóng xạ thâm nhập.

    Thân máy bay được bọc thép tốt và các phiến cánh quạt titan có thể chống lực va chạm từ những viên đạn .50 (12,7 mm).

    Quá nhanh – quá nguy hiểm

    Mi-24 có thiết kế rất độc đáo để đảm bảo khả năng bay lượn luôn ở mức cao nhất, và trên thực tế thì nó luôn nằm trong top những chiếc trực thăng "bá chủ bầu trời".

    Trục cánh quạt được làm nghiêng sang phải một góc 2,5 độ giúp giảm đáng kể độ chao và trượt – vốn là những nhược điểm khó khắc phục đối với những phương tiện bay một trục cánh quạt, đồng thời tăng độ chính xác của các vũ khí gắn cố định trên máy bay. Mi-24 sử dụng bộ 3 bánh đáp có thể thu vào.

    Một trong những điểm đặc biệt nhất của Mi-24 là cánh quạt (5 chiếc) có diện tích lên tới 6,75 m2 với mặt cắt hình chữ V âm 12 độ giúp tăng lực nâng lên từ 22 đến 28% tùy vào vận tốc và các yếu tố khác. 2 động cơ ТВ3-117 cung cấp năng lượng khủng (4400 mã lực) cho cánh quạt chính 5 tấm chính giữa thân 17,3 m và một cánh quạt đuôi ba cánh. Nhờ vậy mà vận tốc bay tối đa của Mi-24 lên tới 335 km/h và tầm hoạt động tối đa được ghi nhận trong thực tế lên tới 1000 km vào ngày 13 tháng 8 năm 1975 – cho tới nay vẫn là một kỷ lục chưa thể bị phá vỡ.

    Kíp lái của Mi-24 từ 2-3 người, khả năng chở quân tối đa gồm 8 binh sĩ khỏe mạnh, 2 người bị thương nặng nằm trên cáng, 2 người thương nhẹ và 1 quân y.

    Các mấu cứng treo vũ khí được bố trí trên hai cánh ngắn giữa thân (cũng giúp tăng lực nâng), mỗi cánh có ba mấu. Vũ khí trang bị tùy thuộc nhiệm vụ; chúng có thể đảm nhiệm hỗ trợ trên không, chống xe tăng, hay chiến đấu trên không.

    Thành tích chiến đấu

    Mi-24 đã tham chiến trong hầu hết những trận đánh lớn của quân đội Liên Xô (cũ) và của quân đội Nga ngày nay. Các biến thể của Mi-24 đã đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ như thả quân, yểm trợ hỏa lực, tiêu diệt sinh lực, khí tài bọc thép và các hỏa điểm địch, chở hàng, sơ tán những người bị thương khỏi khu vực chiến đấu,… Có thể kể tên một số trận chiến nổi bật như sau:

    Chiến tranh Ogaden (1977-1978)

    Mi-24 lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu bởi các lực lượng Ethiopia trong Chiến tranh Ogaden chống lại quân đội Somali. Những chiếc máy bay trực thăng này đã đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch không vận ồ ạt thiết bị chiến tranh từ Liên Xô, sau khi Liên bang Xô viết thay đổi lập trường cho tới cuối cuộc chiến năm 1977. Những chiếc máy bay này được sử dụng trong cả những cuộc tấn công trên không và mặt đất buộc các lực lượng Somali rút khỏi lãnh thổ Ethiopia vào đầu năm 1978.

    Chiến tranh Xô viết tại Afghanistan (1979-1989)

    Loại máy bay này được quân đội Liên Xô sử dụng với tần suất cao ở Afghanistan, chủ yếu để không kích các chiến binh Mujahideen. Tuy vậy, những chiến binh này lại có tên lửa tầm nhiệt Stinger do Mỹ viện trợ nên trực thăng Mi-8 và Mi-24 đã trở thành các mục tiêu ưa thích của lực lượng phiến loạn.

    Trong số 333 máy bay trực thăng bị rơi trong các chiến dịch quân sự tại Afghanistan cũng có các máy bay trực thăng chiến đấu Hind. Buồng lái Mi-24 được bọc thép tốt và thậm chí có thể chống lại đạn 12,7 mm, nhưng cánh đuôi của nó vẫn dễ bị hư hại vì không được bọc giáp ở khu vực này.

    Khả năng tìm nhiệt của các loại tên lửa phòng không vác vai được sử dụng trong lực lượng Mujahideen cộng với việc Hind xả quá nhiều khí nóng ngay dưới cánh quạt chính khiến loại máy bay này rất dễ bị trúng đạn. Sau này, điểm yếu đó đã được sửa chữa và một hệ thống cảnh báo tên lửa đã được lắp đặt trên toàn bộ các máy bay trực thăng Mi-4, Mi-8, và Mi-24 Xô Viết giúp phi công có cơ hội gây nhiễu tên lửa hay lao xuống đất để lẩn tránh tên lửa.

    Trong cuộc chiến tranh này, Hind đã chứng minh tính hiệu quả và tin cậy được cả các phi công Xô Viết và lực lượng Mujahideen công nhận. Quân Mujahideen thường phải vội vã ẩn nấp khi thấy các pháo sáng chỉ điểm Xô Viết xuất hiện. Tên hiệu của Mujahideen cho chiếc Mi-24 là “Cỗ xe của Ma quỷ” vì danh tiếng hiển nhiên của nó. Một trong những lãnh đạo phiến loạn Afghanistan đã có câu nói nổi tiếng: “Chúng tôi không sợ lính Xô viết. Chúng tôi sợ những chiếc trực thăng của họ.”

    Từ năm 1986 Mỹ đã viện trợ tên lửa Stinger cho du kích Afghanistan. Tính trong toàn bộ cuộc chiến thì đã có 74 chiếc Mi-24 bị mất, trong đó 27 chiếc bị bắn hạ bởi Stinger trong thời gian từ 1986 đến 1988.

    Chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988)

    Hind cũng được sử dụng thường xuyên trong Quân đội Iraq. Trang bị vũ khí hạng nặng của nó là yếu tố chủ chốt gây ra những thiệt hại to lớn cho các lực lượng mặt đất. Một chiếc Hind thậm chí đã bắn rơi 1 chiếc máy bay chiến đấu phản lực McDonnell Douglas F-4D Phantom.

    Mi-24 trong văn hóa đại chúng

    Với bề dày thành tích và độ nổi tiếng trong giới quân sự như vậy nên không có gì ngạc nhiên khi Mi-24 được các nhà làm phim, làm game ưu ái cho xuất hiện trong các tác phẩm của mình.

    Mi-24 được sử dụng để quay phim Dire Hard 5

    Trong phim Air Force One (Harrison Ford đóng) có cảnh một chiếc Mi-24 được sử dụng để trao đổi tù binh Nga – Mỹ, còn tác phẩm A Good Place to Die Hard (‎Bruce Willis đóng) cũng có phân đoạn nhân vật chính sử dụng trực thăng Mi-24 để tẩu thoát từ nóc tòa nhà ở thủ đô Moscow của Nga.

    Những game thủ có lẽ cũng không xa lạ gì với Mi-24 khi nó xuất hiện thường xuyên trong các bản Call Of Duty: Modern Warfare, Modern Warfare 3 hay mới đây nhất là Call Of Duty: Modern Warfare Remastered.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ