YouTube Music liệu có thể giúp Google có chỗ đứng trong thị trường nghe nhạc trả phí hay không?

    Kuroe,  

    Nếu như coi YouTube Music là một nỗ lực vô cùng nghiêm túc của Google để tấn công vào mảng thị trường nghe nhạc trả phí - nơi mà đang bị Spotify hay Apple Music thống trị - thì có lẽ Google đã quá chậm chân mất rồi.

    Việc tung ra dịch vụ YouTube Music có thể coi là một động thái đầy cố gắng của Google để có thể giành lấy một lát bánh trong thị trường nghe nhạc trả phí - một thị trường đang phát triển hết sức mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Với những cái tên như Spotify hay Apple Music hiện đang sở hữu hàng chục triệu lượt thành viên đăng ký trả phí hàng tháng - có thể thấy đây là một mảng thị trường hết sức béo bở mà Google không hề muốn bỏ qua. Tuy nhiên, mặc dù sở hữu lợi thế là nguồn tài nguyên nhạc vô cùng phong phú mà gần như không đối thủ nào có thể sánh bằng, nhưng Google lại hết sức chật vật trong việc tìm chỗ đứng trong thị trường nghe nhạc trả phí. Tại sao lại như vậy?

    Lợi thế nguồn nhạc của Google đến từ chính YouTube - có thể coi là nền tảng nghe nhạc phổ biến nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Mặc dù nghe nhạc không phải là mục đích chính để người dùng sử dụng YouTube, thế nhưng không thể phủ nhận rằng nguồn nhạc của dịch vụ này là cực khủng, nhờ vào sự đóng góp tải lên của cả những người sử dụng - chứ không chỉ nhờ vào nguồn nhạc mà các hãng phát hành cung cấp. Tuy nhiên, nguồn nhạc của YouTube cũng là tâm điểm của nhiều luồng ý kiến trái chiều, bởi lẽ nội dung do người dùng tải lên sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến bản quyền nội dung. Nhưng nói gì đi nữa, thì YouTube vẫn là một lựa chọn vô cùng hấp dẫn, bởi lý do quan trọng nhất: bạn có thể sử dụng YouTube một cách hoàn toàn miễn phí.

    Thế nhưng, dù có sở hữu lợi thế nguồn nhạc cực khủng như vậy, quá trình tấn công vào mảng dịch vụ nghe nhạc trả phí của Google lại vô cùng trắc trở và gian nan. Suốt mấy năm qua, Google vẫn luôn duy trì hai mảng dịch vụ âm nhạc là YouTube và Google Play Music. Google Play Music chính là con bài được Google tung ra vào năm 2011, là một dịch vụ tải nhạc theo kiểu của iTunes, hỗ trợ lưu trữ trên hệ thống đám mây. Đây là một trong số ít ứng dụng nội dung mà Google tạo ra cho hệ điều hành Android, để cạnh tranh với hệ sinh thái iOS/iTunes/iBooks của Apple.

    Tới tháng 5 năm 2013, Google thêm một tính năng khác cho Google Play Music - đó là tính năng đăng ký trả phí (Subscription). Khách hàng đồng ý đóng phí cho Google cũng có không ít, tuy nhiên nếu so sánh ở thời điểm bấy giờ thì chẳng thấm vào đâu khi so sánh với các dịch vụ tương tự khác như Pandora hay Spotify. Lý do cho thất bại này một phần đến từ việc Google chẳng buồn quảng bá cho dịch vụ của mình. Rất có thể, khi ấy họ chỉ nghĩ rằng: Google tiếng tăm lớn sẵn rồi, bất cứ dịch vụ nào được Google tung ra kiểu gì chẳng được công chúng quan tâm. Và thế là, khách hàng tiềm năng của Google thì vẫn cứ nghe nhạc ở YouTube, mà chẳng buồn ngó tới Google Play Music làm gì.

    Nỗ lực đầu tiên để thu hẹp khoảng cách giữa Google Play Music và YouTube của Google là dịch vụ YouTube Music Key - được tung ra vào cuối năm 2014. Với Music Key, người dùng có thể xem các MV nhạc mà không bị quấy rầy bởi quảng cáo, cũng như có thể nghe nhạc trên YouTube kể cả khi đang sử dụng các ứng dụng khác trên điện thoại - với mức phí phải trả hàng tháng là 10 USD. Bên cạnh đó, những người đã đăng ký Google Play Music sẽ có thể sử dụng dịch vụ Music Key - và Google bắt đầu đẩy những Video của YouTube sang Google Play Music để tăng mức độ phong phú về nội dung cho ứng dụng này.

    Tuy nhiên, Music Key lại là một dự án thất bại của Google, một phần là bởi người dùng không tỏ ra mấy mặn mà với dịch vụ này, chưa kể đến việc rất nhiều hãng sản xuất nhạc cũng không muốn hợp tác với dịch vụ này. Và thế là chỉ sau chưa đầy 1 năm hoạt động, Music Key đã bị thay thế bởi YouTube Red, một dịch vụ đăng ký với quyền lợi người dùng tương tự, nhưng "bao trọn" nội dung là tất cả các video trên YouTube - chứ không chỉ mỗi MV nhạc như trước nữa.

    Và giờ đây, Google lại tiếp tục quay trở lại với tham vọng cũ khi ra mắt dịch vụ YouTube Music, vẫn với mức phí vô cùng quen thuộc là 10 USD/tháng. Bên cạnh đó, dịch vụ YouTube Red cũng bị thay thế bởi YouTube Premium, với mức giá là 12 USD/tháng. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, chấp niệm của Google với mảng thị trường nghe nhạc trả phí vẫn chưa bao giờ kết thúc, kể cả sau những thất bại vô cùng đau đớn của mình trước các đối thủ khác trên thị trường.

    Đương nhiên, khó lòng có thể trách được Google khi vẫn luôn cố chấp với mảng thị trường này đến như vậy, bởi chúng đang trên đà phát triển vô cùng mạnh mẽ trong suốt mấy năm qua. Các dịch vụ nghe nhạc trả phí đã đem lại một lượng doanh thu không nhỏ cho ngành công nghiệp âm nhạc, với việc thị trường này đạt mức 4 tỉ USD vào năm 2017. Bên cạnh đó, thị trường này vẫn luôn phát triển với tốc độ chóng mặt, khi mức tăng trung bình giữa các năm là 65%, bắt đầu từ năm 2012 (Thời điểm mà Spotify khởi đầu tại thị trường Mỹ). Tuy nhiên, trong khi Spotify đạt mức 70 triệu người dùng đăng ký toàn cầu, còn Apple Music đạt 36 triệu người dùng đăng ký, thì cả Google Play Music và YouTube Red cộng lại mới chỉ được có 7 triệu người - thấp hơn cả Dezzer và Amazon Music. Rõ ràng với vị thế là một ông lớn, việc phải chịu bị lép vế đến như vậy là điều vô cùng đáng chán đối với Google.

    Tuy nhiên, để Google có thể cạnh tranh với Spotify hay Apple Music ở thời điểm hiện tại, thì họ cần phải có một dịch vụ nghe nhạc có đủ sức cạnh tranh, để có thể trực tiếp lấy đi khách hàng từ các đối thủ của mình. Vấn đề lớn nhất của YouTube Music so với Spotify hay Apple Music, là việc dịch vụ này thiếu đi bàn tay chăm chút của con người. Nên nhớ, cả Spotify lẫn Apple Music đều đầu tư rất nhiều công sức cho những việc tưởng chừng như vô cùng đơn giản, như tạo ra những Playlist nhạc tuyển chọn, làm việc với các nghệ sĩ để đem lại trải nghiệm âm nhạc đúng chuẩn nhất cho người dùng, và đặc biệt, là quản lý và dọn dẹp hệ thống dữ liệu âm nhạc: tên bài hát, ca sĩ, album, năm phát hành, v...v... Đây là những công việc vô cùng tốn công - cơ sở dữ liệu càng lớn, công sức dọn dẹp và quản lý lại càng tốn hơn, và hoàn toàn không có cách nào để đốt cháy giai đoạn.

    YouTube Music sở hữu lợi thế cực lớn đến từ kho dữ liệu khổng lồ về thói quen nghe nhạc của người dùng mà họ thu thập được từ YouTube. Bản thân Google cũng tuyên bố sẽ kết hợp những dữ liệu nói trên với AI và machine learning, để nâng cao trải nghiệm tìm kiếm và gợi ý nhạc cho người dùng.

    Với đặc điểm này, YouTube Music có lẽ sẽ phù hợp với những người nghe nhạc thích xem video, và thích phong cách kiểu video này dẫn tới video khác mà YouTube xưa giờ vẫn làm. YouTube Music có thể mang tới những nội dung hết sức đặc biệt như những bản cover của người dùng, những bản remix do các nghệ sĩ YouTube tạo ra, hay những bản Video Lyric hết sức bắt mắt, v...v... Bên cạnh đó, Google cũng có thể sử dụng chính công cụ tìm kiếm của mình để điều hướng, và đưa ra những kết quả tìm kiếm "chỉ có thể thấy được bằng Google".

    Nhưng, nếu bạn là một người dùng chỉ muốn nghe nhạc, chẳng có hứng thú với Video, và muốn biết thêm thông tin về những bài hát bạn đang nghe, thì YouTube Music vẫn chưa phải là lựa chọn hợp lý. Khi bạn bấm vào tên ca sĩ, YouTube Music sẽ chẳng hề đưa bất cứ thông tin nào về ca sĩ này, cũng như chẳng liệt kê danh sách các album theo trình tự thời gian ra mắt. Đấy là còn chưa kể đến việc, nhiều khi xảy ra tình trạng "râu ông nọ cắm cằm bà kia", tên một đằng mà nhạc lại một nẻo, hay cả album không được tách ra thành từng bài hát mà phát thành một cục - và những vấn đề này đến từ việc sử dụng tài nguyên người dùng tải lên YouTube mà không quản lý kỹ càng.

    Đúng là Google hoàn toàn có thể sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ mà mình có về cách người dùng nghe nhạc qua YouTube để áp dụng chúng vào YouTube Music, từ đó tạo thành một trải nghiệm mới mà Spotify và Apple không thể nào làm được. Tuy nhiên, trải nghiệm riêng nói trên có đủ hấp dẫn để thu hút những khách hàng mới hay không, hãy còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Và liệu, bao giờ thì Google mới dừng việc đổi tên theo kiểu "bình mới rượu cũ" (YouTube Red -> YouTube Premium), và bắt đầu bỏ công ra để quảng bá YouTube Music thay vì cứ bỏ kệ cho chúng "tự lớn" như trước đây.

    Cứ như hiện tại, YouTube Music gần như không thể cướp đi người dùng từ Spotify hay Apple Music, vậy nên hy vọng duy nhất còn lại của hãng này là nhóm những người dùng miễn phí - nếu như Google có thể tìm cách thu hút họ đến với mình thay vì các dịch vụ khác. Và nếu như không làm được điều này, có lẽ Google sẽ chỉ mãi mãi kẹt lại ở vị trí "kẻ theo đuôi" trong thị trường dịch vụ âm nhạc trả phí mà thôi.

    Tham khảo Forbes

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày