Câu chuyện về Nokia N9 và MeeGo: Đường dài còn lắm chông gai... (Phần 1)

    Minh Lết, Minh Lết  

    Nokia đã chơi bài ngửa với các đối thủ của mình thông qua sự ra đời của N9 và MeeGo. Liệu MeeGo giúp được đại gia Phần Lan thoát cảnh "phơi lưng trắng áo"?

    Nếu bạn là người quan tâm nhiều đến công nghệ, đặc biệt là các thiết bị di động, chắc hẳn bạn đã nghe đến việc chiếc N9, điện thoại chạy HĐH MeeGo đầu tiên của Nokia vừa ra mắt cách đây gần 1 tuần. Thứ khiến N9 nổi bật giữa rừng smartphone trong thời điểm hiện tại không phải là đột phá trong thiết kế. 

    Đồng ý rằng N9 là 1 sản phẩm rất táo bạo của Nokia, đi ra ngoài những khuôn khổ thường thấy của hãng sản xuất đến từ Phần Lan. Những đột phá này thể hiện ở thiết kế loại bỏ hoàn toàn phím bấm vật lý ở mặt trước, ở màn hình lồi và kết cấu nguyên khối của máy, ở kết nối NFC thời thượng và phân giải màn hình FWVGA. Tất cả những thay đổi của N9 có lẽ sẽ khó lòng được Nokia ứng dụng vào sản phẩm của mình nếu như không có sức ép từ các đối thủ như iPhone hay smartphone chạy Android. 


    Tuy nhiên tất cả những cách tân được coi là "cách mạng" hoặc "đột phá" trên N9 đều xem xét dưới quan điểm của Nokia, một hãng sản xuất vốn bị cho là bảo thủ và chậm tiến. 

    Sự thực là những thiết kế "mới lạ" của N9 đều đã xuất hiện đâu đó trên các smartphone khác, màn hình cong "na ná" Nexus S, kết cấu nguyên khối chẳng phải điều gì lạ lẫm với các smartphone của HTC, phân giải màn hình FWVGA (854x480) thậm chí còn tỏ ra tụt hậu so với 1 số smartphone chạy Android hiện đã tiến sang phân giải qHD (960x540). 

    Điều thực sự khiến giới quan sát "phát sốt" vì N9 lại nằm ở yếu tố phần mềm: N9 là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới chạy HĐH MeeGo.

    Sự ra đời của N9 đánh dấu một bước tiến mới trong sự trưởng thành của MeeGo, từ chỗ là 1 nền tảng chỉ nằm trên giấy và các câu chuyện phiếm lúc "trà dư tửu hậu" của dân mộ đạo, MeeGo đã chính thức bước ra thị trường và lên tiếng thách thức các bậc đàn anh đi trước như iOS, Android hầu đòi lại một vị trí xứng đáng dành cho gã khổng lồ Phần Lan trong cuộc chạy đua smartphone. 

    Thế nhưng liệu "ngón mới" trong bài quyền của Nokia có giúp hãng này giành lại chỗ đứng bằng 1 sản phẩm "cây nhà lá vườn" thay vì phải "tỵ nạn" trên đất của Microsoft, vốn từng là đối thủ không đội trời chung của Nokia trên mặt trận smartphone? Bạn sẽ tìm được câu trả lời trong bài viết dưới đây.

    Đường dài còn lắm chông gai

    Con đường N9 đến tay người sử dụng thật dài và gian truân: có tin đồn đang được sản xuất rồi lại xuất hiện tin đồn bị "phế" khi còn ở khâu thiết kế, biệt tăm biệt tích nhiều tháng trời cuối cùng xuất hiện trong 1 diện mạo hoàn toàn mới mẻ. Nếu có một cuộc bình chọn về sản phẩm long đong nhất của thế giới smartphone đương đại, có lẽ N9 sẽ là 1 ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch.

    Thế nhưng nếu đem so sánh với N9, những gì MeeGo phải bước qua để đến được tới kệ sản phẩm còn chông gai hơn nhiều. Ý tưởng khởi thủy của MeeGo xuất phát từ cái bắt tay giữa 2 đại gia đang tụt dốc của ngành công nghệ : Intel và Nokia. 

    Có lẽ bạn sẽ cảm thấy khó hiểu nếu tôi nói Intel đang trong giai đoạn thoái trào, tuy nhiên nền tảng xử lý x86 của Intel đang bộc lộ những yếu điểm khó có thể tha thứ: Kích thước vi xử lý lớn, tiêu thụ điện năng quá nhiều. Những yếu điểm kể trển có thể chẳng nghĩa lý gì vào thời kỳ PC, khi mà các máy tính đều có nguồn cấp điện ổn định và tính di động của thiết bị không yêu cầu quá cao. 

    Tuy nhiên khi bước vào kỉ nguyên Hậu-PC, khi smartphone và tablet thống trị thị trường thì x86 có lẽ sẽ khó tìm được chỗ dung thân trên các nền tảng di động vốn bị giới hạn rất chặt chẽ về yếu tố điện năng dự trữ và kích cỡ thiết bị. Chẳng ai muốn mang theo bên mình 1 chiếc smartphone dùng chip của Intel to như cục gạch mà lại chỉ nghe gọi được 15 phút cho mỗi lần sạc đầy. 


    Và đó chính là "điểm chết" của Intel. Đại gia lớn nhất trong ngành công nghiệp silicon đang loay hoay tìm cách tồn tại trong kỉ nguyên hậu PC mà đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao không tiến lên tức là thụt lùi.

    Đối tác lớn nhất của Intel, Microsoft, cũng đã rời bỏ đồng minh thân cận nhất của mình trong kỷ nguyên PC để tìm cách bắt tay với 1 nền tảng xử lý thân thiện hơn với các thiết bị di động: ARM. Liên minh Wintel từng 1 thời làm mưa làm gió trên thị trường PC giờ đây trở nên lỏng lẻo trong kỷ nguyên Hậu-PC: Windows Phone 7, nền tảng mới nhất của Microsoft dành cho các thiết bị di động từ chối hỗ trợ nền tảng x86 của Intel. 

    Trở lại câu chuyện về sự hình thành của MeeGo, tức tối trước sự "tráo trở" của Microsoft, Intel đã quyết định đi nước cờ riêng của mình: phát triển một hệ điều hành dành cho các thiết bị di động sử dụng vi xử lý thuộc họ x86. Và họ đặt tên cho nó là Moblin (viết tắt của Mobile Linux). 


    Cùng thời điểm đó, Symbian của Nokia cũng đang lao đao trước sự tấn công của các hệ điều hành trẻ hơn, táo bạo hơn, quyết liệt hơn như Android và iOS. Nhìn thấy trước tương lai tăm tối của Symbian khi HĐH này bị chi phối bởi một tổ chức có các thành viên chỉ chăm chăm trong đầu mỗi 1 việc: Kìm hãm sự phát triển của Symbian, Nokia cũng quyết mở cho mình 1 lối đi mới bằng cách phát triển 1 hệ điều hành cho các thiết bị di động của riêng mình. Nokia gọi tên nền tảng mới này là Maemo. 

    Và MeeGo đã ra đời khi Nokia và Intel tìm được sự đồng điệu: cả 2 ông lớn này đều đang nhìn thấy trước 1 tương lai tăm tối khi đang có nguy cơ bị các "đàn em" lấn át, có nhu cầu tạo ra 1 HĐH hoàn toàn mới dành cho thiết bị di động ngõ hầu tìm lại chỗ đứng đã mất hoặc sắp mất và cũng đồng thời là mở ra một con đường để bước vào kỷ nguyên Hậu-PC. 

    Từ sự bắt tay của Intel với Nokia, MeeGo đã trở thành con lai giữa 2 nền tảng Moblin và Maemo do 2 HĐH này đều phát triển dựa trên nhân Linux ( Maemo dùng nhân của distro Debian trong khi Moblin lại vay mượn lõi từ Fedora Linux).

    Vị trí của MeeGo trên thị trường HĐH cho các thiết bị cầm tay vào ngày nó ra mắt (tháng 2-2010) không chỉ đơn thuần là 1 ứng viên mới trong cuộc chạy đua vốn đã có sự góp mặt của dăm bảy đối thủ khác. MeeGo xuất hiện với tư cách là một chiếc phao cứu sinh của các đại gia đang thất thế để đối chọi lại những đối thủ trẻ hơn và tân tiến hơn. Sự đối đầu giữa MeeGo với Windows Phone, Android và iOS có thể được hiểu là nỗ lực chống chọi của những giá trị cổ điển trước cuộc xâm lăng của các ý tưởng mới hơn, táo bạo hơn.


    Vì vậy, có lẽ khó lời nào diễn tả hết những thất vọng của các fan trung thành với Nokia và Intel khi thấy đại gia Phần Lan "theo chồng bỏ cuộc chơi", tuyên bố quay sang hỗ trợ Windows Phone thay vì tự phát triển 1 HĐH cho riêng mình. MeeGo từ đó "chìm xuồng" và kéo chìm theo cả những hi vọng về việc giành lại được chỗ đứng của Intel trong kỉ nguyên hậu-PC.

    Nhưng những ai từng thấy vọng khi thấy MeeGo biệt tăm biệt tích có lẽ sẽ cảm thấy vui mừng khi HĐH này lại 1 lần nữa tái xuất giang hồ trên sản phẩm N9 (vốn cũng từng "thoái ẩn" cùng với MeeGo). Mặc dù ở lần trở lại này, N9 không sử dụng chip Atom trên nền x86 của Intel như đã hứa hẹn, tuy nhiên người ta vẫn cảm thấy thỏa mãn vì ít ra Nokia cũng không buông súng đầu hàng khi chưa nổ 1 viên đạn nào.

    Tuy nhiên, con đường từ khi 1 HĐH ra mắt đến khi nó trưởng thành và gặt hái thành công là 1 con đường rất dài và gian nan. Android mất gần 2 năm để trưởng thành, iOS cũng mất hơn 1 năm (từ khi ra mắt phiên bản iPhone đầu cho tới khi có AppStore là 1 năm) trong khi Windows Phone đã trải qua sinh nhật lần thứ 2 mà vẫn chưa thấy hứa hẹn ngày thắng lợi. Riêng đối với MeeGo, con đường phía trước của HĐH này còn gập ghềnh gấp mấy lần các bạn đồng nghiệp.

    Những khó khăn đó là gì và liệu MeeGo có đủ sức gánh Nokia qua giai đoạn khủng hoảng này? Chúng ta sẽ tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó trong phần sau của loạt bài viết.
     
    (Còn tiếp)
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ