"Mối tình" Microsoft - Intel tan vỡ và nguy cơ sụp đổ của thị trường PC truyền thống (Phần 2)

    PV, S&L 

    Khi "ông ăn chả, bà ăn nem", mọi thứ đang ở mức mà cả hai không thể kiểm soát.

    Ở phần trước, chúng ta đã có cái nhìn sơ qua về mối quan hệ hoàn hảo của Microsoft và Intel trong quá khứ - trong những ngày mà cả hai dẫn đầu và định hình giới công nghệ với "cặp đôi" x86 - Windows danh tiếng. Những tưởng, liên minh thần thánh này không thể tan vỡ bởi sức mạnh của nó. Tuy nhiên, khi mà cả hai đang đứng trước ngưỡng dừng phát triển và thế giới có những sự thay đổi căn bản, mối tình này đang có những dấu hiệu rạn nứt không thể rõ ràng hơn.
     
    Sự tụt dốc
     
    Gần như độc chiếm thị trường tiềm năng nhất của giới công nghệ trong suốt nhiều năm của thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, đã có lúc tổng giá trị vốn hóa của hai công ty này ở mức khoảng 600 tỷ USD (tham khảo ychartychart). Quan trọng hơn, họ luôn là những người đi đầu, sở hữu các công nghệ tiên tiến nhất và là động lực phát triển của thế giới công nghệ lúc bấy giờ.
     

     
    Tuy nhiên, cái gì cũng có thời của nó, Microsoft và Intel cũng vậy. Sự xuất hiện của các đối thủ khác (mà trong đó nổi bật nhất là Apple) đã khiến cho Microsoft và Intel trở thành những kẻ đi sau. Năm ngoái, Apple vượt qua Microsoft về mặt giá trị vốn hóa thị trường, năm nay, đã có lúc giá trị của "quả táo" hơn cả hai hãng này cộng lại.
     
    Việc cả hai mất đi khoảng 1/2 giá trị của mình so với lúc đỉnh cao không hẳn là một sự tụt dốc thảm hại hay gì đó quá khủng khiếp với các cổ đông của Microsoft và Intel khi doanh thu và lợi nhuận của hai công ty vẫn luôn ở mức khá. Thực chất, giá trị đỉnh cao 600 tỷ của hai công ty chịu nhiều tác động của bong bóng dotcom xảy ra vào đầu thế kỷ này.
     
    Không ai phủ nhận được vị trí thống trị gần như tuyệt đối của Microsoft và Intel với thị trường PC. Và đương nhiên, sự thành công của đại gia này phụ thuộc hay chính xác hơn là phản ánh tầm quan trọng của máy tính cá nhân truyền thống với thế giới. Sự tụt dốc của cả hai được cho là thể hiện sự thất thế của PC trong thời gian hiện tại. Tôi không có ý định nói PC không còn quan trọng, chúng ta không còn cần đến PC hay điều gì đó tương tự. Thực chất, máy tính cá nhân truyền thống vẫn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thế giới (về sự thất thế của PC chúng ta sẽ bàn tiếp với nhau trong một bài viết tới).
     

     
    Sự thất bại khi cả hai cùng "đạt đỉnh"
     
    Có thể tôi là người quá lạc quan hoặc có thể là có tầm nhìn hẹp nhưng có vẻ là PC (cụ thể hơn là CPU và HĐH) đang dần đạt đến những giới hạn cuối cùng (tham khảo thêm tại đây). Các CPU hiện nay mạnh đến mức ngay cả các chip trung bình cũng có thể đáp ứng hoàn hảo hầu hết các nhu cầu thông thường của cuộc sống. Và cho đến thời điểm này, x86 lộ ra điểm yếu chết người mà lâu nay chúng ta bỏ qua: siêu ngốn pin.
     
    Đến đây tôi muốn nói thêm một chút về điều này. Thực tế, tiêu tốn nhiều năng lượng không phải điểm yếu duy nhất của nền tảng x86 và cũng không phải là không ai nhìn ra gót chân achilles của nó trong suốt thời gian dài mà Intel cùng Microsoft khuynh đảo thị trường. Lúc đầu, tôi muốn phân tích chi tiết tất cả những điểm yếu chết người của x86 (bao gồm pin, khả năng tương thích phần cứng, kết cấu...) nhưng chợt phát hiện ra nó quá rộng và có phần... hơi quá khó hiểu nên chúng ta sẽ tập trung vào nhược điểm lớn và quan trọng nhất của x86: năng lượng.
     
    Năng lượng?
     
    Sẽ rất thiển cận nếu như nói cả thế giới, bao gồm cả những con người vĩ đại như Bill Gates hay Moore không nhìn ra những điểm yếu rất lớn của x86. Nhưng vì sao, họ vẫn chọn và thành công với x86 suốt vài thập kỷ qua?
     
    Đầu tiên phải nói rằng không (hoặc có thể là chưa) có một nền tảng nào là hoàn hảo. Dù là x86, ARM... mỗi kiến trúc đề có những điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình. Ai thành công hơn phần nhiều là do thế giới cần gì hơn.
     

     
    Có một nguyên tắc cơ bản trong ra quyết định là phải so sánh cái được và cái mất trước khi làm bất cứ việc gì, nếu như cái được nhiều hơn cái mất, chúng ta sẽ chọn nó và ngược lại. x86 cũng vậy. Nó thành công bởi điểm mạnh của nó lấn át thành công điểm yếu (trong quá khứ) và có lẽ, nó sẽ mất dần vị thế bởi điều ngược lại (trong tương lai).
     
    Trong những năm PC mới hình thành, vấn đề giá thành và khả năng xử lý là tối quan trọng. Không cần phải có kiến thức hay hiểu biết gì quá sâu xa về CPU có thể nhận thấy sự chênh lệch lớn giữa Pentium so với Core Duo hay giữa Core Duo và Core i hoặc xa với giữa Pentium với những người tiền nhiệm. Càng khập khiễng hơn nếu như so sánh khả năng xử lý giữa x86 và ARM trong quá khứ.
     
    Quan trọng hơn là sự tăng tốc độ của CPU khi đó có thể cảm nhận rõ ràng và cần thiết với hầu hết các nhu cầu cá nhân cơ bản. Sự khác nhau có thể cảm nhận ngay cả khi sử dụng những ứng dụng thông thường như Office, xem phim... Và vì thế, con người cần tốc độ hơn là khả năng tiết kiệm năng lương.
     
    Tuy nhiên, khi mà CPU đã phát triển như hiện nay, tốc độ khác biệt giữa các nền tảng là hầu như không đáng kể (sẽ tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết cuối cùng của series này) và vì vậy...
     
    Mối quan hệ Intel, Microsoft rạn nứt
     
    Sự rạn nứt nghiêm trọng trong "mối tình" Microsoft và Intel là không thể phủ nhận. Trong khi Microsoft "ăn chả" với ARM thì Intel cũng quyết "ăn nem" Linux, Mac hoặc thậm chí là Android. Và cũng như bao mối tình khác, một khi không chung thủy, hạnh phúc là điều không thể.
     

     
    Hẳn bạn còn nhớ trước khi Windows 8 chính thức được giới thiệu, Intel lên tiếng cho rằng Windows sẽ có 4 phiên bản khác nhau và các ứng dụng vốn chạy trên x86 sẽ không chạy trên Win ARM. Vài ngày sau, đại diện của Microsoft phũ phàng phủ nhận khẳng định với tuyên bố Windows 8 chỉ có một phiên bản duy nhất hỗ trợ cả hai trình duyệt.
     
    Nguyên nhân của sự rạn nứt này là gì?
     
    Sự rạn nứt trong quan hệ của hai hãng có thể có nhiều nguyên nhân nhưng trực quan nhất là do sự phát triển và tiềm năng của thị trường PC mới mà đại diện thành công nhất là tablet. Như đã nói ở trên, năng lượng tiêu thụ là điểm yếu lớn nhất của x86. Nó không mấy ảnh hưởng tới desktop, có những ảnh hưởng nhỏ và hạn chế trên laptop (với dung lượng pin lớn) và rất lớn trên tablet - những PC có dung lượng pin nhỏ.
     
    Đương nhiên, khó có thể nói Microsoft và Intel chia rẽ chỉ riêng vì tablet. Sự tan vỡ của mối tình này là do những tiềm năng quá rõ ràng của thị trường mobile PC (máy tính cá nhân di dộng) trong tương lai gần. Trong năm vừa qua, lần đầu tiên doanh số các thiết bị sử dụng CPU non-PC (tablet, smartphone, PDA, eReader...) xấp xỉ PC (khoảng 400 triệu máy). Tương lai, chắc chắn đây sẽ là thị trường hấp dẫn hơn nhiều.
     
    Nguyên nhân sâu hơn của sự rạn nứt và tương lai của thị trường PC sẽ là chủ đề của bài viết tới. Trong phần cuối cùng, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm và điều này và giải quyết nốt một số dấu hỏi còn tồn tại.
     
    (còn tiếp)
     
     
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ