Khách hàng có nên chạy theo "siêu di động"?

    PV, Tròn Xoay - Minh Lết 

    "Dân chơi không sợ mưa rơi", và chính vì muốn làm "dân chơi" nên nhiều người cứ thấy các "siêu di động" là muốn "rước" ngay về, mặc cho cái hầu bao than vãn. Nhưng các "siêu di động" có thực sự đáng mua?

    Bỏ tiền chơi sang theo tâm lý số đông
     
    Theo một thống kê gần đây đăng tải tại trang tin Gizmodo thì có tới 50% người sở hữu iPhone chưa bao giờ từng đồng bộ với iTunes. Lẽ dĩ nhiên thống kê này được đưa ra trước khi Apple ra mắt nền tảng iCloud cho phép đồng bộ không dây, và điều này cũng đồng nghĩa với việc họ chưa bao giờ khai thác hết các tính năng của siêu di động này.
     
    Một thực tế nhãn tiền là người dùng hiện nay đa số đều bị ảnh hưởng bởi tâm lý số đông và dễ bị lay động bởi những quảng cáo phù phiếm hay các chiêu marketing "thâm hiểm" của nhà sản xuất, khiến họ nhanh chóng rút hầu bao mua siêu phẩm di động mà chẳng cần chút đắn đo suy nghĩ.
     
    Lấy ví dụ iPhone 4, ngay khi vừa ra mắt, nhiều khách hàng đang dùng iPhone 3GS đã nhanh chóng chuyển sang mà không cần biết sản phẩm này hơn kém gì.
     
    Chị Mai Trang, khách hàng vừa mua một chiếc iPhone 4 tại cửa hàng hi-tech phố Hàng Khay cho biết: "Thấy đẹp và nhiều người dùng nên mua thôi chứ thật ra nãy giờ nhân viên hỏi cài game không, jailbreak không, cài Cydia không mà mình nghe ù hết cả tai vì thực tế thì nghe, gọi đã đủ hết ngày, nói gì là cầm để chơi, cùng lắm chỉ dùng để lướt web, checkmail thôi".


    Bằng nhiều chiêu thức, các nhà sản xuất đã phủ lên các siêu di động mới ra lò một lớp "bùa mê" khiến bất kỳ ai cả "dân pro" lẫn "gà" cũng ngất ngây mà xuống tiền không cần phải đắn đo. Nhiều người khi được hỏi vì sao lại đổi di động mới đều cho biết vì nó đẹp và thấy ai cũng khen chứ thực tế thì các tính năng thời thượng như vi xử lý lõi kép, máy ảnh 3D hay màn hình Super-AMOLED với họ chẳng khác nhau là mấy. 
     

    Mạnh mẽ và đẳng cấp nhưng chúng cũng chỉ là một bản nâng cấp so với sản phẩm tiền nhiệm.
     

    Anh Tiến Anh, một dân chơi hi-tech cho biết: "Đụng vào đồ số cứ như đụng phải 'ma túy', không dứt ra được. Năm ngoái mình mua Samsung Galaxy S và tự nhủ như vậy là đủ mạnh rồi, không cần phải lên đời ít nhất 1 năm nữa, thế mà chưa đầy 8 tháng, lòng đã 'xao xuyến' khi Galaxy S II ra mắt và cuối cùng mình bán Galaxy S gần 5 triệu để đổi sang máy này, mặc dù sau khi mua về thì các phần mềm mình cài lên vẫn chỉ như cũ, về hiệu năng chẳng cần hơn là bao".


    Phải thừa nhận một điều rằng, người Việt hay bị ảnh hưởng bởi tâm lý số đông. Có nhiều khách hàng rõ ràng phải thừa nhận rằng, với công việc và mục đích sử dụng của họ thì một chú BlackBerry Bold series hoặc Nokia E series là đáp ứng tốt nhu cầu làm việc, thế nhưng công sở họ đang công tác lại "phong trào" dùng iPhone/Android phone, vậy là họ mua theo cho đỡ...lạc lõng và kết quả suốt ngày than ngắn thở dài vì chưa nổi 1 ngày pin đã hết.


    Thường thì mỗi cuộc chơi-đổi như vậy, người dùng sẽ phải bỏ ra một khoản phí chênh lệch không dưới 40%, tức là chấp nhận mất vài triệu cho việc bán lỗ máy đang sử dụng để đổi sang dòng máy cao đời hơn nhưng lại vẫn-chỉ-dùng-từng-ấy chức năng.


    Theo một chuyên gia công nghệ chuyên test các sản phẩm di động thì không hẳn cứ di động ra sau là vượt trội hơn các sản phẩm đời đầu. Đôi khi nhà sản xuất chỉ nhấn nhá thêm một chút thiết kế, đẩy thêm một chút về phần cứng (thường thì là máy ảnh hay RAM/ROM, vi xử lý...) là đã đủ "bỏ bùa" người dùng.


    Về phía người dùng, khi bị đánh lừa mắt bởi những thứ ưu việt mà nhà sản xuất vẽ ra họ sẵn sàng xuống tiền và tự huyễn hoặc mình rằng "À, nó hơn hẳn cái mình đang dùng thật". Nhưng thực sự thì có mấy ai ngồi đếm được tốc độ lướt web nhanh hơn là bao nhiêu giây? Chơi game mượt hơn thế nào? Hay có chăng cũng chỉ là màn hình đẹp hơn, sáng hơn và không nhận ra rằng các tác vụ ấy trên hệ máy cũ vẫn dùng tốt?


    Tất nhiên, bài viết chỉ xét về khía cạnh so sánh giữa 2 sản phẩm cận kề nhau về vòng đời còn nếu so iPhone 4 với iPhone đời đầu hay Samsung Galaxy S II với Omnia i900 thì rõ ràng chúng khác nhau khá nhiều.


    Dân chơi không sợ mưa rơi


    Câu châm biếm dí dỏm của các dân chơi nghiệm khá đúng với những tín đồ đồ số. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra, mua không phải nghĩ và sau cùng lại bán không đắn đo để sắm một thiết bị mới như một cái vòng luẩn quẩn trong cái bẫy của nhà sản xuất.


    Chị Lương, khá có tiếng trong hoạt động lĩnh vực xây dựng đồng thời là một "người đam mê công nghệ" như chị tự nhận cho biết: "Thấy iPhone 4 hay cũng sắm 1 cái, LG Optimus 3D cũng mua thử, rồi cả HTC Sensation nữa, nhưng cuối cùng chả máy nào dùng được cả lại phải quay về Bold 9700 cũ mèm mà rõ ràng chỉ bằng nửa giá tiền và mục đích sử dụng vẫn chỉ từng ấy". 
     
    Nhiều người bỏ tiền ra mua một sản phẩm mà hiệu năng không hề hơn thiết bị cũ mà giá lại chênh vài chục %.
      
    Theo một nữ quản lý PR/Marketing của một nhà sản xuất di động thì: "Thực tế khách hàng mua các dòng máy phân khúc cao cấp của bọn mình đa số là các khách hàng ưa thích mới lạ, yêu công nghệ nhưng lại không sành sỏi từng chân tơ kẽ tóc và có điều kiện. Chứ còn nếu trông chờ lượng khách 'pro' thành viên các diễn đàn thì xem ra khó sống bởi ngoài việc xem xét, so sánh tỉ mỉ thì có khi họ sẽ chờ đến lúc giảm giá mới mua máy hoặc chọn mua mặt hàng xách tay, thay vì làm những khách đầu tiên'đập hộp' ".

    Xét công bằng mà nói, các siêu di động về thực tế chỉ "thêm một tí" các tính năng mà nhà sản xuất gán thêm tính từ "thời thượng". Nếu đặt tính thực dụng lên đầu thì chắc chắn một siêu di động lõi kép 1,5GHz chưa chắc đã nhanh trội hơn hẳn với di động lõi kép 1.0GHz, nhưng chắc chắn giá thành sẽ đội thêm ít nhất 20% đến 30% cho sự nâng cấp này.


    Nếu một ngày thử quan sát khách mua hàng tại các siêu thị điện thoại di động lớn, bạn sẽ dễ thấy cảnh những người mua những siêu di động trên cả chục triệu một cách nhanh chóng. Còn cái cảnh một người mua vác từng bảng so sánh Quadrant hay Benchmark để làm tham chiếu mua máy thì chắc có lẽ chưa bao giờ xảy ra.


    "Siêu smartphone" dành cho ai?


    Đến thời điểm hiện tại, khi mà các tác vụ chính của smartphone vẫn là duyệt web, email, liên lạc và thi thoảng chụp ảnh, xem phim... Có lẽ sức mạnh phần cứng của các smartphone đã "chạm ngưỡng". Hầu hết các smartphone 1GHz đều có thể cho các trải nghiệm duyệt web, email, xem film (phân giải SD) gần như tương đương các smartphone lõi kép mạnh mẽ nhất.  Nếu bạn thấy rằng nhu cầu của mình chỉ ở mức cơ bản với các tác vụ kể trên, thì bạn sẽ không cần 1 chiếc smartphone với xung nhịp lớn hơn 1GHz và CPU lõi đơn.


    Trên smartphone, các công việc liên quan tới đồ họa như cắt, dựng phim, dựng hình 3D gần như không tồn tại, vì vậy tác vụ duy nhất mà các CPU lõi kép chứng minh được sức mạnh của mình chính là game. Và đến thời điểm viết bài này, ngay cả chiếc Desire HD đã hơn 1 năm tuổi của tác giả vẫn gánh các game 3D tương đối nặng nề như Gunbros, Dungeon Hunter rất nhẹ nhàng, thậm chí cả chiếc smartphone đã 1 tuổi rưỡi như iPhone 4 cũng hầu như không gặp vấn đề gì với game 3D. Những chiếc smartphone hiện đại hơn như Galaxy S II, Sensation sẽ giúp bạn chơi các game 3D với frame rate cao hơn đôi chút, tuy nhiên rất hiếm nhà phát triển muốn lập trình game của mình có yêu cầu cấu hình cao tới mức chỉ có những smartphone mạnh nhất mới có thể chạy được. 


    Đơn giản là vì yêu cầu cấu hình càng thấp thì game đó sẽ càng "phổ thông" và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Rút cục, 1 chiếc "siêu smartphone" sẽ chỉ giúp bạn thực hiện các tác vụ thường ngay nhanh nhẹn hơn đôi chút và chơi game 3D với tốc độ khung hình cao hơn mà không thực sự cho bạn lợi thế hoặc thực hiện được những tác vụ mà smartphone "có tuổi" không làm được.


    Vậy, thực ra siêu smartphone là dành cho ai? Nếu bạn là người "cả thèm chóng chán", có thu nhập thuộc loại khá giả và chưa phải bận tâm nhiều về chuyện tích cóp, sẵn sàng "bạo chi" và đặc biệt là có đôi chút quan tâm, yêu thích công nghệ các "siêu smartphone" chính là dành cho bạn.


    Thay lời kết


    Chưa lúc nào tốc độ tiến hóa của công nghệ lại nhanh như bây giờ. Chiếc điện thoại vừa mua ngày hôm qua, đến hôm nay đã trở thành lạc hậu và lỗi thời. Nếu cần tìm 1 người để đổ lỗi cho việc chiếc "siêu smartphone" bạn vừa mua trở nên già nua trước các đàn em với tốc độ chóng mặt, bạn hãy tự nhìn lại chính mình. Chính chúng ta với thói quen chạy theo cái mới ham thích "của lạ" đã vô hình chung tạo điều kiện và sức ép khiến các nhà sản xuất phải "đuổi bắt" nhau về hiệu năng.


    Siêu smartphone đã trở thành một xu hướng tất yếu của thế giới công nghệ, cũng giống như cuộc chạy đua cấu hình của PC hồi đầu thập kỷ trước. Tất cả sẽ chỉ lắng dịu khi có 1 dòng thiết bị khác ra lò và thu hút mất ánh hào quang của smartphone giống như cách mà smartphone đã làm với PC. Thiết bị đó là gì? Tôi không biết. Nhưng tôi biết 1 điều, đó là nếu "ngày tàn" của cuộc chạy đua "siêu smartphone" có đến, nó cũng sẽ không đến vào ngay ngày mai hoặc tháng sau và thậm chí là năm sau. Sẽ mất ít nhất vài năm để tất cả nhận ra rằng mình đang bỏ ra rất nhiều tiền để mua về những "giá trị thừa" không thể tận dụng hết.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ