Kết quả benchmark smartphone liệu có đáng tin?

    PV, Tròn Xoay 

    Chỉ số benchmark đang được các chuyên gia đưa vào các bảng đánh giá di động như một thang điểm chuẩn để xếp thứ hạng điện thoại, thế nhưng liệu các chỉ số này có đáng tin?

    Sự tăng trưởng trong lĩnh vực di động đã đem tới cuộc cách mạng về phần cứng thiết bị đầu cuối trong 2 năm trở lại đây. Đa số các nhà sản xuất thiết bị đều muốn sản phẩm của mình hoàn thiện hơn bằng cách không ngừng cải tiến và áp dụng công nghệ mới. Dường như mỗi sáng thức dậy ta lại thấy một siêu di động mới xuất hiện cùng màn hình độ phân giải cao hơn, GPU mạnh hơn, vi xử lý nhanh hơn và bộ nhớ RAM tăng theo cấp số cộng. Cuộc chạy đua trong lĩnh vực di động sẽ không ngừng bởi lẽ người dùng luôn khao khát sở hữu những thiết bị có hiệu năng cao và do đó benchmark xuất hiện như một thước đo đánh giá sức mạnh của các smartphone.
     
    Có thể thấy rõ các siêu di động hiện nay đều hoạt động trên nền Google Android, do đó, đa số đều sử dụng công cụ benchmark tải về từ Android Market có tên gọi Quadrant hay AnTuTu. Sau khi cài đặt ứng dụng này và tiến hành benchmark, điểm số cuối cùng sẽ là điểm đánh giá tổng thể và lẽ dĩ nhiên, điện thoại nào điểm càng cao thì được hiểu là càng tốt.



    Quá trình benchmark sẽ lần lượt từng hạng mục gồm CPU, bộ nhớ RAM, code I/O và đồ họa 2D/3D. Các thiết bị như máy tính bảng Motorola XOOM hay HTC Inspire 4G đều dễ dàng đạt kết quả benchmark rất tốt nhưng nghịch lý thay, các thiết bị có cấu hình tương đương lại có những điểm số khác biệt. Vậy, liệu rằng các kết quả benchmark này có phản ánh đúng thực tế? hay nó phụ thuộc vào những yếu tố “bâng quơ” như độ phân giải màn hình hay giao diện người dùng vốn khác biệt trên từng dòng máy, từng thương hiệu?
     
    Vài năm trước đây so với PC, chipset di động chẳng là gì, thế nhưng các nhà sản xuất đã đem tới những con chip mobile với sức mạnh vượt trội. Tuy nhiên, khi gắn những dòng chip này lên di động thì mỗi kết quả lại mỗi khác tùy từng máy. Đơn cử như trường hợp của HTC EVO 3D (hoặc 1 người anh em có cấu hình gần tương tự, chiếc HTC Sensation mà chúng tôi mới có bài so sánh), với cấu hình chipset 1.2GHz lõi kép Qualcomm Snapdragon MSSM8660, 1GB RAM và GPU Adreno 220, tương đương với Samsung Galaxy S II, nó lại có kết quả benchmark thấp hơn khá nhiều. Tại sao?


     
    Một trong những yếu tố gây nên hiện tượng này có thể do chính giao diện người dùng tùy biến (UI) mà các nhà sản xuất điện thoại Android đưa vào thiết bị của mình. HTC EVO 3D sở hữu phiên bản mới nhất của giao diện HTC Sense UI, không những tốn pin mà còn hao bộ nhớ máy. Vì lẽ đó, dễ hiểu tại sao phần mềm benchmark Quadrant lại đánh giá HTC EVO 3D thấp điểm hơn Samsung Galaxy S II vì Touchwiz 4.0 trên hệ máy này ít ngốn tài nguyên hệ thống hơn.


    Công cụ benchmark Neocore.
     
    Một trong những điều tuyệt nhất mà Samsung Galaxy S II sở hữu chính là màn hình Super AMOLED Plus. Tuy nhiên, độ phân giải của màn hình này chỉ đạt 480 x 800 pixel trong khi HTC EVO 3D lại chạm mức qHD với độ phân giải 540 x 960 pixel. Thế nhưng, cũng chính vì có độ phân giải cao hơn nên HTC EVO 3D phải chấp nhận điểm benchmark thấp hơn Galaxy S II vì lý do: số điểm ảnh phải dựng sẽ nhiều hơn, dẫn tới tốc độ khung hình thấp hơn, hệ quả là điểm benchmark sẽ bị thấp đi.



    Công cụ benchmark Quadrant.
     
    Vậy tóm lại là, liệu có nên tin vào thang điểm benchmark và lấy đây làm thước đo chuẩn cho hiệu năng các siêu di động? Câu trả lời có thể là có và không. Đầu tiên,phải chắc chắn rằng giữa các thiết bị và ứng dụng dùng để benchmark phải hoàn toàn tương thích với nhau. Chẳng hạn nếu thiết bị sử dụng CPU lõi kép thì ứng dụng benchmark cũng phải có chế độ chạy đa luồng.  
     
    Tiếp đó là cấu hình máy đều thiết lập như nhau, nguyên bản với HĐH trắng trơn không có bất kỳ phần mềm bên thứ 3 nào được cài cắm để có thể ảnh hưởng đến kết quả. Và cuối cùng là để các bài test dựng hình 3D cũng như 2D cho kết quả mang tính so sánh, bài test đó phải được thực hiện trên các màn hình có độ phân giải tương đương. 
     
    Thậm chí kể cả trong trường hợp các yếu tố trên được bảo đảm tuyệt đối, vẫn có thể dẫn tới những kết quả benchmark khác nhau. Lý do là vì mục đích của các nhà sản xuất hướng tới các đối tượng công việc khác nhau cho phần cứng của mình. Trở lại với ví dụ về chiếc EVO 3D và Galaxy S II, 1 phần lý do khiến điểm benchmark của EVO 3D thấp hơn Galaxy S II là do fillrate của GPU Andreno 200 thấp hơn GPU Mali 400 khá nhiều, nhưng thế hệ GPU này lại được bổ sung hỗ trợ cho việc đổ bóng, phủ vật liệu vốn không thể hiện nhiều trong bài test của Quadrant. Vì thế điểm benchmark của EVO 3D có thể thấp hơn, nhưng hiệu năng của máy khi chạy các game hay ứng dụng 3D trên thực tế cũng chẳng thua kém gì Galaxy S II.
     
    Vấn đề là ở chỗ, không phải người sử dụng nào cũng có đủ kiến thức để lý giải vì sao kết quả benchmark của chiếc smartphone này lại thấp hơn chiếc smartphone khác. Đối với người dùng phổ thông, chúng ta luôn thích những con số rành mạch, đơn giản để đem ra so sánh một cách dễ dàng. Đáng tiếc là những con số ấy không phải bao giờ cũng đúng. Chốt lại, hãy làm người tiêu dùng thông thái và đừng để các kết quả có-vẻ-chuyên-nghiệp kia làm lung lạc hay thay đổi quyết định lựa chọn của mình, thay vào đó trước khi chọn mua 1 chiếc smartphone nào, hãy tận tay thử nghiệm nó. Nếu bạn cảm thấy hài lòng thì hãy móc ví trả tiền.


    Tham khảo: PhoneArena.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ