Kỳ triển lãm
CES 2011 vừa kết thúc vừa rồi có thể coi là một thành công với
Intel. Thế hệ CPU mới mang tên
Sandy Bridge của hãng đã được đánh giá rất cao về công nghệ áp dụng, hiệu suất, tốc độ xử lý. Theo đánh giá của CEO
Intel Paul Otellini, dòng chip mới trên sẽ chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu của
Intel trong năm 2011.
Nhưng đó cũng là một hội chợ thành công, thậm chí là rất thành công đối với
ARM. Điểm thú vị là hãng sản xuất có trụ sở đặt tại Cambridge này thậm chí còn chẳng phải làm gì. Ông trùm công nghệ số 1 thế giới
Microsoft đã làm tất cả mọi việc cho hãng.
Theo như thông cáo chính thức của Microsoft trong buổi ra mắt của phiên bản
Windows mới tại CES, những sản phẩm máy tính bảng trong tương lai, thậm chí là cả netbook sẽ được đưa vào danh sách hỗ trợ của hệ điều hành đang được phát triển. Ông lớn này cũng cam đoan rằng OS mới sẽ hỗ trợ đầy đủ kiến trúc
ARM, cũng như các thế hệ chip của
Intel và
AMD.
Ngay sau công bố trên của Microsoft, cổ phiếu của ARM đã tăng 7% trên thị trường chứng khoán. Điều đó cho thấy, giới đầu tư cũng như người yêu thích công nghệ mong chờ sự hợp tác mới mẻ của ARM và Microsoft lớn đến mức nào. Hơn nữa, họ còn tin rằng một liên minh vững chắc và “ra sản phẩm” sẽ đem lại nhiều thành công hơn cho cả 2.
Trong khi đó, một số nhà phân tích công nghệ đã bắt đầu đưa ra ý kiến rằng “thời kỳ bắt đầu của sự sụp đổ đế chế Intel đã đến” và “thời thống trị thị trường rộng lớn của một công ty nhỏ (ARM) đã được khởi động”. Đó hoàn toàn không phải là những thái cực trái chiều, nhưng người ta cũng nhận ra rằng Intel chắc chắn sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn trong tương lai nếu còn muốn chiếm ngôi độc bá thị trường CPU.
Còn nhớ, thời kỳ các dòng chip của AMD có thể “tay bo” với chip Intel đã kết thúc từ rất lâu, từ ngày còn chip Pentium 4. Sau đó, các thế hệ kiến trúc vi mạch Core ra đời đã đánh dấu chấm hết cho sự cạnh tranh bên phía AMD. Ngày nay, Sandy Bridge được coi là bước cuối cùng trong chuỗi tiến hóa đó. Nhưng Intel có thể sẽ không còn gì sau thế hệ CPU mới này.
Một thế mạnh của
ARM là họ sử dụng những model có thể chuyển giao được. Điều đó có nghĩa rằng những nhà sản xuất như
Nvidia với Tegra hay Qualcomm với Snapdragon có thể điều chỉnh tùy theo ý họ trước khi sản xuất. Trong khi đó, những sự thay đổi trong thiết kế là điều tối kỵ mà
Intel không bao giờ muốn nhắc đến.
Tất nhiên, điểm mạnh của Intel vẫn là sự thống trị lâu đời cũng như tên tuổi nổi tiếng của hãng. Còn bên phía ARM vẫn còn có phần non kém nếu so với đối thủ lão làng. Thế nhưng điều đó cũng không phải là một sự đảm bảo vững chắc cho tương lai chắc chắn của Intel trên chiếc ghế vàng thị trường CPU toàn cầu.