Vận dụng tốc độ chụp (phần II)

    Tiểu Phong, Tiểu Phong 

    Chắc hẳn bạn đọc còn nhớ, ở cuối bài viết số trước, GenK có đưa ra 4 tấm hình sưu tầm trên Internet và đố các bạn thử đoán xem nhiếp ảnh gia đã chụp chúng như thế nào. Ở bài viết lần này tôi sẽ đưa ra lời giải đáp, cũng chính là hướng dẫn các bạn cách chụp 4 thể loại ảnh chuyển động thường gặp nhất trên thế giới.

    Chắc hẳn bạn đọc còn nhớ, ở cuối bài viết số trước, GenK có đưa ra 4 tấm hình sưu tầm trên Internet và đố các bạn thử đoán xem nhiếp ảnh gia đã chụp chúng như thế nào. Ở bài viết lần này tôi sẽ đưa ra lời giải đáp, cũng chính là hướng dẫn các bạn cách chụp 4 thể loại ảnh chuyển động thường gặp nhất trên thế giới. Và bắt đầu từ tuần này, Chuyên đề máy ảnh số trên GenK sẽ bắt đầu một loạt bài mới, đó là những bài viết hướng dẫn chi tiết cách chụp ảnh. Bạn đọc có thể tìm kiếm những bài viết dạng này tại tag Kinh nghiệm chụp ảnh.
     
    1.      Ảnh blur motion (hay slow down)
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần II) 1
    Blur motion với chủ thể đứng yên là người đàn ông cầm ô (dù).
     
    Bản chất của thể loại ảnh này là miêu tả các chuyển động thông qua việc so sánh chúng với một chủ thể đứng yên. Bằng cách đó, người chụp có thể tạo ra ấn tượng sâu sắc về sự vận động của cuộc sống và dòng chảy của thời gian. Cách chụp rất đơn giản:
     
    -         Cần một chủ thể đứng yên làm cột mốc, xung quanh là các vật thể chuyển động theo một hoặc nhiều quỹ đạo khác nhau tùy chủ ý người chụp.
     
    -         Chọn chế độ Ưu tiên tốc độ (xem lại bài viết số trước), thiết lập tốc độ chụp chậm hơn tốc độ di chuyển của các vật thể chuyển động (thường thấp hơn 1/10s).
     
    -         Đảm bảo máy không rung bằng cách đặt chúng lên một mặt phẳng cố định hoặc sử dụng tripod.
     
    -         Lấy nét vào chủ thể đứng yên và bấm chụp.
     
    2.      Ảnh panning (lia máy)
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần II) 2
    Panning với chủ thể là người bán hàng rong đạp xe trên phố khuya.
     
    Ảnh panning hay kỹ thuật chụp lia máy là một kỹ thuật khó trong nhiếp ảnh. Ngay cả những nhiếp ảnh gia nổi tiếng cũng khó dám cam đoan mọi tấm hình mình chụp với kỹ thuật này đều thành công. Về bản chất, panning là việc đóng băng một chủ thể đang chuyển động, trong khi lại tạo ra cảm giác về sự chuyển động cho hậu cảnh theo phương chuyển động của chủ thể. Cách chụp như sau:
     
    -         Cần một chủ thể chuyển động, tốt nhất là theo phương nằm ngang trên khung hình.
     
    -         Cần một khung cảnh đủ rộng để có thể đảm bảo chủ thể sẽ nằm trọn trong khung hình trong quá trình chụp.
     
    -         Hậu cảnh nên có sự đồng nhất nhưng không trống trải để có thể nhìn rõ hiệu ứng nhòe.
     
    -         Không có các vật thể khác làm vướng khung hình.
     
    -         Thiết lập máy ở chế độ chụp Ưu tiên tốc độ, chọn tốc độ tương đối bằng với tốc độ chuyển động của chủ thể. Thông thường, với người đi bộ là 1/10s, với người đi xe đạp là 1/15s – 1/20s, với người đi xe máy và ô tô là 1/60s hoặc nhanh hơn.
     
    -         Chọn chế độ lấy nét tự động liên tục (AF-C / AI Servo) để bám nét chủ thể trong suốt quá trình lấy nét và chụp (object tracking).
     
    -         Chọn chế độ chụp đơn.
     
    -         Đứng ở vị trí vuông góc với khung hình ước lượng sẽ chụp.
     
    -         Bắt đầu lấy nét chủ thể (nhấn nửa nút chụp) từ trước khi chủ thể tiến vào khung hình sẽ chụp, giữ nét (giữ nguyên nửa nút chụp, không nhả tay ra hay bấm hết).
     
    -         Bấm chụp (nhấn hết nút chụp) khi chủ thể bắt đầu tiến vào khung hình.
     
    -         Lia máy theo phương nằm ngang, song song cùng chiều với hướng chuyển động của chủ thể cho tới khi máy chụp xong.
     
    Yếu tố quan trọng tạo nên một tấm hình panning thành công là tốc độ ban đầu bạn chọn phải tương đối bằng với tốc độ chuyển động của chủ thể, và trong quá trình lia máy phải đều tay (không giật khựng, không lúc nhanh lúc chậm, không lúc lên lúc xuống), bám sát theo chủ thể (không vượt lên trước, không bị hụt lại đằng sau chủ thể). Trong một số trường hợp chủ thể chuyển động quá nhanh hoặc điều kiện chụp thiếu sáng quá nhiều, bạn có thể dùng thêm đèn flash để  “đóng băng” chủ thể được tốt hơn.
     
    3.      Ảnh chụp tốc độ cao
     
    Ảnh chụp tốc độ cao nhằm “đóng băng” một chuyển động cực nhanh, giúp ta quan sát thấy những gì mà mắt thường không kịp nhìn thấy. Cách chụp cực kỳ đơn giản, ví dụ như với tấm hình này:
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần II) 3
     
    -         Chọn chế độ chụp Ưu tiên tốc độ (Tv).
     
    -         Chọn chế độ lấy nét liên tục (AF-C / AI Servo) và chế độ chụp liên tục tốc độ cao (Continuous shooting / High continuous shooting).
     
    -         Thiết lập máy ở ISO cao (ISO 800 trở lên) hoặc vào Menu, chọn ISO Auto với Minimum Shutter Speed là 1/500s.
     
    -         Nên có một nguồn sáng mạnh rọi vào quả trứng (chủ thể) để đảm bảo ảnh đủ sáng ở tốc độ cao, hoặc sử dụng đèn flash rời có công suất lớn, nạp điện nhanh để đánh sáng liên tục.
     
    -         Chăng phía sau quả trứng một phông nền đồng màu (ở đây là tấm vải màu đen) để tăng thêm hiệu quả cho ảnh chụp.
     
    -         Lấy nét vào quả trứng, khóa nét (giữ phím AF lock hoặc giữ nửa nút chụp, không buông tay ra).
     
    -         Đếm 3… 2… 1, ngay khi bóp cò súng thì đồng thời nhấn hết nút chụp và giữ không buông tay cho tới khi quả trứng vỡ tan ra.
     
    -         Xem lại hình đã chụp, bạn sẽ được một loạt hình từ khi quả trứng còn nguyên cho tới khi viên đạn chạm vào nó, xuyên qua nó (ảnh trên) và làm vỡ hoàn toàn quả trứng. Chọn tấm hình mà bạn muốn, thế là xong.
     
    4.      Ảnh phơi sáng
     
    Những tấm hình phơi sáng mà bạn thường gặp đa số được chụp từ trên cao tại các cung đường đẹp, nhằm ghi lại “vũ điệu” của xe cộ thông qua các vệt đèn pha kéo dài.
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần II) 4
    Ảnh phơi sáng ở hầm Kim Liên.
     
    Tuy nhiên đó không phải là chủ đề duy nhất của ảnh phơi sáng. Người ta thậm chí có thể phơi sáng vào… giữa buổi trưa, để ghi lại chuyển động của những đám mây vốn bay với tốc độ rất chậm (thực chất có thể rất nhanh nhưng do khoảng cách quá xa nên khiến ta cảm giác chúng như mấy con rùa đang bò) hoặc biến dòng nước đang chảy thành những làn khói mỏng manh. Về bản chất, ảnh phơi sáng là cưỡng ép máy ảnh chụp với tốc độ chụp cực chậm (từ vài giây tới vài chục giây, thậm chí là tính theo đơn vị phút hoặc giờ) để tấm hình được ghi lại đủ sáng, thông qua việc khép độ mở ống kính lại thật sâu, và do đó tạo ra một tấm hình với vùng DOF cực dày, nét đến từng chi tiết. Cách chụp cũng tương tự như với ảnh blur motion nhưng phức tạp hơn và yêu cầu một số thiết bị hỗ trợ:
     
    -         Chọn một nguồn sáng làm nguồn sáng chuẩn của tấm hình. Nghĩa là khi lên hình, nguồn sáng đó sẽ có giá trị EV bằng giá trị EV mong muốn cho cả tấm hình. Thông thường trong ảnh phơi sáng, đặc biệt là phơi sáng buổi tối, nguồn sáng chuẩn nên có EV thấp hơn giá trị 0. Bạn có thể thử nhiều lần, ví dụ EV = -1/3, -2/3, -1,… cho tới khi đạt được hiệu quả như mong muốn.
     
    -         Thiết lập ISO nhỏ nhất có thể (100, 200 hoặc 50 tùy từng máy). Chuyển máy về chế độ đo sáng điểm (spot metering), chế độ chụp Programme (ký hiệu chữ P). Ở chế độ chụp này, máy cho phép ta tự thiết lập ISO, máy sẽ tính toán cặp thông số độ mở ống kính – tốc độ chụp sao cho ảnh đủ sáng.
     
    -         Nếu ống kính sử dụng là ống kính dải tiêu cự thì đẩy ra đến tiêu cự dài nhất, lấy nét vào nguồn sáng đã chọn làm chuẩn ở trên
     
    -         Trong quá trình lấy nét, máy sẽ đồng thời đo sáng cho nguồn sáng đã chọn. Cặp thông số độ mở ống kính / tốc độ chụp máy chọn sẽ hiển thị trong khung ngắm. Sử dụng vòng xoay trên máy để điều chỉnh cặp thông số này sao cho tốc độ chụp từ 15s trở lên, độ mở ống kính càng nhỏ càng tốt, thậm chí là f/22.
    -         Ghi nhớ cặp thông số này.
     
    -         Chuyển máy về chế độ chụp Manual (ký hiệu chữ M) và thiết lập sẵn cặp thông số tốc độ chụp – độ mở ống kính vừa ghi nhớ (*).
     
    -         Tắt bỏ chống rung trên ống kính, tắt bỏ tính năng khử nhiễu khi chụp ở phơi sáng dài (Long Exposure Noise Reduction), tháo bỏ kính lọc UV trên ống kính nếu có.
     
    -         Đặt máy trên tripod hoặc mặt phẳng vững chắc, vì thời gian chụp rất dài, tay người không thể giữ nổi, chuyển máy sang chế độ chụp hẹn giờ(**).
     
    -         Điều chỉnh ống kính về tiêu cự như mong muốn, lấy nét vào chủ thể mình chọn (nhấn nửa nút chụp), vẫn giữ nguyên nửa nút chụp bằng ngón trỏ tay phải, tay trái cùng lúc gạt máy (hoặc ống kính) sang chế độ lấy nét bằng tay (manual focus). Sau đó có thể buông tay khỏi nút chụp (***).
     
    -         Bố cục hình theo ý muốn, chú ý lúc này không được di rời máy ra khỏi khoảng cách tới chủ thể đã đặt lúc lấy nét, nếu không ảnh sẽ mất nét.
     
    -         Bấm chụp, vì là chụp hẹn giờ nên máy sẽ đếm ngược một khoảng thời gian trước khi chính thức chụp. Quá trình chụp diễn ra rất dài (vài chục giây) nên cần đảm bảo không có bất cứ tác động nào làm rung máy cho tới khi ảnh review hiện lên trên màn hình LCD.
     
    (*) Sở dĩ ta phải sử dụng 2 chế độ chụp phức tạp như vậy là vì:
     
    - Chế độ chụp Programme về bản chất gần giống chế độ chụp Auto, chỉ thêm ở chỗ ta có thể tự thiết lập điểm lấy nét, ISO, cân bằng trắng và đèn flash mà thôi. Bằng cách sử dụng chế độ chụp Programme, ta nhờ máy tính toán hộ thông số về độ mở ống kính và tốc độ chụp. Lưu ý là ở lần lấy nét này (lấy nét lần 1), ta lấy nét vàonguồn sáng chuẩn của tấm hìnhsẽ chụp chứ không phải lấy nét vào chủ thể của tấm hình (lấy nét lần 2), mục đích là để máy thực hiện việc đo sáng và cho ta cặp thông số cần thiết mà thôi.
     
    - Nếu vẫn sử dụng chế độ chụp này để thực hiện lần lấy nét thứ 2 thì vì tính chất auto của nó, máy sẽ lặp lại quy trình đo sáng thêm lần nữa. Bởi vì ánh sáng của chủ thể tấm hìnhánh sáng của nguồn sáng chuẩnkhông phải lúc nào cũng là một, nên lần đo sáng thứ 2 này vô tình sẽ làm mất đi cặp thông số mà ta cần ở bước trước.
     
    - Chế độ chụp Manual giúp ta giải quyết vấn đề đó. Bởi đây là chế độ chỉnh tay hoàn toàn, nên ta có thể thiết lập cho máy cặp thông số đã ghi nhớ từ lần lấy nét 1, và máy sẽ không tự động đo sáng lại trong lần lấy nét 2 nữa.
     
    (**) Trong quá trình bấm chụp, ta có thể vô tình ấn mạnh tay khiến máy bị rung lắc theo chiều chúi xuống, kết quả là ảnh sẽ bị nhòe do tốc độ chụp vốn đã rất chậm. Sử dụng chế độ chụp hẹn giờ là để máy có quãng thời gian (từ lúc nhấn chụp và thả tay cho tới khi thực sự chụp) triệt tiêu sự rung máy này. Tuy nhiên với chế độ chụp hẹn giờ trên máy, tốc độ chụp lâu nhất mà máy đạt được thông thường chỉ ở mức 30s. Trong khi đó trong nhiều hoàn cảnh đặc biệt, thời gian chụp có thể phải lên đến hàng giờ mới tạo được hiệu ứng về ánh sáng như mong muốn. Lúc này bạn sẽ cần một dây bấm mềm, là một tay cầm điều khiển (remote) gắn liền với máy. Bạn thiết lập tốc độ chụp trên tay cầm điều khiển này, bấm chụp cũng trên tay cầm điều khiển này, nên không cần phải đặt máy ở chế độ hẹn giờ nữa.
     
    (***) Khi chúng ta thực hiện thao tác lấy nét, thấu kính bên trong ống kính sẽ xê dịch tới vị trí mà chủ thể đạt được độ nét tối đa. Lúc này, chuyển máy (hoặc ống kính) sang chế độ lấy nét tay nhằm mục đích cố định thấu kính ở vị trí đã lấy nét. Bởi trong quá trình chụp (vốn rất dài), bất cứ một vật thể không ngờ đến nào đó vô tình lạc vào khung hình cũng có thể khiến máy lầm tưởng đó là chủ thể mới, và tự động thực hiện lại việc lấy nét vào đối tượng mới đó. Kết quả là hình chụp ra không nét vào cái gì cả.
     
    Hình chụp phơi sáng nghe có vẻ rất phức tạp, nhưng thực hiện thử vài lần (có thể bỏ qua 1 bước nào đó ở trên hoặc thay đổi chúng theo hướng bạn suy nghĩ rằng như thế mới đúng) và dựa vào sự sai khác về kết quả đạt được, bạn sẽ tự hiểu ra những điều còn khúc mắc. Cũng cần lưu ý rằng đây là kinh nghiệm chụp phơi sáng của bản thân tác giả, và Genk lựa chọn theo tiêu chí đảm bảo mức độ thành công cao nhất cho bạn đọc, còn với nhiều người khác, trong nhiều điều kiện chụp khác nhau có thể sẽ có các cách phơi sáng của riêng họ.
     
    Để phơi sáng được vào giữa buổi trưa, bạn đọc sẽ cần một kính lọc gọi là ND filter. Kính lọc này gần giống như một chiếc kính râm chất lượng cao, gắn vào thấu kính trước của ống kính, khiến ống kính tối đi như thể đang chụp buổi đêm vậy. Và do đó thời gian chụp sẽ bị kéo dài ra so với thực tế ánh sánh tại thời điểm chụp.
     
    Trong bài viết tuần tới, GenK sẽ gửi tới bạn đọc cách chụp ảnh bay - một trào lưu chụp ảnh từng "rất hot" một thời và một số thể loại khác nữa.
     
    Xem tất cả các bài viết thuộc Chuyên đề máy ảnh số.
    Xem những bài viết thuộc Kiến thức nhiếp ảnh.
    Xem các bài viết về Kinh nghiệm chụp ảnh.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ