Vận dụng tốc độ chụp (phần I)

    Tiểu Phong, Tiếu Phong 

    Hi vọng sau bài viết của tuần trước bạn đã chụp được những tấm ảnh "xóa phông" tuyệt đẹp với chiếc máy ảnh du lịch của mình. Đến với chủ đề tuần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tốc độ chụp trong nhiếp ảnh.

    Như thường lệ vào 0h thứ năm hàng tuần, tôi lại đồng hành cùng độc giả trong Chuyên đề máy ảnh số trên GenK. Ở bài viết của tuần trước, bạn đọc đã được tìm hiểu về Độ mở ống kính và những tác dụng của nó. Hi vọng sau bài viết đó bạn đã chụp được những tấm ảnh "xóa phông" tuyệt đẹp với chiếc máy ảnh du lịch của mình. Đến với chủ đề tuần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tốc độ chụp trong nhiếp ảnh.
     
    Nếu đã từng học qua Vật lý phổ thông, chắc hẳn bạn đọc còn nhớ rằng khái niệm về chuyển động và vận tốc đều chỉ mang tính tương đối. Một vật chuyển động hay đứng im, có vận tốc bao nhiêu còn phụ thuộc vào vật dùng để làm mốc. Ví dụ người ngồi trên ô tô đang chạy với vận tốc 60 km/h sẽ có vận tốc 60 km/h với chiếc cột đèn bên vệ đường, nhưng lại có vận tốc bằng 0 so với chính chiếc xe ô tô đó.
     
    Vận dụng tính tương đối đó vào trong nhiếp ảnh, bạn đọc có thể sử dụng tốc độ chụp như một thứ công cụ vô cùng lợi hại để miêu tả lại mọi sự chuyển động của vật thể theo ý mình. Biến một dòng thác đang tung bọt trắng xóa thành những làn khói mỏng manh, hay khiến chúng vỡ vụn ra thành hàng trăm nghìn giọt nước nhỏ… đều trở thành những việc hết sức đơn giản. Và cụ thể hơn, ở bài viết này GenK sẽ hướng dẫn các bạn cách vận dụng tốc độ chụp vào hai mục đích chụp chuyển động chính:
     
    1.       “Đóng băng” một chuyển động
     
    “Đóng băng” một chuyển động, tức là khi ghi lại dưới dạng ảnh chụp, vật thể đó dù đang di chuyển với tốc độ nhanh đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng trở thành bất động. Để làm được điều đó, tốc độ chụp phải nhanh bằng, hoặc tốt hơn hết là nhanh hơn vận tốc của vật thể cần chụp.
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần I) 1
    Trào lưu chụp ảnh bay rầm rộ một thời, về bản chất chính là “đóng băng” một chuyển động trên không.
     
    Ở bài viết về Các thông số cơ bản trong nhiếp ảnh, ta đã biết rằng tốc độ chụp là thời gian tính từ lúc màn trập mở ra cho tới khi nó đóng lại. Giá trị tốc độ chụp trên máy ảnh có thể lớn hoặc nhỏ hơn 1 giây:
     
    -         Các giá trị nhỏ hơn 1 giây, ví dụ 1/4s, 1/20s, 1/250s,… được ký hiệu dưới dạng thập phân như trên, hoặc chỉ ghi mẫu số.
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần I) 2
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần I) 3
    Cách hiển thị giá trị nhỏ hơn 1s (bên phải là thông số về độ mở ống kính) trên màn hình máy ảnh.
     
    -         Các giá trị lớn hơn 1 giây, ví dụ 2s, 10s, 30s,… được ký hiệu dưới dạng 2”, 10”, 30”…
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần I) 4
    Cách hiển thị giá trị lớn hơn 1s trên màn hình máy ảnh.
     
    Muốn đóng băng một chuyển động, trước tiên cần phải ước lượng được tốc độ của chuyển động đó. Tiếp theo là xác định phương của chuyển động. Ví dụ một người đang đi xe máy chạy ngang qua theo phương vuông góc với hướng máy ảnh sẽ có tốc độ (xin lưu ý rằng khái niệm “tốc độ” ở đây – như đã nói ở trên – chỉ mang tính tương đối) chuyển động nhanh hơn so với một chiếc ô tô đang chạy theo hướng trực diện về phía máy ảnh. Từ đó, ta xác định một tốc độ chụp sao phù hợp. “Giá trị phù hợp” ở đây có thể phải thử đi thử lại nhiều lần cho tới khi bạn tự rút ra được kinh nghiệm cho bản thân trong từng tình huống chụp cụ thể, chứ không có một “con số vàng” nào sẵn trước.
     
    Để điều chỉnh được tốc độ chụp trên máy ảnh ống kính rời, ta có thể sử dụng chế độ chụp Ưu tiên tốc độ (Shutter-speed Priority). Chế độ này thường được ký hiệu bởi chữ S, hoặc T, hoặc Tv.
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần I) 5
    Chế độ chụp Ưu tiên khẩu độ được ký hiệu bằng chữ Tv trên máy. Chế độ chụp Thể thao có hình người đang chạy.
     
    Sử dụng các phím chức năng tùy theo từng máy (bạn đọc nên đọc hướng dẫn sử dụng đi kèm với chiếc máy của mình bởi mỗi mẫu máy lại có một thiết kế khác nhau) để điều chỉnh tốc độ.
     
    Lấy nét vào chủ thể đang chuyển động và nhấn chụp. (*)
     
    Với các máy du lịch không có chế độ tùy chỉnh tốc độ thủ công, các bạn có thể sử dụng chế độ chụp Thể thao (Sport) hoặc chụp Trẻ em / Thú cưng (Baby / Kid / Pet) để thay thế. Cũng giống như các chế độ chụp Chân dung, Phong cảnh đã nói tới ở bài trước, các chế độ chụp này về bản chất được máy thiết lập sẵn một tốc độ chụp tương đối cao, kèm theo các phương thức tính toán về canh nét bám theo chủ thể (object tracking) (**) và sử dụng đèn flash (***) để bắt đứng hình.
     
    (*)(**) Để đạt được kết quả cao nhất trong thể loại ảnh chụp chuyển động, ngoài tốc độ chụp, bạn cần phải kiểm soát được một tính năng nữa gọi là Tùy chọn lấy nét (Auto-focus settings). Thông thường chúng được chia làm 2-3 loại:
     
    - Single auto-focus (AF-S): Tự động lấy nét một lần. Bạn hướng máy về chủ thể, nhấn nút chụp xuống một nửa để máy lấy nét, và nhấn tiếp đến kịch nút để chụp. Trong khoảng thời gian từ sau khi nhấn nửa nút chụp đến nhấn hết, máy không lấy nét thêm lần nào nữa dù chủ thể có rời khỏi vị trí ban đầu.
     
    - Continuous auto-focus (AF-C): Tự động lấy nét liên tục. Điểm khác biệt so với AF-S là trong khoảng thời gian từ lúc nhấn nửa nút chụp cho tới khi nhấn hết, máy liên tục tái thực hiện việc lấy nét. Đây là loại bạn sẽ thường sử dụng khi chụp ảnh chuyển động.
     
    - Automatic auto-focus (AF-A): Máy tự nhận biết dạng chủ thể là tĩnh hay động để chọn hoặc AF-S hoặc AF-C.
     
    Ở các mẫu máy Canon, việc phân loại Tùy chọn lấy nét có thể hơi khác. Cụ thể:
     
    -         One-shot AF: tương tự AF-S ở trên
    -         AI Servo: tương tự AF-C
    -         AI Focus: tương tự AF-A
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần I) 6
    Chọn AI Servo (hoặc AF-C) trong AF mode để chụp chuyển động đạt hiệu quả tốt hơn.
     
    (***) Trong nhiều trường hợp, khi tốc độ chụp đã được đẩy lên rất nhanh rồi mà độ mở ống kính và độ nhạy sáng không thể mở rộng hoặc tăng lên để đáp ứng theo được thì ảnh sẽ bị thiếu sáng (tối). Lúc này, bạn buộc phải sử dụng flash như một nguồn sáng bổ sung để đảm bảo bắt đứng được chủ thể đang chuyển động.
     
    Một tính năng khác sẽ hỗ trợ bạn “đóng băng” một chuyển động thành công, đó là sử dụng chế độ chụp liên tiếp (Continuous Shot). Trên máy ảnh du lịch, tính năng này thường được bố trí ngay trên phím cứng có hình chiếc đồng hồ. Khi bấm vào đây, máy sẽ hiện ra menu tùy chọn bao gồm các chế độ: Single shot (chụp đơn), Continuous shot (chụp liên tiếp) và Self-timer shot (chụp hẹn giờ). Bạn hãy chọn Continuous shot. Lúc này, máy sẽ chụp liên tiếp nhiều tấm hình cho đến khi ngón tay bạn nhả khỏi nút chụp.
     
    Còn trên máy ảnh ống kính rời, chế độ này thường được đặt trong phím cứng có ghi chữ Drive.
     
    Bấm vào đây và bạn sẽ có các tùy chọn Single shot, Continuous shot (một số máy còn chia thành Low Continuous shot và High Continuous shot, trong đó High Continuous shot cho tốc độ chụp liên tiếp nhanh hơn nhưng độ phân giải ảnh sẽ bị giảm), Self-timer shot, Remote-control shot (chụp với điều khiển từ xa, là một phụ kiện phải mua thêm).
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần I) 7
    Drive mode trên máy. Từ trái qua phải: Chụp đơn, Chụp liên tiếp tốc độ cao,
    Chụp liên tiếp, Chụp hẹn giờ, Chụp hẹn giờ tùy chỉnh thời gian.
     
    Các bạn cũng cần chú ý rằng mỗi máy có khả năng chụp liên tiếp số tấm hình khác nhau, ví dụ Canon 1D-X mới ra mắt có thể chụp liên tiếp tới 10 tấm hình/giây, trong khi Nikon D3000 thuộc dòng máy bình dân chỉ chụp được tối đa 3 hình/giây. Và sau khi chụp xong, máy sẽ mất một khoảng thời gian khá lâu để lưu tất cả hình vừa chụp vào thẻ nhớ. Một thẻ nhớ với tốc độ đọc/ghi nhanh sẽ hữu ích trong trường hợp này.
     
    2.      Miêu tả một chuyển động
     
    Trái ngược với “đóng băng” một chuyển động, miêu tả một chuyển động là phương pháp tạo ra các hiệu ứng mờ nhòe chủ thể một cách cố ý. Mục đích của nó, đúng như tên gọi, là để người xem có thể cảm nhận được về không gian, phương hướng, tính chất của chuyển động. Ví dụ như trong một cuộc đua mô tô phân khối lớn, việc làm nhòe với từng vệt ánh sáng lớn kéo theo đuôi xe sẽ giúp người xem cảm nhận được tốc độ, hướng chuyển động và sức mạnh của bộ môn thể thao này. Trong khi đó với bộ môn múa nghệ thuật, một vài chuyển động mờ nhòe nơi cánh tay, vạt áo của diễn viên giúp người xem hình dung được sự uyển chuyển, sống động của vở múa. Tương tự như vậy, miêu tả ngọn gió – vốn là thứ vô hình – đang thổi trên cánh đồng cỏ lau, chỉ có thể bằng cách tạo ra những mờ nhòe rất nhẹ để người xem biết được rằng có gió khiến những ngọn lau này lung lay.
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần I) 8
    Miêu tả sự hiện diện và tính chất của gió bằng cách làm chậm chuyển động của các ngọn cỏ lau.
     
    Cách chụp thể loại ảnh này cũng giống như trên, chỉ có điều thay vì thiết lập tốc độ nhanh hơn, ta sẽ chọn một tốc độ chụp chậm hơn tốc độ chuyển động của chủ thể sao cho đạt được kết quả vừa ý nhất.
     
    Trong bài viết tuần sau, GenK sẽ giới thiệu với các bạn một số loại hình nhiếp ảnh chuyển động đặc sắc trên thế giới và cách thực hiện chúng. Còn bây giờ, mời các bạn hãy thử đoán xem những tấm hình sau được chụp như thế nào?
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần I) 9
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần I) 10
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần I) 11
     
    Vận dụng tốc độ chụp (phần I) 12
    Nguồn ảnh: Internet.
     
    Xem tất cả các bài viết của Chuyên đề máy ảnh số.
    Xem tất cả các bài viết về Kiến thức nhiếp ảnh.