Vận dụng độ mở ống kính (phần II)

    Tiểu Phong, Tiếu Phong 

    Tới thời điểm này, Chuyên đề máy ảnh số đã cung cấp cho bạn đọc kha khá kiến thức về nhiếp ảnh. Tuy chưa nhiều, nhưng đủ để khiến những ai chưa có kiến thức căn bản về nhiếp ảnh - sẽ không hiểu bài viết này nói gì. Vậy nên nếu thực sự muốn hiểu hết ý tứ của bài viết, và muốn tìm hiểu một cách nghiêm túc về nhiếp ảnh, bạn hãy đọc qua những bài đã xuất bản trước đó thuộc Chuyên đề máy ảnh số. Tiếp nối chủ đề của tuần trước, tuần này GenK sẽ hướng dẫn các bạn cách vận dụng các tính chất của độ mở ống kính vào một bức ảnh chụp để đạt được hiệu quả tốt nhất. Và như một số bạn mong đợi, là cách chụp được ảnh chân dung "xóa phông" với máy ảnh du lịch. Trước hết, chúng ta hãy đi vào từng dạng ảnh:
     
    1. Ảnh phong cảnh
     
    Một đặc điểm rất thường thấy của những tấm hình thuộc thể loại ảnh phong cảnh là góc nhìn cực rộng, và rõ nét đến từng chi tiết.
     
    Nếu các bạn đã từng xem tấm hình chụp toàn cảnh hồ Gươm của nhiếp ảnh gia Dương Vi Khoa mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chắc hẳn sẽ rất thích thú với việc có thể nhìn thấy rõ cả biển số xe của người đang đi trên đường khi zoom lớn lên. Để làm được điều đó, ngoại trừ độ phân giải cực lớn (lên đến 6 tỷ điểm ảnh), tấm hình còn phải được chụp với DOF cực dày, cụ thể là đủ dày để bao phủ hết khoảng không gian xung quanh hồ từ điểm gần máy ảnh nhất cho tới điểm ở xa vô cực (xem lại định nghĩa về DOF ở bài viết trước). Như vậy, mọi chủ thể bên trong tấm hình dù có được trực tiếp lấy nét (focus) hay không, vẫn sẽ đảm bảo có được độ nét nhất định.
     
    Ta đã biết rằng DOF dày hay mỏng phụ thuộc vào độ mở ống kính, nên cách để chụp một bức ảnh phong cảnh “nét căng tới tận chân trời” là sử dụng chế độ chụp ưu tiên khẩu độ (Aperture Priority – thường được ký hiệu là A hay Av) thường có trên máy ảnh ống kính rời hoặc máy ảnh du lịch cao cấp, thiết lập độ mở ống kính thật nhỏ. Theo đó, độ mở ống kính được cho là lý tưởng để chụp ảnh phong cảnh là f/8 – f/11.
     
    Vận dụng độ mở ống kính (phần II) 1
    Tấm hình chụp vịnh Hạ Long này được khép khẩu độ f/10 để đảm bảo ngay cả ngọn núi ở phía xa cũng rõ nét.
     
    Ta cũng đã biết rằng, độ mở ống kính, tốc độ chụp và ISO là 3 thông số có tác động qua lại với nhau. Khi chụp một tấm hình ở độ mở ống kính nhỏ như vậy, trong điều kiện ánh sáng không thuận lợi sẽ dễ dẫn đến hiện tượng nhòe hình do tốc độ màn trập bị hạ xuống quá thấp khiến tay cầm không giữ yên nổi. Cách xử lý ở đây có thể là tăng ISO lên cao, nhưng điều này lại dẫn đến một rắc rối khác là chất lượng hình ảnh giảm do bị nhiễu (noise). Vậy nên những chuyên gia chụp ảnh phong cảnh luôn có bên mình một chiếc tripod (chân máy ảnh chạc ba). Bằng cách đó, họ có thể hạ tốc độ chụp xuống thấp hơn mức tay người giữ được mà vẫn đảm bảo không bị rung máy.
     
    Với các máy du lịch đời thấp không can thiệp được vào thông số về khẩu độ, thì cách tối ưu là sử dụng chế độ chụp Landscape (thường nằm ngay trên bánh xe xoay, hoặc nằm sâu bên trong chế độ chụp Scene – ký hiệu là SCN) trên máy. Về bản chất, nhà sản xuất đã lập trình sẵn cho chế độ chụp này một giá trị khẩu độ đủ nhỏ và phương thức lấy nét toàn cảnh để tối ưu hóa cho thể loại ảnh phong cảnh. Ở một số mẫu máy, chế độ chụp này được chia thành 2 phần là Landscape (dùng cho cả ảnh chụp ban ngày lẫn buổi tối) và Night Landscape / Night Capture hoặc Night Scenery (tối ưu hóa cho chụp phong cảnh ban đêm). Dù sử dụng chế độ nào đi chăng nữa, các bạn cũng nên có một chiếc tripod loại nhỏ hoặc tựa máy vào chỗ nào đó chắc chắn để giảm thiểu hiện tượng rung máy.
     
    Vận dụng độ mở ống kính (phần II) 2
    Chế độ chụp phong cảnh có hình quả núi, hoặc nằm ẩn phía trong chế độ chụp SCN tùy cách bố trí của từng máy.
     
    Tùy vào chủ đề của tấm hình, bên cạnh việc thiết lập ống kính ở khẩu độ lý tưởng, thể loại ảnh phong cảnh có thể còn yêu cầu người chụp một số kỹ thuật khác như “lấy nét siêu nét” (hyperfocal focusing), sử dụng dây bấm rời và các kính lọc hiệu ứng (filters) để “phơi sáng” trong thời gian dài, tạo hiệu ứng nổi rõ mây, v..v.. Các vấn đề này sẽ được nói tới trong bài viết về Kỹ thuật chụp ảnhPhụ kiện nhiếp ảnh số.
     
    2. Ảnh chân dung, tĩnh vật
     
    Trái ngược với ảnh phong cảnh, thể loại ảnh chân dung, tĩnh vật lại ưa chuộng DOF mỏng, tạo hiệu ứng bokeh để làm nổi bật một (hoặc một vài) chủ thể duy nhất.
     
    Để làm được như vậy, người sử dụng máy ảnh ống kính rời nên có một ống kính chuyên dụng với độ mở lớn. Thông thường, độ mở f/2.8 được coi là lý tưởng để chụp ảnh chân dung vì nó tạo ra một vùng DOF vừa đủ để bao bọc hết không gian “viền” quanh chủ thể. Các ống kính đạt độ mở này có rất nhiều và giá cả dao động từ vài chục đến hàng nghìn USD. Trong đó, có hai ống kính được đánh giá là “ngon – bổ – rẻ” mà bạn nên tham khảo, đó là EF 50mm f/1.8 II của Canon và AF 50mm f/1.8 D của Nikon. Cả hai ống đều có giá trong khoảng 100 USD (khoảng 2 triệu đồng).
     
    Vận dụng độ mở ống kính (phần II) 3
    Ảnh chụp bằng ống kính 35mm/1.8G, “viên ngọc đen” của Nikon.
     
    Cách chụp tương tự như với thể loại ảnh phong cảnh, đó là sử dụng chế độ chụp Ưu tiên khẩu độ để kiểm soát độ mở ống kính. Cũng vì độ mở ống kính lớn nên tốc độ chụp thường rất nhanh, người chụp không còn phải lo lắng về khả năng rung tay gây nhòe ảnh. Hãy tận dụng điều này để giảm ISO xuống mức thấp nhất có thể. ISO càng thấp cho nước ảnh càng mịn, da dẻ người trong ảnh theo đó sẽ càng mịn màng, đẹp đẽ hơn.
     
    Với người sử dụng máy ảnh du lịch, như đã nói ở phần trước, GenK xin hướng dẫn các bạn cách tối ưu nhất để chụp được một tấm hình chân dung (hoặc tĩnh vật) gần giống với máy ảnh chuyên nghiệp nhất.
     
    Ở phần trước, ta đã biết rằng độ mở ống kính có tác động tới DOF và bokeh của ảnh. Tuy vậy, đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định tới 2 điều này. Cụ thể, mối tương quan giữa DOF và các yếu tố tác động tới nó được thể hiện trong bảng Các mối liên quan dưới đây:
     
    Vận dụng độ mở ống kính (phần II) 4
    Bảng Các mối liên quan giữa DOF và khẩu độ, tiêu cự, khoảng cách.
     
    Ở ảnh (1), ta có thể thấy độ dày của vùng DOF thay đổi theo độ mở ống kính, đúng như đã nói ở phần trước.
     
    Ở ảnh (2), khi độ mở ống kính được giữ nguyên không thay đổi, độ dày của vùng DOF vẫn bị thay đổi, nhưng lần này là do tiêu cự của ống kính. Cụ thể, ống kính có tiêu cự càng lớn (tele) càng tạo ra vùng DOF mỏng hơn.
     
    Ở ảnh (3), khi giữ nguyên cả tiêu cự lẫn độ mở ống kính, vùng DOF lại thay đổi tùy thuộc vào tỷ lệ khoảng cách từ máy đến chủ thể / chủ thể đến hậu cảnh.
     
    Đó là một trong những lý do tại sao mà đối với dòng máy ảnh ống kính rời, có những ống kính tele với độ mở tương đối nhỏ nhưng vẫn được nhiều người sử dụng để chụp chân dung. Bởi giá thành của một chiếc ống kính như vậy nhìn chung rẻ hơn rất nhiều so với ống kính fix độ mở lớn.
     
    Vận dụng độ mở ống kính (phần II) 5
    Dù chỉ có độ mở f/4, nhưng nhờ tiêu cự tele 200mm nên ảnh này vẫn tạo được hiệu ứng xóa phông khá tốt, dù bokeh không đẹp.
     
    Như vậy, với các máy ảnh du lịch – thông thường có ống kính với độ mở nhỏ, hoặc với những người sử dụng máy ảnh ống kính rời nhưng chưa có điều kiện trang bị riêng một ống kính độ mở lớn, thì cách tối ưu để chụp một tấm hình chân dung / tĩnh vật là:
     
    -         Bố trí vị trí của chủ thể sao cho vùng hậu cảnh phía sau nằm ở khoảng cách càng xa càng tốt, có sự nhất quán về màu sắc, đặc biệt ưu tiên các tông màu tối.
     
    -         Đẩy zoom ra hết mức có thể để đạt được tiêu cự tối đa.
     
    -         Người chụp đứng ở khoảng cách gần chủ thể nhất có thể mà vẫn đảm bảo máy lấy nét tự động được (*) và bố cục ảnh đẹp.
     
    -         Sử dụng chế độ chụp ưu tiên khẩu độ, hoặc chế độ chụp Portrait trên máy để đạt được độ mở ống kính lớn nhất mà máy cho phép.
     
    Thông thường với máy du lịch, để tạo ra bokeh có hiệu quả, ngoài việc bố cục hậu cảnh khéo léo, máy cần có độ zoom từ mức 5x trở lên.
     
    Vận dụng độ mở ống kính (phần II) 6
    Bạn có tin là tấm hình này chụp bằng ống kính kit 18-55mm hay không? Chỉ cần đẩy
     tiêu cự ra hết cỡ (55mm), chọn độ mở ống kính lớn nhất có thể (f/5.6) và
    lấy nét ở khoảng cách gần nhất thôi. Và máy ảnh du lịch cũng có thể làm được như vậy!
     
    Ngoài cách đó ra, ta còn biết rằng trên máy có một chế độ chụp đặc biệt gọi là Macro, thường ký hiệu bằng hình bông hoa. Macro – hay chính xác hơn phải gọi là Close-up, là phương thức chụp mà ở đó, máy cho phép lấy nét ở một khoảng cách gần hơn cả khoảng cách tối thiểu thông thường (**). Xem lại hình (3) trong bảng Các mối liên quan trên, ta có thể suy luận ra rằng, nếu sử dụng chế độ chụp Macro thì sẽ tạo ra tỷ lệ khoảng cách từ máy đến chủ thể / chủ thể đến hậu cảnh lớn hơn, và do đó vùng DOF sẽ mỏng hơn được một chút. Ta cũng có thể kết hợp cách này (bật Macro) với các bước chụp ở trên để đạt được hiệu quả cao hơn.
     
    Vận dụng độ mở ống kính (phần II) 7
    Ảnh chụp ở độ mở f/2.8 kết hợp với chế độ Close-up cho vùng DOF cực mỏng. Bạn có
    thể thấy là phần mũi chú mèo rất nét, nhưng chỉ mới ra đến vùng rìa mặt là đã nhòe rồi.
     
    (*) (**) Lưu ý rằng với bất kỳ máy ảnh du lịch nào (hoặc bất kỳ ống kính nào trên máy ảnh ống kính rời), cũng đều có một khoảng cách lấy nét tối thiểu mà khi đưa máy vào gần sát chủ thể hơn khoảng cách đó thì máy sẽ không thể lấy nét được. Có thể xác định khoảng cách tối thiểu này bằng cách dí sát máy vào chủ thể, rồi nhích dần nhích dần ra xa cho tới khi máy báo đã lấy nét thành công.
     
    3. Khắc phục đổ bóng khi chụp ngược sáng
     
    Bạn đã bao giờ chụp ảnh cho người mình yêu với phần hậu cảnh phía sau cực kỳ đẹp, hai người chắc mẩm phen này sẽ có một tấm hình đẹp để up lên Facebook, nhưng đến khi xem lại thì cả hai cùng chưng hửng vì mặt cô ấy đen thui chưa? Đó là vì ánh sáng đã “phản bội” bạn, khi nằm ở phía sau lưng chủ thể và do đó tạo ra hiện tượng ngược sáng, đổ bóng (shadow) lên mặt cô ấy. Nếu bắt cô ấy phải xoay người về hướng khác thì sẽ mất đi phần hậu cảnh tuyệt đẹp kia, vậy phải làm sao bây giờ?
     
    Câu trả lời nằm ở 3 yếu tố:
     
    -         Một là độ mở ống kính. Độ mở ống kính càng lớn sẽ càng có hiệu quả hơn trong việc giúp bạn cứu vãn tình thế này. Hãy chọn chế độ chụp Ưu tiên khẩu độ, và mở khẩu độ ra hết mức có thể.
     
    -         Hai là thiết lập phương thức đo sáng cho máy. Khái niệm về phương thức đo sáng sẽ được nói kỹ hơn ở bài viết về Kỹ thuật chụp ảnh. Còn bây giờ, bạn hãy tìm xem trong Menu có phần nào ghi là Metering không, thiết lập nó ở chế độ đo sáng điểm (Spot Metering) và lấy nét vào đúng giữa gương mặt chủ thể.
     
    -         Sử dụng flash để bù sáng. Máy ảnh ống kính rời và một số máy du lịch cao cấp có tính năng giảm cường độ sáng của đèn flash, như vậy ánh sáng đèn phát ra sẽ chỉ vừa đủ làm sáng khuôn mặt của chủ thể bị đổ bóng chứ không gây cảm giác ảnh bị “bẹt”, bóng lóa. Với các máy du lịch bình dân không thay đổi được cường độ đèn, có thể giải quyết bằng cách lấy một tờ giấy ăn che phía trước đèn. Vấn đề sử dụng đèn flash sao cho hiệu quả sẽ được nói kỹ hơn trong bài viết về Sử dụng đèn Flash.
     
    Vận dụng độ mở ống kính (phần II) 8
    Dù nguồn sáng mạnh đến từ phía sau, nhưng gương mặt chú sâu nhồi bông này vẫn đủ
    sáng nhờ được lấy nét theo kiểu Spot Metering. Bạn hãy thử xem sao!
     
    Trên máy ảnh ống kính rời, thiết lập về chế độ đo sáng thường được đặt nằm ở một nút riêng hoặc núm gạt vì nó khá quan trọng. Ký hiệu của nó như sau:
     
    Vận dụng độ mở ống kính (phần II) 9
     


    Vận dụng độ mở ống kính (phần II) 10
    Nút gạt qua 3 chế độ đo sáng trên máy, và ý nghĩa các ký hiệu này ở 2 dòng máy ảnh phổ biến Canon – Nikon.
     
    Độc giả thân mến, còn rất nhiều khái niệm, kiến thức nhiếp ảnh cần nhắc tới. Chúng ta mới chỉ ở những bước ban đầu của Kiến thức nhiếp ảnh, và hiện nay GenK vẫn chưa khởi động chuỗi bài về Phụ kiện nhiếp ảnh số hay Kinh nghiệm - Kỹ thuật chụp ảnh...và thực sự đó mới là phần thú vị. Bài viết của tuần này xin tạm dừng tại đây, mời các bạn đón đọc Chuyên đề máy ảnh số tại GenK trong những tuần tiếp theo.
     

    Xem thêm những bài viết khác thuộc Chuyên đề máy ảnh số.