Điều khiển cử chỉ có tiềm năng thay thế 3D Touch và mang cảm ứng đa điểm lên Mac

    Tấn Minh,  

    Tuần tới tại MWC ở Barcelona, LG sẽ vén màn một chiếc smartphone mới với hệ thống điều khiển cử chỉ độc đáo.

    Trong đoạn video "nhá hàng", gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc hứa hẹn hệ thống này sẽ đặt dấu chấm hết cho cảm ứng đa điểm - vốn là cách chúng ta đã và đang tương tác với smartphone kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên xuất hiện vào năm 2007.

    Hệ thống điều khiển cử chỉ của LG có một cảm biến cử chỉ với khả năng phát hiện chuyển động của bàn tay phía trước thiết bị, thay vì yêu cầu ngón tay phải tương tác vật lý với màn hình. Do đó, bạn có thể chỉ ngón tay vào một nút bấm trên màn hình từ khoảng cách xa chứ không cần phải chạm vào mặt kính thiết bị mới chọn được nút bấm đó.

    Nghe hoành tráng là vậy, nhưng trên thực tế, điều khiển cử chỉ sẽ chưa thể sớm thay thế được cảm ứng đa điểm. Tuy nhiên, dù LG tác giả hệ thống này, Apple mới là hãng có thể tận dụng nó một cách thông minh bất ngờ. Điều khiển cử chỉ có thể thay thế 3D Touch (vốn là thứ Apple dự định xoá sổ), và nó sẽ là một cách tuyệt vời để họ có thể mang cảm ứng đa diểm lên các máy Mac của mình.

    Video giới thiệu MWC 2019 của LG

    Cảm ứng đa điểm rất tuyệt vời, nhưng nó vẫn chưa hoàn hảo

    Theo nhiều cách, giao diện người dùng trong cảm ứng đa điểm đã chứng tỏ được ưu thế vượt trội so với phương thức trỏ (point-and-click) mà máy Mac đang sử dụng. Khi bạn duyệt web, bạn hẳn sẽ có lúc muốn đưa tay ra và chạm vào một đường link thay vì phải rê con trò chuột đến vị trí đó. Nhưng cảm ứng đa điểm lại có một điểm trừ lớn: nó không có chế độ "lơ lửng".

    Nghĩa là sao? Web được thiết kế dành cho phương thức trỏ. Khi bạn để con trỏ chuột "lơ lửng" trên một thứ gì đó, chúng thường thay đổi đôi chút, hiển thị một số thông tin thêm. Nhưng với cảm ứng đa điểm, chúng ta không hề có con trỏ chuột, nên cũng chẳng có cách nào để thực hiện thao tác "lơ lửng" đó.

    Điều này khiến trải nghiệm duyệt web đôi lúc cực kỳ khó chịu khi sử dụng một thiết bị iOS. Trên các website với các hình ảnh có thể kích vào được và có hiệu ứng khi bạn thả chuột lơ lửng trên chúng, bạn thường phải chạm vào hình ảnh đến 2 lần mới chọn được đường link. Cú chạm đầu tiên sẽ hiển thị trạng thái hình ảnh khi con trò chuột lơ lửng bên trên, và cú chạm thứ hai sẽ kích hoạt đường link.

    Nếu màn hình iPhone có thể phát hiện ngón tay bạn trước khi bạn chạm vào màn hình thì sao?

    Những thiết bị cảm ứng đa điểm ngày nay có thể không hỗ trợ trạng thái con trỏ lơ lửng, nhưng điều đó không có nghĩa ngón tay của bạn không ở trạng thái đó trước cú chạm. Thực ra là có: thông thường ngón tay bạn sẽ lơ lửng trên một biểu tượng ứng dụng trước khi bạn quyết định có chạm vào nó hay không.

    Hãy tưởng tượng nếu Apple giới thiệu hệ thống điều khiển cử chỉ cùng với iPhone 11, giống như LG sắp giới thiệu vậy. Hệ thống đó sẽ phát hiện vị trí của ngón tay bạn khi nó đang ở phía trên màn hình, trước khi bạn chạm vào mặt kính.

    Nói cách khác, hệ thống điều khiển cử chỉ sẽ giúp Safari trên iOS hỗ trợ thao tác lơ lửng nói trên. Nhưng nó còn làm được nhiều hơn thế nữa.

    Tại sao lại xoá sổ 3D Touch khi có thể làm nó tốt hơn?

    Nhiều tin đồn gần đây cho rằng Apple có dự định xoá sổ 3D Touch, công nghệ được hãng trang bị cho một số mẫu iPhone với khả năng cảm nhận lực nhấn lên màn hình của người dùng.

    Lý do? Đầu tiên, chi phí linh kiện để mang lại công nghệ này là khá cao. Thứ hai, người ta chẳng dùng 3D Touch nhiều như Apple mong muốn.

    Nhưng cố để tiết kiệm vài đồng xu và thừa nhận 3D Touch là một thất bại chẳng phải là phong cách của Apple. Cách của họ phải là nghiên cứu xem tại sao 3D Touch lại thất bại và sau đó tìm cách để khắc phục.

    Đây là lúc điều khiển cử chỉ phát huy tác dụng. Vấn đề với 3D Touch là người ta không biết đến sự hiện diện của nó. Đúng là 3D Touch mang đến nhiều tùy chọn hữu ích, như mở ra các menu ngữ cảnh khi bạn nhấn lên một biểu tượng ứng dụng. Nhưng 3D Touch không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào để bạn biết những tùy chọn đó có tồn tại. Do đó, người ta chẳng biết nó có tồn tại.

    Nhưng nếu Apple thay thế 3D Touch bằng cử chỉ lơ lửng, chỉ cần người dùng đặt ngón tay bên trên màn hình, ngay tại vị trí biểu tượng ứng dụng, các tùy chọn sẽ tự động mở ra. Bạn chẳng cần đoán nữa. Chúng hiển thị ngay trước mắt bạn, trước cả khi bạn chạm tay xuống.

    Concept đóng cửa sổ trên Mac bằng điều khiển cử chỉ

    Điều khiển cử chỉ: nguyên liệu còn thiếu để có một chiếc Mac cảm ứng đa điểm

    Sức mạnh tổng hợp giữa điều khiển cử chỉ và cảm ứng đa điểm chưa dừng lại ở đó. Cử chỉ có thể cung cấp nguyên liệu còn thiếu để Apple có thể tạo ra một chiếc Mac có cảm ứng đa điểm - theo cách đúng đắn.

    Nếu bạn từng phải dùng Windows 10, hay những màn hình gắn phía trước ghế ngồi trên máy bay, hay các máy bán hàng tự động tiên tiến, bạn sẽ biết ứng dụng cảm ứng đa điểm sai cách lên một hệ điều hành desktop sẽ gây ra thảm họa như thế nào.

    Thay vì hỗ trợ cảm ứng đa điểm ngay trong hệ điều hành, những thiết bị này thêm cảm ứng đa điểm như một thành phần phụ trợ bổ sung cho giao diện con trỏ cổ điển. Khi bạn chạm vào màn hình, giao diện sẽ di chuyển con trò đến vị trí bạn vừa chạm và kích hoạt một cú click chuột. Điều này mang lại cảm giác nặng nề và chậm chạp, và bạn thậm chí còn thấy con trỏ chuột hình mũi tên hiện ra ngay dưới ngón tay khi chạm. Thao tác cuộn theo kiểu này thậm chí còn kinh hoàng hơn nữa.

    Tiếp đó là vấn đề với các nút điều khiển. Trên giao diện người dùng kiểu con trỏ, các nút điều khiển có thể nhỏ và khá chi tiết, vì con trỏ được thiết kế cho những tương tác có độ chính xác rất cao. Nhưng ngón tay thì to và đòi hỏi những khu vực chạm lớn hơn nhiều. Một số nút điều khiển trên Mac đơn giản là quá nhỏ không phù hợp với cú chạm bằng ngón tay.

    Vì tất cả những lý do này, áp dụng cảm ứng đa điểm vào giao diện con trỏ không bao giờ có thể mang lại trải nghiệm kỳ diệu như khi sử dụng iOS. Vậy nên chẳng lạ khi cho đến nay, Apple vẫn một mực từ chối mang cảm biến đa điểm lên Mac.

    Chọn Favorite bằng điều khiển cử chỉ trên Mac

    Cho Mac một ngón tay nào!

    Điều máy Mac cần là một phương thức để giao diện người dùng tự động và chuyển đổi mượt mà từ chế độ con trỏ sang chế độ cảm ứng đa điểm. Và cách hiển nhiên để làm điều đó là phát hiện cử chỉ đưa ngón tay bạn lên trước màn hình.

    Cũng tương tự như cách đặt ngón tay lơ lửng trên màn hình iPhone để hiện ra các tùy chọn bị ẩn dưới một cú nhấn mạnh, đưa ngón tay của bạn về phía màn hình MacBook có thể kích hoạt các nút điều khiển thay đổi kích cỡ bằng kích cỡ ngón tay bạn.

    Những đoạn video mockup ở trên có thể cho bạn thấy concept này. Ví dụ, ba nút "đèn giao thông" trên Mac quá nhỏ không thể dùng tay để chạm được. Tuy nhiên, cử chỉ lơ lửng có thể làm chúng tự động zoom to lên bằng kích cỡ ngón tay.

    Khi một cử chỉ lơ lửng được phát hiện, chế độ cảm ứng đa điểm sẽ được kích hoạt, con trỏ sẽ biến mất, và mọi giao diện điều khiển sẽ thay đổi kích cỡ tương ứng với ngón tay bạn. Di chuyển ngón tay rời khỏi màn hình, hoặc tương tác với trackpad, Mac sẽ chuyển lại về chế độ con trỏ truyền thống.

    Thời đại cải tiến smartphone vẫn chưa kết thúc

    Tất nhiên, những gì chúng ta đang nói ở đây chỉ là dự đoán. Chúng ta không chắc LG sẽ công bố thú gì. Và chúng ta không biết liệu Apple có thể thể có giấy phép sử dụng công nghệ này, hoặc phát triển công nghệ tương tự của riêng họ hay không. Nhưng điều đáng nói ở đây là nó cho chúng ta thấy vẫn còn rất nhiều thứ có thể được cải tiến trong lĩnh vực di động.

    Hầu hết smartphone hiện nay trông rất giống nhau, có cùng tính năng và hình dạng máy (trừ chiếc điện thoại màn hình gập mà Samsung vừa ra mắt).

    Nhiều người sẽ muốn tin rằng thời đại của những cải tiến trên smartphone đã chấm dứt, và chúng đã trở thành một món hàng hóa đại chúng. Nhưng chưa chắc đâu.

    3D Touch có thể đã không đạt được thành công như mong đợi, nhưng chưa chắc Apple đã cạn ý tưởng nhằm cải tiến giao diện người dùng. Những cải tiến đang lờ mờ hiện ra như điều khiển cử chỉ có thể sẽ không thay thế cảm ứng đa điểm, nhưng chúng vẫn sẽ có thể cách mạng hóa phương thức chúng ta tương tác với những thiết bị của mình.

    Tham khảo: CultofMac

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày