400 tỷ USD cho F-35 liệu có quá đáng?

    Nova,  

    F-35, câu chuyện về khí tài trị giá 400 tỷ USD - Đáng giá hay không?

    Vậy là sau 3 năm chậm tiến độ cùng với chi phí vượt ngân sách lên tới 200 tỷ USD, chương trình máy bay chiến đấu F-35 sẽ chính thức đi vào hoạt động trong tháng này. Với gần 15 năm phát triển và quá nửa trong số đó là thời gian thử nghiệm, kiểm tra các trục trặc trên cả phần cứng lẫn phần mềm, nếu F-35 có thể tham gia thực chiến thì đây sẽ là khí tài đắt đỏ nhất từ trước đến nay trong lịch sử loài người.

    F-35C trong ánh chiều tà.

    F-35C trong ánh chiều tà.

    F-35 được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất, từ công nghệ tàng hình cho tới hệ thống radar có khả năng định vị tên lửa địch. Nó cũng được trang bị các loại vũ khí uy lực nhất, từ các loại bom SBD II có khả năng dẫn đường bằng laser và hồng ngoại, cho đến hệ thống khóa mục tiêu cho phép xác định vị trí máy bay địch trong mọi điều kiện thời tiết và bất kể ngày đêm.

    Mặc dù vậy, rất nhiều người cho rằng dự án này chỉ là trò đùa khi chi phí 400 tỷ USD cho việc phát triển một chiếc máy bay là hơi quá đáng khi mà bản thân F-35 không chứng mình mình vượt trội hơn so với "tiền bối" F-16.

    Ngựa non F-35 đối đầu bà già F-16.

    "Ngựa non" F-35 đối đầu "bà già" F-16.

    Người phát ngôn của hãng sản xuất Lockheed Martin, Michael Rein, cho biết F-35 được thiết kế năm 2001 với mục tiêu thay thế phi đội "máy bay bà già" từ những năm 70-80 của thế kỷ trước trong biên chế Không quân Mỹ. Việc phát triển F-35 sẽ là "ngòi nổ" cho một cuộc cách mạng về công nghệ sản xuất máy bay quân sự đối với Mỹ và các nước đồng minh bởi vì sẽ chẳng phi công nào muốn lái những chiếc máy bay đã "có tuổi" và dễ dàng bị bắn hạ bởi những vũ khí phòng không ngày càng hiện đại.

    Mặc dù vậy, nếu nhìn vào số tiền nước Mỹ phải chi cho chiếc máy bay này sẽ khiến không ít người giật mình. Theo báo cáo của Văn phòng Kế toán Chính phủ (GAO), chương trình phát triển F-35 sẽ tiêu tốn ít nhất 400 tỷ USD để xây dựng một phi đội khoảng 2457 chiếc, cùng với đó chi phí vận hành và duy trì những khí tài này sẽ tốn tới 1000 tỷ USD cho đến khi chúng không thể bay được nữa.

    Đó là còn chưa kể đến những báo cáo của các phi công thử nghiệm, chiếc mũ trị giá 500 nghìn USD mà họ sử dụng tỏ ra khá vô dụng khi tham chiến. Ví dụ như chiếc mũ bảo hiểm này quá to so với không gian chật hẹp của buồng lái, do đó rất khó để cử động một cách thoải mái khi đang bay, ngoài ra chức năng hiển thị các thông tin trực tiếp và hình ảnh bên ngoài của chiếc máy bay khiến cho phi công rất khó xác định phương hướng, đôi khi các hình ảnh bị rối tung khiến cho phi công phải bay trong tình trạng mù.

    Chiếc mũ siêu phức tạp dành cho phi công F-35.

    Chiếc mũ siêu phức tạp dành cho phi công F-35.

    Thậm chí làn sóng phải đối chương trình F-35 đã lan rộng đến mức nhiều chuyên gia quân sự Hoa Kỳ đã so sánh nó với chương trình phát triển F-22 trị giá 70 tỷ USD nhưng lại đạt hiệu quả cực cao trước đây và họ gọi F-35 là "thứ đồ chơi trẻ con đắt tiền của Bộ quốc phòng và những gã lắm tiền".

    Liệu F-35 có đang lãng phí 400 tỷ USD của nước Mỹ hay không? Câu trả lời có thể sẽ là không. Hãy tìm hiểu một chút về vấn đề này.

    Trước hết, Lockheed Martin khẳng định F-35 không phải máy bay chiến đấu thông thường mà là một “hệ thống tấn công biết bay”. Lịch sử không quân thế giới chưa từng có hệ thống vũ khí nào tương tự. Tính đến nay, Lầu năm góc mới có 84 chiếc F-35 cho huấn luyện và 19 chiếc thử nghiệm, dù bắt đầu được sản xuất từ năm 2006.

    Tại sao chương trình F-35 lại gặp nhiều trục trặc? Lý do khá đơn giản: chúng quá phức tạp. Ví dụ như chiếc mũ bảo hiểm dành cho phi công có giá nửa triệu USD vừa kể trên có những tính năng cực kỳ vượt trội như không chỉ giúp phi công nhìn được không gian phía sau máy bay (không cần quay đầu) mà nó còn hiển thị tất cả thông tin cần thiết ngay trước mặt (trên kính chụp đầu), từ vận tốc, mức độ nhiên liệu, đến định vị…

    Hệ thống các phiên bản F-35 dành cho quân đội Mỹ.

    Hệ thống các phiên bản F-35 dành cho quân đội Mỹ.

    Trong tổng cộng 2.443 chiếc F-35 Lầu năm góc dự kiến mua, có ba phiên bản: F-35A (thiết kế như chiến đấu cơ truyền thống) dành cho Không quân; F-35B (cất cánh lên thẳng) dành cho Thủy quân lục chiến; và F-35C dành cho Hải quân, cánh gập, phóng từ hàng không mẫu hạm bằng lực đẩy hơi nước… F-35A bay thử lần đầu vào tháng 12-2006; F-35B vào tháng 6-2008; và F-35C tháng 3-2010.

    Như đã nói phía trên, F-35 là một hệ thống hoàn chỉnh chứ không phải một chiếc máy bay đơn thuần. Khi tác chiến, chiến đấu cơ thông thường, chẳng hạn F-22, phải đi thành nhóm (2 hoặc 4 chiếc) và các máy bay luôn giữ khoảng cách giữa chúng xa đến mức phi công không thể thấy nhau bằng mắt thường.Trong khi đó với một chiếc máy tính tích hợp bên trong hệ thống, F-35 có thể liên kết và truyền dữ liệu thông qua hệ thống máy chủ. Tức là, các phi công vẫn nhìn thấy đồng đội của mình dù cách xa đến hàng dặm.

    Ngoài ra, F-35 có thể kích hoạt bắn diệt mục tiêu từ các hệ thống vũ khí trên hàng không mẫu hạm, trên các tàu khu trục (sử dụng hệ thống tên lửa Aegis) hoặc trên chính những chiếc F-35 đang tham gia chiến đấu trong khu vực. Chưa bao giờ trong lịch sử máy bay quân sự có một chiến đấu cơ có thể sử dụng tàu khu trục Aegis như một “đồng đội bay” (wingman). Lần đầu tiên, với dữ liệu thông tin được ghi nhận từ F-35, Không quân, Thủy quân lục chiến và Hải quân Mỹ có thể phối hợp tác chiến chặt chẽ theo cách chưa từng có trước đó.

    Nếu cả 3 quân chủng trên có thể hoạt động tác chiến trên một hệ thống hoàn hảo với F-35 thì chắc chắn đây là một vụ đầu tư có lợi cho Hoa Kỳ, thậm chí sau này có thể xuất hiện những hệ thống vũ khí dưới dạng xe tăng hay tàu chiến kiểu mới trong tương lai.

    Thực tế lịch sử cho thấy trước F-35 cũng có rất nhiều khí tài bị liệt vào dành sách "nghi vấn" vì chi phí vượt mức và chậm tiến độ nhưng cuối cùng chúng vẫn chứng minh được khả năng tác chiến tuyệt vời của mình. Điển hình như các chương trình F-15 và C-17. Ví dụ tháng 5-1993, trước làn sóng chỉ trích, Bộ quốc phòng Mỹ thông báo với hãng McDonnell Douglas rằng chương trình vận tải cơ C-17 sẽ bị hủy bỏ trừ khi các vấn đề kỹ thuật không được cải thiện kịp thời.

    Người khổng lồ trên không Boeing C-17.

    "Người khổng lồ trên không" Boeing C-17.

    Lúc đó, C-17 cũng bị dư luận “ném đá” bởi ngân sách vượt mức, dự án trễ hạn và các sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, C-17 cuối cùng đã không bị hủy và nó trở thành loại máy bay không thể thiếu cho loạt chiến dịch tấn công Iraq rồi sau này là Afghanistan. Chương trình V-22 Osprey cũng tương tự, thậm chí người ta còn so sánh mức độ tốn kém của nó với chương trình không gian Apollo, khá hài hước. Tuy nhiên, kể từ khi được đưa vào hoạt động năm 2007, V-22 đã chứng minh tính hiệu quả của nó như thế nào trên chiến trường…

    Từ đó có thể thấy được F-35 hoàn toàn có đủ tiềm năng để xứng đáng với số tiền 400 tỷ USD mà nước Mỹ phải chi cho nó, thậm chí với những áp lực lớn như hiện này thì F-35 càng phải chứng minh được tính năng ưu việt của mình. Chỉ có lửa mới thử được vàng, chúng ta đều biết điều này.

     Giám đốc chương trình thu mua và tính toán kinh phí của GAO, Michael Sullivan tin rằng: "Đó sẽ là một chiếc máy bay tuyệt vời nhưng vấn đề là chúng tôi đẩy tiến độ quá nhanh và đang phải trả giá vì điều đó".

    Theo CNN

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày