Đất sét có thể là khởi nguồn của sự sống

    Nova,  

    Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Cornell (Mỹ) tin rằng, đất sét có thể là "cái nôi sinh ra sự sống trên Trái Đất".

    Một nghiên cứu từ năm 2013 cho rằng mọi sự sống trên Trái Đất có thể bắt nguồn từ đất sét, giống như những gì Kinh Thánh (Thiên Chúa giáo), kinh Koran (Hồi giáo) và triết học Hy Lạp cổ từng đề cập đến cách đây hàng ngàn năm.

    Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Cornell (Mỹ) tin rằng, đất sét có thể là "cái nôi sinh ra sự sống trên Trái Đất". Là sự kết hợp của nhiều khoáng chất trong đất ở dạng cơ bản nhất, đất sét đóng vai trò như một phòng thí nghiệm gây giống gồm các phân tử tí hon và những chất hóa học mà chúng "thấm hút như bọt biển". Quan điểm trên rất giống nội dung một giả thuyết đã phổ biến từ hàng ngàn năm nay trong nhiều nền văn hóa khác nhau, mặc dù chúng không sử dụng cùng một cách lí giải khoa học tương tự.

    Trong các văn tự tôn giáo từ thời Ai Cập cổ đại tới truyền thuyết của Trung Quốc hay kinh Koran của người Do Thái đều cho rằng, ông trời/thượng đế đã dùng đất sét nặn thành hình dáng của con người, rồi thổi hồn vào đó để tạo nên sự sống. Ngay cả quyển đầu của kinh Cựu ước, phần "Chúa sáng tạo ra thế giới" cũng nêu, con người sinh ra từ cát bụi và sẽ trở về với cát bụi khi chết đi.

    Các nhà nghiên cứu Mỹ thời hiện đại đã viện dẫn những căn cứ khoa học để củng cố quan điểm trên. Theo họ, trong nước biển, đất sét hình thành hydrogel - một khối thấm hút các khoáng chất, chất hóa học và phân tử cực nhỏ từ môi trường xung quanh nó. Giáo sư Dan Luo thuộc Đại học Cornell lý giải: "Trong giai đoạn đầu của lịch sử địa chất Trái đất, hydrogel đất sét có chức năng giam hãm các phân tử sinh học và phản ứng sinh hóa. Sau hàng tỉ năm, các chất hóa học bị bó buộc trong đó đã thực hiện hàng loạt phản ứng phức tạp để hình thành nên các protein, ADN và cuối cùng là toàn bộ cơ chế sản sinh ra tế bào sống."

    Một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các pumice - một loại đá núi lửa có độ xốp cao - có thể trở thành nơi tốt nhất cho các phân tử vô cơ kết hợp. Giả thuyết này đã được đề xuất bởi Martin Brasier, Richard Matthewman và Sean McMahon của Đại học Oxford (Anh). Tuy nhiên, Jack Szostak, người đoạt giải Nobel Y học năm 2009, phản bác lại lý thuyết nói rằng đá núi lửa có cấu tạo quá đơn giản cho việc bắt đầu một thực thể sống. "Tôi nghĩ rằng một môi trường phức tạp và đa dạng hơn có thể là cần thiết. Cả về mặt hóa học và vật lý thì ao hồ hay trong một vùng hoạt động địa nhiệt có vẻ hợp lý hơn với tôi", ông nói thêm.

    Kết luận trên được rút ra từ các thử nghiệm của chính nhóm nghiên cứu, khi họ sử dụng các hydrogel tổng hợp, cho thêm ADN, các axit amin và enzym, rồi kích thích sản sinh protein. Mặc dù nghiên cứu có thể mới được coi là một giả thuyết về việc hình thành sự sống trên Trái đất, nó vẫn tiềm tàng nhiều ứng dụng hiện đại, tiết kiệm cho lĩnh vực sản xuất dược phẩm. "Tại sao nên cân nhắc sử dụng đất sét? Vì đây là vật liệu rất rẻ. Hơn thế nữa, dùng đất sét giúp tăng cường sản xuất protein đến kinh ngạc", các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh thêm.

    Tham khảo ScienceDaily, NatureWorldNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày