Trung Quốc: 4000 người chết mỗi ngày vì ô nhiễm không khí

    Billvn,  

    Một nghiên cứu mới đây cho thấy 17% số người tử vong hàng năm tại Trung Quốc có liên quan đến ô nhiễm môi trường.

    Các nhà nghiên cứu cho biết ô nhiễm không khí đã giết chết 4000 người Trung Quốc mỗi ngày mà nguyên nhân chủ yếu là do từ khí thải phát ra từ việc đốt than.

    Khói bụi mù mịt thường xuyên xuất hiện tại Những thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc)

    Khói bụi mù mịt thường xuyên xuất hiện tại Những thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc)

    Trong không khí ô nhiễm có chứa các hạt nhỏ gọi là PM2.5s, chúng có thể gây ra các cơn đau tim, đột quỵ, ung thư phổi và hen suyễn. Đây là nguyên nhân gây ra cái chết của khoảng 1,6 triệu người/năm, chiếm 17 phần trăm số người tử vong ở Trung Quốc mỗi năm. Kết quả này vừa được Berkeley Earth, một nhóm nghiên cứu độc lập với nguồn tài trợ chính đến từ các quỹ giáo dục công bố hôm thứ Năm trên tạp chí PLOS One của tổ chức Public Library of Science.

    "Lần cuối cùng tôi ở Bắc Kinh, ô nhiễm đã ở mức độ nguy hiểm: mỗi giờ tiếp xúc khiến tuổi thọ của tôi giảm sút đi 20 phút", Richard Muller, Giám đốc khoa học của Berkeley Earth và là đồng tác giả của nghiên cứu trên cho biết. Ông cũng nói thêm điều này tương đương với việc con người hút hơn một điếu thuốc lá mỗi giờ.

    Chính quyền Trung Quốc đã thừa nhận tình trạng ô nhiễm không khí sau khi khói mù thường xuyên bao trùm khu một vực rộng lớn của nước này bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải trong những năm gần đây. Họ đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm cứu vãn tình hình như đưa vào các tiêu chuẩn không khí sạch và lập các trạm nghiên cứu, giám sát tình hình đồng thời di dời các nhà máy ô nhiễm ra khỏi các thành phố lớn.

    "Nồng độ PM2.5 đã vượt xa tiêu chuẩn, gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân, mặc dù chất lượng không khí đã được cải thiện ở một nửa trong số 358 thành phố ở Trung Quốc", Dong Liansai, chuyên gia khí hậu và năng lượng của Greenpeace East Asia cho biết.

    Muller và đồng tác giả Robert Rohde đã phân tích 4 tháng số liệu theo giờ của 1500 trạm nghiên cứu không khí tại khắp quốc gia Trung Quốc. Sau đó, họ sử dụng một mô hình của Tổ chức Y tế thế giới để tính toán gánh nặng bệnh tật mà người dân phải đối mặt với tình hình ô nhiễm hiện tại. Họ phát hiện ra rằng 92 phần trăm dân số của Trung Quốc trải qua ít nhất 120 giờ hít thở không khí không trong lành trong suốt khoảng thời gian từ ngày 5 tháng 4 đến ngày 5 tháng 8 năm 2015 (khoảng thời gian nghiên cứu được tiến hành). Đối với 38% dân số, mức ô nhiễm trung bình trong thời gian 4 tháng tiến hành nghiên cứu là không lành mạnh và có tác động xấu đến sức khỏe của họ.

    Theo Cục Thống kê quốc gia của Trung Quốc thì có 90% thành phố trên tổng số 161 thành phố được giám sát chất lượng không khí trong năm 2014 không đáp ứng được các tiêu chuẩn chính thức.

    Các nhà nghiên cứu Berkeley Earth cũng đã kiểm tra nơi các chất ô nhiễm được phát hiện và kết luận rằng các nguồn PM2.5s hầu hết xuất phát từ việc sử dụng than làm chất đốt trong sinh hoạt và đặc biệt là sản xuất công nghiệp. Nhóm nghiên cứu tiết lộ: "Các nguồn ô nhiễm diễn ra trên diện rộng nhưng tăng mạnh từ khu vực Đông Bắc kéo dài đến Thượng Hải rồi Bắc Kinh. Việc ô nhiễm trên diện rộng là điều không ngạc nhiên khi các hạt vật chất có thể phát tán trong không khí với khoảng cách hàng ngàn km".

    Theo số liệu của Cục Quản lý năng lượng quốc gia thì 64% năng lượng sử dụng tại Trung Quốc có nguồn gốc là than đá. Chính vì vậy chính quyền đã lên kế hoạch đóng cửa những nhà máy gây ô nhiễm nhất, hướng đến giảm 60 gigawatt năng lượng từ nguồn nhiên liệu này từ 2016 đến 2020, song song đó, họ cũng bắt đầu sử dụng các công nghệ năng lượng tiên tiến hơn (theo Sophie Lu, chuyên gia phân tích của Bloomberg New Energy).

    Kinh phí nghiên cứu của Berkeley Earth chủ yếu đến từ các khoản tài trợ giáo dục và được hỗ trợ bởi Bộ Năng lượng Mỹ. Chương trình bắt đầu nghiên cứu vào năm 2010 với mục tiêu xem xét các vấn đề có liên quan đến biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sự nóng lên toàn cầu và ô nhiễm không khí.

    Tham khảo: bloomberg

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày