Lời khuyên của "lão làng" gửi developers tương lai: "Hãy làm phần mềm giải quyết vấn đề thực tế, đừng làm những thứ sáng tạo nhưng không ai cần"

    Ngocmiz,  

    "Sản phẩm của các bạn có thể bay bổng, sáng tạo nhưng nếu không giải quyết được một vấn đề, một nhu cầu thực tế nào của xã hội thì vẫn sẽ không dùng được và đương nhiên là bị trừ điểm rất nặng." - Anh Lê Văn Giáp, Trưởng phòng phát triển Mobile tại VCCorp chia sẻ.

    Lê Văn Giáp chắc hẳn là một gương mặt diễn giả không còn xa lạ tại nhiều sự kiện công nghệ, đặc biệt là về mobile và Android.

    Xuất phát điểm là một nhà phát triển web và phần mềm cho desktop, anh Giáp tình cờ “bén duyên” với mobile từ năm 2007 khi được biết mobile sẽ sớm bùng nổ trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

     Anh Lê Văn Giáp, Trưởng phòng Phát triển Mobile tại VCCorp

    Anh Lê Văn Giáp, Trưởng phòng Phát triển Mobile tại VCCorp

    Sau một thời gian tìm hiểu và gắn bó, anh đã sáng lập VietAndroid.com – Cộng đồng lập trình Android đầu tiên tại Việt Nam. Hiện tại, với 10 năm kinh nghiệm về sản phẩm di động, ngoài công việc chính là Trưởng phòng phát triển Mobile thuộc khối Thương mại điện tử Zamba, VCCorp, anh còn là Mentor của Vietnam Android Academy từ 2015, Tech Advisor của Google Developer Group Hanoi và diễn giả tại nhiều sự kiện công nghệ lớn như MobileDay, Google IO Extended, Google DayX, Startup Weekend,...

    Hãy cùng trò chuyện với anh Giáp để hiểu thêm những tố chất mà sinh viên cần có để gia nhập lĩnh vực lập trình di động đang khát nhân lực hiện nay.

    Làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử trên mobile, anh có nhận xét gì về tiềm năng thị trường này trong nước?

    Hiện tại, độ phủ mobile vẫn đang ngày càng được mở rộng tại Việt Nam với 35 triệu người dùng smartphone. Trên các sàn thương mại điện tử của chúng tôi, tỷ lệ người dùng check các chương trình giảm giá và mua sắm trên smartphone cao hơn rất nhiều so với trên PC, thậm chí chỉ đặt hàng qua PC khi không có smartphone.

    Chỉ tính riêng thị trường ứng dụng ecommerce trong nước, số lượt cài app đã tăng gấp đôi kể từ 2015 đến nay. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng được dự báo là sẽ tăng trưởng lên gấp 17 lần vào năm 2025.

    Tất cả những điều này cho thấy thị trường ứng dụng mobile, đặc biệt là trong thương mại điện tử, còn rất nhiều cơ hội để khai thác trong tương lai.

    Với những bạn sinh viên CNTT muốn tham gia vào lĩnh vực mobile, làm việc tại các công ty lớn như VCCorp nhưng chưa có kinh nghiệm hoặc được đào tạo sát thực tế, anh có lời khuyên nào cho các bạn không?

    Ngay cả khi không được đào tạo đúng về lập trình di động thì các bạn vẫn hoàn toàn có thể tham gia làm, nếu có đủ đam mê. Có đam mê, các bạn mới không ngại khó học hỏi và mài giũa kỹ năng của mình, còn về kinh nghiệm thì không quá quan trọng bởi ở các công ty lớn, và ngay cả ở VCCorp, chúng tôi sẵn sàng đào tạo thêm để các bạn giỏi dần lên.

    Thêm vào đó, ngay từ thời sinh viên, các bạn nên tìm hiểu trước về ngôn ngữ, nền tảng mình yêu thích cũng như tích cực tham gia các cuộc thi lập trình để học hỏi, trải nghiệm việc làm ra sản phẩm thật. Tham gia nhiều cuộc thi không chỉ hoàn thiện kỹ năng cho các bạn mà còn bạn giúp mở rộng quan hệ với các chuyên gia trong ngành, có thể lắng nghe họ góp ý về sản phẩm, thậm chí là được giới thiệu cơ hội việc làm hay xin tư vấn về chuyên môn sau này.

    Như vậy, ngoài đam mê, anh nghĩ sinh viên còn cần gì để có thể trở thành lập trình viên mobile mà các công ty công nghệ luôn săn đón?

    Các bạn cần có tư duy và kỹ năng lập trình cơ bản tốt. Lập trình nói chung là đều yêu cầu tư duy rồi, nhưng lập trình mobile lại cần cả tư duy tốt về trải nghiệm người dùng. Khác với màn hình desktop, màn hình smartphone rất nhỏ nên nhà phát triển luôn phải biết tối ưu hóa mọi thứ, đảm bảo sao cho ứng dụng không bị lỗi, thao tác không bị trễ,…

    Tiếp theo là tư duy sáng tạo. Khác với các công ty chuyên outsource thường chỉ cần làm theo ý khách hàng, các công ty tự xây dựng sản phẩm công nghệ đòi hỏi sự sáng tạo cao hơn rất nhiều, bởi bạn luôn phải suy nghĩ cách cải thiện, cách làm cho sản phẩm của mình trở nên khác biệt.

    Một kỹ năng khác là làm việc nhóm. Có thể ở trường các bạn chỉ làm bài tập nhỏ với nhóm nhỏ, nhưng gia nhập vào đội ngũ lớn, thực hiện các sản phẩm, dự án lớn của công ty, các bạn cần biết phối hợp tốt với mọi người trong team để ra được sản phẩm hoàn thiện nhất.

    Ngoài ra lập trình di động, các bạn cũng nên sớm tìm hiểu về các xu hướng hot mà thị trường có nhu cầu cao như big datamachine learning - hai công nghệ đang có ứng dụng rộng khắp trên rất nhiều lĩnh vực hiện nay.

     Một góc văn phòng VCCorp

    Một góc văn phòng VCCorp

    Anh có nhắc đến việc tham gia các cuộc thi lập trình để rèn luyện kỹ năng từ sớm; trong hai năm qua, hình thức thi kiểu hackathon đã bắt đầu nở rộ và áp đảo các dạng thức thi khác tại Việt Nam. Hackathon có gì đặc biệt so với những cuộc thi lập trình thông thường trước đây?

    Sau khi tham gia cố vấn và trải nghiệm cùng các đội thi, tôi thấy hackathon là một mô hình rất hay và ưu việt bởi nó tạo cơ hội tuyệt vời cho các đội thi thể hiện tất cả các kỹ năng xây dựng sản phẩm của mình chỉ trong giới hạn thi 24 đến 48 giờ.

    Dưới áp lực thời gian, các đội phải thể hiện được khả năng tư duy nhanh, khả năng làm việc nhóm (bàn luận thống nhất ý tưởng) cũng như làm việc độc lập (mỗi người phải tự hoàn thành tốt nhất phần của mình để ráp nối hoàn thiện với phần của đồng đội). Các bạn cũng phải biết ưu tiên những tính năng thiết yếu nhất để làm chứ không phải cái gì cũng có thể bê lên sản phẩm mà mong chạy kịp thời gian.

    Trải nghiệm đáng nhớ nhất sau cuộc thi chính là những lúc cùng nhau lập trình, bàn bạc xuyên đêm. Trong khi đó, ở các cuộc thi lập trình truyền thống, các bạn hoàn thành sẵn phần mềm, có thể trong vòng nhiều tháng, thậm chí cả năm trước đó rồi mới đến thuyết trình sản phẩm cuối cùng thôi, không thể hiện được hết tinh thần đồng đội chặt chẽ và khả năng ứng biến nhanh như hackathon. Nhìn chung, hackathon không chỉ là một cuộc thi, nó còn là một lớp học, một trải nghiệm tuyệt vời nữa.

     Billboard treo ảnh các lãnh đạo và nhân viên VCCorp

    Billboard treo ảnh các lãnh đạo và nhân viên VCCorp

    Bản thân cũng đang làm cố vấn, giám khảo một cuộc thi hackathon, anh có lưu ý gì cho những bạn tham gia thi?

    Đầu tiên, vì chỉ được xây dựng sản phẩm trong 24-48 giờ nên các đội thi cần thống nhất ý tưởng sẽ triển khai ngay từ trước cuộc thi để không mất quá nhiều thời gian vào chuyện thảo luận thêm lúc thi.

    Thứ hai, khi xây dựng đội nhóm tham gia, các bạn cũng nên cân nhắc độ đồng đều về trình độ của các thành viên. Trước ngày thi, nếu thấy thành viên nào chuyên môn còn yếu thì nên cân nhắc thay thế người khác để không làm ảnh hưởng đến kết quả toàn đội.

    Thứ ba, các bạn cần biết tiêu chí chấm điểm của cuộc thi là gì. Ví dụ như cuộc thi UET Hackathon mà tôi đang đồng hành thì tiêu chí chủ đạo sẽ là tính thực tiễn - cũng chính là thông điệp của cuộc thi. Sản phẩm của các bạn có thể bay bổng, sáng tạo nhưng nếu không giải quyết được một vấn đề, một nhu cầu thực tế nào của xã hội thì vẫn sẽ không dùng được và đương nhiên là bị trừ điểm rất nặng.

    Tiếp theo, do thời gian thi ngắn nên các bạn đừng tham nhét hết mọi tính năng vào sản phẩm để rồi lại dở dang, không hoàn thiện. Hãy biết khoanh vùng những tính năng chính yếu, ấn tượng để làm trước và làm tốt nhất có thể. Với các tính năng phụ, các bạn có thể hứa hẹn bổ sung sau, ban giám khảo sẽ hoàn toàn hiểu.

    Cuối cùng là về trải nghiệm người dùng. Nhóm bạn có tư duy tốt về chức năng, giải pháp nhưng sản phẩm mang lại trải nghiệm kém thì giám khảo họ cũng không nhìn ra được cái hay của các bạn. Trải nghiệm tốt chính là cách bạn thể hiện được những gì đã hứa hẹn lên sản phẩm thật.

    Vì vậy, các bạn cũng nên cố gắng tìm người thiết kế UX/UI tốt đưa vào nhóm, hoặc ít ra cũng nên làm bản nháp khung trước ở nhà để lúc thi không phải tranh cãi xem nút nào để ở đâu nữa.

    Xin cảm ơn anh!

    Được xem là một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm có độ phủ mạnh trên hầu hết các lĩnh vực về công nghệ và Internet như: thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, online media, mobile content, social media,... công ty cổ phần VCCorp luôn quan tâm, đầu tư bài bản và hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghệ, đặc biệt là những sự kiện ươm mầm như UET Hackathon Open 2017.

    UET Hackathon Open 2017 (Chủ đề: Ứng dụng phần mềm trên nền tảng Di động) là cuộc thi sáng tạo sản phẩm phần mềm do Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Các đội thi lập trình liên tục trong 42 giờ để hoàn thiện ứng dụng, sau đó thuyết trình với ban giám khảo để trình bày sản phẩm của mình. Ngoài cơ hội nhận phần thưởng của chương trình, các đội đạt giải còn được tuyển thẳng vào làm việc tại VCCorp.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ