Chỉ sau 90 ngày lên sóng, startup Việt giúp bạn "đọc báo kiểu mới" đã thu hút 700.000 người dùng
Từ một ý tưởng giải quyết vấn đề của chính founder, KOLA đã trở thành "Trợ lý ảo nội dung" với mức tăng trưởng chóng mặt như thế nào?
Một trong những startup đang nổi lên những ngày này là KOLA, công ty phát triển ứng dụng đọc báo cùng tên hiện đã có sẵn trên nền tảng Android. Hãy cùng trò chuyện với founder/CEO Phạm Minh Tiến để tìm hiểu thêm về KOLA cũng như hành trình đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng dưới đây.
Một vài con số nổi bật về KOLA:
- Đạt 700.000 người dùng chỉ sau 91 ngày lên sóng (Ra mắt từ tháng 11/2016)
- Lọt Top 50 ứng dụng miễn phí phổ biến nhất trên Google Play sau 24 ngày ra mắt.
- 100.000 người dùng hàng ngày.
- Đã nhận 16.572 lượt review với mức rate 4,4* trên Google Play
Ý tưởng tình cờ từ chính vấn đề cá nhân
Trong một lần chờ ăn trưa với đồng nghiệp, Tiến quan sát thấy hầu hết mọi người đều bật tắt điện thoại liên tục... một cách vô thức. Tìm hiểu sâu thêm, anh được biết trung bình mỗi ngày, người dùng smartphone bật tắt màn hình không dưới 40 lần, đa phần chỉ để giải khuây chứ không có việc gì quan trọng cả.
CEO KOLA Phạm Minh Tiến
Bản thân anh những lúc chờ đợi cũng thường mở điện thoại, vào Facebook giết thời gian, nhưng nếu vào liên tục trong khoảng dưới 30 phút thì dường như News Feed sẽ trở nên vô cùng tẻ nhạt vì không được cập nhật thêm gì mới – kéo lên hay xuống vẫn chỉ thấy những post cũ đã xem. Anh tự hỏi nếu mạng xã hội này là lựa chọn đầu tiên thì liệu mình có thể tạo ra thêm một lựa chọn thứ hai?
Kể từ khi nảy ra ý tưởng, anh đã nhanh chóng nghiên cứu về mô hình này và quyết định từ bỏ công việc 4 năm ở Cốc Cốc để lập công ty riêng chỉ vài tuần sau đó.
Mô hình của Kola có gì đặc biệt?
KOLA tự định vị mình như một “Trợ lý nội dung” có khả năng lựa chọn sẵn cho người dùng những bài viết, video yêu thích và đưa lên ngay màn hình khóa điện thoại để họ dễ dàng truy cập chỉ với một cú lướt tay, theo dõi tin tức mới trên giao diện lật trực quan như báo thật.
Thoạt nghe về KOLA, nhiều người có thể nghĩ ngay đây là ứng dụng tương tự một app đọc tin tổng hợp phổ biến hiện nay là Báo Mới.
Tuy nhiên, thay vì chỉ tổng hợp tất cả tin tức trên mạng về một nguồn như Báo Mới hay nhiều công cụ lướt tin khác, Kola lại hướng tới việc tìm kiếm nội dung phù hợp với mối quan tâm và sở thích của người dùng, giúp họ tránh được tình trạng "ngập lụt" trong một biển thông tin trên Internet.
Theo lời nhà sáng lập Kola, “Chúng ta đang sống trong 1 biển nội dung. Và mỗi ngày lại có hàng ngàn nội dung mới được tạo ra. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường xuyên ở trong trạng thái không có gì thú vị để xem. KOLA được tạo ra để giải quyết chính vấn đề đó”.
Anh Tiến cho biết, trung bình mỗi ngày một người dùng KOLA vuốt đến 160 nội dung. Tập người dùng công sở nhóm tuổi 25 hiện đang chiếm gần 40% lượng người dùng ứng dụng.
Anh cũng chia sẻ rằng trong tương lai, công ty sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống machine learning để app có thể học thói quen người dùng và lựa chọn nội dung chuẩn xác hơn cho họ.
Bí quyết mang về doanh thu chỉ sau 18 ngày ra mắt
Một sự thật thú vị khác về KOLA đó là chỉ 18 ngày sau khi ra mắt, startup này đã bắt đầu có doanh thu từ việc quảng cáo cho các nhãn hàng.
Bí quyết của điều này là nhờ KOLA đã thành lập đội sales từ rất sớm, ngay khi sản phẩm vẫn còn đang trong giai đoạn code. Nhóm sales của KOLA cũng tìm đến các nhà quảng cáo ngay từ lúc sản phẩm còn chưa được phát hành.
Anh Tiến giải thích chỉ riêng việc tìm liên hệ, xin lịch hẹn với một nhà quảng cáo đã có thể tốn 2 tuần. Hơn thế nữa, quá trình nhà quảng cáo cân nhắc sản phẩm của bạn sẽ còn lâu hơn rất rất nhiều. Vì vậy, chờ tới khi sản phẩm ra mắt có người dùng rồi mới tiến hành sales sẽ là quá muộn.
Như một quy tắc bất thành văn, các startup công nghệ hay tập trung "chịu lỗ" xây dựng sản phẩm, tìm kiếm và tăng trưởng người dùng (thường không trả phí) lên mức tương đối rồi mới bắt đầu nghĩ đến chuyện tìm khách hàng đăng quảng cáo để kiếm doanh thu. Tuy nhiên, CEO KOLA lại nghĩ khác:
“Thời mà các nhà đầu tư chỉ nhìn vào lượng người dùng để rót vốn đã qua rồi. Bạn cần chứng minh được khả năng ra tiền. Còn thời mà cứ có nhiều người dùng là nhà quảng cáo sẽ trả tiền thì thậm chí còn chưa từng xuất hiện bao giờ. Không có guồng máy sales quy củ, startup sẽ giống như con thuyền buồm ra khơi mà không có gió."
Một góc văn phòng KOLA
Anh cũng nhận định rằng việc tuyển nhân viên sales giỏi trong điều kiện startup cần cực kỳ nhiều thời gian: “Người làm sales là những người rất thực tế. Họ quan tâm tới khả năng kiếm tiền của họ ngay trong tháng này chứ không phải là mãi 1 năm sau. Thuyết phục được một người làm sales giỏi bỏ công việc thu nhập cao của họ để đầu quân cho một startup là việc cực kỳ khó và mất rất nhiều thời gian. Bởi vậy, bạn cần bắt đầu quá trình tuyển sales từ rất sớm.”
Xây dựng sản phẩm thân thiện cho cả nhà quảng cáo lẫn người dùng
Việc thành lập đội sales ngay từ khi xây dựng sản phẩm cũng giúp KOLA rất nhiều trong việc xây dựng hệ thống quảng cáo:
“Các kỹ sư công nghệ có rất ít hiểu biết về nhu cầu của phòng marketing các nhãn hàng lớn; tiếp cận nhóm đối tượng này cũng không hề dễ. Bởi vậy, trong những ngày đầu khi xây dựng tính năng cho nhà quảng cáo, chúng tôi hầu như chỉ dựa trên những một chút thông tin mò mẫm hỏi người này người kia. Nhưng khi đội ngũ sales – những người từng lăn lộn bán quảng cáo cho các brand xuất hiện thì mọi chuyện khác hẳn” – Anh Tiến thừa nhận.
Cách hiển thị quảng cáo của Kola cũng khắc phục được nhiều nhược điểm của quảng cáo banner – vốn thường được “nhét” vào bài viết làm gián đoạn trải nghiệm đọc.
Thay vì chen chúc trên cùng một trang với nội dung, các quảng cáo của KOLA được phân hẳn sang các trang riêng. Cụ thể, trên giao diện lật, các bài viết sẽ nằm gọn trong một slide, quảng cáo nằm ở slide khác chứ hoàn toàn không tràn vào phần nội dung gây rối mắt người đọc. Điều này cũng giúp giảm thiểu các trường hợp click nhầm – vốn là cơn ác mộng cho cả người đọc lẫn nhà quảng cáo. Hiện nay, nhiều thương hiệu nổi tiếng như Ford, CGV, K , Vivo, Dược Nam Hà, Bia Đại Việt... cũng đã lựa chọn KOLA làm kênh quảng cáo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"